(Tindautruongdanchu) - Trước việc Đảng ta kiên quyết, xử
lý nghiêm minh các sai phạm của hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến cơ
sở thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng chống phá chúng bóp
méo, xuyên tạc và cho rằng đó chỉ là các “phe cánh triệt tiêu nhau”, nguyên
nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ thời gian qua
là do sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng.
Những giọng điệu thâm hiểm ít
nhiều đã tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, lòng tin của nhân dân vào đội ngũ
cán bộ và công tác cán bộ của Đảng ta. Trước tình hình ấy, hơn lúc nào
hết, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần nhận thức rõ vấn đề, từ đó đề cao
cảnh giác, kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc bịa
đặt, sai trái của các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội.
Trong suốt quá
trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ
luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ “then chốt của vấn đề then chốt”; cán bộ
là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, Đảng ta đặc biệt coi
trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nghị quyết Đại hội XIII của
Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến
lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế
bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu
trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động
vì lợi ích chung, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” (1).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
khẳng định: “Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, đội ngũ cán bộ ngày càng đáp ứng
tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ
luật Đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; kỷ luật,
kỷ cương trong Đảng được siết chặt, pháp luật Nhà nước được đề cao”(2). Công
tác cán bộ đã đạt được những kết quả quan trọng; xây dựng được đội ngũ cán bộ
cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phần lớn đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất,
đạo đức trong sáng, được Nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên
cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Đảng ta thẳng thắn đánh
giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê
bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của
người đứng đầu chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng” (3). .. Một số nơi, người
đứng đầu chưa phát huy hết trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, chưa gương mẫu, còn thụ
động, né tránh, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Trong những năm
tới, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp,
khó lường. Hòa bình, hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; các
mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu có nguy
cơ ngày càng tăng. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư và xu hướng quốc tế hóa nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối
với Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, phát triển đất nước nhanh và
bền vững đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu,
khó khăn và phức tạp hơn. Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến
công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đổi
mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ
cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.
Vì vậy, việc
tiếp tục đổi mới công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp phải bám
sát mục tiêu, yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã đề ra. Đó
là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng
lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù
hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đưa nước ta
trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm
2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trước những luận điệu xuyên tạc phản
động trên, đấu tranh phản bác lại những quan điểm sai trái, thù địch, làm thất
bại các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch là nhiệm
vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đến sự tồn vong của chế độ, vừa
mang tính trước mắt, thường xuyên, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ
thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên
phải là lực lượng nòng cốt, tiên phong, gương mẫu đi đầu.
Mỗi cán bộ,
đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải xuất phát từ những hành
động cụ thể gắn với công việc, cuộc sống hằng ngày như: không xa hoa, không lãng
phí, sách nhiễu Nhân dân, không gây mất đoàn kết nội bộ trong cơ quan, đơn vị…
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam và cả thế giới đang bước vào
thời kỳ 4.0 (thời kỳ bùng nổ của công nghệ - thông tin), cán bộ, đảng viên khi
tham gia mạng xã hội vừa là một thành viên, vừa phải thực hiện được vai trò nêu
gương của mình. Bởi vì mạng xã hội được ví như “Con dao hai lưỡi”, ví dụ như:
trong khi cả nước đang phải căng mình “Chống dịch như chống giặc” theo tinh
thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đã có không ít những
người có thể do thiếu hiểu biết, có thể do muốn câu view, câu like để nổi tiếng
trên mạng, hoặc bị các thế lực phản động lợi dụng mà đã đăng tải những bài viết
sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Nhà nước và Nhân dân ta,
gây hoang mang trong dư luận. Vì vậy, chúng ta phải cẩn trọng khi tham khảo, sử
dụng thông tin đăng tải trên mạng xã hội; thông tin thiếu kiểm chứng về nguồn
gốc; thông tin có sự sai biệt so với thông tin chính thức. Tăng cường đăng tải
những thông tin chính thống, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp mỗi ngày, đồng
thời phản biện lại những thông tin sai trái, phiến diện của các thế lực thù
địch trên không gian mạng.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác
tu dưỡng rèn luyện nâng cao tinh thần, trách nhiệm, trình độ chính trị, trau
dồi đạo đức cách mạng. Bởi vì đạo đức cách mạng là hành trang không thể thiếu
đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ
phụng sự Tổ quốc, phụng vụ Nhân dân. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn
dặn “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội
chủ nghĩa”, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng ý thức kỷ luật, luôn có ý
thức gắn bó chặt chẽ với quần chúng, lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của
tập thể và quần chúng; thường xuyên kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tự mình đấu
tranh với chính mình trước mọi cám dỗ của tiêu cực xã hội trong điều kiện kinh
tế thị trường.
Do đó, mỗi cán
bộ, đảng viên hơn bao giờ hết luôn luôn phải quán triệt sâu sắc, nâng cao ý
thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện tốt các nhiệm vụ trên sẽ góp phần bảo vệ
vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Việt Quang
(1),(2),(3) Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II,
Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.230, tr.219-220, tr.222-223.
