Tuần qua, UBTV Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật về Hội. Đây là dự luật còn những quan điểm khác nhau, đồng thời nội hàm dự luật điều chỉnh phạm vi, đối tượng khá rộng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung, luật hóa những quy định dưới luật đang được áp dụng hiệu quả, phù hợp với thực tiễn về hoạt động của hội, kể cả hoạt động của hội có yếu tố nước ngoài vào dự án luật.
“Bộ hồ sơ dự án Luật về Hội có thể trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 tới đây, các ý kiến khác nhau, các phương án khác nhau chúng ta đã và sẽ tiếp tục xin ý kiến.         


Chúng ta không nên dừng, không nên hoãn lại mà đưa ra để đại biểu Quốc hội thảo luận để chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền, quản lý Nhà nước bằng luật, mạnh dạn ban hành luật để điều chỉnh, quản lý Nhà nước” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ quan điểm tại phiên họp UBTV Quốc hội. 
Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội, của UBTV Quốc hội khẳng định rõ ràng như vậy, nội dung và tờ trình cũng đã nêu rõ sự cần thiết, nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật về Hội..., thế nhưng ngay sau phiên thảo luận của UBTV Quốc hội, trên nhiều diễn đàn mạng lại “bung” ra các bài viết mang màu sắc cá nhân, cơ hội, chống phá.
Những bài viết dạng này nói rằng, dự thảo Luật về Hội nhằm “bóp nghẹt” hoạt động của hội độc lập, của xã hội dân sự, luật ra đời sẽ khiến các hội độc lập... khai tử!
Các đối tượng viết bài chống phá cũng đã tự mâu thuẫn với chính mình khi có bài viết thì nói không nên ban hành đạo luật này vì “chỉ thêm rối”, “nhằm bóp nghẹt”, trong khi đó một số bài viết khác lại yêu cầu ban hành luật ngay và suy diễn “dường như Nhà nước không muốn ban hành”...
Không hiểu các đối tượng viện dẫn ở đâu hay tưởng tượng ra khi cho rằng, các hội đoàn đều có quyền thành lập, hoạt động độc lập, tự do mà không phải chịu sự điều chỉnh của bất cứ văn bản luật pháp nào; đã hội thì bất kỳ hội nào cũng tự nguyện không cần đăng ký!
Những người cổ suý cho quan điểm hội tự do phóng túng mới nghe tưởng rộng rãi song thực chất chỉ là mấy đối tượng vốn đang ấp ủ thành lập các hội đoàn, lấy danh nghĩa “xã hội dân sự” để núp bóng chống phá đất nước. Các đối tượng này viết bài đẩy lên nhiều mạng, cả trong và ngoài nước, lấy các tên khác nhau hay kêu gọi ý kiến phản hồi để tỏ ra xôm tụ.
Mặc dù quan niệm về phạm vi và vai trò của hội còn khác nhau, tùy theo thể chế chính trị - xã hội của các nước nhưng thực tế là các hội có xu hướng ngày càng tăng về số lượng và đóng góp cho sự phát triển kinh tế -xã hội cả ở phạm vi quốc gia cùng như trên bình diện quốc tế.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, ở các nước châu Âu, trung bình 1.000 dân có 4 hội, trong đó nhiều nhất là ở Phần Lan, cứ 1.000 dân có đến 20 hội; ở Pháp 1.000 dân có 10 hội.
Số lượng hội trung bình ở các nước châu Á ít hơn, khoảng 0,16-0,33 hội/1000 dân, như Thái Lan và Philippines có 0,23 hội/1.000 dân. Ở Anh có trên 400.000 hội tự nguyện, trong đó có 181.800 hội thiện nguyện.
Tại Pháp có gần 730.000 hội khai báo, hàng năm có khoảng 60.000 hội thành lập và có khai báo. Ở Liên bang Nga, sau khi Liên Xô tan rã, số lượng hội tăng lên một cách nhanh chóng, năm 1990 chỉ có khoảng 4.000 tổ chức, đến năm 2006 đã có gần 100.000 tổ chức đăng ký hoạt động với nhiều loại hình, tên gọi khác nhau.
Tại Hoa Kỳ, năm 2008 có 984.386 tổ chức thiện nguyện, 116.890 tổ chức phúc lợi xã hội, 56.819 tổ chức lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, 71.878 liên đoàn doanh nghiệp, 56.369 câu lạc bộ xã hội và giải trí, 63.318 hội ái hữu, 35.113 hội cựu chiến binh...
Lập hội là quyền tự do của công dân, là sự thể hiện dân chủ của một chế độ nhà nước, do vậy quyền này thường được ghi nhận trong những văn bản có giá trị pháp lý cao như Hiến pháp, luật do cơ quan lập pháp quốc gia ban hành.
Quyền lập hội không chỉ được ghi nhận trong pháp luật quốc gia mà còn được ghi nhận trong pháp luật quốc tế như Công ước châu Âu về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Tuyên bố chung về nhân quyền, Hiệp ước quốc tế về các quyền chính trị và công dân.
Tuy nhiên các văn bản trên cũng nói rõ việc đưa ra những hạn chế đối với quyền được đề cập trong luật, những hạn chế cần thiết “trong một xã hội dân chủ nhằm phục vụ lợi ích an ninh quốc gia và sự bình yên trong xã hội, nhằm mục đích ngăn ngừatình trạng mất trật tự và tội phạm, bảo vệ sức khỏe và nhân phẩm hay bảo vệ quyền lợi và tự do của những người khác”.
Bởi vậy, lập hội là quyền tự do của con người nhưng không có nghĩa hoạt động tự do, vô tổ chức. Tuỳ từng điều kiện cụ thể mà mỗi nước có quy định về điều kiện lập hội.
Như ở Pháp, các hội không khai báo bị đặt bên lề. Việc đăng ký và thông báo trên Công báo là cần thiết để nhận được tư cách và năng lực pháp nhân.
Ở  Ý, quy trình dẫn đến việc phải có sự công nhận ở cấp nghị định còn mang tính răn đe hơn, các hội không đăng ký sẽ không có tư cách pháp nhân hội.
Ở Thổ Nhĩ Kì, cơ quan quản lý rà soát liệu hội có đúng là không có mục tiêu chính trị hay không trước khi cho đăng ký tại Bộ Công an.
Tại Pháp, nếu như nội dung của các quy chế là được tự do thì khai báo phải bắt buộc tuân theo một tối thiểu các quy định gồm: tên hội, mục tiêu, địa chỉ trụ sở, tên, nghề nghiệp, nơi ở và quốc tịch của những người được giao trách nhiệm quản lý hay lãnh đạo.
Ngoài ra, một số nước (Đức, Ý, Đan Mạch, Ba Lan) còn đòi hỏi phải thành lập tổ chức kiểm tra việc quản lý của hội...
Điều đó cho thấy, các nước đều có quy định khá chặt chẽ về việc thành lập hội và dù thành lập theo phương thức nào thì cũng phải tuân thủ luật pháp, phải vì lợi ích cộng đồng.
Cơ quan hữu trách của nhà nước không can thiệp trực tiếp, cụ thể vào việc xây dựng điều lệ hội song đều không cho phép thành lập các hội có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội và truyền thống dân tộc.
Đối với dự thảo Luật về Hội nước ta cũng rất mở, bao gồm hội không đăng ký và hội có đăng ký. Dù thành lập dưới phương thức nào thì Hội quy định tại luật này là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của công dân, pháp nhân Việt Nam cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hội hoạt động.
Do đó, với các hội có đăng ký là nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hội và không để hội có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia, gây hại cộng đồng, cho nên không thể có khái niệm hội đứng ngoài luật pháp hay nói việc đăng ký, quản lý những hội này là “bóp nghẹt”, là “thủ tiêu” tính thiện nguyện...
TS Trần Cẩm Tú  (Báo Công an Nhân dân điện tử)