Đăng bởi Unknown lúc Monday, October 10, 2016 , 0 bình luận

Lý luận và thực tiễn đã khẳng định tầm quan trọng của nhân tố chính trị - tinh thần trong đấu tranh vũ trang nói chung, hoạt động của quân đội nói riêng. Vì thế, nghiên cứu tìm các giải pháp xây dựng nhân tố này của Quân đội ta hiện nay là vấn đề rất quan trọng.

>
Thầy Thích Thanh Quyết: Phải đánh thức nội lực & niềm tin dân tộc (kỳ 1)
Thực tiễn xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta đã chứng minh, mặc dù vũ khí, trang bị kỹ thuật của ta luôn lạc hậu hơn so với đối phương, nhưng Quân đội ta lại luôn giành chiến thắng trước các thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh. Một trong những nguyên nhân của thắng lợi đó là do Quân đội ta có được sức mạnh chính trị - tinh thần vượt trội đối phương. Ngày nay, mặc dù cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; nhưng những diễn biến phức tạp của mặt trái kinh tế thị trường, chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đã và đang tác động mạnh vào Quân đội,… đòi hỏi phải đặc biệt quan tâm xây dựng và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, đảm bảo cho Quân đội ta luôn đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu đó, cần nghiên cứu, thực hiện các giải pháp cơ bản sau:



Một là, tiếp tục thấm nhuần và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh, quân đội. Theo đó, phải nhận thức rõ vai trò có ý nghĩa quyết định của nhân tố chính trị - tinh thần trong sức mạnh chiến đấu của quân đội. V.I. Lê-nin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi hay thất bại đều tùy thuộc vào tâm trạng của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”2. Vì vậy, cần tiếp tục khẳng định và nhất quán với nguyên tắc lấy xây dựng quân đội về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta hiện nay.
Tuy nhiên, phải xem xét nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội trong mối quan hệ với các nhân tố khác. Để đánh giá đúng khả năng và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, phải xem xét toàn diện các yếu tố, cả vũ khí, trang bị và trình độ chính quy, rèn luyện kỷ luật của bộ đội; yếu tố con người và khả năng, cùng sự chuẩn bị về tinh thần để vượt qua những thử thách khốc liệt của chiến tranh và “nhất là trạng thái tinh thần của nó, nghĩa là có thể đòi hỏi nó những gì mà không sợ làm cho nó mất tinh thần”3 như Ph. Ăng-ghen đã chỉ ra. Vì vậy, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ cơ sở của sức mạnh chính trị - tinh thần để phát huy vai trò của nó trong xây dựng Quân đội. Theo đó, phải phát huy được tính ưu việt của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa; các điều kiện và khả năng kinh tế của đất nước; hệ giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc,... cùng các nhân tố nội sinh từ bên trong sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta, đặc biệt là yếu tố con người.
Hai là, tăng cường và đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Về bản chất, Quân đội ta là quân đội cách mạng - quân đội kiểu mới, công cụ bạo lực vũ trang của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Bản chất cách mạng của Quân đội được biểu hiện tập trung ở lý tưởng và mục tiêu chiến đấu, truyền thống: “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”4. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Quân đội là đặc trưng và nguyên tắc quan trọng nhất, nguồn gốc chủ yếu nhất, quyết định đến sức mạnh chính trị - tinh thần và bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta. Bài học thực tế ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm 90 của thế kỷ XX cho thấy, khi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội không còn, thì sự biến chất của quân đội là không tránh khỏi. Chúng ta cũng đã chứng kiến quân đội của một cường quốc xã hội chủ nghĩa bị cô lập, dao động về tinh thần như thế nào khi mất phương hướng chính trị, do không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vì vậy, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội. Xây dựng Đảng bộ Quân đội và các tổ chức đảng trong Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên - những người tiêu biểu về phẩm chất cách mạng; năng lực công tác; có tính đảng và tính nguyên tắc cao; thực sự tiền phong, gương mẫu trong cuộc sống và công tác. Vì đây là những cán bộ của Đảng trong Quân đội - những người mà V.I. Lê-nin khẳng định, phải là những đảng viên cộng sản tin cậy và quên mình vì sự nghiệp chung.
Ba là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và phát huy chủ nghĩa yêu nước. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình. Do đó, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của sức mạnh chính trị - tinh thần; đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải giác ngộ và thấm nhuần sâu sắc nền tảng tư tưởng này. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận diễn ra phức tạp hiện nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng và đường lối cách mạng của Đảng, càng đặt ra yêu cầu có tính bức thiết phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng trong Quân đội. Thông qua đó, bồi đắp lý tưởng chiến đấu, sự kiên định về chính trị và lòng trung thành của Quân đội với Đảng và sự nghiệp cách mạng của đất nước. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng còn góp phần quan trọng vào bồi dưỡng phẩm chất chính trị - tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội; làm cho họ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất tinh thần đáp ứng với bối cảnh thế giới đang có sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và chiến tranh công nghệ cao do các thế lực xâm lược, hiếu chiến có thể gây ra.
Trong hệ giá trị tinh thần của dân tộc ta, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dựng nước, giữ nước và nó đã trở thành động lực tinh thần to lớn, tạo ra sức mạnh vô địch. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”5. Truyền thống ấy đã trở thành động lực và sức mạnh to lớn để “nhấn chìm tất cả lũ bán nước, lũ cướp nước” và đưa toàn thể dân tộc Việt Nam đến ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975. Vì vậy, phải tiếp tục phát huy chủ nghĩa yêu nước trong tình hình mới và xem đây là yếu tố nội sinh không thể thiếu trong quá trình xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội ta. Cho nên, công tác giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống trong Quân đội phải chuyển được các giá trị của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thành ý chí kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phẩm chất tinh thần bền vững của cán bộ, chiến sĩ Quân đội trong sự nghiệp “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa…”6.
Bốn là, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn lực con người. Trong chiến tranh, con người tồn tại với tính cách là hạt nhân liên kết sức mạnh vật chất và tinh thần. Bởi trong sự tác động biện chứng giữa con người và vũ khí, thì nhân tố con người luôn giữ vai trò quyết định. Ph. Ăng-ghen khẳng định: “Con người chứ không phải vũ khí, sẽ thắng trong trận đánh”7. Quan điểm “Người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh cũng là vì thế. Bởi vậy, nếu tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, trang bị, nhất là trong chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, mà xem nhẹ nhân tố con người, sẽ là sai lầm. Mặc dù vũ khí, trang bị có vai trò to lớn không thể phủ nhận, đặc biệt là các loại vũ khí, trang bị hiện đại, thế hệ mới, nhưng nó không thể phát huy hết tính năng, tác dụng nếu thiếu con người. Do vậy, chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng con người là một khía cạnh cơ bản để xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội ta. Vì thế, phải thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất cách mạng; trình độ tri thức, văn hóa; năng lực và sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Đặc biệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ tin vào cách đánh của ta, dẫu có phải đương đầu với chiến tranh (nếu xảy ra), dù địch sử dụng vũ khí công nghệ cao cũng không sợ; vì vũ khí hiện đại nào cũng có điểm hạn chế của nó; cần nghiên cứu, tìm điểm hạn chế để vô hiệu hóa nó, giành thắng lợi.
Năm là, đấu tranh khắc phục, hạn chế các tác động tiêu cực đến xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội. Thực tế cho thấy, xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội ta hiện nay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi rất cơ bản, cũng có những khó khăn, phức tạp mới, đòi hỏi phải nhận thức, giải quyết. Trong đó, phải tăng cường đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” và âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Cần đứng vững trên lập trường của học thuyết Mác – Lê-nin về chiến tranh, quân đội để đấu tranh, vạch trần tính chất phản động, phản khoa học của các luận điểm sai trái trên. Khi xã hội còn phân chia giai cấp thì còn quân đội, cho nên, không bao giờ có quân đội trung lập, cũng không bao giờ có quân đội đứng ngoài chính trị. Vì thế, quan điểm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Quân đội, cổ súy cho cái gọi là “phi chính trị hóa” Quân đội về thực chất chỉ là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và cơ hội về chính trị đã bị kịch liệt đấu tranh, phê phán trong lịch sử. Mặt khác, cần nhận thức các tác động phức tạp của tình hình thời cuộc và đất nước đến xây dựng Quân đội về chính trị - tinh thần. Những vấn đề nổi lên hiện nay cần nhận thức, giải quyết là: chủ động khắc phục, hạn chế các tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; của kinh tế thị trường và tiêu cực xã hội đến xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần và phẩm chất chính trị của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trên, sẽ góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội ta hiện nay; bảo đảm cho Quân đội ta phát huy được tính ưu việt và sức mạnh của Quân đội cách mạng, luôn thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN HÙNG OANH, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng/Tạp chí Quốc phòng
__________________           
1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 31, Nxb Sự thật, H. 1989, tr. 105.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 217.
3 - Chủ nghĩa Mác - Lê-nin bàn về chiến tranh và quân đội, Nxb QĐND, H. 1976, tr. 518.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 435.
5 - Sđd, Tập 7, tr. 38.
6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 32.
7 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 278.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X