(Tindautruongdanchu) - Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tăng cường giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên theo tưởng Hồ Chí Minh góp phần đánh bại những chiêu trò lôi kéo, chống phá, kích động của các thế lực thù địch...
Đại hội đại
biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII,
với khẩu hiệu hành động “Khát vọng - Tiên phong -
Đoàn kết - Bản lĩnh - Sáng tạo”, với mục tiêu
"Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu
nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát
vọng vươn lên xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; có đạo đức, ý thức công
dân, chấp hành pháp luật; sức khỏe; văn hóa; kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ
năng sống, nghề nghiệp; ý chí lập thân, lập nghiệp; năng động, sáng tạo". Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở,
cần tăng cường và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách
mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, để thế hệ trẻ, chủ nhân tương
lai của đất nước ta thực sự “vừa hồng vừa chuyên”, như lời căn dặn của Chủ tịch
Hồ Chí Minh kính yêu: “Bản thân
mỗi thanh niên phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị,
cầu tiến bộ; dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây hoài bão lớn; khẳng định rõ thế
hệ trẻ hôm nay sẵn sàng kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng, ý chí tự lực,
tự cường, quyết tâm góp sức xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta
ngày càng giàu đẹp, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế
giới”.
Tuy nhiên, xã
hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh niên giảm sút
niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn
hóa tốt đẹp của dân tộc; thậm chí có một số ít thanh niên bị các thế lực xấu,
thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản
chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng
của Đảng và dân tộc. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu
niên diễn biến phức tạp". Trong khi đó, các thế lực phản động, cơ hội, chống
đối luôn triệt để lợi dụng đặc điểm tâm lý nhạy cảm, ham tiếp cận cái mới, thích
tự do, tự khẳng định mình… của thanh niên, cùng với vốn sống và nhận thức chính
trị - xã hội của họ còn hạn chế, để dụ dỗ, lôi kéo, tiêm nhiễm bằng cả vật chất
và văn hóa, lối sống thực dụng, ngoại lai. Đồng thời, họ cũng lợi dụng những sơ
hở, buông lỏng trong công tác quản lý, hoặc một bộ phận thanh niên đua đòi theo
trào lưu, lối sống thực dụng, đòi xét lại quá khứ…, để lôi kéo, kích động, tập
hợp thanh niên tham gia, hòng gây mất an ninh trật tự, chống đối chính quyền. Từ
thực trạng đó, bên cạnh việc quán triệt thực hiện nghị quyết Đại hội đoàn toàn
quốc, các tổ chức đoàn cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, lý tưởng cách
mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là
việc làm cấp bách hiện nay.
Sinh thời,
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng: tương lai của dân tộc, tiền đồ của Tổ quốc
và sự thành công của cách mạng phần lớn phụ thuộc vào lực lượng thanh niên. Người
chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với
các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập
của các cháu”. Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giáo dục, đào tạo thanh niên,
trong đó giáo dục đạo đức cách mạng có vị trí quan trọng đặc biệt. Theo Chủ tịch
Hồ Chí Minh giáo dục đạo đức cách mạng là cơ sở, điểm xuất phát cho các giáo dục
khác. Đạo đức cách mạng là nền tảng vững chắc của thanh niên, nhờ đó mà mỗi
thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, hình thành năng lực thực tiễn để
hoàn thành nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cho rằng: “Cũng như sông có nguồn
mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây
héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng
không lãnh đạo được nhân dân”. Với việc đánh giá vai trò của đạo đức cách mạng
như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đạo sát thực, để giáo dục đạo đức cách mạng
cho thanh niên. Trước lúc đi xa Người còn căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo
dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ
nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Giáo dục chính
trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên theo tư tưởng
Hồ Chí Minh cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là,
giáo dục lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và hiếu với nhân dân. Tư tưởng
quán xuyến của Người là Tổ quốc luôn gắn liền với nhân dân, yêu nước hay trung
thành với Tổ quốc là làm sao cho “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh”. Trung thành với Đảng, theo Người là phải giáo dục cho thanh niên có được
những đức tính trung thực, ngay thẳng, không làm gì hại cho Tổ quốc và nhân dân.
Lúc được giao việc thì bất kể to hay nhỏ đều ra sức làm cẩn thận, có hiệu quả và
phải biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng. Hiếu với nhân dân, là phải
giáo dục thanh niên biết yêu mến nhân dân, quý trọng nhân dân, học tập, chiến đấu vì nhân dân, làm cho nhân dân ai cũng có
cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Phải chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân
dân, tích cực giúp đỡ nhân dân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, để phát
triển sản xuất, cải thiện đời sống. Đồng thời, dám đấu tranh chống lại mọi biểu
hiện sách nhiễu nhân dân, và luôn dựa vào nhân
dân để phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, làm cho nhân dân phấn khởi,
tin tưởng vào chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hai là, giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối
sống văn hóa cho thanh niên phải giáo dục những phẩm chất cao quý như: cần, kiệm,
liêm, chính, chí công vô tư; những tác phong đẹp đẽ như khiêm tốn, giản dị; tích
cực, siêng năng, làm hết sức mình, gan dạ, táo bạo và sáng tạo; giáo dục đức tính
trung thực, thật thà, dũng cảm trong việc công cũng như việc tư. Trong buổi lễ
khai giảng Trường đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19 tháng giêng năm 1955, Người
nói: “Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và
sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc.
Chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa
sỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”, vì đó là
những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của thanh niên. Người còn căn dặn thanh niên
phải: “Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng
tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để
giúp nhau cùng tiến bộ”.
Ba là, phải giáo dục
thanh niên có nhận thức đúng và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, lực
lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Nếu không có sự lãnh đạo của Đảng,
sự chăm lo của tập thể và của nhân dân thì thanh niên không thể trưởng thành được.
Từ đó, phải làm cho thanh niên tìm ra được sức mạnh trong tập thể nhỏ bé của mình cũng như trong nhân dân, có sự đồng
cảm và chia sẻ những công việc nặng nhọc với nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân
dân. Hồ Chí Minh nói: “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một
khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”. Phải
giáo dục thanh niên có tình thương và trách nhiệm với mọi người, chống chủ nghĩa
cá nhân. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, Đoàn thanh niên Lao động
Việt Nam, Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích
riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể, miễn là mình béo,
mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra mọi tính hư tật xấu như: lười biếng, suy bì,
kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức
cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”.
Bốn là,
vận
dụng linh hoạt phương pháp giáo dục sao cho sát đối tượng, nhiệm vụ của thanh
niên. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải nói những điều dễ hiểu, không
nên nói những điều cao xa, chung chung về đạo đức và cũng không đồng ý cách giáo
dục đóng khung trong sự tu tâm, dưỡng tính để tìm thấy sự yên ổn, thanh khiết của
cá nhân. Đạo đức cách mạng phải được thể hiện bằng hành động cách mạng, chỉ có
hành động cách mạng cho dân, cho nước, thanh niên mới thể hiện giá trị đạo đức
của mình. Người nói: “Người có đạo đức là người biết rèn luyện tài năng và không
được phép ngồi yên bên cạnh dòng thác lịch sử đang cuồn cuộn chảy xiết, như ẩn
sĩ ngồi trong tháp ngà”. Trong quá trình giáo
dục Người còn chỉ rõ: “ Nhà trường, đoàn thể và gia đình hàng ngày phải biết phòng
ngừa và đẩy lùi những cái không tốt đó cho các cháu. Phải thấy phần đông các cháu
là tốt, cần lấy ngay gương tốt đó của các cháu và những gương người tốt việc tốt
trong nhân dân để giáo dục các cháu, không nên nói lý luận suông”. Người phê phán
phương pháp giáo dục nhồi sọ của đế
quốc và phong kiến. Người yêu cầu: “Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn
đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận dân chủ nhưng phải kính thầy, thầy phải quý
trò, chứ không phải “cá đối bằng đầu”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên còn
nguyên giá trị trong thời đại ngày nay. Những lời dạy của Người, là cơ sở lý luận
và thực tiễn để chúng ta vạch ra chiến lược giáo dục - đào tạo thanh niên trong
giai đoạn hiện nay. Vận dụng những lời dạy thiết thực của Người, chắc chắn chúng
ta sẽ bổ xung những điểm thích hợp vào mô hình người thanh niên mới xã hội chủ
nghĩa. Đặc biệt, chúng ta sẽ khắc phục được những điểm bất cập trong giáo dục
thanh niên nhằm giáo dục thanh niên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng nội dung
trong Thư Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI gửi tuổi trẻ Việt Nam: "Tiên
phong hành động, xung kích, tình nguyện, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng đón nhận
những khó khăn, thử thách, đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc
cần, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Bản lĩnh vững vàng, giàu
lòng yêu nước, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ
nghĩa xã hội, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của
Đảng, của dân tộc: Đoàn kết sẻ chia, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đoàn viên phải
là người bạn thân thiết của thanh niên, cùng xây đắp ước mơ, hoài bão, khát
vọng cống hiến, phát huy thế mạnh của mỗi thanh niên, chung sức trẻ vì dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì tương lai tươi sáng của đất
nước: Sáng tạo không ngừng, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, nỗ
lực khởi nghiệp, lập nghiệp, tận dụng hiệu quả những thuận lợi của cuộc cách
mạng công nghiệp lần thứ tư, tự tin hội nhập, khẳng định trí tuệ, vị thế Việt
Nam trên trường quốc tế: Phát triển toàn diện, tích cực tham gia hoạt động
Đoàn, Hội, Đội để trang bị, rèn luyện kỹ năng cần thiết, hoàn thiện bản thân,
thúc đẩy sự phát triển của tuổi trẻ Việt Nam, công tác Đoàn và phong trào thanh
thiếu nhi cả nước".
VĂN. LONG
