Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, October 07, 2016 , 0 bình luận

Như một phản ứng tiêu cực, mỗi khi cơ quan pháp luật Việt Nam xét xử một số người vi phạm pháp luật, lập tức HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền) lại gán cho họ nhãn hiệu "blogger, nhà dân chủ" để dựa vào đó vu cáo Việt Nam, rồi đưa ra đòi hỏi phi lý, lố bịch. Vậy ở phương Tây, cái tổ chức nhân danh nhân quyền này được đánh giá như thế nào?
Lâu nay, dư luận ở phương Tây nhiều lần lên tiếng chỉ rõ bản chất đen tối trong các việc làm của HRW. Ðiển hình là ngày 30-5-2014, hai người nhận giải Nobel Hòa bình là A.P.Esquivel (A.P.Ét-ki-ven), M.Corrigan (M.Co-ri-gan) đã cùng với H.Sponeck (H.Sơ-pô-nếc) - cựu Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), R.Falk (R.Phen-kơ) - Phái viên đặc biệt của LHQ và hơn một trăm học giả ở Mỹ, Canada (Ca-na-đa) công bố thư ngỏ gửi ông K. Roth (K. Rốt) - Chủ tịch HRW, kêu gọi phải có biện pháp cụ thể để bảo đảm tính độc lập về chính trị như HRW vẫn phô trương, yêu cầu HRW chấm dứt các việc làm không thể chấp nhận. Thư có đoạn viết: "HRW tự tuyên bố là "một trong các tổ chức độc lập quan trọng nhất trên thế giới trong việc bảo vệ và bảo đảm nhân quyền". Tuy nhiên, các mối quan hệ chặt chẽ của HRW với chính phủ Mỹ đã gây ngờ vực về tính độc lập của nó, như trường hợp T.Malinowski (T.Ma-li-nốp-xki) - Giám đốc điều hành HRW tại Washington (Oa-sinh-tơn), từng làm việc với tư cách cố vấn đặc biệt của ông B.Clinton (B.Clin-tơn), là người viết diễn văn cho Ngoại trưởng M.Albright (M.Ôn-brai). Năm 2013, ông này từ chức tại HRW và được bổ nhiệm làm việc tại Văn phòng phụ trách các vấn đề dân chủ và nhân quyền Bộ Ngoại giao Mỹ. Tự coi mình là "bạn cũ của B.Clinton", bà S.Manilow (S.Ma-ni-lốp) - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HRW, cũng hoạt động rất năng nổ trong đảng Dân chủ, được giao trách nhiệm "người tổ chức chính thức" nhiều sự kiện của Ủy ban quốc gia của đảng này. Hiện nay, ban cố vấn của HRW Mỹ gồm: M.Frechette (M.Phơ-rê-chét) - cựu Ðại sứ Mỹ ở Colombia (Cô-lôm-bi-a), M.Shifter (M.Sip-tơ) - cựu giám đốc của các "Quỹ quốc gia vì dân chủ" (NED) tại Mỹ la-tinh được tài trợ bởi chính phủ Mỹ. M.Diaz (M.Di-át) - nhà phân tích của CIA, từ năm 2003 đến năm 2011 làm việc với tư cách cố vấn của HRW châu Mỹ. Hiện tại, Diaz là "người trung gian giữa các cộng đồng tình báo và các chuyên gia của một số tổ chức phi chính phủ" ở Bộ Ngoại giao Mỹ… Tháng 2-2013, HRW tuyên bố việc sử dụng tên lửa của lực lượng chính phủ trong nội chiến ở Syria (Xy-ri) là "bất hợp pháp", nhưng HRW lại im lặng trước việc tháng 8-2013, Mỹ đe dọa tiến công Syria bằng tên lửa. Vài thí dụ từ lịch sử gần đây nhất có thể được tha thứ và bỏ qua, coi như là những sự việc không nhất quán, hoặc sơ suất vốn có thể xảy ra trong bất kỳ tổ chức nào. Nhưng quan hệ gần gũi của HRW với chính phủ Mỹ đã bộc lộ một cách rõ ràng sự tương quan quyền lợi. Vì lý do đó, chúng tôi kêu gọi ngài phải có biện pháp cụ thể, phải có hành động cương quyết để có sự độc lập cho HRW. Sự phong tỏa "chính sách cánh cửa quay tròn" là một biện pháp hợp lý đầu tiên. Ngài cần cấm các cá nhân đã trưởng thành hoặc từng làm việc trong các lĩnh vực thuộc chính sách đối ngoại của Mỹ hoạt động cho HRW với tư cách là nhân viên, chuyên gia tư vấn, hay thành viên lãnh đạo. Ngài hãy đặt ra một thời hạn dài với việc luân chuyển thành viên thuộc khu vực chính phủ trước hoặc sau khi nhận nhiệm vụ ở HRW. Năm 2001, nhà tài trợ của HRW G. Soros (G. Sô-rốt) đã đề nghị phải làm cho HRW "có hiệu quả hơn, để được coi là một tổ chức quốc tế, chứ không phải là một tổ chức của Mỹ", chúng tôi đồng ý với ý tưởng này. Vì thế, yêu cầu ngài thực thi đề nghị của chúng tôi để bảo đảm uy tín về tính độc lập của HRW".


Với Syria, HRW cũng không bỏ qua cơ hội nào để thực hiện "sứ mạng" tuyên truyền nhằm bôi đen chính phủ Syria. Thí dụ, trong báo cáo ngày 24-2-2015, HRW tuyên bố chính phủ Syria đã sử dụng bom chùm chống lại dân thường và họ phát tán các hình ảnh chứng minh việc phá hủy một khu vực ở Syria với chú thích "Syria đã thả bom chùm bất chấp lệnh cấm". Một số cơ quan truyền thông của phương Tây tiếp nhận, quảng bá thông tin này mà không kiểm chứng, như Thời báo New York viết: "HRW cho biết trong năm qua, bất chấp đề nghị của Hội đồng bảo an LHQ, chính phủ Syria đã thả bom chùm lên hàng trăm mục tiêu tại các thành phố do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Tổ chức này cho biết, dựa trên hình ảnh vệ tinh, ảnh, video, lời khai của nhân chứng, người ta kết luận quân đội của chính phủ Syria đã bắn phá ít nhất 450 địa điểm trong và chung quanh thành phố Daraa (Da-ra) ở phía nam Syria và ít nhất 1.000 địa điểm tại Aleppo (A-lep-pô) ở phía bắc". Song sự thật không phải như vậy. Rất nhiều tờ báo, trang mạng ở phương Tây đưa ra các bức ảnh để so sánh, phanh phui sự dối trá. Những bức ảnh cho thấy Daraa đã bị tàn phá như thế nào nhưng đó không phải Daraa mà là Kobane (Cô-ba-ne). Thực tế, các khu dân sự bị tàn phá trong hình ảnh do HRW công bố không phải là do quân đội Syria, mà Kobane là mục tiêu của các vụ ném bom do không quân Mỹ tiến hành. Và bản điện tử báo Basel-Express ở Thụy Sĩ đăng bài khẳng định lời buộc tội của HRW được các phương tiện truyền thông của phương Tây lan truyền đã không được kiểm soát. Vì kết quả điều tra cho thấy nhóm đối lập ở Syria có tên là "Mũ bảo hiểm trắng", trụ sở đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã sản xuất video và ảnh mô tả việc bắn phá ở Syria bằng bom chùm. Các phim ảnh giả tạo này được "Ðài quan sát nhân quyền Syria" (SOHR) chủ ý phát tán và trở thành bằng chứng để HRW cáo buộc chính phủ Syria!
Về sự kiện này, ngày 30-3-2015 trên trang mạng của tờ Presse - nhật báo ở Austria (Áo) đăng bài Assad: "Những thứ như bom chùm là hoàn toàn không có". Theo bài báo, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Syria Assad (Át-sát) đã bác bỏ luận điệu của HRW cho rằng, quân đội chính phủ Syria sử dụng bom chùm và khí clo, các vũ khí bị quốc tế cấm, để chống lại người dân. Theo lời nói dối của HRW thì hàng nghìn thường dân đã bị thiệt mạng vì bom chùm được thả xuống từ máy bay lên thẳng của quân đội. Ông Assad nói, người ta có thể mua khí clo một cách dễ dàng, nhưng khó có thể sử dụng như một vũ khí. Quân đội Syria hoàn toàn không có bom chùm: "Những thứ như bom chùm là hoàn toàn không có". Một bằng chứng khác chứng minh một số người làm việc cho HRW rất vô cảm, thiếu nhân cách. Thí dụ: Agnes (A-nét), một nữ tu Công giáo, đã sống 20 năm ở Syria, đưa nhiều thông báo về những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh tàn phá Syria. Bà cho biết đã xem một cách cẩn trọng các video được cho là bằng chứng về cuộc tiến công bằng vũ khí hóa học tại làng Guta (Gu-ta) - Syria. Bà đã trình bày rất chân thực về sự ngờ vực với lời cáo buộc. Theo bà, đó là bằng chứng của sự giả mạo. Vì thế, HRW đã đưa ra những lời lẽ vu khống và công kích bà qua một bài báo do chính HRW biên soạn được BBC phát tán.
Vậy HRW phổ biến các tin tức bịa đặt để phục vụ lợi ích của ai? Về nghi vấn này, có thể xem rất nhiều bài viết, video trên internet (in-tơ-nét). Như trong bài Theo chứng cứ HRW giả mạo bằng chứng hình ảnh đăng trên trang mạng Blauer Bote Magazin viết: Một bức ảnh mà ông K.Roth - Giám đốc HRW, phổ biến nhằm chứng minh quân đội chính phủ Syria đã ném bom chùm từ máy bay lên thẳng chống lại dân thường ở Aleppo thực tế lại là hình ảnh máy bay không người lái của Ðài Truyền hình Ðan Mạch DR Nyheder quay tại dải Gaza cho thấy các thiệt hại do oanh kích của không quân Israel (I-xra-en). Về khủng hoảng Ukraine (U-crai-na), HRW sử dụng bức ảnh chụp một phụ nữ đứng khóc, la hét trước trụ sở công đoàn ở Odessa (Ô-đét-xa), chung quanh là lực lượng cảnh sát bất động, trong khi trong ngôi nhà có một số người chết hoặc bị thương, và HRW coi đó là "thảm sát Odessa". Thực ra cái gọi "thảm sát" này là hình ảnh về những người ủng hộ chính phủ hiện thời ở Kiev (Ki-ép) đã giết chết ít nhất 48 người đối lập với chính phủ, và kẻ giết người gọi họ là "phần tử thân Nga". Như vậy, các hình ảnh được sử dụng không chỉ giả dối về bối cảnh, mà còn đảo ngược cả nạn nhân! Còn bài MH17: ông Kenneth Roth đã công nhận một cách rõ ràng và dứt khoát tính chất tuyên truyền trong các hoạt động của tổ chức HRW viết: K.Roth ở HRW đã xác nhận trên Twitter việc về cơ bản và tùy theo hoàn cảnh, "nếu cần thiết" HRW sẽ tuyên truyền cho phương Tây, nhất là cho Mỹ. Ông ta đăng một đường dẫn để có thể liên kết với một bài viết trên mạng Newsweek. Ðây là bài viết tuyên truyền chống lại Nga. Bài viết đưa ra lý lẽ làm người đọc có thể hiểu lầm rằng, máy bay có số hiệu MH17 bị Nga bắn rơi ở phía đông Ukraine, dù phương Tây và Ukraine tiến hành "điều tra quốc tế" nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả. Làm sao K.Roth và HRW lại có thể trung lập được khi mà những điều phi lý như vậy được họ quả quyết?
Từ những gì HRW đã làm, dư luận phương Tây đặt câu hỏi, phải chăng HRW vẫn sử dụng thủ đoạn chiến tranh tâm lý thời chiến tranh lạnh, là bộ phận của bộ máy tuyên truyền phương Tây? Câu hỏi hoàn toàn có lý khi HRW tồn tại với nguồn tài trợ có 75% đến từ Bắc Mỹ, 25% từ Tây Âu, 1% từ các nơi khác. Dù ngày nay HRW có nguồn tài chính, kỹ thuật, nhân sự phát triển hơn, kỹ năng bịa đặt và xuyên tạc bài bản hơn,… thì cũng không thể đánh lừa được dư luận, những người có lương tri đã lên tiếng vạch trần mục đích, bản chất xấu xa trong nhiều việc làm của tổ chức tự nhận trọng tài về nhân quyền này! Tuy vậy, HRW vẫn làm ngơ trước sự thật, và gần đây sau khi TAND ở Việt Nam xét xử một số người vi phạm pháp luật như Cấn Thị Thêu, Nguyễn Hữu Vinh,… HRW vẫn ra tuyên bố có tính xuyên tạc, yêu cầu phi lý, lố bịch. Thật nực cười khi HRW lớn tiếng phê phán vi phạm nhân quyền, nhưng với tư cách đồng chủ tịch Chiến dịch quốc tế cấm bom mìn, HRW lại không tham gia giải quyết bom mìn là hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Thử hỏi quan tâm nhân quyền, tại sao họ im lặng khi ở Quảng Trị, từ năm 1975 đến nay có 5.100 người dân bị chết vì bom và mìn bẫy, 3.400 người bị thương tật, trong đó 31% là trẻ em từ 16 tuổi trở xuống; hiện vẫn còn 390.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn và vẫn là mối đe dọa chết người?
NGỌC CHIẾN (Báo Nhân dân điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X