Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, September 16, 2016 , 0 bình luận

Liệu có phải Việt Nam đang trở thành bãi rác công nghệ? Đó là câu hỏi xuất hiện đã khá lâu và tiếp tục được đặt ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 13-9. Tình trạng nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu và cả rác thải công nghiệp sẽ buộc chúng ta phải đối mặt nhiều mối nguy, như: ô nhiễm môi trường, mất an ninh năng lượng, kéo dài quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia,...

Để phục vụ sản xuất, kinh doanh, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu máy móc, thiết bị từ nhiều quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp có ý thức “đi tắt, đón đầu”, đầu tư nhập khẩu các thiết bị, công nghệ hiện đại, vẫn còn một số doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu. Điều này đã và đang gây hệ lụy khó lường, nhất là khi gần đây hàng loạt vụ việc liên quan nhập thiết bị hết hạn sử dụng rồi tân trang thành thiết bị mới để trục lợi đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Điển hình là Công ty Thương mại và Kinh doanh thiết bị y tế ANNA (Hà Nội) với thủ đoạn khai báo nhập thiết bị y tế mới 100%, đã nhập máy móc thiết bị y tế hết hạn sử dụng, sau đó “phù phép” thành hàng nhập khẩu mới nguyên chiếc, chuyển đến một số cơ sở y tế. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 15-1-2016, Giám đốc ANNA khai báo: Trước khi bị cơ quan chức năng phát hiện, công ty này đã nhập 53 máy phân tích sinh học các loại, thu lợi hàng tỷ đồng. Điều khiến dư luận quan tâm là: số máy này đã được chuyển tới những địa chỉ nào? Với các máy móc thiết bị không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn được các cơ sở y tế dùng phân tích kết quả xét nghiệm, bao nhiêu người do kết quả đó mà phải “tiền mất tật mang”? Có thể gây nguy hại cho cộng đồng như vậy, song giám đốc ANNA chỉ phải chịu hình phạt 24 tháng tù vì tội buôn lậu.

Tương tự là sự việc tại Công ty TNHH kỹ thuật thiết bị Y tế Bảo Trân (Hà Nội). Công ty này đã nhập khẩu máy soi dạ dày, máy scan phim X-quang, các phụ kiện đi kèm. Xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mê-hi-cô, các máy móc này đều đã bị thải loại do không còn hạn sử dụng, nhưng Công ty Bảo Trân vẫn nhập và đã tân trang thành hàng mới để tuồn vào một số bệnh viện tuyến huyện, cơ sở y tế tư nhân.
Tình trạng nhập máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam không chỉ là vấn đề nóng trong ngành y tế, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Đầu năm 2016, dư luận không khỏi ngạc nhiên trước một văn bản cho thấy ngành đường sắt đang chuẩn bị mua 160 toa xe tàu hàng cũ từ nước ngoài, trong số này có tới 120 toa có tuổi thọ hơn 20 năm! Ngay sau khi phát hiện sự việc, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý kịp thời như: cách chức Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội; yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kỷ luật nghiêm các cán bộ liên quan do đã làm văn bản trái thẩm quyền gửi cơ quan cấp trên; không thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và cơ quan liên quan về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Nếu sự việc không được phát hiện, xử lý kịp thời thì việc nhập toa xe cũ sẽ thành chuyện đã rồi, vừa gây thất thoát, lãng phí ngân sách, vừa đẩy tới nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông khi các thiết bị này được đưa vào vận hành. Thực tế trong không ít trường hợp, việc nhập khẩu thiết bị, công nghệ cũ khiến một số doanh nghiệp “sa lầy”, làm thiệt hại kinh tế quốc gia. Cụ thể như việc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin trong hai năm 2006 - 2007 đã mua 10 tàu vận tải biển có tuổi đời hơn 15 năm với tổng số tiền lên đến 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu USD)! Vì các tàu này đều đã “quá tuổi”, không thể làm thủ tục đăng kiểm tại Việt Nam, cho nên chúng vẫn được treo cờ nước ngoài (theo quốc tịch cũ) để hoạt động vận tải. Giai đoạn 2005 - 2010, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng từng nhập 73 tàu cũ, với số tiền gần 23.000 tỷ đồng! Có tàu đã sử dụng 30 đến 33 năm vẫn được nhập về sử dụng!? Hậu quả là đến năm 2013, đã buộc phải phá dỡ những tàu nhập xuống cấp, đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng bỏ ra mua đã bị đổ xuống sông xuống biển một cách lãng phí, không thể chấp nhận!
Trong lĩnh vực nhiệt điện, tình trạng sử dụng máy móc, thiết bị nhập ngoại nhưng kém chất lượng cũng đáng lo ngại. Số liệu của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương) cho thấy, trong số 20 dự án năng lượng đang thực hiện có 15 công trình do tổng thầu nước ngoài thực hiện với tỷ lệ nội địa hóa là 0%. Phản ánh của báo chí cho thấy một số nhà máy nhiệt điện sau khi được đơn vị tổng thầu xây lắp xong vừa đưa vào vận hành đã gặp trục trặc ở nồi hơi, hệ thống điều khiển nên phải điều chỉnh nhiều lần. Điều này dấy lên mối lo ngại về hiệu quả của nhà máy khi đi vào hoạt động. Đáng nói là số tiền xây dựng các nhà máy nhiệt điện này không hề nhỏ, do đó nếu hỏng hóc có nguyên nhân từ hệ thống máy móc lạc hậu thì việc khắc phục, sửa chữa, khai thác về sau vô cùng khó khăn, thậm chí sẽ phải đối diện với nghịch lý: dù xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện song các ngành sản xuất và người dân vẫn không đủ điện sử dụng!
Có thể nói, tình trạng nhập công nghệ lạc hậu, thiết bị, hàng hóa đã qua sử dụng hoặc quá hạn sử dụng đang diễn ra phức tạp. Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng này: giá thành rẻ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, phù hợp với trình độ lao động tại doanh nghiệp; nhập thiết bị cũ để “làm giá” hòng trục lợi… Nhưng hậu quả nguy hại của việc làm này đã được chứng thực: thiết bị nhập khẩu không thể sử dụng, hoặc nếu sử dụng được thì cũng cho năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao, duy tu và bảo trì rất tốn kém,… đã buộc một số doanh nghiệp phải đầu tư trang, thiết bị mới, hoặc dừng sản xuất để “cắt lỗ”. Đặc biệt, tình trạng nhập khẩu thiết bị cũ để lấy linh kiện còn khiến một lượng phế liệu lớn bị thải loại và đất nước đứng trước nguy cơ thành điểm tập trung rác thải công nghiệp từ bên ngoài. Việc hơn 5.400 container phế liệu (chủ yếu gồm phế liệu, thiết bị điện, hàng điện tử, lốp cao-su đều đã qua sử dụng,...) đang tồn kho tại một số cảng biển nước ta, trong đó có lô hàng nằm cả chục năm nay đã cho thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải công nghiệp không còn là lời cảnh báo.
Việc nhập khẩu máy móc, công nghệ lạc hậu, phế liệu rác thải không chỉ trực tiếp đe dọa môi trường, đe dọa an ninh năng lượng, mà còn cản trở quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp của đất nước, giảm giá trị cạnh tranh của quốc gia. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng: “Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua rất thấp, chưa đạt như mong muốn (10%/năm). Một số ngành, lĩnh vực như nhiệt điện, xi-măng, mía đường, luyện cán thép, khai khoáng,… vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu hai, ba thế hệ là chính... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta”. Còn Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá là “rất yếu kém” khi đề cập tình trạng công nghệ trong nước. Điều này thể hiện qua các số liệu: năm 2015, Việt Nam đứng thứ 56/140 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu, nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp đứng thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ đứng thứ 112 trong số 140 quốc gia. Đáng lo ngại hơn, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, là chúng ta vẫn thiếu công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn các luồng công nghệ lạc hậu được nhập vào trong nước.
Không thể đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt để nhận lấy các mối nguy hại lớn đối với sự phát triển đất nước, đó là điều đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. Ngày 13-9, tại phiên họp thứ ba Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ: “Chúng ta phải vừa quản lý được môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, kiểm soát được tình trạng nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc lạc hậu, cũ kỹ, nhưng vừa phải bảo đảm môi trường thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường thuận lợi để phát triển thị trường khoa học - công nghệ”. Sự cố môi trường biển các tỉnh miền trung còn đầy tính thời sự và là cảnh tỉnh sâu sắc cho các cấp, các ngành và các địa phương. Hy vọng các quy định của pháp luật sẽ ngày càng chặt chẽ, kịp thời điều chỉnh sự vận động, thay đổi trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ; sai phạm trong nhập khẩu, chuyển giao thiết bị, công nghệ sẽ bị xử lý nghiêm khắc, đủ sức để răn đe. Tuy nhiên, luật pháp không thể phát huy được hiệu quả nếu mỗi doanh nghiệp và cá nhân không nâng cao ý thức trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của đất nước.
SONG GIANG (báo Nhân dân điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X