Được sinh ra, lớn lên trong môi
trường hoà bình, tươi đẹp của một đất nước anh hùng. Tôi cũng như bao người
khác chưa từng trải qua những ngày tháng của chiến tranh. Hình tượng và những
cảm nhận về chiến tranh của dân tộc Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược chỉ được
biết qua lời kể của ông bà, cha mẹ, các thế hệ đã trực tiếp trải qua những cuộc
chiến khốc liệt vì độc lập, tự do của Tổ quốc hoặc qua các bài học được thầy,
cô giáo giảng dạy khi còn ngồi trên ghế nhà trường hoặc khi tiếp xúc với các
phương tiện thông tin đại chúng được lưu lại nói về chiến tranh…
Chiến
tranh đã lùi xa cách đây mấy chục năm, đất nước hoà bình, ổn định đang trên đà
phát triển mạnh mẽ nhưng dư âm của nó, đặc biệt là những mất mát, đau thương do
chiến tranh gây ra vẫn đang tồn tại trong sâu thẳm trái tim của rất rất nhiều
gia đình Việt Nam và những người có lương tri.
Sự thảm khốc của chiến tranh không thể cân – đong – đo – đếm được. Trên từng tất đất của quê hương vẫn còn in dấu tích chiến tranh và không ai có thể biết được còn bao nhiêu tấn bom, đạn và các loại thuốc nổ… bị vùi lấp trong lòng dải đất hình chữ S. Nhiều người dân không may mắn vô tình đã phải hứng chịu những tai hoạ thảm khốc từ tàn tích của chiến tranh: có người bị mất chân, tay hoặc phải tử nạn…khi vô tình chạm phải những quả bom, mìn còn sót lại trong chiến tranh. Đó là một hiện thực chua sót chúng ta vẫn thường phải chứng kiến, phải đối mặt, phải sống chung với bom đạm, thuốc nổ ở nhiều nơi trên khắp đất nước.
Chiến
tranh xảy ra đã khiến rất nhiều gia đình bị ly tán, bị mất nhà cửa, ruộng,
nương và đau xót hơn khi hàng ngàn, hàng vạn người ra đi không trở về. Hàng
trăm nghìn gia đình đã phải mất người thân, vợ mất chồng, chồng mất vợ, con mất
cha, mẹ mất con, anh em phải chia lìa, chịu sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh
thần… Hình ảnh những bà mẹ Việt Nam tiễn con đi lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ
quốc phải nhiều lần “khóc thầm lặng lẽ” khi “các anh không trở về nữa” và có
những nơi nghĩa trang liệt sỹ trải dài hàng km đã phản ánh sự tàn khốc của
chiến tranh. Không ai có thể biết hết có bao nhiêu bà mẹ Việt Nam đã bị mất cả
chồng lẫn con trên chiến trường. Rất nhiều mẹ đã không còn người thân, phải
sống một mình cô đơn, hiu quạnh, mỗi khi nhớ về ai đó trong gia đình đã hy
sinh, trong lòng các mẹ lại quặn đau, đôi mắt đẫm lệ. Nhiều mẹ chỉ còn biết cảm
nhận về chồng, về con qua những ký ức của thời gian, qua những lá thư đã được
gửi ra từ chiến trường, hoặc qua những tấm ảnh may mắn còn được lưu lại trong
gia đình.
Rất
nhiều người không cầm được nước mắt khi đọc được bốn câu thơ của tác giả Lê Bá
Dương:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
Đó là
những câu thơ, những dòng cảm xúc đã chạm đến tột cùng của sự đau khổ bởi sự
tàn khốc của chiến tranh. Đồng thời, cũng thể hiện rõ sự tự hào, xúc động khôn
xiết về những cống hiến vô giá của các anh hùng, liệt sỹ đối với non sông, đất
nước.
Tổ quốc
ghi công các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh thân mình để giữ yên bờ cõi
của đất nước, cho sự ấm no, hạnh phúc và sự trường tồn của một dân tộc. Trên
khắp các tỉnh, thành của Việt Nam, mỗi nơi đều được Đảng, nhà nước và nhân dân
ta xây dựng nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hoặc có các trung
tâm chăm sóc thương binh, người có công với cách mạng... Nhưng chắc hẳn trong
mỗi chúng ta đều cảm thấy đau nhói trong tim khi nhiều phần mộ vẫn chưa được
tìm thấy và có thể vĩnh viễn không bao giờ tìm thấy. Bởi rất rất nhiều liệt sĩ
có thể thân xác mãi mãi bị chôn vùi dưới biển sâu, dưới những dòng sông hoặc
trong những khu rừng heo hút đã bị phân hủy theo thời gian... Nhiều nơi có
những hố chôn người tập thể do kẻ thù tạo ra không thể phân định tên tuổi của
từng người. Có những liệt sỹ được tìm thấy khi hài cốt chỉ còn là những nắm đất
hoặc chỉ may mắn sót lại những vật dụng của cá nhân. Hàng chục nghìn tấm bia mộ
liệt sỹ vẫn chưa xác định được danh tính (có lẽ cũng sẽ có rất nhiều người
không bao giờ xác định được danh tính), hàng triệu gia đình Việt Nam (cả những
gia đình người nước ngoài có con tham gia chiến tranh ở Việt Nam) đang khắc
khoải mong chờ tin tức của những người thân, với hy vọng sẽ tìm được hài cốt
của cha, chú, ông, bà, anh em... đưa họ về an táng tại quê nhà và có thể đó chỉ
là những hy vọng? Không ít những tấm bia mộ được khắc tên chỉ là nơi để cho gia
đình và người thân thắp nén hương tưởng nhớ đến người đã khuất khi họ đã bất
lực, vô vọng không thể tìm thấy hài cốt thực sự của liệt sỹ. Đó là sự nghiệt
ngã của chiến tranh mà không ai mong muốn!
Đất
nước đã hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, nhân dân ta đang đẩy
mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng vẫn còn đó những đau thương
của chiến tranh, nhiều người đã may mắn không bị bom đạn của kẻ thù cướp mất
tính mạng, họ được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Song, không ít người đã phải
gửi lại chiến trường một phần cơ thể của mình. Trong số những chiến sỹ cộng sản
trở về, không ít người đã phải mang trên cơ thể mình hàng chục vết thương do sự
tra tấn dã man của kẻ thù, hoặc do bom đạn gây ra khiến họ ngày đêm vẫn phải
chịu sự hành hạ của những vết thương đó mỗi khi trái gió, trở trời…
Sau khi
chiến tranh kết thúc, nhiều người trở về lại phải mang trong mình một chất độc
quái ác - “chất độc màu da cam”. Loại chất độc này đã gây bao cảnh bi thương
cho hàng chục nghìn gia đình và biết bao thế hệ người Việt Nam, nhiều đứa trẻ
được sinh ra nhưng không có hình hài hoặc có những khiếm khuyết của cơ thể…Đó là
những sự thật đau lòng chúng ta đã và đang phải tận mắt chứng kiến.
Không
thể kể hết những mất mát, đau thương của chiến tranh đã gây ra đối với Tổ quốc,
con người Việt Nam, nhất là các gia đình có người tham gia cách mạng, gia đình
của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình của những bệnh binh và thương binh,
liệt sĩ…
Giờ đây
khi đất nước hoà bình, thống nhất, nhân dân được sống trong độc lập, tự do,
hạnh phúc. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể quên đi cái giá phải trả cho nền
độc lập và tự do, hạnh phúc của dân tộc, của những người đã hy sinh thân mình
cho Tổ quốc. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, để giữ yên bờ cõi, sự trường
tồn của một quốc gia, người Việt Nam đã phải đánh đổi bằng cả vật chất, lẫn
tinh thần với rất rất nhiều mồ hôi, máu và nước mắt. Vì mục tiêu lý tưởng của
Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã chọn. Họ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, chấp
nhận gian khổ, chấp nhận sự thử thách nghiệt ngã nhất của chiến tranh đến với
bản thân mình và làm nên những điều tưởng chừng như không thể: Liều mình xông
pha trong bom đạn hoặc sẵn sàng chịu những cực hình tra tấn dã man đau đớn đến
tột cùng của kẻ thù chứ nhất định không chịu tiết lộ thông tin…Bởi vậy, chúng
ta hiểu rằng: “sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh
binh và những người có công với các mạng” có giá trị to lớn với quê hương, đất nước
và nền hoà bình của nhân loại.
Những
sự hy sinh lớn lao đó đã viết tiếp các trang sử hào hùng của một dân tộc anh
hùng – Dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến chống lại kẻ thù xâm lược. Đây
cũng là những truyền thống quý giá được vun đắp từ ngàn xưa của lớp lớp thế hệ
đi trước gây dựng nên và đã được phát huy, được kế thừa một cách xứng đáng ở
thế kỷ XX. Họ đã trở thành niềm tự hào của Dân tộc, của Quân đội… trở thành
những tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam sau này học tập và làm noi
theo.
Nhân
dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, chúng ta kính cẩn thắp những nén
hương thơm để tưởng nhớ và biết ơn vô hạn vong linh của các anh hùng liệt sỹ,
những người đã anh dũng chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vì “Độc lập
– Tự do – Hạnh phúc” của cả dân tộc. Cùng nhau chia sẻ và quan tâm đến các
thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, những người không may
mắn còn chịu di chứng của chiến tranh, bù đắp phần nào đó trước sự mất mát, đau
thương của họ do chiến tranh gây ra, cùng nhau vươn lên xây dựng đất nước ngày
càng cường thịnh. Đó không chỉ là những nghĩa cử cao đẹp mà còn là trách nhiệm
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và toàn xã hội.
Chiến
tranh Việt Nam đã trở thành quá khứ – một quá khứ hào hùng của một dân tộc anh
hùng, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù, một dân tộc “thà hy sinh tất
cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, đó là
truyền thống quý báu được viết bằng máu, mồ hôi, nước mắt của các thế hệ người
Việt Nam yêu chuộng hoà bình, khát khao “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Tổ quốc
và nhân dân sẽ mãi mãi ghi công và đời đời biết ơn vô hạn đối với các anh hùng
liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh…với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự hy
sinh và tên tuổi của họ sẽ sống mãi với hồn thiêng sông núi và sự trường tồn
của dân tộc Việt Nam.
TRẦN TUẤN (Theo tạp chí Giáo chức điện tử Việt Nam 10/7/2023)
