Sự thật có phải như vậy? Và việc làm của tổ chức nhân quyền Gwangju đã làm tổn thương đến uy tín của mình và quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc như thế nào?



Ông Nguyễn Đan Quế trước năm 1975 làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy và giảng dạy tại Đại học Y khoa Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Sau giải phóng, ông Quế vẫn được chính quyền tiếp nhận làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, ông Quế đã có nhiều hoạt động chống phá nhằm lật đổ nhà nước. Ông đã từng có nhiều tiền án về xâm phạm an ninh quốc gia.

Chẳng hạn: Tội cầm đầu tổ chức phản cách mạng (từ tháng 12-1978 đến tháng 2-1988) do thành lập “Mặt trận dân tộc tiến bộ” với cương lĩnh xóa bỏ chế độ xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. 

Ông cũng đã bị tòa án kết án về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (tháng 2-1990, do ông Quế đã thành lập tổ chức “Cao trào nhân bản” và ra lời kêu gọi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam). 

Với những hoạt động trên, ngày 14-6-1990, ông Nguyễn Đan Quế bị bắt và kết án 20 năm tù giam, đến 1998 ông được Nhà nước đặc xá… Tại các phiên tòa, ông Nguyễn Đan Quế đã thừa nhận tội lỗi với các chứng cứ do cơ quan điều tra, tố tụng cung cấp.   

Việc tổ chức nhân quyền Gwangju ở Hàn Quốc “trao giải thưởng nhân quyền” năm 2016 cho ông Nguyễn Đan Quế chẳng những là sai lầm về chính trị mà còn là sai lầm về pháp lý:

Trước hết, đó là việc làm đi ngược lại các quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc. Cho đến nay có thể nói, lịch sử quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc đã có những bước thăng trầm mà trách nhiệm thuộc về Hàn Quốc. Còn nhớ trong cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam (1954-1975), Nhà nước Hàn Quốc đã đưa quân tham gia cuộc chiến tranh này.

Ngày nay không chỉ các cựu binh Hàn Quốc mà người thân của họ cũng đã sám hối về những tội ác của binh lính Hàn Quốc gây ra đối với nhân dân Việt Nam.

 Nhiều người Hàn Quốc mong muốn tham gia góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh bằng cách thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia. Trong hai thập kỷ qua, Nhà nước và nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc đã thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa hai quốc gia.

Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đạt một thỏa thuận nhất trí nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác hợp tác chiến lược. Theo số liệu của  Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hàn Quốc dẫn đầu danh sách các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam. 

Hiện nay, Hàn Quốc có 1.655 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 11,5 tỷ USD, chiếm gần 22,7% tổng số dự án, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư và dẫn đầu danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Chiều 27-4-2016, Quỹ hòa bình Hàn - Việt tổ chức họp báo ra mắt bức tượng Pieta Việt Nam tại Seoul, đồng thời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm đối với vấn đề chiến tranh Việt Nam. 

Bức tượng “Pieta Việt Nam” miêu tả hình ảnh một người phụ nữ đang ôm vào lòng đứa con bé bỏng, thơ dại, mắt khép hờ như sắp chìm vào giấc ngủ.

Bức tượng Pieta Việt Nam nhằm an ủi cho linh hồn của những người mẹ đã nằm xuống và những đứa trẻ vô danh mới chào đời chưa kịp đặt tên, đã chết trong những cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn trong chiến tranh Việt Nam. 

Bức tượng được Quỹ hòa bình Hàn - Việt vận động kinh phí từ người dân Hàn Quốc để đúc đồng, dự kiến đặt tượng đầu tiên ở đảo Jeju (Hàn Quốc) và nhiều nơi khác… như một lời xin lỗi của người Hàn với nạn nhân chiến tranh do binh lính Hàn Quốc gây ra.

Việc tổ chức nhân quyền Gwangju trao giải thưởng cho người hoạt động nhằm lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khác nào đang phá hoại chính quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, đang xúc phạm ngay lòng tự trọng của đông đảo người dân Hàn Quốc.

Đối với tổ chức nhân quyền Gwangju, đây là việc làm tổn thương đến chính uy tín của mình.

Thứ hai, về mặt pháp lý, việc tổ chức nhân quyền Gwangju trao giải cho ông Nguyễn Đan Quế là sự vi phạm Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966.

Điều 1 (Công ước trên) quy định:

“1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá”. Quy định này (tại khoản 1, Điều 1) có nghĩa việc một quốc gia lựa chọn chế độ chính trị nào (tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa), thể chế (đa đảng hay một đảng cầm quyền…) ra sao và xây dựng các đạo luật với những quy định cụ thể như thế nào là quyền của dân tộc đó mà không ai có quyền can thiệp.
Hành vi của ông Nguyễn Đan Quế là vi phạm nhiều quy định về các tội “xâm phạm an ninh quốc gia” trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đó là những hành vi nguy hiểm, hoạt động có tổ chức… cho nên việc tòa án Việt Nam tuyên phạt ông Nguyễn Đan Quế theo pháp luật quốc gia là hiển nhiên. 

Thiết nghĩ nếu tổ chức chức nhân quyền Gwangju thật lòng vì nhân quyền Việt Nam hãy chia sẻ suy nghĩ và việc làm của các tổ chức xã hội như “Ủy ban Sự thật (của) Hàn Quốc về Chiến tranh Việt Nam”, “Những người bạn của Việt Nam” đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia thay vì khuyến khích những hành vi phá hoại cuộc sống thanh bình của nhân dân Việt Nam. 

TS. Cao Đức Thái (Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quyền con người/Báo Công an Nhân dân điện tử)