Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, January 15, 2016 , 0 bình luận

Sự hiến định về quyền con người trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất với nội dung đề cập trong “Bộ luật quốc tế về quyền con người”1. Đó là điều không ai có thể phủ nhận!



Nghiên cứu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thấy rằng, toàn bộ nội dung Chương II nói về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó, có sự kế thừa, bổ sung, phát triển các bản hiến pháp trước đây của nước ta. Chương này gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49) đề cập toàn diện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam trên các mặt: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề quan trọng này.

Ảnh minh họa



Điều 14 khẳng định: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiếp pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”. Điều đó đã thể hiện tất cả những vấn đề về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hoàn toàn phù hợp với thực tiễn đất nước và thống nhất với những quy định của quốc tế. “Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền” của Liên hợp quốc (năm 1948), được coi là bản “Tuyên ngôn đầu tiên của toàn nhân loại” và là “lý tưởng chung nhất mà tất cả các dân tộc, quốc gia phải đạt tới”2 đã công nhận con người có 26 quyền cơ bản, gồm ba nhóm sau:

Các quyền dân sự, là những quyền tự do cơ bản của cá nhân, như: quyền sống, quyền tự do thân thể; quyền không bị xâm phạm cá nhân; quyền bảo vệ danh dự, bí mật cá nhân và gia đình, bí mật về thư tín, trao đổi thông tin, tự do di chuyển chỗ ở; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền có quốc tịch và thay đổi quốc tịch; quyền kết hôn và lập gia đình; quyền sở hữu; quyền được xét xử công khai, độc lập và công bằng khi bị ra tòa.

Các quyền về chính trị, là quyền tự do khẳng định nhân cách của mình trong đời sống chính trị; quyền tham gia công việc quản lý của nhà nước và đời sống xã hội; quyền được bầu cử, ứng cử; quyền được lập hội, gia nhập hội; quyền tự do ngôn luận thể hiện chính kiến của mình; quyền được thông tin và xuất bản, quyền tự do tín ngưỡng.

Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, là các quyền về sở hữu tài sản; quyền trao đổi; quyền lao động và tự do thể hiện năng lực của mình trong lao động; quyền được bảo vệ về mặt xã hội, được sống đầy đủ, được chăm sóc sức khỏe, được học tập và sử dụng các giá trị văn hóa.

Các quyền trên cho thấy, nhân quyền có tính phổ quát (tính nhân loại): Điều 1 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền khẳng định: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Họ được phú cho lý trí và lương tri và cần đối xử với nhau trên tình anh em”. Điều đó cho thấy, quyền được tự do, bình đẳng là quyền bẩm sinh và không thể chuyển nhượng của con người. Bởi, con người là những chủ thể có lý trí và đạo đức; được thụ hưởng các quyền tự do như một sự tất yếu. Điều 2 của bản Tuyên ngôn đề cập đến nguyên tắc nền tảng về bình đẳng và không phân biệt đối xử trong việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người, trong đó cấm “bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay quan điểm khác, dân tộc hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nòi giống hay các vấn đề khác”. Khoản 3, Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc quy định rõ ràng về việc “thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo”.

Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền được coi là “một chuẩn mực chung cần đạt được của tất cả các dân tộc và quốc gia”; đồng thời, là cơ sở để đánh giá những biện pháp và mức độ tuân thủ, thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của mỗi quốc gia. Vì thế, Tuyên bố Tê-hê-ran được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người tổ chức tại I-ran năm 1968 đã khẳng định: “Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền đã xác nhận một nhận thức chung của các dân tộc trên thế giới về các quyền bất di, bất dịch và không thể bị xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại và thiết lập một nghĩa vụ cho các thành viên của cộng đồng quốc tế”. Hội nghị này, cũng kêu gọi tất cả các dân tộc và chính phủ “phấn đấu cho những nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên ngôn,… và tăng cường hơn nữa những nỗ lực nhằm bảo đảm cho mọi người có một cuộc sống phù hợp với tự do và nhân phẩm cũng như sự hạnh phúc về thể chất, tinh thần, xã hội và văn hóa”. Như vậy, rõ ràng Khoản 1, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã phản ánh đúng tinh thần các nội dung đề cập của quốc tế.

Trong khi khẳng định tính phổ quát của quyền con người, Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền cũng nhấn mạnh trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Điều 29 quy định: “Trong việc thụ hưởng các quyền và tự do, mỗi cá nhân chỉ có thể bị pháp luật hạn chế các quyền và tự do đó vì các mục đích bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác cũng như nhằm bảo đảm các yêu cầu về trật tự công cộng, đạo đức và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, khẳng định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không ai được can thiệp; 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận…; 3. Việc thực hiện những quy định tại mục 2 của Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể phải chịu một số hạn chế nhất định… để: Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Trong “Tuyên bố Viên và Chương trình hành động”, cộng đồng quốc tế cũng khẳng định: “Tất cả các quyền con người đều mang tính phổ cập, không thể chia cắt… Trong khi phải luôn ghi nhớ ý nghĩa của tính đặc thù dân tộc và khu vực về lịch sử, văn hóa và tôn giáo…”3. Dẫn ra các nội dung này cho thấy, Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 của nước ta hoàn toàn phù hợp với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người. Thế mà, các thế lực thù địch, những người bất đồng ý kiến luôn tuyệt đối hóa tính phổ quát của quyền con người, cố tình “quên” đi tính đặc thù, đến nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Từ đấy, họ vu cáo pháp luật Việt Nam hà khắc nhằm hạn chế quyền con người. Đó là đầu óc hẹp hòi, thiển cận, tư duy siêu hình thì làm sao có được kết quả khách quan, toàn diện!

Nhân quyền còn có tính giai cấp. Nội dung này được ghi trong hai công ước của Liên hợp quốc về quyền con người: Công ước về các quyền dân sự, chính trị Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Theo Nghị quyết 545 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thì hai công ước này càng chứa đựng nhiều điều khoản tương tự càng tốt và yêu cầu bổ sung một điều khoản “tất cả các dân tộc có quyền tự quyết”. Theo đó, Điều 1 của hai công ước đều khẳng định quyền tự quyết là quyền phổ biến của các dân tộc và kêu gọi các quốc gia thúc đẩy việc tôn trọng, hiện thực hóa quyền này. Điều 1 khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết”. Đồng thời bổ sung: “Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị và tự do theo đuổi đường lối phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của mình”. Điều 20 của hai công ước yêu cầu pháp luật các quốc gia cần có quy định ngăn cấm bất kỳ hình thức tuyên truyền nào cho chiến tranh hoặc sự hậu thuẫn cho những tư tưởng hận thù về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo mà kích động sự phân biệt đối xử, sự thù địch hoặc bạo lực. Vậy mà, các thế lực thù địch lại lờ đi tính giai cấp để đòi Việt Nam từ bỏ con đường phát triển của dân tộc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Họ cố tình nhắm mắt để không thấy con đường xã hội chủ nghĩa mà cách mạng Việt Nam đang hướng tới được bắt đầu ngay từ Cương lĩnh năm 1930: tiến hành cách mạng tư sản dân quyền, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Sự lựa chọn đó của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ những ngày đầu cách mạng hoàn toàn đúng với tinh thần hai công ước nói trên. Khi đó, không biết họ ở đâu, để đến khi Đảng Cộng sản lãnh đạo nhân dân giành được thắng lợi, giờ đây họ mới ló mặt ra đòi đa nguyên, đa đảng, nhằm chia quyền với Đảng Cộng sản. Khi đất nước gian nan chẳng thấy “mặt mũi anh hùng” đâu, mà giờ đây “anh hùng” sao nhiều thế? Đó là thứ “anh hùng” chỉ đòi “ngồi mát ăn bát vàng” mà thôi! Nhân dân và dân tộc Việt Nam không bao giờ chấp nhận hạng người như thế!

Như vậy, Hiến pháp và hệ thống pháp luật Việt Nam hiến định quyền con người hoàn toàn đúng với “Bộ luật quốc tế về quyền con người”, vừa phù hợp với nguyên tắc chung, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam về các mặt chính trị, pháp lý, dân tộc, tôn giáo và lịch sử truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Trên thực tế, Nhà nước ta đã bảo đảm các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa ngày càng tốt hơn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc họp tại Giơ-ne-vơ ngày 07-02-2014 đã thông qua báo cáo của Việt Nam với sự nhất trí cao. Nhiều thành tựu tích cực của Việt Nam đã được ghi nhận trong Phiên họp lần này. Vì vậy, nhiều nước cùng khuyến nghị Việt Nam tăng cường chia sẻ kinh nghiệm đổi mới, đảm bảo quyền của các nhóm yếu thế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm,… trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. 

Với những thành tựu nói trên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2014 - 2016 với số phiếu tín nhiệm cao. Điều đó là minh chứng thuyết phục bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành tựu nhân quyền của Việt Nam.

Theo NGUYỄN PHÚ HƯNG (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
__________
1 - Bao gồm: Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và hai nghị định thư bổ sung của công ước này.
2 - Quyền con người -  các văn kiện quan trọng, Nxb Thông tin Khoa học xã hội, H. 1998, tr. 144.
3 - Viện nghiên cứu Quyền con người - Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người, H. 2002,  tr. 44.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X