Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Saturday, September 10, 2016 , 0 bình luận

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nội dung lớn trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Qua các nhiệm kỳ từ Đại hội VI đến Đại hội XII, quan điểm của Đảng về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được phát triển và ngày càng hoàn thiện.

Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: "Tiếp tục thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"1 và "Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế"2. Điều này hoàn toàn đúng và hợp lý. Bởi, kinh tế thị trường là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Trên thế giới đã có nhiều mô hình kinh tế thị trường3, được xây dựng ở các nước có thể chế chính trị - xã hội khác nhau, phù hợp với điều kiện và mục tiêu cụ thể của từng nước. Các mô hình ấy được xây dựng và vận hành theo những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Thế nhưng, hiện vẫn còn những quan niệm khác nhau về nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Từ thực tiễn các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, như: các nước OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - có thể nhận biết một số đặc trưng hay tiêu chí cơ bản của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế như sau:
Là nền kinh tế có sở hữu hỗn hợp; trong đó, sở hữu cổ phần chiếm ưu thế. Ở đó, công ty cổ phần với quy mô vừa và nhỏ có lợi thế hơn hẳn các loại hình doanh nghiệp và công ty khác. Bởi lợi ích và đặc điểm pháp lý mà pháp luật quy định, nên các công ty này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng các loại hình doanh nghiệp, công ty (Nhật Bản chiếm khoảng 98%, ở Mỹ chiếm khoảng trên 90%).
Nền kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế đã "thị trường hóa" cao độ. "Thị trường hóa" không chỉ có nghĩa là cơ chế thị trường tỏ ra hiệu quả hơn so với các loại cơ chế kinh tế khác đã từng tồn tại, mà là một nền kinh tế thị trường thực sự đầy đủ để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp; tăng cường thuận lợi hóa, giảm thiểu ưu tiên, ưu đãi, v.v. Hơn nữa, để phát huy tính hiệu quả của cơ chế kinh tế thị trường, sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế thị trường phải tuân theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng quy luật thị trường.
Nền kinh tế thị trường hiện đại phát triển dựa trên khoa học - công nghệ hiện đại, phát triển kinh tế tri thức và có nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao chiếm tỷ trọng lớn. Ở Đức, Nhật Bản, Anh, Pháp,… tỷ trọng ngành công nghệ cao chiếm hơn 30% GDP; ở Mỹ chiếm đến 50%, trong đó chủ yếu là ngành công nghệ thông tin (trên 30%). Trong nền kinh tế phát triển đã hình thành "kinh tế tri thức" - nền kinh tế lấy tri thức làm cơ sở quan trọng hàng đầu trong sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng. Đặc điểm chủ yếu của nền kinh tế tri thức là ngành tin học và các dịch vụ liên quan chiếm vị trí chủ đạo. Hiện nay, ở các nền kinh tế thị trường phát triển của OECD, trên 50% tổng giá trị sản phẩm có nguồn gốc từ các ngành lấy tri thức làm cơ sở. Theo bảng xếp hạng về chỉ số kinh tế tri thức (KEI) của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2012, thì Ca-na-đa xếp thứ 7 với 8,92 điểm; các nước tiếp theo chỉ số tương ứng là: Đức 8 với 8,9; Mỹ: 12 với 8,77; Nhật Bản: 22 với 8,28; Pháp: 24 với 8,21, v.v. Trong các nền kinh tế thị trường hiện đại Âu - Mỹ đều có nguồn nhân lực chất lượng cao - nhân lực được đào tạo bài bản và có năng lực hoạt động cao, tiêu biểu là đội ngũ "công nhân trí thức". Mỹ là nước có nền kinh tế thị trường phát triển ở trình độ cao, hiện nay, công nhân trí thức chiếm tới 70%.
Cơ cấu kinh tế hiện đại, tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp giảm, tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng lên. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong GDP ở các nước OECD lên đến 70%, Hồng Kông là 90%, Mỹ là 80%, Nhật Bản là 74%. Các ngành tài chính - ngân hàng (kể cả bảo hiểm) và dịch vụ kinh doanh đang trở thành 2 ngành dịch vụ quan trọng, tạo ra phần lớn giá trị gia tăng của ngành dịch vụ và là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhà nước có vai trò kinh tế khác nhau trong nền kinh tế thị trường. Ở các nền kinh tế thị trường phát triển hiện nay, đều có sự can thiệp của nhà nước ở những mức độ và hình thức khác nhau, tùy theo quan điểm vận dụng các lý thuyết kinh tế, như: "Nhà nước tối đa, thị trường tối thiểu" theo lý thuyết kinh tế của J.M. Keynes; "Nhà nước ít hơn, thị trường nhiều hơn" của chủ nghĩa tự do kinh tế mới và "Kết hợp chặt chẽ giữa bàn tay vô hình" và "bàn tay hữu hình" (nhà nước) để điều tiết kinh tế". Dù theo quan điểm nào thì nhà nước vẫn phải vận dụng và tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.
Nền kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế "mở" với sự xuyên suốt của thể chế kinh tế thị trường theo hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa và hình thành các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhằm tăng cường vai trò điều tiết của nhà nước đối với nền kinh tế không chỉ giới hạn ở một quốc gia mà có sự điều chỉnh xuyên quốc gia.
Sự tiệm cận (tiến gần) đến nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế của mô hình kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại vừa phải bao hàm các đặc trưng, nội dung của thể chế kinh tế thị trường hiện đại, vừa phải đảm bảo yếu tố đặc thù, riêng có - yếu tố "Việt Nam" (định hướng xã hội chủ nghĩa).
Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự chắp nối hai mảnh ghép khác nhau. Đây là mô hình kinh tế thị trường kiểu mới nhằm khắc phục những hạn chế, tiêu cực của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhưng kế thừa, phát huy được các yếu tố tích cực và hợp lý của nó. Các yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa mang tính "nội sinh" trong quá trình phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, thể hiện ở những điểm chủ yếu: (i) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải có quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; (ii) Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Phải đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội; thực hiện sự thống nhất giữa phát triển kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển; (iv) Có sự quản lý của nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do vậy, quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo quan điểm Đại hội XII của Đảng cần quán triệt, thực hiện tốt những nội dung cốt lõi sau:
"Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất"4. Bảo đảm sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất vừa là nội dung, vừa là điều kiện thực hiện mô hình "nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại". Lực lượng sản xuất trong nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại phải là lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại. Trong thời đại ngày nay, bên cạnh trình độ hiện đại của các tư liệu lao động thì yếu tố nhân lực giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Nhân lực, với tư cách là một bộ phận của lực lượng sản xuất hiện đại phải là con người có tri thức, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức cộng đồng, năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp tốt, v.v. Việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại vừa phải phát huy được tiềm năng con người Việt Nam, vừa phải đảm bảo cho con người được phát triển một cách toàn diện. Trong thời gian tới, cần phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khoa học - công nghệ luôn là nhân tố quan trọng, mang tính quyết định trong phát triển xã hội ở mọi thời đại; đặc biệt, trong giai đoạn phát triển hiện nay. Sự phát triển của khoa học - công nghệ không chỉ đem lại sự phồn vinh về vật chất cho con người, mà đã làm thay đổi cả phương thức sản xuất, phương thức quản lý đời sống xã hội của con người, dẫn đến những thay đổi lớn lao của kinh tế và xã hội, văn hóa và cả chính trị, v.v. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng phát triển khoa học - công nghệ "làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh"5. Việc xác lập và hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất phải hướng tới mục tiêu giải phóng triệt để và thúc đẩy lực lượng sản xuất, tạo động lực huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện công bằng, đồng thuận và giữ vững ổn định chính trị - xã hội.
Nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại phải được quản lý bởi nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là xu hướng khách quan của phát triển nhà nước. Nhà nước pháp quyền tồn tại và phát triển từ sự vận động của các mối quan hệ kinh tế - xã hội trong nền kinh tế thị trường, chứ không hình thành từ ý chí chủ quan về chính trị. Thể chế chính trị đặc biệt này không tạo ra bất cứ mâu thuẫn nào giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng, do mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại phù hợp với mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Hơn nữa, thể chế chính trị này còn là một nhân tố quyết định sự ổn định cần thiết cho phát triển; khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường tự do thuần túy; đồng thời, mới đảm bảo sự phát triển bền vững, giữ vững ổn định chính trị, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao vai trò và hiệu quả lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phát triển kinh tế thị trường vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết để thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế của nước ta. Để làm được điều đó, Đảng phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, nắm vững quy luật khách quan, tình hình quốc tế và thực tiễn Việt Nam để đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, v.v.
Quán triệt, thực hiện tốt các nội dung trên là điều kiện cơ bản để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường Việt Nam theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
GS, TS. CHU VĂN CẤP, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh/Tạp chí Quốc phòng toàn dân
_____________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 102.
2 - Sđd, tr. 104.
3 - Mô hình: "Kinh tế thị trường xã hội" của Cộng hòa Liên bang Đức; "Nền kinh tế thị trường hiệp đồng" của Nhật Bản; "Kinh tế thị trường nhà nước phúc lợi” của các nước Bắc Âu; “Kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc, v.v.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 102-103.
5 - Sđd, tr. 119-120.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X