(Tindautruongdanchu) - Hiện nay vấn đề dân tộc trở thành “điểm nóng” ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là những quốc gia có đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo, đa biên giới, trong đó có những vấn đề phức tạp, nhạy cảm về nguồn gốc lịch sử và quá trình tộc người, quan hệ dân tộc, biên giới quốc gia,… Đặc biệt, các yếu tố mâu thuẫn và xung đột dân tộc, phong trào tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ảnh hưởng của chính sách chia rẽ để cai trị của Chủ nghĩa đế quốc trước đây…, đã dẫn đến tư tưởng và hoạt động ly khai, tự trị có xu hướng tăng lên, lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam thời gian qua, vấn đề dân tộc có những diễn biến phức tạp tại một số địa phương và một số tộc người, trở thành các điểm nóng về an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Từ
thực tiễn trên, đặt ra yêu cầu cần thực sự quan tâm thoả đáng hơn công tác
nghiên cứu về âm mưu, chiến lược, kế hoạch, cách thức và nội dung thực hiện của
các thế lực thù địch trong việc lợi dụng những vấn đề dân tộc để chống phá đất
nước ta. Trên cơ sở đó, góp phần nắm bắt, hiểu biết thấu đáo nền tảng cơ sở
khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn mà họ sử dụng trong việc lợi dụng vấn đề
dân tộc, để nghiên cứu xây dựng được một hệ thống lý luận và thực tiễn phù hợp
nhằm góp phần phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, cách thức chống phá của
các thế lực thù địch. Đồng thời thực hiện tốt chính sách dân tộc và chiến lược
đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời gian vừa qua, các thế lực thù địch và một số học giả nước
ngoài đã lợi dụng luận điểm về "Thuyết vị chủng tộc người” nhằm xuyên tạc
chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Tư tưởng cơ bản của thuyết "Thuyết vị chủng tộc
người” cho rằng, một số dân tộc có đẳng
cấp cao hơn các dân tộc khác về mọi mặt, là trung tâm phát triển của thế giới
hoặc khu vực hay quốc gia. Gắn liền với quan điểm này là định kiến cho rằng,
văn hóa của dân tộc mình có giá trị cao hơn các nền văn hóa khác. Qua lăng kính
của họ, các dân tộc khác, nhất là các dân tộc thiểu số thường lạc hậu, lười
biếng, không biết làm ăn, kém tự tin, có tâm lý ỷ lại,… Do vậy, họ cho mình
quyền đi xâm lược, cai trị, có “nghĩa vụ” khai hóa văn minh hay dạy bảo cho các
dân tộc khác.
Dựa
trên những luận điểm này, các thế lực thù địch và một số học giả nước ngoài đã
và đang lợi dụng những hạn chế của chúng ta trong việc nhận định, đánh giá về
tình hình phát triển và thực hiện chính sách dành cho các dân tộc thiểu số ở
nước ta để xuyên tạc quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc chỉ đạo hoạch
định và thực hiện chính sách dân tộc, nhằm thực hiện mưu đồ phá hoại khối đại
đoàn kết dân tộc, chia rẽ mối quan hệ tốt đẹp giữa các dân tộc với Đảng và Nhà
nước hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ các cấp.
Cụ
thể, các thế lực thù địch thường phê phán chính sách dân tộc của chúng ta là
thiếu tính khách quan, thiếu tính hệ thống, thiếu tính phản biện và thường mang
tính “áp đặt” từ trên xuống, từ ngoài vào, “dán nhãn”, “phân biệt đối xử” của
dân tộc đa số với các dân tộc thiểu số. Thậm chí còn vu cáo cho rằng, chính
sách của Đảng và Nhà nước ta chủ yếu là dành cho người Kinh và người Kinh được
hưởng lợi là chính. Chẳng hạn như xuyên tạc Nhà nước ta “tạo điều kiện” cho các
nông - lâm trường và doanh nghiệp nhà nước “lấy đất” của các dân tộc thiểu số
bằng cách “cấp đất”, “giao đất” hay “làm ngơ” trước hiện tượng các tổ chức này
bao chiếm nhiều đất đai, rừng núi, khiến người dân thiếu đất sản xuất và không
gian sinh tồn, phải di chuyển tới những vùng khó khăn cho phát triển để sinh
sống, bỏ lại đất tốt cho các nông - lâm trường và doanh nghiệp nhà nước. Kích
động về nhân quyền và chủ quyền với luận điệu các doanh nghiệp nhà nước đã “xâm
chiếm tài nguyên” của các dân tộc thiểu số; xuyên tạc các nông lâm trường, công
ty, nhà máy, xí nghiệp, vùng đô thị phát triển, hệ thống chính trị các cấp là của
người Kinh đa số nắm giữ. Từ đó kích động người dân các dân tộc thiểu số đòi
lại đất đai của tổ tiên; chia rẽ nhằm làm cho người dân nghi ngờ, xa lánh, thậm
chí chống đối chính quyền và đội ngũ cán bộ; tuyên truyền các yếu tố về lịch sử
và quá trình phát triển của các tộc người để tăng cường ý thức dân tộc riêng
thay cho ý thức quốc gia; đòi quyền tự quản đất đai truyền thống, gây chia rẽ,
hằn thù giữa các tộc người, hình thành các tổ chức chính trị phản động và tư
tưởng tự trị, ly khai thành lập các “nhà nước” và “vương quốc” riêng ở một số
ít dân tộc thiểu số. Đồng thời, trên cơ sở đó họ cố tình áp đặt, truyền bá các
tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền của phương Tây, đề cao tính cá nhân lên
trên cộng đồng, quyền tự quyết của các tộc người cao hơn chủ quyền của quốc gia
Việt Nam.
Để góp phần thực hiện thành công chiến lược đại đoàn kết
toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII
và hạn chế sự chống phá nước ta trên lĩnh vực dân tộc của các thế lực thù địch.
Chúng ta cần tập trung vào một số nội dung cốt lõi sau: Đại đoàn kết toàn dân
tộc là đường lối chiến lược xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là động lực và
nguồn lực to lớn để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thống nhất. Chính sách
dân tộc là bộ phận quan trọng trong hệ thống chính sách quốc gia, nhiệm vụ then
chốt của chính sách dân tộc là nhằm giải quyết hài hòa và phát triển các mối
quan hệ dân tộc tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ của các tộc người với cộng đồng
quốc gia - dân tộc Việt Nam, để góp phần tăng cường ý thức quốc gia, tiếp tục
thực hiện thành công Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng
quốc gia - dân tộc Việt Nam thống nhất, vững mạnh.
Đảng
và Nhà nước đảm bảo các tộc người được bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết và giúp
đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi quan điểm, hành vi kỳ thị dân tộc, chia
rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách
kiến tạo cơ hội, phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có và huy động sức mạnh nội
lực của các tộc người, các tôn giáo nhằm phát triển tổng thể, toàn diện cho các
tộc người, trong đó đặc biệt quan tâm đến các tộc người ở vùng biên giới, hải
đảo, những vùng có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp cần có thêm sự hỗ
trợ phù hợp để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thành công hơn trong quá
trình đổi mới và hội nhập cùng đất nước./.
VĂN TƯ - PHÚ NÔNG