(Tindautruongdanchu) - Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, một số tổ chức, cá nhân thù địch phát tán nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, đả kích đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam đang “bài Trung, thoát Nga, ngả Mỹ”. Họ tiếp tục cho rằng chính sách đối ngoại quốc phòng “bốn không” của Đảng và Nhà nước Việt Nam là sai lầm, nếu tiếp tục kiên định chính sách này Việt Nam sẽ “bị cô lập” trong cộng đồng quốc tế.
Chúng
ta chẳng lạ gì luận điệu đã cũ rích này. Lâu nay, trong thực hiện chiến lược
“diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, đối ngoại là lĩnh vực trọng điểm mà các
thế lực thù địch, phản động nhằm vào để chống phá. Không chỉ phủ nhận những
thành tựu của công tác đối ngoại mà bằng nhiều thủ đoạn, họ mưu toan gia tăng
tán phát những thông tin sai lệch, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách
đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; kích động chia rẽ quan hệ giữa Việt
Nam với các nước đối tác, nhất là các nước lớn, các nước láng giềng; phá hoại
môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của
nhân dân Việt Nam; hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Cần phải khẳng định
rằng những luận điệu ấy là vô căn cứ, trắng trợn xuyên tạc đường lối đối ngoại
và chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam. Nhưng dù bằng luận điệu, chiêu
trò gì chăng nữa các tổ chức, cá nhân thù địch cũng không thể xuyên tạc được sự
thật. Những gì đã và đang diễn ra trong quan hệ ngoại giao nói chung và đối
ngoại quốc phòng của Việt Nam nói riêng đã bác bỏ hoàn toàn những luận điệu sai
trái đó.
Quan điểm, chủ
trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng. Đảng
và Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự
chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại theo phương châm “Việt Nam là
bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng
quốc tế”. Việt Nam chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng “bốn
không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống
nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để
chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan
hệ quốc tế.
Thực tiễn đã chứng
minh chủ trương, chính sách đó của Đảng, Nhà nước Việt Nam là hoàn toàn đúng
đắn, phù hợp với đường lối đối ngoại của đất nước, phù hợp với lịch sử dựng và
giữ nước của dân tộc cũng như tình hình thực tiễn của Việt Nam. Quốc phòng Việt
Nam mang tính chất hòa bình và tự vệ. Bài học “Dựa vào sức mình là chính”, “Đem
sức ta mà tự giải phóng cho ta”… vẫn còn nguyên giá trị. Từ thực tiễn lịch sử,
Việt Nam cho rằng bảo vệ Tổ quốc phải bằng sức mạnh nội lực, sức mạnh của khối
đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại chứ
không thể dựa vào bất kỳ liên minh quân sự hay hiệp ước quân sự nào và càng
không thể trông chờ, ỷ lại vào bất cứ một quốc gia nào. Sẽ là không phù hợp và
sai lầm nếu Việt Nam ngả theo bất cứ phe nào, phụ thuộc vào bất cứ quốc gia
nào. Việt Nam đã nhiều lần khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ. Việt
Nam không “bài” nước này, “thoát” nước nọ, “ngả” nước kia mà luôn kiên trì
phương châm là bạn với tất cả các nước, theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa
quan hệ đối ngoại. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công lý và lẽ
phải, bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và những nguyên tắc cơ bản của
luật pháp quốc tế.
Từng là nạn nhân của
nhiều cuộc chiến tranh xâm lược hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ sự khốc liệt của
chiến tranh. Việt Nam không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh
thổ của mình để chống lại nước khác. Bởi nếu làm như vậy thì rất dễ biến đất
nước mình trở thành mục tiêu tiến công của các thế lực thù địch, khó tránh khỏi
nguy cơ bị lôi kéo vào xung đột, chiến tranh. Mặt khác, Việt Nam là dân tộc yêu
chuộng hòa bình. Với Việt Nam quốc phòng tối ưu là không phải tiến hành chiến
tranh. Việc không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của
mình để chống lại nước khác còn thể hiện rõ thiện chí của Việt Nam trong việc
giữ gìn, xây dựng và thúc đẩy hoà bình trên thế giới.
Trong giải quyết các
vấn đề của quan hệ quốc tế, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, Đảng và
Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc
đe dọa sử dụng vũ lực mà phải trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt đường lối
đối ngoại hòa bình hữu nghị, độc lập, tự chủ... bằng biện pháp hòa bình, trên
cơ sở luật pháp quốc tế. Chủ trương và cách giải quyết đó của Đảng, Nhà nước
Việt Nam đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân cũng như toàn xã hội,
được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ.
Thực tiễn đã chứng
minh chủ trương, chính sách đối ngoại quốc phòng “bốn không” là giải pháp hiệu
quả để Việt Nam bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ cũng như lợi ích quốc gia, dân tộc. Công tác đối ngoại quốc phòng của Việt
Nam những năm qua không ngừng mở rộng và thúc đẩy mạnh mẽ. Công tác đối ngoại,
trong đó có đối ngoại quốc phòng giữ vai trò tiên phong trong việc tạo lập quan
hệ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực bên
ngoài để phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao
nhà nước với 193 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam đã
thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 100 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có
đầy đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ và tất cả các nước lớn là
đối tác chủ chốt, quan trọng. Từ tháng 6-2014 đến nay, Việt Nam đã cử 533 lượt
sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia gìn giữ hòa bình LHQ và đã hoàn thành
tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và LHQ
cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Những thành quả đó góp phần khẳng định
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đối
ngoại quốc phòng được thúc đẩy mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực phù hợp với nhu cầu,
khả năng của Việt Nam cũng như các đối tác và được xác định là phương thức hữu
hiệu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Một trong những kênh đối ngoại quan trọng
hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam đó là đối ngoại quốc phòng…
Thực tế đó đã chứng
tỏ chẳng những không hề bị cô lập, mà ngược lại quan hệ đối ngoại nói chung,
đối ngoại quốc phòng nói riêng của Việt Nam ngày càng được mở rộng, đi vào
chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Điều đó mở ra cơ hội thuận lợi để Việt Nam
ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định,
nâng cao uy tín, vị thế của đất nước và quốc phòng Việt Nam trên trường quốc
tế.
Trước những diễn
biến mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, mục tiêu, nhiệm vụ của
công tác đối ngoại được Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định tại Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hoá, đa phương hoá quan
hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên
tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng
có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là
thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Như vậy có thể thấy
chủ trương, chính sách đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng của
Đảng và Nhà nước Việt Nam là rất rõ ràng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn đất
nước và xu thế chung của thế giới. Những gì được Đảng Cộng sản Việt Nam nêu
trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII thêm một lần nữa khẳng
định việc thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” là hoàn toàn đúng đắn và
Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện chính sách này trong những năm tiếp theo.
Nếu ai đó nói rằng
Việt Nam “bài”, “thoát” nước này, “ngả” theo nước kia, chính sách quốc phòng
“bốn không” là “sai lầm”, Việt Nam sẽ “bị cô lập” nếu kiên trì thực hiện chính
sách này… thì đó là hành động cố tình xuyên tạc, bịa đặt nhằm động cơ chính trị
và mưu đồ đen tối. Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh,
phản bác, loại bỏ những luận điệu sai trái, vô căn cứ ấy ra khỏi đời sống trong
nước và quan hệ hợp tác quốc tế.
VŨ CƯỜNG
