KTS - Trong thời gian qua, công tác phòng,
chống tham nhũng ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần
làm trong sạch bộ máy nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn
tồn tại những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận những kết quả này. Một
trong số đó là nhận định của trang web Việt
Tân được đăng tải trong ngày 05/02/2025 : "Lực lượng của Đảng bên ngoài thì vẫn tiếp tục tham nhũng. Lực
lượng của Đảng trong tù thì nghỉ mát, khai ra để được giảm án. Tài sản ăn ba
đời cũng không hết". Luận điểm này không chỉ thiếu cơ sở thực tiễn mà
còn mang tính kích động, nhằm gây hoang mang, chia rẽ trong xã hội.
1.
Đảng quyết tâm chống tham nhũng, không có "vùng
cấm"
Thực tế cho thấy, Đảng Cộng sản Việt
Nam đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng với
phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Hàng loạt vụ án
lớn đã bị đưa ra ánh sáng, nhiều cán bộ cấp cao, bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính
trị, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang… đã
bị xử lý nghiêm minh.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ
điển hình. Trịnh Xuân Thanh bị truy nã quốc tế và khi bị bắt về nước đã phải
chịu mức án nghiêm khắc. Không hề có chuyện được "nghỉ mát" hay hưởng
đặc quyền trong tù.
Vụ Việt Á, với sự liên quan của
nhiều cán bộ cấp cao, đã khiến hơn 100 cá nhân bị xử lý hình sự, bao gồm cả
nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và nguyên Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc
Anh.
Vụ AIC với sự tham nhũng tràn lan
trong đấu thầu thiết bị y tế đã đưa Chủ tịch Công ty Nguyễn Thị Thanh Nhàn vào
diện truy nã quốc tế.
Những vụ án này cho thấy công tác
phòng, chống tham nhũng của Đảng không phải là hình thức hay nửa vời, mà đang
được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Việc hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý cho
thấy không có chuyện "bên ngoài vẫn tiếp tục tham nhũng".
2. Không có chuyện "nghỉ mát" trong tù, khai ra để
được giảm án
Các quy định của pháp luật Việt Nam
về thi hành án hình sự rất nghiêm khắc. Không có chuyện "nghỉ mát"
trong tù, vì chế độ giam giữ của phạm nhân tham nhũng tuân thủ đầy đủ quy định
của Luật Thi hành án hình sự. Cụ thể trong điều 27, 33, 34, 35 Luật Thi
hành án hình sự năm 2019 quy định trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân theo các
khu vực. Phạm nhân được chia thành các đội, tổ để lao động, học tập và sinh
hoạt. Phạm nhân phải lao động phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính. Lao
động không quá 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, có ngày nghỉ và được bảo hộ lao động.
Trên thực tế trong vụ án Đinh La
Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông này đã phải chấp hành án tại
trại giam với điều kiện như mọi phạm nhân khác. Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch
AVG, đã khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả, nhưng vẫn phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật. Không có chuyện khai ra là được miễn tội.
Nhiều bị can trong các vụ án tham
nhũng đã nộp lại tài sản nhưng vẫn phải chịu mức án nghiêm khắc, không có
chuyện "khai ra để được giảm án" một cách dễ dàng, không tuân thủ
theo quy định của pháp luật.
Việc khuyến khích bị cáo thành khẩn
khai báo là chính sách khoan hồng của pháp luật, nhưng không đồng nghĩa với
việc thoát tội hay được hưởng đặc quyền. Những người tham nhũng vẫn phải chịu
các bản án nghiêm minh, từ phạt tù cho đến tử hình trong một số trường hợp đặc
biệt nghiêm trọng.
3.
Tài sản tham nhũng bị thu hồi, không có chuyện "ăn ba đời không hết"
Một trong những điểm đột phá của
công tác phòng, chống tham nhũng là việc thu hồi tài sản bị thất thoát. Tỷ lệ
thu hồi tài sản tham nhũng ngày càng cao, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong
việc "không để tài sản tham nhũng nằm ngoài vòng kiểm soát". Nội dung
này được quy định cụ thể trong điều 75, 77 Luật phòng chống tham nhũng 2018.
Điều 40,41 trong bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định tịch thu tài sản sung công
quỹ nhà nước nếu tài sản có liên quan đến hành vi tham nhũng...
Trên thực tế trong vụ Việt Á theo
VnExpress đến ngày 01/12/2022 cơ quan cảnh sát điều tra đã phong tỏa, ngăn chặn
tài khoản giao dịch, tiết kiệm và kê biên tài sản với tổng số tiền hơn 1.700 tỷ
đồng trong vụ án này. Vụ AIC cũng thu hồi được hàng nghìn tỷ đồng từ các bị
cáo. Ngoài ra theo báo Tuổi trẻ năm 2023, chỉ riêng Cục Thi hành án dân sự
thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi hơn 17.000
tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Điều này bác bỏ hoàn toàn luận điệu
"tài sản ăn ba đời không hết". Những kẻ tham nhũng không thể ung dung
hưởng lợi từ tiền bạc phi pháp, mà buộc phải nộp lại tài sản, chịu trách nhiệm
hình sự và dân sự.
Đến đây chúng ta có thể thấy rằng
với thủ đoạn lấy những sự việc mới đang được dư luận xã hội quan tâm để tạo
được sự thu hút chú ý của người dân thì âm mưu của Việt Tân khi đăng tải bài
viết này không có gì khác ngoài việc nhằm bẻ lái, xuyên tạc, làm giảm niềm tin
của nhân dân với Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, gây hoài nghi
trong công tác lãnh đạo của Nhà nước, làm giảm vị trí vai trò của Đảng trong
hoạt động xã hội, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc tạo cơ hội xúi dục bộ phận
bị dao động về tư tưởng chống đối Đảng và Nhà nước. Qua đó tiếp tay cho lực
lượng phản động trong và ngoài nước can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta,
gây mất ổn định an ninh chính trị, gây mất lòng tin người dân với Đảng. Do đó
là những người dân thông minh mỗi chúng ta cần phải nhìn nhận cho đúng, tìm
hiểu cho sâu để tránh rơi vào bẫy sâu của các thế lực thù địch mà đi ngược lại
với lợi ích của quốc gia, dân tộc.
VĂN DƯƠNG
