Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, February 04, 2016 , 0 bình luận

Đại hội XII tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Sự khẳng định đó có cơ sở lý luận và thực tiễn khách quan; thể hiện sự kiên định lập trường giai cấp công nhân của Đảng và là câu trả lời dứt khoát trước những quan điểm đòi từ bỏ hệ tư tưởng khoa học và cách mạng đó.



Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (Ảnh: tư liệu)

 

Bài học quan trọng hàng đầu

Tổng kết 30 năm đổi mới, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trình Đại hội XII khẳng định bài học số một là: “phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Theo đó, “Đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và không ngừng phát triển học thuyết, tư tưởng này, lấy đó làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để phân tích tình hình, hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới”. Bài học này được rút ra từ những thành tựu, hạn chế của 30 năm qua, mà Đảng ta cần tiếp tục quán triệt và kiên trì thực hiện trong quá trình lãnh đạo. Đây cũng là lời tuyên bố sự trung thành của Đảng ta với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, bác bỏ những “góp ý” của một nhóm người đòi Đảng “phải dứt khoát từ bỏ ý thức hệ Mác – Lê-nin để đất nước có cơ hội phát triển” (!).

Có thể khẳng định ngay rằng, loại “góp ý” này không nhằm làm cho Đảng ta vững mạnh lên thêm, mà ngược lại, sẽ làm Đảng sớm tan rã, không còn là một đảng mác-xít chân chính mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Những “góp ý” kiểu đó không chỉ thể hiện sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của những người có tư duy “lệch chuẩn” này, mà còn phù hợp với thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, khi họ kêu gọi Đảng ta hãy “thoát khỏi cái vòng kim cô ý thức hệ” để chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập (!).

Cơ sở của sự trung thành

Sự trung thành của Đảng ta đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh có cơ sở lý luận và thực tiễn khách quan. Trước hết, về cơ sở lý luận, đó là sự phụ thuộc về bản chất chính trị của một đảng vào tính chất và nội dung hệ tư tưởng mà đảng đó lựa chọn làm kim chỉ nam cho hành động. Nếu không có hệ tư tưởng, lý luận dẫn đường, đảng chính trị chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên, thiếu thống nhất và không có sức mạnh. Do vậy, ngay từ năm 1927, trong quá trình vận động thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”1. Các chính đảng theo khuynh hướng tư sản bao giờ cũng chọn hệ tư tưởng tư sản, còn các chính đảng mác-xít thì lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng tư tưởng của mình. Như vậy, việc kêu gọi Đảng ta từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin chính là mưu đồ nhằm làm thay đổi bản chất chính trị, giai cấp của Đảng. Bởi, nếu làm theo họ, Đảng sẽ không còn tính chất cộng sản, không còn là đội tiên phong của giai cấp công nhân; sớm hay muộn, Đảng cũng sẽ tự tan rã.

Thứ hai, thực tiễn sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu không có nguyên nhân từ bản thân học thuyết Mác – Lê-nin; mà bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Sau gần 20 năm Liên Xô sụp đổ, công trình “Bí ẩn diệt vong của Liên Xô - lịch sử những âm mưu và phản bội 1945 - 1991” của A.P. Sê-vi-a-kin đã công bố lời thú nhận của M.X. Goóc-ba-chốp tại trường đại học Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999, rằng: “Mục tiêu của toàn bộ cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa Cộng sản. Chính vì để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng địa vị của mình trong Đảng và trong Nhà nước. Khi trực tiếp làm quen với phương Tây, tôi đã hiểu rằng tôi không thể từ bỏ mục tiêu chống cộng sản đặt ra. Và để đạt được nó, tôi đã phải thay đổi toàn bộ Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô và Xô viết Tối cao cũng như Ban lãnh đạo ở tất cả các nước Cộng hòa. Tôi đã tìm kiếm những người ủng hộ để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong số này đặc biệt có A.Y-a-kop-lep, Se-vát-nát-de…2. Vậy là đã rõ: sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đâu phải là do học thuyết Mác – Lê-nin, nên không phải là “dấu chấm hết” cho hệ tư tưởng này như các thế lực chống cộng rao giảng. Mặc dù vậy, sự sụp đổ này cũng cho chúng ta nhiều bài học quan trọng về đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng, nhất là sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong quá trình xây dựng xã hội mới.

Thứ ba, trong thế giới đương đại, chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó là lý luận khoa học, cách mạng, giá trị nhất trong việc giải thích và cải tạo thế giới. Mặc dù không phải là người mác-xít, Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste (Anh), tác giả cuốn sách Tại sao Mác đúng? được trường Đại học Tổng hợp Yale của Mỹ lựa chọn xuất bản đầu năm 2011, đã phản bác luận điểm: “Hệ thống tư bản chủ nghĩa đã thay đổi nhiều đến mức không còn nhận biết được nữa so với thời của Mác, và do đó những tư tưởng của Mác không còn phù hợp nữa”. Tác giả chỉ ra: “bản thân Mác luôn ý thức được bản chất không ngừng vận động của cái hệ thống mà ông phản bác” và rằng: “Chính những cái tưởng như giúp đả phá chủ nghĩa Mác lại cũng làm tăng thêm niềm tin vào những khẳng định của chủ nghĩa Mác. Nó được đẩy đến cực điểm bởi vì trật tự xã hội mà chủ nghĩa Mác đương đầu, thay vì trở nên nhân từ và ôn hòa hơn, thì lại trở thành tàn nhẫn và cực đoan hơn bao giờ hết. Và chính điều này làm cho sự phê phán của Mác đối với toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa thành đúng đắn hơn”3.

Thực tiễn phát triển của chủ nghĩa tư bản đương đại đã chứng minh cho nhận định đó của Terry Eagleton. Phong trào “Chiếm phố Uôn” với biểu ngữ “99% người nghèo chống lại 1% người giàu” (năm 2009 và 2011) không chỉ diễn ra trên đất Mỹ, mà còn lan rộng ra một số nước tư bản phát triển, phản ánh sự bất lực của hệ thống tư bản trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Đứng trước sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2007 xuất phát từ nước Mỹ, nhiều người tìm đọc di sản của C. Mác. Bản thân G. Xô rốt, nhà tài phiệt và nhà chính trị Mỹ - người luôn tôn thờ chủ thuyết kinh tế thị trường tự do, cũng thừa nhận “Tôi đang đọc Mác”. Còn lãnh đạo các nước phương Tây (Mỹ, Anh…), những người luôn khước từ sự can thiệp của nhà nước vào khu vực tài chính, cũng tham khảo di sản của C. Mác và hành động ngược lại những gì họ tôn thờ, khi tung ra những gói tài chính khổng lồ để cứu hệ thống tài chính tư bản sắp sụp đổ. Giải thích cho hiện tượng đó, nhà sử học người Anh Ê-rích Hô-xbon đã nói rằng: “Việc quay trở lại đọc Mác có nghĩa là thế giới cần phải nghiên cứu học thuyết của Ông về chủ nghĩa tư bản, và về vị trí của học thuyết đó trong sự phát triển của xã hội loài người”. Thực tế nói trên củng cố thêm những tiên đoán của một số học giả tư sản về thế kỷ XXI vẫn là thế kỷ của chủ nghĩa Mác. Giắc-cơ Đê-ri-đa, triết gia hiện đại có uy tín ở Mỹ và Pháp cho rằng: nhân loại “không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”4. Ngay Brê-din-xki, tác giả cuốn sách “Thất bại lớn - sự hưng vong của chủ nghĩa cộng sản thế kỷ XX”, mặc dù rất thù ghét chủ nghĩa Mác, cũng phải thừa nhận chủ nghĩa Mác vẫn là một vũ khí sắc bén để nhận thức và cải tạo thế giới, khi viết rằng: “Khái niệm về phép biện chứng lịch sử xem chừng là phương pháp giá trị nhất để xử lý các mâu thuẫn hiện thực”5.

Thứ tư, thực tiễn cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã chứng minh rõ: chỉ đến khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp cận được chủ nghĩa Mác – Lê-nin và truyền bá tư tưởng đó vào Việt Nam, thì phong trào yêu nước của dân tộc ta mới chấm dứt được tình trạng bế tắc về đường lối cứu nước. Từ chủ nghĩa yêu nước, tiếp cận với nhiều trào lưu tư tưởng khác nhau, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”6. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhân dân ta đã giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất non sông, và ngày nay cả nước đang trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Về những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta đã công khai thừa nhận trước nhân dân và cũng chỉ rõ nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm đó là “do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan”7, chứ không phải do học thuyết này vốn đã sai lầm. Do vậy, không thể vin vào những khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng ta thời gian qua để bác bỏ vai trò của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đối với cách mạng Việt Nam.

Nhận thức đúng nguyên nhân của những sai lầm, khuyết điểm, tại Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới. Trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, công cuộc đổi mới của nhân dân ta vẫn giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nước ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp và dịch vụ chiếm 83% trong tổng GDP. Quy mô và tiềm lực kinh tế không ngừng tăng lên; GDP tăng gấp gần 7 lần và kim ngạch xuất khẩu tăng gấp hơn 200 lần. GDP bình quân đầu người đạt 2.228 USD vào cuối năm 2015. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại. Tiến bộ và công bằng xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 4,5% vào cuối năm 2015, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, v.v. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; chính trị ổn định; quốc phòng và an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao, thương mại và đầu tư với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, đối tác toàn diện với 10 nước, gồm cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như: WTO, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, Hội đồng Nhân quyền thế giới nhiệm kỳ 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015 - 2019, Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013 - 2017, v.v. Những thành tựu to lớn đó có một nguyên nhân cơ bản là Đảng và nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là minh chứng sinh động cho sức sống của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc sống ngày nay.

Giải pháp tăng cường lòng tin

Phá hoại lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là mục tiêu xuyên suốt và thủ đoạn thường trực của các thế lực thù địch. Nhưng kết quả của mục tiêu và những thủ đoạn đó lại không do họ quyết định được, mà phụ thuộc vào chúng ta. Để thường xuyên củng cố, tăng cường lòng tin vào nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện nhiều giải pháp, tập trung trước hết vào: 1. Chủ động đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên nhận rõ mục tiêu sâu xa của các quan điểm sai trái đó. 2. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý luận Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết trong hệ thống nhà trường và cho đội ngũ cán bộ chủ chốt. 3. Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm rõ những luận điểm còn giữ nguyên giá trị, những luận điểm cần nhận thức lại cho đúng và những luận điểm cần bổ sung, phát triển cho phù hợp với bối cảnh lịch sử mới. Bên cạnh đó, cần đấu tranh phê phán khuynh hướng đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, hòng phủ nhận cả chủ nghĩa Mác – Lê-nin lẫn tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. 4. Đẩy mạnh việc hiện thực hóa lý tưởng của chủ nghĩa xã hội trong đời sống hiện thực bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Bởi lẽ, “lý luận thì màu xám, cây đời mới xanh tươi”, nên đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, quyết định nhất. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII đã chỉ ra, thì việc làm cấp bách hiện nay là kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, nhằm: ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng; tăng cường xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cả về bản chất chính trị và năng lực quản lý; quyết liệt đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chăm lo xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thật sự là “công bộc” của dân, v.v. Đó là những việc làm vừa cơ bản, vừa cấp bách để không ngừng nâng cao lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã chọn làm nền tảng tư tưởng.
 
Theo NGUYỄN NGỌC HỒI (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
2 - Tống Thế Gia - Vì sao Liên Xô sụp đổ - Báo Thời Nay, số 2, ngày 07-01-2010.
3 - Terry Eagleton - Tại sao Mác đúng?, Chương 1: Chủ nghĩa Mác đã lỗi thời?, http://triethoc.edu.vn/
4 - Giắccơ Đêriđa - Những bóng ma của Mác, Nxb CTQG, H. 1994, tr. 16.
5 - Lưu Đình Á - Hãy cảnh giác cuộc chiến tranh thế giới không có khói súng. Nxb CTQG, H. 1994, tr. 129.
6 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 289.
7 - ĐCSVN, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 732.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X