Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Friday, November 30, 2018 , 0 bình luận

Những người trong nhóm biên soạn bộ sử 15 tập và cả bộ sử 25 tập hiện nay đang tiến hành theo như lời của ông Nguyễn Mạnh Hà phát biểu trong cuộc họp báo vừa qua rằng cần phải bỏ hai cụm từ ngụy quân, ngụy quyền ở những bộ sử mang tầm quốc gia trong thời đại Hồ Chí Minh với những lý lẽ: Dễ chấp nhận; dễ hòa giải hơn; có căn cứ lịch sử về chủ quyền liên tục để đòi lại Hoàng Sa và một phần Trường Sa; gọi ngụy quân, ngụy quyền mang nặng tính biểu cảm.

Ngô Đình Diệm là 'tam đại Việt gian'

Tôi xin khẳng định đây là xảo ngôn, ngụy biện cho một âm mưu lật sử nhằm những mục tiêu đen tối. Là những người được sinh ra tại miền Nam, có tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước tôi có những ý kiến phản bác như sau:
Những luận điểm chung
Sử là viết lại sự thật, ghi lại sự thật cho nên trước đây còn gọi môn lịch sử là sử ký. Đã là lịch sử là phải chấp nhận sự thật đã diễn ra trong quá khứ, không vì lý do gì mà phải viết trở lại, sửa lại không đúng, không trúng với những hiện tượng, bản chất của những sự kiện, sự việc, nhân vật và hành động, ý đồ của họ đã diễn ra trong lịch sử. Ví như có một tên ăn cướp đã bị kêu án 5 năm tù, sau khi ra tù anh ta hoàn lương, trở nên hiền lành tốt bụng, hòa mình sống với mọi người. Khi đó người xung quanh quý anh ta, bỏ qua lỗi lầm không nhắc tới chuyện cũ. Nhưng khi đã nói tới quá khứ đời anh ta thì trong giai đoạn đó anh ấy vẫn phải là một tên cướp, không thể bảo khi ấy anh ta không phải là tên cướp được. Có thể vì thương anh ta đã phục thiện thì người ta không nhắc tới sự thật đời anh trong quá khứ. Nhưng khi đã nhắc lại quá khứ thì không thể bảo khi đó anh ấy không phải tên cướp.
Giúp cho sự hòa giải tốt hơn ư?
Hòa giải đã từ lâu, hòa giải trong từng gia đình, từng làng xóm và trên qui mô cả nước, hòa giải đã có từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, vết đau đối với những người lầm đường lạc lối đã liền sẹo. Duy hiện nay chỉ có bọn phản động ở nước ngoài, bọn trỗi dậy nói trái thành phải, chúng có thể là tiến sĩ, là cán bộ nhà nước, được chế độ mới tha thứ cho nguồn gốc xuất xứ đã sử dụng, thậm chí trọng dụng nhưng lại vô ơn, cố tình quên thái độ nhân đạo của những người chiến thắng sau năm 1975. Những loại người này cố tình cay cú, nuôi hận thù, tái hiện hận thù nhằm chống đối chế độ của chúng ta. Vì bọn người này mà những người biên soạn sử phải hạ mình sửa lại, bỏ đi cụm từ ngụy quân, ngụy quyền trong các công trình lịch sử để hòa hợp với loại người ác tâm này liệu có đáng không?


Những nhà biên soạn sử cho rằng gọi ngụy quân, ngụy quyền là cụm từ chỉ danh xưng mang tính biểu cảm, không phải danh xưng chính thống. Đây cũng là một ngụy biện, không thể chấp nhận. Bởi lẽ:
Một là, “ngụy” là từ đã trở thành lịch sử, do nhân dân Việt Nam gọi đúng bản chất chính quyền giả hiệu Ngô Đình Diệm do ngoại bang dựng lên nhằm cát cứ lâu dài miền Nam Việt Nam, một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được xác lập từ năm 1945.
Hai là, cụm từ ngụy quân, ngụy quyền đã được Bác Hồ gọi trong bài thơ kêu gọi toàn dân quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và rất nhiều văn bản hành chính, các tác phẩm văn học, công trình lịch sử đã tồn tại rất nhiều năm trên đất nước Việt Nam, trong lòng dân tộc, chỉ đúng bản chất chế độ giả hiệu đó. Bác Hồ là nhà cách mạng vĩ đại, là nhà văn hóa lớn, là người đặt nền móng xây dựng nền hành chính của nhà nước VNDCCH mà Bác đã gọi ngụy quân, ngụy quyền chỉ ra đúng bản chất một chính quyền giả hiệu, một đội quân tay sai cho đế quốc ngoại bang là theo biểu cảm ư? Những người xét lại lịch sử dám nói vậy sao?
Đồ giả nhanh vỡ, chính quyền giả nhanh sụp đổ
Từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, bọn Mỹ – Diệm đã tiến hành chiến tranh một phía, chúng đàn áp, đánh phá, bắn giết, bắt tù hết những người kháng chiến và nhân dân trung kiên với Việt Minh. Đến năm 1959, như ở Quảng Nam quê tôi, chúng bắt sạch, giết sạch, thế của cách mạng đã nằm trong thời kỳ đen tối nhất, có nhiều huyện chỉ còn mấy người cán bộ thoát ly, họ phải lui về miền núi ẩn mình chờ thời cơ, trong đó có huyện Tam Kỳ chúng tôi chỉ còn có 14 người. Vào đầu năm 1960, có lệnh cho phép đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của TW thì tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng mới thành lập được một rồi hai ba đại đội bộ đội tỉnh, các huyện chỉ có đội vũ trang tuyên truyền vài chục người. Và, từ đó khởi sự công cuộc kháng chiến vũ trang.
Chỉ sau có 4 năm, quân giải phóng trên địa bàn QN-ĐN đã lớn mạnh thành trung đoàn, sư đoàn tiến về giải phóng gần như toàn bộ nông thôn đồng bằng, bao vây chặt các đô thị. Nhìn rộng ra thì trên toàn chiến trường miền Nam tình hình chiến sự cũng diễn ra đồng loạt như vậy.
Năm 1965, lực lượng cách mạng đã đẩy chính quyền Mỹ – ngụy vào thế sắp tan rã, sụp đổ. Khi ấy Mỹ và chư hầu lập tức đổ quân chiến đấu trực tiếp, biến chiến lược chiến tranh đặc biệt thành chiến tranh cục bộ nhằm cứu vãn tình hình. Liên quân Mỹ – ngụy và chư hầu đã phản công kéo dài cuộc chiến đến năm 1973. Đây là thời kỳ vô cùng ác liệt nhưng quân giải phóng vẫn giữ được thế chủ động tiến công, giữ vững thế chiến lược tiến công.
Sau khi Mỹ rút quân chiến đấu hai năm thì cả chế độ ngụy và quân ngụy VNCH đổ kềnh ngay trước sức tấn công của quân giải phóng. Nhìn lại thực tế toàn bộ cuộc chiến thì rõ ràng ngụy quân hay như cách gọi của nhóm ông Nguyễn Mạnh Hà là quân đội Sài Gòn không thể là đối thủ của quân giải phóng miền Nam vì:
Giai đoạn đầu – 1960 đến 1965, quân giải phóng từ con số không cả người và vũ khí nhưng vừa đánh vừa lớn mạnh trong vòng 4 năm đã chiếm gần hết miền Nam, Mỹ – ngụy chỉ còn cầm cự trong thế bao vây ở các đô thị. Sắp tan rã, sụp đổ.
Giai đoạn hai – từ 1973 đến 1975, chỉ 2 năm sau khi Mỹ rút quân chiến đấu thì ngụy quân, ngụy quyền VNCH sụp đổ hoàn toàn.
Đấy, ngụy quân là thế đó, ngụy quyền là thế đó. Bởi đồ giả, đồ không của tự mình thì dễ tan như bột xà phòng thôi. Thế mà bây giờ có một nhóm người mang tiếng làm sử lại cho rằng đó là thực thể có thật, không phải là đồ giả. Nếu không cảnh giác, không ra tay loại trừ thì những người này sẽ kết hợp với bọn đồ giả trước đây sẽ trở thành mối nguy hiểm thật cho chế độ, cho đất nước. Kháng chiến một lần nữa sẽ xảy ra, con cháu chúng ta sẽ chết nữa các đồng chí của tôi ơi!
Hòa hợp dân tộc có từ đâu và bao giờ?
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc đã diễn ra trong từng dòng tộc, từng làng, từng xã và trong toàn miền Nam Việt Nam. Đây là một cuộc hòa hợp hòa giải mang dấu ấn lịch sử.
Những người trong bộ máy tề ngụy, trong binh lính ngụy được tập trung học tập cải tạo sau đó được sử dụng, được trở về hòa hợp trong làng xóm để sinh sống làm ăn. Có người làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng, đội trưởng bảo vệ thực vật, thú y trong các hợp tác xã nông nghiệp, thậm chí được tham gia trong các bộ phận chuyên môn của chính quyền xã, huyện… Những viên chức cũ được sử dụng “lưu dung”… Từ những năm 1976-1977 và những năm sau những người kháng chiến, những đảng viên cộng sản đã cùng làm việc chung với những người trong chế độ cũ tại các tổ chức kinh tế – xã hội, tại các cơ quan xã, huyện, tỉnh… Họ quên mất tôi là người phía bên này, anh là người phía bên kia. Sau này có những người trong số đó được xuất ngoại theo diện HO…
Ở quê tôi có nhiều câu chuyện hòa giải rất cảm động. Ông Nguyễn Tấn Lại năm nay đã 96 tuổi. Ông là cán bộ thời Việt Minh, sau Hiệp định đình chiến không đi tập kết, ở lại quê nhà, bọn tề ngụy đàn áp, o ép, tù tội liên miên. Năm 1960, có một người trong xã dẫn đám dân vệ đến bắt ông đi giết cùng với 11 người khác. Chúng dẫn các ông lên núi thủ tiêu, ông là người duy nhất thoát chạy được lên luôn chiến khu. Ngay sau ngày hòa bình ông trở về quê, mang xấc-cốt, đeo súng ngắn vào quán ăn gặp hai cha con tên cố sát ông năm ấy. Nhìn thấy ông người đó hoảng hồn, ông bình tĩnh chào hỏi, mời ngồi cùng ăn. Người đó vô cùng bất ngờ với thái độ của ông Lại, hắn ta lắp bắp: “Tôi xin nhận tội với anh, ngày ấy tôi tội lỗi quá, mong anh tha thứ”. Ông Lại cười bảo rằng: “Hồi trước, trong chiến tranh gặp anh tôi bắn anh ngay, nhưng bây giờ đất nước đã thống nhất, thanh bình, chúng tôi làm cách mạng vì dân tộc chứ không phải để trả thù cá nhân. Rồi chúng ta sẽ cùng sống, cùng ở trong một làng, cùng nhau quên hận thù, quên những ngày tăm tối giữa chúng ta với nhau thôi. Thời gian và cuộc sống đời thường giúp chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh”. Nghe vậy người đó quỳ xuống cám ơn ông Lại, ông Lại đỡ ông ta đứng thẳng, bắt tay hòa giải.
Và bây giờ, trong làng xóm chúng tôi mời nhau ăn đám giỗ của những người ở hai phía đã chết trận, cùng uống chung ly rượu và không ai nghĩ đấy là ly rượu hòa giải mà nó rất tự nhiên đượm tình con người, tình quê hương xứ sở.
Đấy! Hòa giải ở đó và từ đó. Đâu cần các ông là nhà sử học viết sử, sửa sử để hòa giải.
Phạm Thông
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 524

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X