Nội dung các bài báo này cho rằng, một người Mỹ có tên là Khưu Hiền Duyên (nick facebook là Mã Tiểu Linh) bị “mất tích” khi về Việt Nam, người này làm làm từ thiện và bị Công an Việt Nam “bắt cóc”.
Các bài báo trên đều cho rằng, bà Hiền Duyên được cho là "mất tích" đêm 26-5-2016, chỉ vài giờ trước khi lên máy bay về lại Hoa Kỳ, là thành viên của một hội từ thiện "giúp đỡ những trẻ em nghèo khó ở các vùng nông thôn xa xôi tại Việt Nam bằng cách gửi đến các con em sách vở và các thứ cần thiết để các con em có điều kiện đến trường học".           

           
Đáng chú ý, ngay khi bà này về Mỹ, các báo đài đã phỏng vấn bà về việc “bỗng dưng mất tích” ở Việt Nam, từ đó suy diễn, bịa đặt nhiều nội dung, tố cáo Công an Việt Nam bắt giữ công dân Hoa Kỳ “vi phạm nhân quyền”.
Khi bà Hiền Duyên mới “mất tích”, các trang tin của tổ chức khủng bố Việt Tân đã phát đi thông tin trên và kêu gọi dư luận lên tiếng phản đối. Thành viên của tổ chức này còn gọi điện thoại đến Lãnh sự quán Mỹ, các dân biểu Hoa Kỳ yêu cầu can thiệp trả tự do cho công dân Mỹ nói trên.
Vậy thực hư sự việc này ra sao?
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bà Khưu Hiền Duyên sử dụng facebook Mã Tiểu Linh đã liên tục hô hào người dân biểu tình chống chính quyền sau khi xảy ra hiện tượng cá chết ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam.
Ở Mỹ, bà này đã cùng các thành viên Việt Tân biểu tình trước trụ sở Công ty Formusa tại New Jersey, tự quay các clip xuyên tạc tình hình trong nước, vận động quyên góp tiền để tài trợ cho những người biểu tình trong nước hàng ngàn dù xanh.
Ngày 8-5-2016, Mã Tiểu Linh đã về nước, trực tiếp tham gia biểu tình và kích động, đưa thông tin xuyên tạc Công an đàn áp những người biểu tình trên facebook, thông tin về việc phát tán ô xanh cho những người tham gia biểu tình…
Ý tưởng của các thành viên Việt Tân như bà Mã Tiểu Linh, Nancy Nguyễn hay các “tổ chức xã hội dân sự độc lập” khác kích động biểu tình mang tên “cách mạng cá” cho thấy, những người này hy vọng sẽ duy trì được các cuộc biểu tình trên cả nước theo kinh nghiệm học hỏi từ biểu tình dù vàng ở Hồng Kong trước đây, thay nó bằng biểu tượng ô xanh (màu đặc trưng của Việt Tân), tọa kháng nơi công cộng với cánh tay bắt chéo, mang theo các khẩu hiệu gắn với các phong trào chống Nhà nước ta mà Việt Tân đang phát động, ký tên tập thể vào các tuyên bố, thỉnh nguyện thư vận động nước ngoài can thiệp… Tuy nhiên các thủ đoạn này đều đã bị Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Như vậy, việc nêu thông tin bà Mã Tiểu Linh đến Việt Nam để hoạt động từ thiện, bị Công an “bắt cóc”, bị chính quyền cản trở hoạt động từ thiện là thông tin sai trái, bịa đặt. Bất kỳ công dân, tổ chức nào nếu hoạt động từ thiện với mục đích, ý nghĩa rõ ràng đều được chính quyền các cấp ở Việt Nam tạo điều kiện. 
Còn trong trường hợp này, “từ thiện” chỉ là cái cớ còn thực chất là Mã Tiểu Linh về Việt Nam thực hiện các hành vi chống phá, giúp sức cho Việt Tân lợi dụng sự bức xúc của người dân sau hiện tượng cá chết để kích động xuống đường biểu tình, gây rối, từ đó ý đồ gây bạo loạn. Điều đáng nói, một sự việc rõ ràng như thế nhưng lâu nay không ít cơ quan truyền thông nước ngoài vẫn cố tình lập lờ đánh lận, đổi trắng thành đen, cố tình mượn cớ để xuyên tạc, vu cáo chính quyền, vu cáo Công an dưới cái mác “nhân quyền”, cổ súy cho các cá nhân, tổ chức chống Nhà nước ta.
Hiện nay, một số tổ chức nhân danh “hoạt động xã hội dân sự vì môi trường” tiếp tục lợi dụng vụ cá chết để hô hào biểu tình trái phép vào các buổi sáng chủ nhật bất chấp sự cảnh báo của chính quyền. Người dân quan tâm, lo lắng, bức xúc cho vấn nạn môi trường, thực phẩm hiện nay cần thận trọng với các lời kêu gọi này. 
Thay vì tụ tập biểu tình trái phép bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, người dân cần có những hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường của chúng ta, lên tiếng mạnh mẽ với các hành vi xâm hại môi trường, tố cáo và cung cấp bằng chứng về các hành vi, dấu hiệu xâm hại môi trường cho Công an, chính quyền làm rõ, xử lý…
Đinh Hương (Báo Công an Nhân dân điện tử)