Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, May 31, 2016 , 0 bình luận

Ngày 26-10-1979, Tổng thống Park Chung-hee (Pắc Chung Hy) ở Hàn Quốc bị ám sát. Sự kiện này đã chấm dứt chế độ Park Chung-hee song lại đưa Hàn Quốc vào tình trạng bất ổn, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự do tướng Chun Doo-hwan (Chun Đô Hoan) đứng đầu và lệnh thiết quân luật. Bối cảnh đó đẩy tới nhiều hành động của người Hàn Quốc để giải tỏa bức xúc vốn tích lũy từ thời Park Chung-hee; sự kiện xảy ra tại Gwangju (Quang Du) tháng 5-1980 với việc sử dụng bạo lực của chính quyền Hàn Quốc khi đó đối với người biểu tình, dẫn tới cái chết của hàng trăm dân chúng, binh lính, cảnh sát. Đến nay, từ các cách tiếp cận khác nhau mà sự kiện xảy ở Gwangju năm 1980 lại có tên gọi khác nhau, như: “sự cố 18-5”, “nổi dậy 18-5”. Để kỷ niệm, năm 2000, Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 (May 18 Memorial Foundation - thành lập năm 1994 tại Hàn Quốc) lập một giải thưởng đặt tên là “giải thưởng nhân quyền Gwangju” dành cho “cá nhân, tập thể hay định chế tại Hàn Quốc hoặc nước ngoài, đã có đóng góp vào việc xúc tiến nhân quyền, dân chủ, hòa bình”. Ngày 21-4 mới đây, căn cứ vào thứ “thành tích” kỳ quặc gọi là “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc và sự trừng phạt phải gánh chịu đã tạo cảm hứng cho con người toàn thế giới lên tiếng… thay mặt những người thấp cổ bé họng chỉ trích chính sách phân biệt đối xử về chăm sóc y tế của chế độ chỉ dành ưu tiên cho đảng viên cộng sản thay vì dành cho người nghèo” (!) “giải thưởng nhân quyền Gwangju” năm 2016 được trao cho Nguyễn Đan Quế - một người Việt Nam. Vậy, Nguyễn Đan Quế là ai?

Không cần tìm trong hồ sơ của cơ quan chức năng, chỉ cần vào internet sẽ dễ dàng biết được lai lịch, quá trình hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam, chống phá chế độ của Nguyễn Đan Quế đã diễn ra như thế nào, vì mấy kẻ “cùng hội cùng thuyền” với ông ta không e ngại quảng bá các “thành tích” của người này. Nguyễn Đan Quế sinh năm 1942, tại Hà Nội, năm 1954 di cư vào nam, tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1966. Sau đó làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi tu nghiệp tại Bỉ, Pháp, Anh. Năm 1978, Nguyễn Đan Quế và một số người lập cái gọi là “mặt trận dân tộc tiến bộ” cho nên đã bị bắt giam và năm 1988 được phóng thích. Năm 1990, Nguyễn Đan Quế lập ra cái gọi là “cao trào nhân bản”, đồng thời công bố “lời kêu gọi của cao trào nhân bản” đòi nhân quyền, đa nguyên chính trị, tuyển cử tự do. Vì thế ông ta bị bắt giữ với tội danh “âm mưu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, và nhận bản án 20 năm tù, 5 năm quản thúc. Năm 1998, nhờ chính sách khoan hồng của Nhà nước, Nguyễn Đan Quế đã được ra tù trước thời hạn. Dù được Nhà nước khoan dung song bản chất con người Nguyễn Đan Quế vẫn không thay đổi. Năm 1999, ông ta công bố cái gọi là “thông cáo đòi dân chủ hóa đất nước”; năm 2003, ông ta gửi văn bản chỉ trích Nhà nước Việt Nam tới Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2004, Nguyễn Đan Quế tiếp tục nhận bản án 30 tháng tù với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, đến năm 2005 được Nhà nước Việt Nam đặc xá. Năm 2011, khám xét khẩn cấp nhà riêng của Nguyễn Đan Quế, cơ quan an ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện trong máy tính của ông ta lưu trữ hơn 60.000 đầu tài liệu kích động, kêu gọi chống phá Nhà nước cùng “lời kêu gọi toàn dân xuống đường” biểu tình lật đổ chế độ. Nguyễn Đan Quế thừa nhận tài liệu do ông ta soạn thảo, đã phát tán cho một số tổ chức, cá nhân phản động ở trong nước, ngoài nước. Đến năm 2013, Nguyễn Đan Quế tiếp tục làm đầu trò để lập ra cái gọi “mạng lưới các blogger Việt”, “hiệp hội nhân quyền phụ nữ Việt Nam”; và năm 2014 là người chủ mưu để cho ra đời cái gọi là “hiệp hội các cựu tù nhân lương tâm”…
Như vậy, sau mấy chục năm hoạt động chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, Nguyễn Đan Quế đã bị bắt giam và tuyên án ba lần. Đó chính là lý do để các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam ban phát cho ông ta nhãn hiệu lừa mỵ như “nhà dân chủ, nhà bất đồng chính kiến, nhà đối lập hàng đầu”. Đó cũng là lý do để mỗi khi cần tiếng nói “to mồm” trước vấn đề, sự kiện nào đó ở Việt Nam, RFA, BBC, RFI, VOA,… lại tìm đến Nguyễn Đan Quế, tạo cơ hội để ông ta phát ngôn ngông cuồng, tùy tiện như đòi “cô lập Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam để đánh đổ một đảng với chủ nghĩa lỗi thời, công nhận quyền tư hữu, phối hợp trong - ngoài”. Thậm chí, dù dân chúng Việt Nam không biết ông ta là ai, ngày 3-3-2011, có người còn vẽ vời trên BBC viễn cảnh khôi hài: “Nếu như hình ảnh bác sĩ Nguyễn Đan Quế cũng bước ra đường vào một thời khắc nào đó, bị công an xô đẩy và rơi vào ống kính truyền thông thì có thể nói cách mạng hoa nhài được chính thức bắt đầu”! Đáng chú ý, anh trai Nguyễn Đan Quế là Nguyễn Quốc Quân - một người Mỹ gốc Việt có thái độ, hành động chống cộng nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Nguyễn Quốc Quân cầm đầu “tập hợp vì nền dân chủ”, đặc biệt sau khi Nguyễn Đan Quế cho ra đời “cao trào nhân bản” thì ở Hoa Kỳ, Nguyễn Quốc Quân cũng vội vàng lập “tổ chức quốc tế yểm trợ cao trào nhân bản” nhằm hậu thuẫn cho em trai và do chính Nguyễn Quốc Quân làm… “chủ tịch”! Năm 2004, kỷ niệm một năm Nguyễn Đan Quế bị bắt, Nguyễn Quốc Quân đã đăng bài trên National Review Online - một tạp chí chính trị có khuynh hướng bảo thủ ở Hoa Kỳ, trong đó mượn lời T. Wiesel (T. Uy-sen) để ca ngợi em trai là “Sakharov của Việt Nam”! (Sa-kha-rốp - người được giới sử dụng dân chủ, nhân quyền kiểu phương Tây để chống phá Liên Xô trước đây gọi là “nhà bất đồng chính kiến”).
Qua các hành vi của Nguyễn Đan Quế, cần khẳng định từ năm 1975 đến nay, ngoài việc chống phá Nhà nước, chống phá chế độ một cách có hệ thống, người này chưa làm bất cứ việc gì hữu ích với xã hội Việt Nam. Ông ta vi phạm pháp luật cho nên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó là việc bình thường ở mọi quốc gia khi cần tổ chức, quản lý, bảo đảm ổn định xã hội, ngay tại Hàn Quốc cũng vậy. Cho nên cái gọi “hành trình đi tìm tự do cho dân tộc” của Nguyễn Đan Quế mà tổ chức trao giải rêu rao thực chất là gán ghép bừa bãi, vì “hành trình” đó hoàn toàn không có giá trị đối với dân tộc Việt Nam. Để kiểm chứng, người ở Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 hãy khảo sát trên internet xem những thứ “thông báo, kêu gọi” của Nguyễn Đan Quế có được mấy trăm người hưởng ứng, trong khi dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người? Còn cái gọi “chính sách phân biệt đối xử về chăm sóc y tế” họ đưa ra, thực chất là xuyên tạc một trong rất nhiều việc làm quan trọng mà Nhà nước Việt Nam đã tiến hành nhằm bảo đảm nhân quyền trong xã hội. Về y tế, đến nay ở Việt Nam một hệ thống y tế rộng khắp từ trung ương đến làng xã, thôn bản đã được triển khai giúp khám, chữa bệnh cho toàn dân, không có bất cứ phân biệt đối xử nào. Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dưới 16 tuổi và từ 16 tuổi đến 22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi không có lương hưu,… Đó là kết quả từ chính sách ưu việt, nỗ lực rất lớn của Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Nhưng người có trách nhiệm ở Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 không biết sự thật đó, và Nguyễn Đan Quế phải thấy xấu hổ khi được “vinh danh” như vậy.
Dù bao biện thế nào thì hành vi của Nguyễn Đan Quế vẫn không tương xứng với những gì người Hàn Quốc cố gắng đạt tới sau thời Park Chung-hee. Nói cách khác ở Gwangju, người Hàn Quốc hành động để xây dựng xã hội, còn Nguyễn Đan Quế lại sử dụng nhân quyền làm chiêu bài để chống phá, xúi giục chống phá Nhà nước, gây mất ổn định xã hội. Hoàn toàn không có uy tín, xăng xái đóng vai “người hùng” qua mấy “kêu gọi, tuyên bố” trên internet, suy cho cùng Nguyễn Đan Quế đã và đang là “con rối” trong tay các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam. Bởi vậy, liệu có thể coi việc trao “giải thưởng nhân quyền Gwangju” cho Nguyễn Đan Quế là làm tổn thương những người Hàn Quốc đã ngã xuống ở Gwangju? Qua việc trao “giải thưởng” cho ông ta, người có trách nhiệm ở Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 của Hàn Quốc có biết họ đã đánh đồng người tốt với kẻ xấu; tiếp tay cho người đã vi phạm pháp luật Việt Nam một cách hệ thống và nhiều lần phải nhận án tù; đồng thời xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Vào lúc quan hệ Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển tốt đẹp, phù hợp lợi ích của nhân dân hai nước, nếu thật sự quan tâm đến Việt Nam, người tổ chức “giải thưởng nhân quyền Gwangju” cần làm những việc có ý nghĩa để củng cố quan hệ hữu nghị, có thái độ văn minh để không xuyên tạc, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không trao “giải thưởng” cho người như Nguyễn Đan Quế. Dù Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai thì trước khi đề cập tới dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, người của Quỹ tưởng niệm ngày 18-5 cần nghĩ tới các tội ác mà binh lính Hàn Quốc gây ra ở Việt Nam; họ cần biết về sự kiện ngày 26-2 GS Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hòa bình Hàn - Việt, đã tới Bình An (Bình Định) để cúi đầu, quỳ lạy gửi lời xin lỗi đến nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân đã bị binh lính Hàn Quốc thảm sát; gần hơn là ngày 27-4 vừa qua, Quỹ hòa bình Hàn - Việt thông báo ra mắt bức tượng Pieta Việt Nam tại Seoul, kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm với vấn đề chiến tranh Việt Nam… Thiết nghĩ, khi những người Hàn Quốc có lương tri đã hành động rất đúng mực như vậy, thì người trao “giải thưởng” cho Nguyễn Đan Quế cũng nên tự vấn để xem xét, đánh giá lại việc làm của họ.
VŨ HỢP LÂN (Báo Nhân dân điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X