Hội nghị 4 bên về lộ trình hòa bình cho
Áp-ga-ni-xtan hôm 11-1 ra tuyên bố chung, kêu gọi đàm phán ngay lập tức
giữa Áp-ga-ni-xtan và phiến quân Ta-li-ban.
Đại diện các nước tham gia cuộc tham vấn 4 bên về lộ trình hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan ở I-xla-ma-bát (Pa-ki-xtan) hôm 11-1. Ảnh: AP

Đại diện các nước tham gia cuộc tham vấn 4 bên về lộ trình hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan ở I-xla-ma-bát (Pa-ki-xtan) hôm 11-1. Ảnh: AP
Cuộc tham vấn bốn bên
gồm Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở I-xla-ma-bát,
Pa-ki-xtan trong bối cảnh tiến trình đàm phán trực tiếp giữa Chính phủ
Áp-ga-ni-xtan và Ta-li-ban bị gián đoạn do cái chết của thủ lĩnh
Ta-li-ban M.Ô-ma (Mullah Omar), trong khi Áp-ga-ni-xtan hiện đang chứng
kiến một làn sóng tấn công mới của Ta-li-ban nhằm vào các cơ quan đại
diện ngoại giao và các căn cứ quân sự của quân đội nước này.
Theo tuyên bố chung,
Nhóm điều phối 4 bên (QCG) gồm Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Trung Quốc và
Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải lập tức tổ chức đàm phán trực tiếp giữa
các đại diện của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và đại diện các nhóm Ta-li-ban
theo một tiến trình hòa bình nhằm bảo đảm sự thống nhất, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của Áp-ga-ni-xtan. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc chấm dứt cuộc xung đột tại Áp-ga-ni-xtan khiến người dân nước
này phải hứng chịu bạo lực cũng như làm gia tăng bất ổn trong khu vực.
Tuyên bố cho biết, các
cuộc thảo luận đã tập trung vào việc đánh giá thực chất về những cơ hội
của tiến trình hòa bình và hòa giải tại Áp-ga-ni-xtan, lường trước
những trở ngại cũng như đề ra biện pháp giúp tạo môi trường thuận lợi
cho việc khởi động hòa đàm, với mục tiêu chung là giảm bạo lực và thiết
lập hòa bình lâu dài ở Áp-ga-ni-xtan. Cuộc họp đã thông qua các điều
khoản về nhiệm vụ của QCG và nhất trí duy trì các cuộc họp định kỳ nhằm
thúc đẩy tiến trình hòa bình và hòa giải tại Áp-ga-ni-xtan. QCG sẽ thảo
luận về một lộ trình hòa bình cho Áp-ga-ni-xtan vào cuộc họp tiếp theo,
dự kiến diễn ra vào ngày 18-1 tới tại thủ đô Ca-bun.
Theo đánh giá của các
chuyên gia, vòng tham vấn 4 bên giữa Áp-ga-ni-xtan, Mỹ, Trung Quốc và
Pa-ki-xtan được xem là một cơ chế quan trọng, mở ra cơ hội để các bên
liên quan có thể cùng bắt tay kêu gọi lực lượng Ta-li-ban quay trở lại
bàn đàm phán và chấm dứt cuộc chiến kéo dài dai dẳng suốt 14 năm qua với
Chính phủ Áp-ga-ni-xtan. Hiện chính quyền Ca-bun đang hy vọng những nỗ
lực này có thể giúp ngăn chặn Ta-li-ban phát động chiến dịch “Tấn công
mùa Xuân” – được thực hiện một cách thường niên nhằm bắt đầu một giai
đoạn chiến đấu mới tại Áp-ga-ni-xtan. Cố vấn các vấn đề đối ngoại
Pa-ki-xtan X.A-dít (Sartaj Aziz) cho biết, mục tiêu căn bản của tiến
trình hòa giải là tạo điều kiện để Ta-li-ban ngồi vào bàn đàm phán và
đưa ra các sáng kiến nhằm thuyết phục Ta-li-ban không sử dụng bạo lực
làm công cụ khi theo đuổi các mục tiêu chính trị.
Đây là cuộc họp đầu
tiên của QCG, được tổ chức sau khi 4 nước nói trên hồi đầu tháng 12 vừa
qua nhất trí phối hợp tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề
Áp-ga-ni-xtan. Vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa chính quyền Ca-bun
và Ta-li-ban được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Murree ở ngoại ô
I-xla-ma-bát hồi đầu tháng 7-2015. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán bị
đình hoãn sau khi Chính phủ Áp-ga-ni-xtan cuối tháng 7 công bố thủ lĩnh
Ta-li-ban M.Ô-ma đã chết và Ta-li-ban đã xác nhận tin này.
Cho tới nay, các nhà
lãnh đạo Ta-li-ban vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức về vòng tham vấn 4
bên giữa Áp-ga-ni-xtan, Mỹ, Trung Quốc và Pa-ki-xtan. Tuy nhiên, trong
một tuyên bố cách đây ít lâu, một số đại diện cấp cao của Ta-li-ban cho
biết, “lực lượng này không phản đối một tiến trình chính trị, song vẫn
chưa quyết định về khả năng liệu có tiến hành đối thoại với Chính phủ
Áp-ga-ni-xtan hay không”. Trả lời phỏng vấn báo giới, một đại diện cấp
cao của Ta-li-ban cho biết, dù không được mời tham dự vòng tham vấn 4
bên tại I-xla-ma-bát, song hai phái đoàn của lực lượng này hiện đang
đóng tại Ca-ta sẽ “sớm” gặp gỡ với các đại diện Trung Quốc. Cuộc gặp này
sẽ gồm cả vai trò tham gia của Pa-ki-xtan và cũng diễn ra tại
I-xla-ma-bát.
Trong khi đó, bất chấp
các nỗ lực hòa giải quốc tế đang được tăng cường, cơ hội diễn ra các
cuộc đàm phán hòa bình giữa các phe phái đối lập vũ trang tại
Áp-ga-ni-xtan được đánh giá là “vẫn còn rất xa vời” trong bối cảnh lực
lượng Ta-li-ban đang tỏ ý khó lòng chấp nhận tham gia vào tiến trình
này. Trả lời phỏng vấn hãng tin AP, một đại diện của Ta-li-ban khuyến
cáo rằng, các vòng đối thoại chính thức giữa lực lượng này và Chính phủ
Áp-ga-ni-xtan nhằm chấm dứt một cách hòa bình cuộc chiến dai dẳng và đẫm
máu tại quốc gia Tây Nam Á này “sẽ không thể diễn ra” cho tới khi Mỹ
đồng ý đối thoại trực tiếp với Ta-li-ban. “Chúng tôi muốn đối thoại với
Mỹ trước tiên bởi chúng tôi xem Mỹ là một bên đóng vai trò tham gia trực
tiếp”, đại diện trên nêu rõ.
Áp-ga-ni-xtan hiện
đang chứng kiến một làn sóng tấn công mới của Ta-li-ban. Theo giới quan
sát, làn sóng tấn công của Ta-li-ban gần đây cho thấy sự lớn mạnh của
nhóm vũ trang này trong một năm qua, kể từ khi phái bộ nước ngoài chấm
dứt nhiệm vụ tham chiến tại quốc gia Nam Á này, cũng như khả năng
Ta-li-ban đang muốn phô trương thanh thế nhằm giành lợi thế trên bàn đàm
phán. Cựu quan chức của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ M.Mo-ren
(Michael Morell) từng dự đoán, Áp-ga-ni-xtan sẽ lại nổi lên là một thách
thức ngoại giao lớn trong năm 2016, khi Ta-li-ban đang lấy dần lại lợi
thế của mình.
Theo NGỌC HÀ (báo Quân đội Nhân dân điện tử)
