Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, December 27, 2018 , 0 bình luận

Người theo đạo bây giờ chỉ tôn thờ Vàng Chứ, Giê su. Có thể nói, những người tạo dựng nên hiện tượng tôn giáo này đang cố làm cho người Hmông tin rằng Vàng Chứ, Giê su mới chính là tổ tông của dân tộc, là ông vua của người Hmông, là đấng cứu thế có thể đem lại cuộc sống sung sướng cho đồng bào.

>>Phần 1: Đạo Tin Lành với cộng đồng người miền núi


Với sự du nhập của đạo Tin lành, vai trò của già làng, trưởng bản đang có nguy cơ giảm sút, nhường vai trò chi phối cho một “tầng lớp mới” - những người truyền đạo, hầu hết là thanh niên và trung niên. Hậu quả là dòng chảy văn hóa dân tộc có thể bị đứt đoạn, đổi hướng. Bởi vì lớp người cao tuổi - những “bảo tàng sống của văn hóa dân tộc” không thể giữ gìn, truyền lại những giá trị văn hóa lâu đời cho thế hệ sau.

Sinh hoạt cộng đồng mang tính văn hóa cần được khuyến khích

Ý thức đề cao vai trò của dòng họ là một đặc điểm nổi bật trong văn hóa tộc người Hmông. Phàm đã là người của dòng họ thì phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, dù người Hmông sống ở đâu thì luật tục dòng họ cũng chi phối tới đó. Người Hmông thường nói: ”tôi là người Hmông, chúng ta là người Hmông, chúng ta cùng một gốc người, cùng một hạt lanh gieo xuống đất”.
Giờ đây, tinh thần đoàn kết đó đang có nguy cơ bị xói mòn. Gia đình mất đi sự bình yên bởi mâu thuẫn giữa các thành viên giữa những người theo đạo và người không theo đạo có khi gay gắt; cha mẹ không bảo ban được con cái, xuất hiện tình trạng chia rẽ anh em họ hàng... Nhiều nơi, sự phân hóa diễn ra, làm xáo trộn ngay trong gia đình, dòng họ, cộng đồng làng bản.
Có thể nói rằng những tác động tiêu cực về văn hóa bắt nguồn từ tính chất cực đoan về văn hóa của đạo Tin lành. Là tôn giáo chỉ tôn thờ duy nhất chúa Giê su. Cuốn Chân, Giả, Luận, một tài liệu truyền đạo đã đưa ra những lý lẽ biện giải cho lập trường chống đối của đạo Tin lành đối với các tập tục gia đình, tín ngưỡng cổ truyền và các tôn giáo khác.

Các nhà dân vận cần tìm hiểu cách tập hợp quần chúng của các nhà truyền giáo

Trong điều 20 nhan đề “không thờ lạy tổ tông”, sách này viết: “Các ông thờ lạy tổ tông được mấy đời? Thờ trong nhà chẳng qua được hai, ba đời, thờ trong họ chẳng qua được đôi mươi đời, trước đôi mươi đời đó, há không có tổ tông xa nữa hay sao?... Cho nên chúng tôi chỉ thờ một mình Đức Chúa Trời là tổ tông của tổ tông chúng ta…”.
Ảnh hưởng tiêu cực của đạo Tin lành đối với văn hóa của tộc người Hmông thực sự là vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và có hướng giải quyết hợp lý, bởi vì đối với một dân tộc: Văn hóa còn, dân tộc còn. Đứt đoạn văn hóa, chối bỏ văn hóa, dân tộc có thể còn, nhưng là một dân tộc bị đồng hóa.
Đối với kinh tế, chính trị - xã hội việc lợi dụng truyền đạo để trục lợi của một số phần tử xấu trong vùng tộc người Hmông thời gian qua đã dẫn đến hậu quả xấu: sản xuất ở nhiều nơi bị đình trệ do quần chúng bán, giết mổ gia súc, gia cầm, bán tài sản để tụ tập chờ “vua” đón lên trời. Hoạt động ấy làm cho đời sống kinh tế của đồng bào vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Từ năm 1987 đến nay, hiện tượng cúng chờ Vàng Chứ trong đồng bào dân tộc Hmông ở các nơi diễn ra lác đác đã làm tốn kém tiền của, công sức, thời gian của người dân. Để cúng đón Vàng Chứ người dân phải bán thóc, trâu, ngựa, lợn, gà, bạc trắng, nộp tiền. Ở nhiều địa phương, bà con phải nộp một khoản lệ phí gọi là “quĩ Đạo”, hay “tiền từ thiện” …
Việc học kinh, hát thánh ca cũng làm mất không ít thời gian dành cho sản xuất của đồng bào. Cả tin theo những người truyền đạo, rằng “…theo Vàng Chứ sẽ được bay lên trời có cuộc sống sung sướng, không làm cũng có ăn, muốn gì được nấy”, “Vàng Chứ sẽ biến những hòn đá to thành trâu, bò, ngựa, hòn đá nhỏ thành lợn, gà”, “phải theo Vàng Chứ vì đây là cơ hội cuối cùng, ai không theo sẽ không bao giờ có cuộc sống sung sướng”… Lý lẽ hoang đường ấy làm một số người bỏ sản xuất chờ đợi sự cứu giúp của Chúa.

Để cuộc sống không bị xáo trộn rất cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân

Sự phát triển đạo Tin lành cũng là một trong những nguyên nhân của hiện tượng di cư tự do. Không loại trừ có sự tuyên truyền kích động của kẻ xấu: Muốn có vua Hmông, có tổ quốc riêng, thì bà con phải đi về phía Tây, nơi mặt trời lặn… đã gây nên tình trạng rời bỏ nơi ở cũ. Số liệu thống kê cho thấy có khoảng 25 nghìn người dân thuộc các tộc người thiểu số ở các tỉnh miền núi phía bắc (phần lớn là người Hmông) di cư vào Tây Nguyên. Trong đó số người theo đạo Tin lành chiếm tỉ lệ lớn.
Thực trạng đó đã gây nên những xáo trộn trong đời sống đồng bào, và khó khăn cho việc quản lý xã hội của các cấp chính quyền, làm trầm trọng thêm tình trạng phá rừng, hủy hoại môi trường sinh thái. Nhiều bản mới của người Hmông bị bệnh tật đe dọa do ăn ở thiếu vệ sinh, nước sinh hoạt, xa cơ sở giáo dục, y tế… cuộc sống đói nghèo luôn đe dọa họ.
Bằng những thủ đoạn tuyên truyền rằng theo Đảng, theo cách mạng mãi rồi vẫn nghèo, theo Chúa mới thoát khỏi nghèo khó và gắn những điều tốt đẹp với Chúa, việc đạo Tin lành phát triển thực sự làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp.
Một số người truyền đạo mang tâm địa xấu ngang nhiên xuyên tạc thành quả mà Đảng và Chính phủ đem lại cho dân, coi đó là nhờ Vàng Chứ, Giê su. Người dân, từ chỗ tin tưởng rằng Đảng đã mang lại cuộc sống độc lập, tự do cho họ, thì đến nay nhiều người tin rằng chỉ có Vàng Chứ, Giê su mới cứu giúp được họ thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu.
Sự xuất hiện và phát triển đạo Tin lành có cả những tác động tiêu cực và tích cực đối với dân tộc Hmông ở một số nơi. Trải qua thời gian, những tác động tiêu cực từ sự phát triển của đạo Tin lành có xu hướng giảm, ảnh hưởng tích cực được phát huy, hiện thực này phần nào đáp ứng nhu cầu tôn giáo của một bộ phận người Hmông. Vấn đề cơ bản là không chỉ chú trọng xóa đói, giảm nghèo mà còn chú ý đến đời sống tinh thần, thậm chí cả đời sống tâm linh cho mỗi người dân.
Theo đạo nào là tự do tín ngưỡng của dân, chế độ ta luôn tôn trọng. Nhưng để đồng bào hiểu được lợi hại mọi nhẽ như theo đạo mà không làm mất bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, không làm mất niềm tin, ý chí tự lực, tự cường có lẽ cần có các cách làm dân vận mới. Hoạt động tư vấn, gợi mở, truyền lại kinh nghiệm vận động quần chúng của những người đi trước sẽ giúp lớp trẻ tự tin hơn, bình tĩnh hơn và tránh được những sai lầm không đáng có khi giải quyết các hiện tượng xã hội phức tạp.
HTG (Tầm nhìn)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X