Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, August 30, 2018 , 0 bình luận

Nhà Xuất Bản Văn Học Đã Phát Hành Cuốn Sách “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” Do Thiếu Tướng Lê Mã Lương, Anh Hùng Llvtnd Chủ Biên Với Các Bài Viết Của Nhiều Tác Giả. Tôi Chưa Được Xem Nhưng Nhiều Người Điện Cho Tôi Đề Nghị Có Y Kiến Về Vấn Đề: Có Lệnh “Không Được Nổ Súng” Của Chỉ Huy Cấp Cao Cho Nên 64 Cán Bộ Chiến Sĩ Hải Quân Đã Hi Sinh… Đặc Biệt Trong Đó Có Bài Viết Và Tin Nhắn Của Thượng Tá Phóng Viên Báo Qđnd Nguyễn Văn Minh Và Tin Nhắn Của Trung Tá Nguyễn Như Thường – Cán Bộ Kênh Truyền Hình Qpvn Gửi Cho Tôi Và Đề Nghị Tôi Có Chính Kiến.


Tôi đã xem bài giới thiệu trên mạng, xem các bài viết, xem video clip bài phát biểu của Thiếu tướng Lê Mã Lương “Ai tiếp tay cho Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma”, do “lệnh không được nổ súng” – một sự vu cáo trắng trợn. Tôi vừa xem phát biểu của Trung tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Lanh. Tôi đã điện cho Phó đô Mai Xuân Vĩnh – Nguyên Tư lệnh Hải quân; Đại tá Trần Đình Dần – Nguyên Chủ nhiệm CBHQ, Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn CB Hải quân 83, Nguyên Trung đoàn phó – TMT trong sự kiện 14/3/1988, người trực tiếp giao nhiệm vụ cho phân đội Công binh đi làm nhiệm vụ lắp dựng nhà C3 trên đảo Gạc Ma. Tôi đã điện cho Trung tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Lanh, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Công binh HQ 83, người giữ cờ, Anh hùng LLVTND trong sự kiện Gạc Ma.

Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ý kiến ban đầu
Cuốn sách viết về Gạc Ma để cho các thế hệ mai sau hiểu và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là một việc làm cần thiết. Tuy vậy, việc nói về có lệnh của cấp trên “không được nổ súng” chèn vào trong cuốn sách là một ý đồ xấu, xuyên tạc sự thật lịch sử, làm cho nhân dân ta nhất là thế hệ trẻ mất niềm tin về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Những người viết bài hầu hết chưa trải qua Hải quân, chỉ mới hiểu tác chiến trên bộ, chưa hiểu tác chiến trên biển, chưa hiểu tương quan lực lượng Hải quân Việt Nam và Trung Quốc khi ấy. Chúng ta đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ bằng chiến tranh nhân dân. Chiến tranh nhân dân trên biển đang trong quá trình nghiên cứu.
Họ gọi sự kiện Gạc Ma là cuộc chiến tranh trên biển (bài viết trên mạng có ảnh của Thiếu tướng Lê Mã Lương) là hoàn toàn sai. Gọi là cuộc chiến Gạc Ma cũng chưa đúng hoàn toàn. Gọi là cuộc xung đột vũ trang trên biển cũng là chưa chính xác. Phải nói là: Sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc dùng vũ lực đơn phương sát hại 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, bắn chìm hai tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505, chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam. Không có trận chiến, cuộc chiến nào cả!
Lệnh “không được nổ súng trước” là hoàn toàn đúng đắn. Thể hiện đối sách của Đảng và Nhà nước ta giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, coi trọng mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, không mắc mưu khiêu khích của đối phương, sẽ là cái cớ cho họ lấn tới.

Một cuốn sách viết về một sự kiện lịch sử quan trọng mà chỉ đi phỏng vấn mấy chiến sĩ có sự định hướng theo ý đồ của người viết rồi viết lên. Phương pháp hoàn toàn chưa khách quan, không biện chứng, chưa đúng. Dẫn chứng là sự kiện xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, người viết bản tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh vào ngày 30/4/1975, đã tranh cãi bao nhiêu năm để xem xét, suy ra. Xe tăng nào húc phải do nhà báo nước ngoài xác nhận, ai viết bản tuyên bố đầu hàng đến nay chưa hết tranh cãi.
Sự kiện Gạc Ma
Hải quân nhân dân Việt Nam cùng lực lượng QK5 giải phóng 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa do quân đội Sài Gòn đóng giữ trước 30/4/1975 gồm Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca. Đến năm 1978, đóng hết 4 đảo nổi còn lại là: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, An Bang, Phan Vinh. Tổng cộng là 9 đảo và cũng đã hết các đảo chìm.
Trước âm mưu của Trung Quốc và một số nước xâm chiếm đảo chìm (còn gọi là bãi đá ngầm), từ năm 1986 chúng ta đã triển khai các phương án đóng giữ đảo chìm. Phó đô đốc Giáp Văn Cương – Tư lệnh Hải quân giao cho tôi – Đại úy kỹ sư Hoàng Kiền cùng Đại úy kỹ sư Đỗ Văn Thông là trợ lý Phòng Công binh Hải quân nghiên cứu đề xuất các phương án công trình đóng giữ đảo chìm và xây dựng công trình đảo nổi. Cuối năm 1986, nhà cao chân C3 đầu tiên được lắp dựng trên đảo Thuyền Chài. Bộ Tư lệnh Hải quân đã hết sức chủ động đóng giữ các đảo chìm trong điều kiện rất khó khăn.
Đã xảy ra sự tranh chấp quyết liệt giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với Hải quân Trung Quốc. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc âm mưu chiếm các đảo chìm Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma. Lực lượng Hải quân ta đã đấu tranh kiên quyết. Đối phương đã hung hãn bắn chìm tàu 604 ở Gạc Ma, bắn chìm tàu HQ 605 ở Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ HQ 505 ở Cô Lin.
Tại Gạc Ma, một phân đội của trung đoàn Công binh 83 và bộ phận của lữ đoàn 146 đã đổ bộ lên đảo cắm cờ Việt Nam và đang vận chuyển vật liệu lên dựng nhà C3. Trung Quốc đã cho lính lên tranh chấp với ta, chúng giật cờ trong tay Trung úy Trần Văn Phương – sĩ quan chỉ huy của lữ đoàn 146 không được, tên chỉ huy đã dùng súng ngắn bắn chết Trung úy Phương. Đồng chí binh nhất Nguyễn Văn Lanh chiến sỹ của Trung đoàn Công binh 83 giơ chân đá văng khẩu súng ngắn trong tay tên sĩ quan Trung Quốc, rồi lao vào quyết tâm giữ lá cờ Tổ quốc, chúng không giật được cờ đã dùng lưỡi lê đâm vào vai đồng chí Lanh cho gục xuống.
Quân ta đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, dùng xà beng, dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của quân thù. Không thể phá vỡ được vòng tròn bất tử của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng rút quân lên tàu rồi xả pháo 37 ly, súng 12,7 ly bắn chết gần hết số cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 83 lắp dựng nhà và cán bộ chiến sĩ của Lữ đoàn 146 ra giữ đảo. Chúng dùng pháo 100 ly bắn chìm tàu HQ 604 tại Gạc Ma.
Bằng các hành động dũng cảm không chùn bước trước mũi súng của quân thù, với quyết tâm cho tàu ủi bãi, dùng Pông tông, tàu LCU neo cắm, lắp dựng nhà C3, chúng ta đã chốt giữ được 12 đảo chìm trong khi Trung Quốc chiếm được 6 đảo chìm. Trong đó xảy ra sự kiện ở khu vực 3 đảo chìm họ chỉ chiếm được 1 đảo Gạc Ma, chúng ta vẫn giữ được Cô Lin và Len Đao.
Sự chỉ đạo của Đại tướng Lê Đức Anh
Về việc cuốn sách bôi nhọ Đại tướng Lê Đức Anh, cho rằng Đại tướng là người ra lệnh “không được nổ súng”, nhưng sự thật, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đại tướng Lê Đức Anh, sự chỉ huy trực tiếp của Phó đô đốc – Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương, chúng ta giữ được Cô Lin và Len Đao, cùng với 10 đảo chìm và 9 đảo nổi nữa, không để TQ tạo cớ lấn tới. Đây là thành công trong điều kiện tương quan lực lượng hai bên khi ấy bất lợi cho Việt Nam.
Sau sự kiện Gạc Ma 14/3/1988, nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam, trong một chuyến đi kiểm tra quần đảo Trường Sa năm 1988, Đại tướng Lê Đức Anh là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa đã dự lễ kỷ niệm vào ngày 7/5/1988 tại đảo Trường Sa, ông đã đọc lời thề: Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”.Thật là đanh thép.
Vì sao chúng ta không giữ được Gạc Ma?
Trung Quốc chọn thời điểm từ cuối năm 1987 đến đầu năm 1988 gió mùa đông bắc rất mạnh, sóng lớn để thực hiện âm mưu chiếm đóng, đánh chiếm các đảo chìm của ta ở Trường Sa. Các tàu của ta nhỏ chịu sóng gió kém, chưa có định vị vệ tinh, đi dễ lạc đường không bắt được đảo chìm nên gặp nhiều khó khăn bất lợi. Lực lượng tàu của Hải quân ta lúc đó còn yếu, chúng ta có tàu Phóng lôi và tàu Tên lửa, tàu Pháo nhưng đều là loại nhỏ tiến công ven bờ, chịu sóng gió kém, không có khả năng tác chiến dài ở ngoài Trường Sa được.
Về Không quân các máy bay MIC không bay tới Trường Sa, ta có máy bay SU 22 cũng chỉ bay ra hoạt động được khoảng thời gian rất ngắn nên khả năng tác chiến rất hạn chế. Trong khi đối phương có các tàu chiến lớn: khu trục, hộ vệ tên lửa, hộ vệ pháo với số lượng nhiều và hỏa lực rất mạnh, cuộc chiến không cân sức. Đồng thời lúc đó chúng ta còn đang phải đối phó với cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và lực lượng còn đang ở Campuchia giúp bạn. Tình hình kinh tế đất nước vô cùng khó khăn. Về đối ngoại cũng không thuận lợi khi chúng ta đưa quân vào Campuchia giúp nhân dân bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Khơme đỏ.
Trung Quốc đã dựa vào sức mạnh của Hải quân để chiếm đóng và đánh chiếm các đảo chìm của Việt Nam.
Trước tình hình như vậy, TL Giáp Văn Cương quyết định tìm mọi cách đưa tàu ra Trường Sa. Ông đã giao cho Trung đoàn Công binh 83 dùng 1.600 tấn thuốc nổ đào con kênh dài 750 m, rộng 50 m, sâu 5 m, nối thông hồ ở đảo Đá Lớn với biển để đưa tàu HQ ra trực chiến. Ngăn chặn âm mưu lấn tới của TQ.
Ý kiến của những nhân chứng sống trong sự kiện lịch sử
Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh khẳng định Lê Mã Lương nói không chính xác. Nói như vậy là xuyên tạc lịch sử, không phải là chuyện nhỏ đâu. Những người chỉ huy của Hải quân khi ấy trừ Đô đốc Giáp Văn Cương mất, còn lại đều còn sống cả. Tôi trực tiếp chỉ huy đây, Tổng cục Chính trị phải kiểm tra chấn chỉnh ông Lê Mã Lương chứ để nói sai sự thật như vậy là không được.
Đồng chí Đại tá Trần Đình Dần: Trung đoàn được giao nhiệm vụ ra lắp dựng nhà C3 chốt giữ đảo, không có lệnh nào là không được nổ súng cả.
Đồng chí Nguyễn Văn Lanh: Tàu HQ 604 chở phân đội của Trung đoàn Công binh 83 gồm 32 cán bộ chiến sĩ ra lắp dựng nhà C3 chốt giữ đảo.
Lữ đoàn 146 cử một phân đội ra cùng phân đội của Trung đoàn 83 dựng nhà, sau đó tiếp quản chốt giữ bảo vệ đảo. Một tổ của Lữ đoàn 146 do Trung úy Trần Văn Phương chỉ huy và 3 chiến sĩ đã lên đảo cắm cờ trước xác định chủ quyền của Việt Nam mới đưa lên 2 khẩu súng AK. Trung Quốc cho xuồng đổ bộ lính lên đảo khoảng 50 quân để giật cướp lá cờ của ta.
Phân đội của Trung đoàn Công binh 83 nhận lệnh khẩn trương lên đảo tiếp sức bảo vệ cờ, một số có xuồng, một số nhảy xuống biển bơi vào cho kịp. Khi vào khu vực cắm cờ, quân Trung Quốc đang giành giật cờ với đồng chí Phương, thấy quân ta vào đông tên chỉ huy đã dùng súng ngắn bắn chết Trung úy Trần Văn Phương chỉ huy bộ phận của Lữ đoàn 146. Chiến sĩ Nguyễn Văn Lanh của Trung đoàn 83 nhảy vào dùng xà beng đánh bay khẩu súng ngắn trên tay tên sĩ quan TQ rồi nhảy vào thay đồng chí Phương giữ cờ. Lanh bị một tên lính TQ dùng súng bắn vào vai, dùng lê đâm từ phía sau, Lanh gục xuống vẫn giữ lá cờ trong tay. Không có chuyện Lanh nói có súng trong tay nhưng lệnh không được bắn nên không bắn chết tên chỉ huy của TQ, những điều nói do có lệnh nên Lanh không được bắn là xuyên tạc bịa đặt trắng trợn. Đồng chí Lanh nói là Trung úy Trần Văn Phương nói với các chiến sĩ thuộc quyền của anh ấy là chúng ta giữ đảo một cách hòa bình, không nổ súng trước khi đồng chí ấy hi sinh, vì Phương bị quân TQ sát hại đầu tiên.
Chỉ có lệnh “không nổ súng trước” chứ không có lệnh “không được nổ súng”
Chỉ có Trung úy Phương bị sát hại và binh nhất Lanh bị thương tại đảo, còn 62 cán bộ chiến sĩ bị súng, pháo trên tàu của đối phương sát hại trên đảo và trên các tàu bị bắn chìm, bắn cháy. Dù có lệnh nổ súng hay không có lệnh cho nổ súng cũng không tránh được bị súng pháo trên tàu của đối phương sát hại. Những lời quy chụp của người viết bài là hoàn toàn không có hiểu biết thực tế, vu cáo, xuyên tạc trắng trợn.
Với gần 16 năm công tác ở Hải quân, gần 10 năm gắn bó với Trường Sa, tôi luôn luôn quán triệt tư tưởng chỉ đạo của cấp trên về đối sách trên biển, giữ gìn môi trường hòa bình, cảnh giác, tránh xung đột vũ trang trên biển, tránh khiêu khích để đối phương có cớ gây sự. Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Biển đảo của Tổ quốc. Từ đó luôn luôn xác định không được nổ súng trước chứ không ai nói không được nổ súng.
Khi Hội thảo báo cáo khoa học đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh do Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân chủ trì, có sự tham gia của Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh và Phó Đô đốc Nguyễn Xuân Công cùng nguyên Tư lệnh Hải quân, Trung tướng Trần Quang Khuê – Phó TTMTQĐNDVN nguyên PTL-TMT HQ; Trung tướng Phạm Đức Lĩnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát biển, và các cán bộ trong nhóm tác giả. Tôi là tổ trưởng viết báo cáo khoa học, tôi đề nghị viết về sự kiện Gạc Ma cho rõ và nêu lên lời phát biểu của Thiếu tướng Lê Mã Lương trên mạng về lệnh không được nổ súng. Tất cả đều nói Lê Mã Lương nói sai. Anh Trần Quang Khuê phản ứng gay gắt nhất đề nghị Thiếu tướng Hoàng Kiền viết bài phản bác đăng lên mạng.

Viết bài nêu lên lệnh “Không được nổ súng” là một việc làm sai trái với ý đồ xấu, tạo cớ cho bọn phản động xuyên tạc làm mất uy tín, mất niềm tin của nhân dân nhất là các thế hệ thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
(Anh hùng LLVTND – Đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN cho cụm công trình chiến đấu
trên quần đảo Trường Sa. Nguyên Tư lệnh Công binh, nguyên Trung đoàn trưởng 
Trung đoàn Công binh Hải quân 83) 
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 512

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X