Theo
KCTĐ - Mỗi khi lật lại trang sử hào hùng của dân tộc - Điện Biên
Phủ, chúng ta không thể không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự kiệt
xuất với tư duy chiến lược vượt trội, linh hồn của
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Người đã đưa ra "Quyết lược
lịch sử", làm thay đổi vận mệnh dân tộc, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
“Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Sau thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trên
các địa bàn trọng điểm trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, buộc thực dân
Pháp phải phân tán lực lượng, mở cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng
bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ, xem đây là "pháo đài khổng lồ
không thể công phá", tướng Giáp sẽ “không dám chấp nhận giao chiến”, vì
Quân đội Việt Minh chưa bao giờ tiến công một tập đoàn cứ điểm lớn đến như vậy,
nếu tiến công vào Điện Biên Phủ sẽ đi vào con đường tự sát.
Ngày
6-12-1953, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh". Đại tướng Võ Nguyên
Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh được giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng
Chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Trước lúc lên đường, Bác
Hồ dặn dò: "Tổng Tư lệnh ra mặt
trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định". Đây không chỉ là sự tin tưởng tuyệt đối của Đảng và Bác
Hồ, mà cao hơn là trọng trách của người cầm quân! Vận mệnh cả dân tộc đặt trọn
niềm tin vào chiến thắng này, đòi hỏi ở Đại tướng một ý chí, tinh thần thép, bản
lĩnh của người cộng sản, trí tuệ, tính quyết đoán và quyết định sắc sảo của người
chỉ huy cao nhất trên chiến trường.
Ngày 12-1-1954, Đảng ủy Mặt trận họp tại
Tuần Giáo, Trưởng
và Phó đoàn chuyên gia Trung Quốc là Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh đều chọn
phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” – “oa tâm tạng chiến thuật” (chiến thuật
moi tim), dùng mũi thọc sâu “như một gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối
loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra từ ngoài đánh
vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn”[1] và
chọn 17h ngày 25 - 1 - 1954 nổ sung. Tất cả đều chuẩn bị nhanh chóng cho chiến
dịch Điện Biên Phủ!
Sau nhiều ngày suy
nghĩ, bằng nhãn quan của một nhà quân sự thiên tài trong đánh giá, phân
tích tổng hợp lý luận và thực tiễn, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và
địch, đặc biệt, Đại
tướng luôn đặt lên trên hết tính mạng người lính, chiến sĩ trên chiến trường,
không thể mạo hiểm, dốc toàn lực lượng quân đội “đánh nhanh, thắng nhanh”! Đặc biệt, nếu chúng ta “đánh nhanh,
thắng nhanh” lúc này, càng tạo thêm thuận lợi, giúp thực dân Pháp thành công âm
mưu “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, giành thế thắng trên chiến trường. Vì vậy,
trước giờ G, Đại tướng linh giác và nhớ như in lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: “tướng quân tại ngoại”, “trao cho chú toàn quyền quyết định”!
11 ngày “mất ăn, mất ngủ” và một đêm thức trắng với nắm ngải cứu thường trực
trên đầu, Đại tướng cho rằng đánh nhanh trong 3 đêm 2 ngày không thể thắng,
"cần chuyển phương châm "đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc,
tiến chắc" - “Quyết lược lịch sử” - Quyết
định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình[2]!
“Quyết lược lịch sử” này cũng là sự kế thừa và
phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam “đánh lâu dài” lên tầm cao mới, đồng
thời phù hợp với đường lối, chủ trương kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng,
phương châm tại Hội nghị lần thứ IV của Ban Chấp hành TW khóa II, ngày 25 đến
30-1-1953 tại Tỉn Keo: “Ta không chủ quan khinh địch, không nóng vội, không mạo
hiểm. Ðánh ăn chắc tiến ăn chắc. Chiến trường của ta hẹp, người của ta không
nhiều, nên nói chung ta chỉ có thắng chứ không được bại, vì bại là hết vốn”[3]
và lời căn dặn của Bác Hồ “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng
mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Sáng ngày 26 - 1 - 1954, Đại tướng lệnh
hoãn tiến công, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh
chắc tiến chắc”. Quyết định này được Bộ Chính trị và Bác Hồ đồng tình ủng hộ.
Với phương châm mới, thời
gian mở chiến dịch lùi lại, giờ G được chọn bắt đầu nổ súng trong chiến dịch
Điện Biên Phủ vào ngày 13 - 3 - 1954. “Trải qua 55 ngày đêm khoét núi ngủ hầm,
mưa dầm cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”, dân tộc Việt
Nam đã viết nên thiên anh hùng ca chiến thắng, Điện Biên Phủ trở thành sự kiện “Lừng
lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sử gia Phương Tây W.Burchett đã thừa nhận
trong Hồi ký của mình: “Điện Biên Phủ
thắng lợi hoàn toàn một ngày trước khi hội nghị đó khai mạc. Nhờ thời điểm
tuyệt diệu của ông Giáp...”[4].
Vậy mà, nhân kỷ niệm 45 năm
chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử, được tổ chức tại Trường
đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2004, đã
có tham luận của một sinh viên Trung Quốc cho rằng: Nhân tố quyết định thắng
lợi của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ là nhờ phương châm tác chiến
của chuyên gia Trung Quốc. Tham luận ấy đã được một bạn sinh viên Khoa sử K46
tiếp lời, lật ngược lại vấn đề và khẳng định bằng luận cứ, chứng cứ rõ ràng,
xác thực, đanh thép rằng: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thuộc về dân tộc
Việt Nam, thể hiện văn hóa Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam, trong đó, nhân tố quyết định trực tiếp là “Quyết lược lịch sử” thay đổi
cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại
tưỡng Võ Nguyên Giáp – đó là “Quyết
định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân” của ông. Ông đã phải trải qua 11
ngày đêm “mất ăn, mất ngủ” và 1 đêm thức trắng với nắm ngải cứu thường trực
trên đầu, cùng ông đi “thị sát” chiến trường, phân tích thực địa, so sánh tương
quan lực lượng… đủ cơ sở khoa học để thuyết phục Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc,
tập thể Đảng ủy, Ban Chấp hành Mặt trận và tướng sĩ ba quân, để nhận được sự đồng
thuận cao nhất và có chiến thắng vẻ vang cuối cùng là Điện Biên Phủ lừng lẫy khắp
bốn biển, năm châu.
Tư tưởng “đánh chắc thắng” là bất biến,
là truyền thống đánh giặc giữ nước ngàn năm của ông cha ta truyền lại và được Đại
tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa và phát huy không chỉ trong cuộc kháng chiến chống
Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ mà còn thể hiện đậm nét trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ sau này. “Quyết lược lịch sử” chuyển phương châm tác chiến
từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” – không chỉ là nhân
tố trực tiếp quyết định thắng lợi của trận Ðiện Biên Phủ mà còn làm thay đổi vận mệnh dân tộc, kết thúc
chặng đường lịch sử vẻ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đưa miền Bắc
bước vào thời kỳ xây dựng CNXH – hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước sau này. Đánh
giá “Quyết lược lịch sử” của vị Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, cố Đại tướng Lê
Trọng Tấn ca ngợi: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần
lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Trung tướng Vương
Thừa Vũ nhận định: “... Nếu lần đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh” thì cuộc
kháng chiến có thể lùi lại mười năm”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với
“Quyết lược lịch sử” trong cuộc đời cầm quân của Người là tài sản vô giá, là bệ
đỡ vững chắc, “vật báu” để dân tộc Việt Nam tiếp tục dệt thêu nên những huyền
thoại có thật ở thế kỷ XXI này!
PHẠM NHUNG
[1] Hoàng Minh Phương: Nắm
ngải cứu trên đầu đồng chí Tổng tư lệnh, Tạp chí Xưa và Nay số
208, 3-2004, tr.10
[2] Võ Nguyên Giáp: Điện
Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2000, Sđd, tr 65
- 105 - 111 - 112
[3] Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB Chính trị quốc gia,
tập 14, H. 2001, tr. 59.
[4] W.Burchett: Hồi ký,
Nxb Thông tin Lý luận, Hà Nội, 1987, tr. tr 262.
