Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) do Giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến của các cơ quan hữu quan, dự thảo lần thứ 19 này có 6 chương và 60 điều.

Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, có ý kiến đề nghị xem xét đưa trang thông tin điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội vào điều chỉnh tại luật này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên điều chỉnh các sản phẩm thông tin trên tại văn bản dưới luật. Vấn đề này, UBTVQH có ý kiến: Ở nước ta, báo chí là sản phẩm thông tin do cơ quan báo chí thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh báo chí còn có một số sản phẩm thông tin có tính chất báo chí không do cơ quan báo chí thực hiện như đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử. Khác với những sản phẩm trên, trang mạng xã hội hoạt động trong môi trường ảo, thường không có người chịu trách nhiệm, đồng thời người viết và tham gia bình luận thường cũng chỉ sử dụng biệt danh, cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN) về báo chí và truyền thông không cấp phép, cũng không quản lý các trang mạng xã hội này, mà chỉ quản lý đơn vị cung cấp dịch vụ mạng. Còn trang thông tin điện tử tổng hợp không phải do cơ quan, tổ chức sáng tạo nội dung tin, bài mà lấy thông tin từ các báo, biên tập lại và phát hành trên mạng. Hiện nay, hoạt động của trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên như quy định của dự thảo Luật; còn trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội tiếp tục để văn bản về quản lý mạng internet điều chỉnh. Đồng thời sửa khoản 24 Điều 4 (dự thảo cũ) thành khoản 17 Điều 3 như dự thảo mới.

 
Toàn cảnh phiên làm việc buổi sáng của UBTVQH về dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Báo chí (sửa đổi)

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, “xu hướng chung bây giờ là thường tập trung vào trên mạng nhiều, lượng người tham gia vào trên mạng ngày càng tăng nhưng luật báo chí để quản lý và kiểm soát về vấn đề này dường như chưa chặt chẽ. “Nếu chúng ta chưa quản lý được ở bên ngoài thì cần phải quản lý chặt chẽ bên trong trước, tôi cho rằng vấn đề này theo dự thảo mới chỉ quản lý được 40%”, đại biểu Ksor Phước nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý thì cho rằng, hiện nay hoạt động của các trang mạng thông tin điện tử, mạng xã hội đã được điều chỉnh, có nhiều liên quan đến quyền con người của công dân, do đó đề nghị phải đưa vào luật. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, truyền thông xã hội phát triển mạnh nhưng dự thảo Luật không điều chỉnh các hình thức thông tin mạng vì đã được quy định chặt chẽ trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Hơn nữa, Bộ trưởng lưu ý, “nếu đưa các loại hình này vào Luật thì vô hình chung thừa nhận đó là loại hình báo chí. Có thể sau này sẽ nâng Nghị định 72 thành Luật để điều chỉnh các hoạt động thông tin mạng”. Tuy nhiên, đại biểu Ksor Phước cho rằng “không thể bỏ” thông tin trên mạng nên “cần bổ sung ngay vào dự thảo Luật, không cần chờ như vậy”.

Về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí tại Điều 9, nhiều ý kiến đề nghị ghép nội dung khoản 1 và khoản 2, đổi tên Điều 10 (dự thảo cũ) là Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; một số ý kiến đề nghị lược bỏ những nội dung đã quy định trong Bộ luật Dân sự để tránh trùng lắp và bỏ một số từ ngữ gây ấn tượng nặng nề. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo, thể hiện như Điều 9 (dự thảo mới).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, dự thảo lần này chu đáo, có nhiều vấn đề liên quan đến các loại hình báo chí, quyền tự do báo chí cũng được bổ sung rất nhiều. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo và Bộ Thông tin Truyền thông cần xem xét thêm tại khoản 1, Điều 9 về “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vì thấy vẫn còn chung chung, phải thể hiện rõ các hành vi là gì?.

Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí (Chương II), đa số ý kiến cho rằng tên Chương II và nội dung của chương chưa chỉ rõ chủ thể của quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; chưa làm rõ nội dung quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trình bày thiếu logic và trùng lắp. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã bổ sung, chỉnh lý tên Chương II thành Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và thiết kế lại chương này, quy định cụ thể quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (các Điều 10, 11, 12,13 dự thảo mới).

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng nêu ý kiến cần phải làm thế nào để Điều 10 cũng phải thể hiện được, có mối liên kết như ở Điều 11,12,13 là trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. “Công dân có quyền cung cấp thông tin, sáng tạo báo chí, do đó họ có quyền đưa ra ý kiến của mình”. 
 Đặc biệt, tại Điều 14 về đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, có nhiều ý kiến cho rằng nên cho phép tư nhân được thành lập cơ quan báo chí. UBTVQH nhận thấy, dự thảo Luật đã dành một chương (Chương II) quy định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó quy định cụ thể công dân được tham gia vào mọi công đoạn trong hoạt động báo chí. Khoản 1 Điều 44 (dự thảo cũ) đã quy định cụ thể các lĩnh vực tư nhân được liên kết với cơ quan báo chí. Khoản 2 Điều 15 (dự thảo cũ) đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu trong đó có nhiều cơ sở do tư nhân thành lập, được có tạp chí khoa học. Do vậy, UBTVQH cho rằng, quy định như dự thảo Luật là phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước hiện nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son: Sau 9 năm khởi động để thực hiện quy hoạch phát triển quản lý báo chí đến năm 2020, Bộ TTTT và Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã thống nhất rất chặt chẽ, hoàn toàn đồng ý với dự thảo mà đồng chí Đào Trọng Thi đã trình bày. Về một số ý kiến của các Ủy viên UBTVQH nêu như theo dự thảo là các Tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, các Tổng công ty, các doanh nghiệp… đã có các sản phẩm báo chí như: tạp chí, trang điện tử… thì sau này theo quy hoạch báo chí sẽ không có báo điện tử, báo in mà chỉ có tạp chí; và theo lộ trình quy hoạch các Sở, ngành cũng sẽ không có báo in… Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, nhu cầu về các tập san, tạp chí của các doanh nghiệp là tự có, “nếu như sắp tới sẽ loại bỏ thì trái với quy luật phát triển. Làm tập san mới quảng cáo được, minh bạch, công khai hóa cho xã hội, cho thị trường biết đang hoạt động như thế nào. Phát triển là để đảm bảo quyền tự do, nhưng nếu đưa thông tin không đúng cần phải cảnh cáo hoặc cắt, không cho hoạt động nữa”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu quan điểm, theo Hiến pháp thì người dân có quyền tiếp cận, tự do báo chí, hay có thể nói là quyền tự do dân chủ. “Dân chủ tức là tạo điều kiện để cho dân được nói. Trong Hiến pháp ta nói về quyền tự do, và tự do chỉ hạn chế về luật; nếu cấm là phải có Luật chứ không thể chỉ là Nghị định. Internet giờ có nhiều, nếu bảo không phải là báo thì không quản lý, nhưng là quyền tự do nên người ta có quyền nói, nhưng nếu bảo có Nghị định rồi thì luật không bao vấn đề ấy là không được. Phải tính để làm sao xã hội phát triển tự do, dân chủ, cởi mở nhưng vẫn hạn chế, không đụng chạm đến những điểm cấm; chỉ cấm những vấn đề đụng chạm đến lợi ích của người khác, của an ninh xã hội. Cứ đàng hoàng mà làm, tôi tin nhân dân sẽ ủng hộ”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Kết luận lại nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu, dự thảo Luật phải giải quyết được các vấn đề đặt ra, trong đó có việc quản lý các loại hình thông tin như báo chí đang còn nhiều tranh luận. Nếu chưa thông thì có thể lùi thời điểm trình dự thảo để hoàn thiện, hướng đến việc “phát triển đến đâu, quản lý đến đó, thể chế được Hiến pháp, bảo đảm quyền dân chủ này”.

* Trong chương trình buổi sáng, UBTVQH còn cho ý kiến về Dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu của dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác tán thành với việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi (Điều 1). Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Việt Nam là thành viên của Công ước Quốc tế về quyền trẻ em nên việc điều chỉnh này là thích hợp và cũng phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. 

Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định “Trẻ em là người dưới mười tám tuổi, trừ khi luật pháp quốc gia công nhận tuổi thành niên sớm hơn”. Theo đó, tuổi trẻ em gắn với tuổi chưa thành niên do luật pháp các quốc gia quy định. Hiến pháp và các bộ luật liên quan đều quy định người từ đủ 18 tuổi (người thành niên) trở lên mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân. 

UBTVQH cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ về “người chưa thành niên” mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác. Trên thực tế không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên, về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không. 

Về sự lo ngại sẽ làm tăng chi ngân sách Nhà nước, theo số liệu của Tổng cục thống kê, hiện nay số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là 4.384.472. Khi điều chỉnh độ tuổi, 4.384.472 người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế…

Theo HOÀNG LAN (báo Quân đội Nhân dân)