Thế nhưng, thời gian gần đây, xuất hiện những quan điểm trái chiều, có chủ đích xấu nhằm vào nội bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta khi bình luận, đánh giá về sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc (năm 1979).

Ảnh minh họa




Trên các trang web, blog đen, một số đối tượng đã đăng tải những hình ảnh, thông tin, bài viết bình luận thiếu khách quan, quy chụp vấn đề, cho rằng, sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc không được chính quyền Nhà nước đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông để giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc; không được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để quảng đại quần chúng nhân dân trong nước và trên thế giới được biết… 

Đặc biệt, lợi dụng sự kiện này, một số đối tượng trong nước đã kêu gọi tụ tập đông người, tổ chức cái gọi là “Ngày biên giới Việt Nam” để “tưởng nhớ những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc”. Tuy nhiên, bản chất, mục đích của số đối tượng trên trong những lần tụ tập gần đây lại không phải như vậy, mà thay vào đó là những hành động, lời lẽ thóa mạ, “bóng gió”, cho rằng Đảng, Nhà nước né tránh, chối bỏ lịch sử. 

Ngược dòng thời gian, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (ngày 30-4-1975), nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong muôn vàn khó khăn, thử thách. Đặc biệt, sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam kết thúc, nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, sản xuất đình đốn, lạm phát phi mã (774,7% năm 1986), đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hết sức khó khăn. Trong khi đó, trên thế giới, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ hoàn toàn vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Đây là một trong những tổn thất lớn cho các nước xã hội chủ nghĩa còn lại và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Cùng với việc, các nước tư bản phương Tây ráo riết thực thi chính sách bao vây, cấm vận toàn diện đối với Việt Nam; quan hệ giữa Việt Nam với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là với Trung Quốc căng thẳng... tác động tiêu cực đến công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng của nước ta. 

Trong bối cảnh đó, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam là tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi và hòa bình cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, trên cơ sở tinh thần hợp tác hữu nghị, tồn tại hòa bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của nhân dân ta và xu thế phát triển chung của thế giới. Từng bước xóa bỏ các hàng rào bao vây, cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, tạo đà cho đất nước phát triển. Để thực hiện những chủ trương, đường lối đúng đắn đó, mọi hoạt động tuyên truyền, phân tích, mổ xẻ lịch sử, trong đó có sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc (năm 1979), làm khắc sâu mối thù hận dân tộc không những không có lợi cho quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu, hợp tác cùng phát triển với các nước, mà còn tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Còn nhớ cách đây không lâu, trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã một lần nữa nhắc lại quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề lịch sử trước bạn bè quốc tế: “Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm, Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra... Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi”. 

Tuy nhiên, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng khẳng định rõ, “gác lại quá khứ” không đồng nghĩa với việc chối bỏ, bưng bít thông tin, hay che giấu sự thật lịch sử. Trái lại, cần phải có định hướng thông tin, tuyên truyền một cách khách quan, đúng đắn, đúng mức về lịch sử, truyền thống dân tộc. Qua đó, giáo dục cho các thế hệ trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng và tinh thần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ trước những âm mưu thôn tính của các thế lực thù địch. Trên thực tế, bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, chúng ta đã cung cấp những thông tin cơ bản nhất về sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc đến các giai tầng trong xã hội như: Đưa vào sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy cho học sinh các cấp; công bố, trình chiếu công khai trên các kênh truyền hình quốc gia cũng như đăng tải trên các trang web của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể những bộ phim tư liệu lịch sử về cuộc chiến tranh biên giới... Bất kỳ ai, ở đâu trên thế giới, muốn tìm hiểu lịch sử nói chung, về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nói riêng đều có thể dễ dàng tìm thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc Internet. Do đó, những quan điểm cho rằng, thông tin lịch sử bị bưng bít, né tránh là hoàn toàn chủ quan, sai lệch. 

Cuối cùng, xin mượn lời Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Lịch sử là cái khách quan, không thể quên được. Ngày nay, các bạn trẻ muốn quan tâm tới lịch sử dân tộc có nhiều công cụ phương tiện tiếp cận. Cái cần làm là cung cấp cho các bạn phương pháp khai thác, xử lí lịch sử như thế nào”. Quả vậy, trong thời buổi “bão thông tin” như hiện nay, việc tìm kiếm, tiếp cận thông tin không khó. Tuy nhiên, cần có phương pháp tiếp cận khoa học, khách quan và tỉnh táo để tránh thu nạp những thông tin, quan điểm sai sự thật, chủ đích xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm và định hướng cá nhân.

Theo Tân Sơn (báo Công an Nhân dân)