Đảng lãnh đạo bầu cử-việc đã được hiến định 

Trên nhiều trang mạng và đài, báo nước ngoài đã xuất hiện luận điệu xuyên tạc: “Cuộc bầu cử này là không chính danh, chỉ là hội nghị Đảng Cộng sản mở rộng”; “Cuộc bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì”, “Cuộc bầu cử không có gì mới so với trước đây”, Đảng “phân biệt đối xử với người tự ứng cử”; “Việc quy định con số và tỷ lệ đại biểu do Đảng áp đặt là tùy tiện, trái Hiến pháp”. Họ kêu gọi, “hãy tạo ra 896 ứng cử viên “của dân” để đối lập với 896 ứng cử viên “của Đảng”. Sâu xa hơn, họ đòi xóa bỏ cơ chế “Đảng cử dân bầu”, xây dựng một thiết chế bầu cử theo kiểu phương Tây…

Những kiến nghị, luận điệu trên không có gì mới, thậm chí nó còn được gán ghép khập khiễng với một số hiệp định, công ước quốc tế mà nước ta đã ký kết trong quá trình hội nhập. Ngay trước Đại hội XII của Đảng, một đại diện của cái gọi là "Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế" cũng yêu cầu: “Việt Nam cũng nên tuân thủ những cam kết pháp lý quốc tế và cho phép người dân được bầu cử, thay vì để đảng cầm quyền chọn lựa”. Nhiều nhà dân chủ thì viện dẫn Việt Nam vi phạm Điều 25 của Công ước Quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị, đã được Việt Nam thông qua năm 1982, quy định rằng người dân có quyền “tham gia điều hành công việc chung, trực tiếp hoặc thông qua các đại diện do mình tự do lựa chọn” và quyền “được bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử định kỳ thực sự tự do và công bằng, bằng phổ thông đầu phiếu kín”.

Họ quên mất rằng, mỗi quốc gia có một thể chế chính trị khác nhau và ở Việt Nam, việc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước và xã hội không làm người dân bị tước đoạt các quyền chính trị, trong đó có quyền bầu cử, ứng cử tự do. Ngược lại, sự lãnh đạo ấy càng làm cho quá trình bầu cử nói riêng được tập trung, dân chủ hơn, đạt chất lượng tốt hơn.

Là một chuyên gia nghiên cứu về lịch sử, Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam nhận xét: “Nghiên cứu lịch sử Quốc hội, tôi thấy vai trò lãnh đạo của Đảng rất tích cực. Đảng lãnh đạo bầu cử nhưng luôn tôn trọng dân chủ, không bao biện, làm thay, không khuynh loát bầu cử như những quan điểm xuyên tạc. Tinh thần ấy đã được thấm nhuần ngay từ những ngày đầu non trẻ của Nhà nước ta khi Chủ tịch Hồ Chí Minh-người khai sinh Đảng ta và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã sớm quan tâm xây dựng một Nhà nước dân chủ do nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Nhắc lại câu chuyện lịch sử cũng để thấy rằng, chuyện phá hoại bầu cử, xuyên tạc Đảng lạm quyền, chuyện đòi “thêm ghế” cho người ngoài Đảng đâu có mới mẻ mà có từ kỳ bầu cử đầu tiên. PGS, TS Vũ Quang Đạo cho biết thêm, vào thời điểm ấy, bọn phản động càng hung hăng, liên tiếp gây rối. Chúng tăng cường phân phát báo lá cải, tổ chức biểu tình nói xấu Chính phủ vì biết không thể giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử. Chúng kêu gọi công dân tẩy chay bầu cử, gây sức ép đòi 80 ghế cho các đảng: Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội. Đảng ta đã lãnh đạo tuyên truyền, giải thích, vạch trần bộ mặt phá hoại của bọn phản động và kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, thực hiện quyền công dân. Đặc biệt, dù đồng bào nhiều địa phương và nhân dân Hà Nội kiến nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh được miễn ứng cử vì nhân dân đã suy tôn Người làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng Người đã từ chối và gương mẫu ra bầu cử.


Ảnh minh họa.

Trong thời điểm khó khăn "thù trong giặc ngoài", "ngàn cân treo sợi tóc" như vậy mà Đảng ta còn không lạm quyền trong bầu cử thì không có lý do gì trong bối cảnh hiện nay, với nhiều thành tựu to lớn sau 30 năm đổi mới, Đảng ta đi ngược lại với những chủ trương đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Việc Đảng lãnh đạo bầu cử không phải là việc Đảng “tự nghĩ ra”, “tự tung tự tác” như ai đó xuyên tạc mà được hiến định rõ ràng trong điểm 1, điều 4, Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì đương nhiên đối với cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền nhân dân, không có lý do gì Đảng không tập trung sự lãnh đạo. Và chính sự lãnh đạo ấy giúp cho quá trình bầu cử tốt hơn, đúng Hiến pháp và pháp luật, phát huy được vai trò của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ quan trọng này. 

Lãnh đạo hoàn thiện thiết chế bầu cử 

Nói một cách công bằng thì chính cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là kỳ bầu cử đầu tiên mà chúng ta có một hệ thống thiết chế pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện nhất trong lịch sử 70 năm của Quốc hội nước ta. Hệ thống pháp luật ấy bao gồm: Bản Hiến pháp mới được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015... Không phải ngẫu nhiên mà có được hệ thống luật hoàn chỉnh như vậy nếu không có vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (2011), Đảng ta đã xác định phải: "Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới", "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự tiêu biểu vào Quốc hội...". Đặc biệt, đây là kỳ bầu cử đầu tiên nước ta có Hội đồng bầu cử quốc gia, một thiết chế độc lập góp phần hạn chế những bất cập trong cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử, đồng thời nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của người dân. TS Đặng Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá đây là tiến bộ phù hợp với xu thế nghị trường hiện đại trên thế giới. 

Đảng không áp đặt 

Gần đây nhất, ngày 4-1-2016, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo cần bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; yêu cầu lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu; bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ… Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: "Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn được đề ra theo Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội; còn người ứng cử đại biểu Quốc hội phải có phẩm chất đạo đức tốt, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, hành vi vi phạm pháp luật... Không giới thiệu, đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra, có dấu hiệu vi phạm".

"Chỉ cần đọc các nội dung nêu trên, ai cũng có thể thấy ngay rằng, Đảng lãnh đạo bầu cử rất nghiêm túc, đúng pháp luật và thể hiện chủ trương dân chủ, đổi mới như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Tôi đâu thấy sự áp đặt nào của Đảng. Thậm chí Đảng còn chủ trương giảm bớt số đại biểu trong cơ quan hành chính, tăng đại biểu chuyên trách là rất phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội hiện nay", ông Sùng A Sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết khi trao đổi với phóng viên.

Ở đây, cũng cần phải có quan điểm đúng về vấn đề cơ cấu, số lượng đại biểu ứng cử. Một số trang mạng bịa đặt: “Con số 896 ứng cử viên là do Đảng áp đặt, cơ cấu đại biểu là do Đảng quy định”. Vậy con số và cơ cấu này ở đâu ra? Chỉ bằng một cú nhấp chuột vào trang web của Quốc hội, sẽ tìm thấy ngay Nghị quyết số 1135/2016/UBTVQH13, ngày 22-1-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV. Nghị quyết này quy định chi tiết phân bổ ứng cử viên tới từng bộ, ngành, địa phương, người trong Đảng và ngoài Đảng.

Là những phóng viên từng được theo dõi nhiều phiên họp xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII mấy năm qua, chúng tôi nhận thấy, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là rất cao. Các phiên họp thảo luận về Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND tranh luận rất sôi nổi với tinh thần chung là phải làm sao để Quốc hội ngày càng gần dân, là tiếng nói của nhân dân nhiều hơn, đồng thời tiếp thu những tinh hoa thế giới trong tổ chức nghị trường. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách và đại biểu ngoài Đảng cũng được bàn thảo khá nhiều và người nêu lên vấn đề này, không ai khác, phần lớn lại là những đại biểu trong Đảng.

Tuy nhiên, cũng phải nhận thức một điều, việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách cũng như đại biểu ngoài Đảng cần phải có lộ trình hợp lý, phù hợp với chất lượng hoạt động của Quốc hội và quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khi phát biểu về vấn đề này, nhận xét: Việc bảo đảm chất lượng đại biểu Quốc hội phải được đặt lên hàng đầu trên cơ sở bảo đảm cơ cấu được phân bổ. Hiện nay, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách là 114 đại biểu, tăng 15 người. Đây cũng là lộ trình để tăng dần tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách trong các nhiệm kỳ tiếp theo-có thể tăng dần đến 50% để trong số 500 đại biểu sẽ có đến 250 đại biểu Quốc hội chuyên trách. Về ý kiến cho rằng, số lượng đại biểu khối hành pháp còn cao, ông Nguyễn Văn Pha cho biết con số này là hợp lý vì hoạt động của Quốc hội chưa chuyên trách 100% quá trình làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu không có những người thuộc cơ quan hành pháp thì Quốc hội sẽ không có đủ thông tin để xây dựng luật sát thực tiễn. Còn theo ông Hà Minh Sơn, Phó trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội thì cơ cấu định hướng 30-50 đại biểu ngoài Đảng chỉ mang tính định hướng, sau khi các địa phương có kiến nghị, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, số lượng đại biểu ngoài Đảng hoàn toàn có thể tăng thêm.

Đến đây, chúng ta có thể thấy rõ những luận điệu xuyên tạc, bóp méo vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND của các thế lực có âm mưu chống phá. Sự thật hiển nhiên là, ngoài lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác trong kỳ bầu cử này. Cho nên, những sự hô hào xây dựng một cơ chế bầu cử mới theo mô hình Nhà nước tư sản, hình thành một “bộ khung ứng viên” đối lập với Đảng, “phong trào ồ ạt tự ứng cử” đối lập là không phù hợp.
 
Nhóm phóng viên Phòng Bạn đọc-Cộng tác viên/báo Quân đội Nhân dân