Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, September 12, 2016 , 0 bình luận

Vừa qua, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là sự tiếp nối thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trong điều kiện mới, với nội hàm rộng, sâu sắc. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 trong Quân đội sẽ là một giải pháp quan trọng, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Để làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân đăng chùm bài viết của hai tác giả Hồng Lâm – Trần Ban với tiêu đề: Chỉ thị 05 với yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

(Tiếp theo và hết)*
Kỳ 2: Để Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị thực sự là giải pháp quan trọng xây dựng Quân đội về chính trị
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nên đòi hỏi càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đặt ra cho công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên phải được chú trọng và toàn diện hơn nữa. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và phát huy kết quả, khắc phục hạn chế trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là Chỉ thị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng con người mới trong giai đoạn hiện nay. So với Chỉ thị 03, Chỉ thị 05 có nội hàm rộng và sâu sắc hơn, tác động trực tiếp đến công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, góp phần khắc phục hiệu quả hơn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ.


Hội nghị Bộ phận giúp việc Cơ quan Thường trực Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. (Ảnh: qdnd.vn)

Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Chỉ thị 05 được thể hiện thông qua hệ thống các quan điểm, quan niệm của Người về vấn đề này. Đó là hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng; về chăm lo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng, v.v. Các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, v.v.Đó là phong cách Hồ Chí Minh về: tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát; ứng xử văn hóa, tinh tế, thấm đậm tính nhân văn, tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; sống thanh cao, trong sạch, giản dị; quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương, v.v. Quán triệt và thực hiện tốt các nội dung đó, sẽ làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hệ thống các quan điểm về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng thống nhất với yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị, trở thành nguyên tắc, phương châm chỉ đạo công tác xây dựng Quân đội nhân dân của Đảng trong giai đoạn mới. Bởi vậy, việc quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 sẽ góp phần bồi đắp, phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Để Chỉ thị 05 đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành giải pháp quan trọng xây dựng Quân đội về chính trị, trước hết, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị với xây dựng Quân đội về chính trị. Thông qua đó, để bộ đội nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt Chỉ thị 05 là thiết thực xây dựng, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng và hệ thống giá trị đạo đức xã hội tốt đẹp, mà cốt lõi là giá trị đạo đức vì con người, vì cộng đồng, vì sự phát triển của đất nước. Đồng thời, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, v.v. Đối với Quân đội, Chỉ thị 05 tác động trực tiếp đến nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác; làm cho bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân trở thành hiện hữu trong nhận thức, hành động, đối nhân xử thế của cán bộ, chiến sĩ. Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, chất “chính trị” trong mỗi quân nhân sẽ ngày càng phong phú, sâu sắc; trở thành động lực tinh thần to lớn để họ vượt qua những khó khăn, thử thách, gắn bó với nhân dân, đặt lợi ích chung lên lợi ích riêng, biết xử lý đúng những tình huống đặt ra, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên cơ sở nắm vững nội dung Chỉ thị, đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ được giao, mỗi người “tự soi”, “tự sửa”, tự phấn đấu; coi đó là trách nhiệm cụ thể, thiết thân, công việc thường xuyên, hằng ngày.
Tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt có ý nghĩa quyết định để Chỉ thị 05 đi vào cuộc sống, trở thành giải pháp cơ bản xây dựng Quân đội về chính trị. Trước mắt, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp và nội dung sinh hoạt thường xuyên của các cấp ủy, các tổ chức; lồng ghép vào kế hoạch xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, giáo dục chính trị, tư tưởng, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi ý chí, nghị lực, quyết tâm cao. Đồng thời, gắn thực hiện Chỉ thị với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, phong trào Thi đua Quyết thắng và các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức, lực lượng. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị theo phương châm: trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; học tập đi đôi với làm theo, “xây” đi đôi với “chống”, lấy xây làm chính; đưa nội dung Chỉ thị 05 vào giảng dạy trong các nhà trường Quân đội, phù hợp với từng đối tượng và yêu cầu giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt việc nêu gương theo tinh thần cấp trên làm gương trước cấp dưới, cán bộ làm gương trước chiến sĩ; coi đó không phải là lời nói suông, vận động suông mà trở thành những quy định, sự ràng buộc trách nhiệm để mỗi người tự giác thực hiện.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị. Để làm được điều đó, cần nắm chắc mục đích, yêu cầu, nội dung Chỉ thị 05; bám sát tiêu chí xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn mới; đặc điểm, tình hình đơn vị, vị trí, chức năng của các tổ chức và chức trách, nhiệm vụ của từng người để xây dựng hệ thống tiêu chí cho phù hợp, theo phương châm "sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ đánh giá kết quả". Hệ thống tiêu chí đó phải thể hiện rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; đồng thời, phản ánh được mục đích, yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị trong giai đoạn hiện nay; gắn xây dựng tiêu chí với tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn thân thế, sự nghiệp Hồ Chí Minh, bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Trên cơ sở tiêu chí chung, từng người, từng tổ chức xác định kế hoạch phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đảm bảo sát thực, tính khả thi cao và được thông qua trước chi bộ để đóng góp, bổ sung. Do yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị thường xuyên phát triển cùng với sự biến động của thực tiễn, nên trong từng giai đoạn, các tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp; làm cơ sở để phấn đấu, rèn luyện một cách đồng bộ, hiệu quả, góp phần bồi đắp thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong thực hiện Chỉ thị 05, việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, suy cho cùng, việc thực hiện Chỉ thị 05 trong Quân đội là nhằm phát huy bản chất, truyền thống cách mạng, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nên việc biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến là việc làm cần thiết; qua đó, tạo ra nhiều gương sáng về rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác và phong cách lãnh đạo, làm cho yêu cầu xây dựng Quân đội về chính trị ngày càng trở thành hiện thực và thấm sâu vào mỗi con người, mỗi tổ chức. Vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” cần được làm thường xuyên, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Các tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, có sức thuyết phục cao, trực tiếp làm nhiệm vụ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Cùng với đó, đẩy mạnh cuộc vận động “Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; làm tốt công tác tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần làm lan tỏa những tấm gương điển hình tiêu biểu xuất sắc ở từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.
Tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hạ thấp uy tín Hồ Chí Minh, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Hình ảnh Bác Hồ đã thấm sâu vào trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có sức cảm hóa mạnh mẽ, thúc giục mọi người cùng phấn đấu, noi theo. Thế nhưng, thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch đã xuyên tạc đủ điều về Hồ Chí Minh, từ đời tư đến sự nghiệp cách mạng. Chúng cho rằng, không có tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ do tưởng tượng ra; Hồ Chí Minh là con người độc tài,... không xứng đáng là “thần tượng” để người dân Việt Nam ngưỡng mộ(!), v.v. Đối với Quân đội, chúng thực hiện thủ đoạn “phi chính trị hóa”, tạo nên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho cán bộ, chiến sĩ xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, rệu rã về tinh thần, không nhận biết được đối tượng, đối tác; khi đó, Quân đội sẽ biến chất, không còn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, v.v. Nguy hiểm hơn, những chiêu trò đó lại diễn ra đúng thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tích cực triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và Quân đội. Do đó, cần coi trọng công tác giáo dục làm cho bộ đội hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; củng cố niềm tin, nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực đấu tranh và có giải pháp phòng, chống hiệu quả.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) là cơ sở để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
HỒNG LÂM - TRẦN BAN

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X