Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, October 04, 2016 , 0 bình luận

Từ tinh thần cầu thị, thái độ trách nhiệm của một số lãnh đạo và chính quyền địa phương ở Việt Nam trước một số thông tin trên mạng xã hội, gần đây BBC tổ chức tọa đàm để quảng bá cho điều họ gọi là “sức mạnh truyền thông mạng xã hội”, và biến mạng xã hội thành cái gọi là “truyền thông lề trái”! Vậy bản chất điều BBC đề cập và phóng đại là gì ?
Có thể nói với sự ra đời vào những năm 90 thế kỷ trước, mạng xã hội (Social Network) với một số tính năng tuy sơ khai nhưng đã tạo dựng cơ sở cung cấp cho con người một phương tiện liên kết quan trọng. Sau hơn 20 năm, dựa trên nền tảng phát triển của in-tơ-nét, tiếp nhận thành tựu của khoa học - công nghệ và kết hợp năng lực sáng tạo của con người, mạng xã hội đã phát triển với tốc độ chóng mặt, luôn bổ sung nhiều tiện ích mới, đa dạng, hiệu quả, hấp dẫn, giúp khắc phục khoảng cách địa lý, khắc phục sự khác biệt về quốc gia, ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc,... để một người có thể liên kết, chia sẻ với mọi người, mọi người có thể liên kết, chia sẻ với một người. Do đó, mạng xã hội đã và đang thu hút đông người dùng trên thế giới. Những mạng xã hội, như Facebook, MySpace, Youtube, CyWorld, Twitter,... giờ đây không còn xa lạ. Theo Facebook, đến quý I-2016, số người dùng truy cập mạng này đã lên đến 1,65 tỷ người mỗi tháng. Và từ sự phổ biến của mạng xã hội, từ nhu cầu cần tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà nguyên thủ quốc gia, chính phủ, cơ quan nhà nước, chính khách,... tại một số nước đã lập trang mạng xã hội riêng để tương tác, kết nối.


Phải nói rằng mạng xã hội đã đáp ứng một nhu cầu quan trọng của cuộc sống con người là tạo lập các mối tương tác, tạo điều kiện để mỗi người có thể thể hiện suy nghĩ, tâm tư, sở thích, biểu lộ tình cảm, trao đổi, chia sẻ trải nghiệm, tham khảo ý kiến, trình bày quan niệm về vấn đề nào đó của xã hội hoặc con người... Tính kết nối, chia sẻ gắn liền với mỗi cá nhân đã làm cho thông tin trên mạng xã hội hết sức phong phú. Tuy nhiên, vì gắn liền với mục đích của người công bố cho nên thông tin trên mạng xã hội không mang ý nghĩa như thông tin từ truyền thông công chúng. Theo ông Trương Trí Vĩnh, Giám đốc Dự án VC Corp, cần phân biệt hai khái niệm truyền thông công chúng (Social Media) với mạng xã hội (Social Network). Bởi xét trên hai phần cơ bản của truyền thông là sản xuất nội dung, phân phối nội dung thì truyền thông công chúng đề cập hình thức sản xuất, phân phối nội dung một cách có tổ chức trên phạm vi xã hội, còn mạng xã hội đề cập một tập hợp các phần tử (thành viên) và các quan hệ liên kết giữa họ; do đó mạng xã hội không phải là truyền thông công chúng, vì không sản xuất, cũng không phân phối. Do vậy, truyền thông công chúng không phụ thuộc vào mạng xã hội, cũng không thể đánh đồng với thông tin trên mạng xã hội.
Theo Tổ chức thống kê số liệu in-tơ-nét quốc tế (internetworldstats) tới tháng 6-2015, ở Việt Nam có khoảng 45,5 triệu người dùng in-tơ-nét, mức thâm nhập/dân số 48%, gồm người truy cập in-tơ-nét trên tất cả các phương tiện hỗ trợ (PC, laptop, điện thoại,...). Theo thống kê của Facebook, hiện nay Việt Nam có khoảng 30 triệu người dùng Facebook, con số đó vẫn tiếp tục tăng. Cũng như ở các nước khác trên thế giới, người sử dụng mạng xã hội nói chung và sử dụng Facebook nói riêng ở Việt Nam rất đa dạng về lứa tuổi, học vấn, nghề nghiệp, thành phần xã hội,... Các tiện ích của mạng xã hội thật sự thu hút nhiều người, tạo ra môi trường mở giúp giao lưu, liên kết. Từ các tiện ích đó, một số báo điện tử lập trang Facebook để mở rộng thông tin đến bạn đọc. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị lập trang Facebook để quảng bá hình ảnh, cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm, bán hàng online. Ngay FacebookVietnam cũng tận dụng ưu thế đó, như mới đây trang này chia sẻ một bài viết của Online Friday (Ngày mua sắm trực tuyến) với quảng cáo: "Cùng Facebook tham gia ngày hội mua sắm trực tuyến vào ngày 30-9 với hơn 68.200 sản phẩm đến từ các thương hiệu uy tín trong nước".
Nhưng thực tế lại cho thấy càng gần đây mạng xã hội càng bị biến dạng trở thành "thế giới chứa cả vàng lẫn rác". Như bài Bạn sẽ phải ngã ngửa khi biết được những sự thật này của Facebook cho biết "8,7 % người dùng Facebook là giả mạo" và sau khi truy cập mạng xã hội này thì "cứ ba người thì có một người cảm thấy bất mãn với cuộc sống hiện tại của họ". Trên mạng xã hội các thông tin bịa đặt, giả dối, vu cáo, xúc phạm, đe dọa, mạo danh, thất thiệt để mê hoặc, dắt mũi người sử dụng,… không còn là chuyện hiếm, đã khiến nhiều quốc gia phải xử lý bằng pháp luật. Như tại Mỹ: J. Britton (J. Bờ-ri-tơn) bị kết án một năm tù sau khi đăng tải hàng loạt câu chữ trên Twitter kích động giết tổng thống, sinh viên Ai Cập E. Elsayed 
(E. En-say-ét) bị mật vụ liên bang bắt giữ vì viết trên Facebook lời đe dọa đối với ứng cử viên tổng thống Mỹ D.Trump, thẩm phán từ chối nộp bảo lãnh tại ngoại, ra lệnh trục xuất E. Elsayed. Tại Anh: J.Blackshaw (J.Bơ-lác-so) và P.S.Keenan (P.S Ki-nân) đã bị tuyên phạt 4 năm tù vì lên Facebook kích động bạo loạn. Tại Mê-xi-cô: G.M Vera (G.M Vê-ra) và J.B Pagola (J.B Pa-gô-la) phải đối mặt với bản án 30 năm tù vì bị cáo buộc sử dụng Twitter để phát tán thông tin thất thiệt về việc tiến công một trường học. Tại Thái-lan: P.Chankij (P.Chan-ky) là một bảo mẫu, đã bị tòa án quân sự Thái-lan tuyên án vì đã lên Facebook xúc phạm nhà vua - một trong những tội rất nặng tại Thái-lan…
Ở Việt Nam, trong khi số đông người sử dụng mạng xã hội coi đây là nơi bày tỏ ý kiến nghiêm túc về các vấn đề họ quan tâm thì lại có một số người lợi dụng mạng xã hội để công bố tin tức bịa đặt, dối trá hoặc đưa ra ý kiến tiêu cực nhằm gây bất an trong dư luận. Các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cũng lợi dụng và biến mạng xã hội thành ma trận của các thủ đoạn "tuyên truyền trắng, xám, đen" để lung lạc đời sống tinh thần xã hội, tiến công vào Ðảng, Nhà nước Việt Nam. Loại thông tin độc hại này đã trực tiếp làm mạng xã hội trở thành thế giới ảo theo đúng nghĩa đen, và làm cho thiện chí, sự lương thiện của hàng triệu người lành mạnh, tử tế dùng mạng xã hội như bị chìm lấp trong trận đồ bát quái giữa thật và giả, giữa trắng và đen, giữa tích cực và tiêu cực… Ðiều này không có gì mới, khi mà ngay cả các địa chỉ truyền thông tiếng tăm cũng không phải nơi có thể trao gửi tin cậy về thông tin. Ví như đầu năm 2016, sau khi khai thác thông tin bịa đặt từ Facebook để viết bài về việc hạn chế sử dụng súng tại Mỹ, tờ The New York Times phải chỉnh sửa và đính chính. Với Việt Nam, còn đó chuyện dối trá của BBC về "blogger Nguyễn Văn Hải - Ðiếu cày, bị mất một tay trong tù". Còn đó việc BBC phải công nhận sai sót, đính chính và cảm ơn nhà báo A. Primo (A. Pri-mô), vì đã phát hiện, chỉnh sửa lỗi do BBC đăng tải tin tức liên quan tới tình hình Xy-ri... Sự thật này cho thấy BBC không có tư cách để bàn luận vai trò của mạng xã hội ở Việt Nam. Và xét đến cùng, việc BBC phóng đại, gán cho mạng xã hội chức năng phản biện, cung cấp thông tin, sức mạnh truyền thông,… chỉ là nhằm hợp thức hóa mưu đồ đen tối là đánh đồng việc làm của hàng triệu người tử tế với thủ đoạn của một số kẻ lợi dụng mạng xã hội làm công cụ thực hành cái xấu.
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, từ thái độ trách nhiệm với nhân dân, lãnh đạo cùng chính quyền các cấp ở Việt Nam vừa chịu sự giám sát của nhân dân, vừa luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, để từ đó phục vụ lợi ích của nhân dân ngày càng tốt hơn, đồng thời phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ cương, trừng trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của xã hội và nhân dân. Và mạng xã hội là một trong nhiều kênh thông tin có thể giúp lãnh đạo, chính quyền các cấp làm tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, dẫu mạng xã hội phong phú, đa dạng đến mức nào thì việc tiếp nhận thông tin từ đó vẫn đòi hỏi phải sàng lọc, tỉnh táo. Bởi, như mọi sản phẩm khác của văn minh nhân loại, sự hữu dụng và tính tích cực của mạng xã hội như thế nào trước hết phụ thuộc vào người sử dụng.
LAM SƠN (Báo Nhân dân điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X