Theo KCTD- Như chúng ta đã biết ngày 5/6/2023
vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ
án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam để điều tra đối với bà Hoàng Thị Minh
Hồng, sinh năm 1972 về tội trốn thuế theo
quy định tại Khoản 3, Điều 200 Bộ luật Hình sự; các quyết định trên đã được
Viện KSND TP.HCM phê chuẩn. Nhưng sau khi Hoàng Thị Minh Hồng bị
bắt tạm giam, các thế lực thù địch phản động đã không ngừng phê phán, đấu tranh
cho rằng việc bắt tạm giam bà Hồng là không đúng và yêu cầu phải trả tự do cho
bà Hồng. Vậy cụ thể vấn đề này ra sao?
Công an TP.HCM qua điều tra, xác
định Hoàng Thị Minh Hồng đã trốn thuế với số tiền hơn 5,2 tỉ đồng, bà Hoàng Thị Minh Hồng đã
thừa nhận hành vi phạm tội, có đơn xin khắc phục hậu quả để được hưởng lượng
khoan hồng của pháp luật Việt Nam. Đại diện gia đình của bà Hồng đã nộp khắc
phục trước số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản tạm giữ của Phòng Cảnh sát điều
tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP.HCM.
Tuy vậy, sau khi bà Hoàng Thị Minh Hồng, người hoạt động
trong lĩnh vực môi trường bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi trốn thuế thì
các trang mạng như RFA, VOA Tiếng Việt, BBC News - Tiếng Việt… liên tục cho
đăng tải các bài viết tập trung vào các nội dung: Bà Hoàng Thị Minh Hồng là nhà
hoạt động môi trường thứ 5 bị bắt tại Việt Nam, sau ông Phan Mai Lợi, ông Đặng
Đình Bách, bà Ngụy Thị Khanh và ông Bạch Hùng Dương…
Trên thực tế, các vụ án của Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách,
Mai Phan Lợi, Bạch Hùng Dương đều đã được điều tra, truy tố và xét xử theo đúng
quy định pháp luật, với các tài liệu, chứng cứ kết tội rõ ràng, khách quan. Bà
Ngụy Thị Khanh phạm tội trốn thuế với số tiền 456 triệu đồng; ông Mai Phan Lợi,
Bạch Hùng Dương trốn thuế gần 2 tỷ đồng và Đặng Đình Bách là 1,38 tỷ đồng. Vì
vậy, các tổ chức nhân quyền quốc tế cho rằng cả 4 người này bị đàn áp do các
hoạt động vận động về vấn đề môi trường là không đúng với bản chất của vụ
việc, là cố tình phớt lờ sự thật, để xuyên tạc, suy diễn, dựng chuyện.
Còn việc gần đây khi bà Hoàng Thị Minh Hồng bị bắt tạm giam
để điều tra về hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là bà Hoàng Thị Minh Hồng
không thực hiện quy định đóng thuế khi nhận những nguồn tài trợ kinh phí từ một
số tổ chức nước ngoài để tổ chức hoạt động… lại làm cho Cao ủy Nhân quyền Liên
hợp quốc và Hoa Kỳ “quan ngại ”, “nghi ngờ cáo buộc trốn thuế” và bày tỏ lo
ngại về “vấn đề mang tính hệ thống với việc giam giữ tùy tiện” các nhà bảo vệ
môi trường ở Việt Nam” là thái quá và mang dụng ý xấu…
Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng việc bảo vệ môi
trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều
kiện, nền tảng, yếu tố trọng tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội
bền vững”. Do đó, những tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực trong công
tác bảo vệ môi trường đều được Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Đồng thời, Việt Nam
cũng xử nghiêm các hành vi lợi dụng danh nghĩa xã hội dân sự, bảo vệ môi
trường, để gây mất trật tự xã hội, vi phạm pháp luật. Những luận điệu xuyên
tạc, vu khống của những kẻ chống phá mục đích làm cho người đọc hiểu sai bản
chất các vụ án, vụ việc trong thời gian qua. Ở Việt Nam, mọi cá nhân, hội, tổ
chức phi chính phủ đều được bảo đảm hoạt động bình thường theo đúng quy định,
đồng thời tuân thủ nghiêm pháp luật về các hoạt động của mình. Chỉ những người
vi phạm pháp luật, những người phạm tội mới bị bắt, giam giữ và điều tra, xét
xử.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc
các thế lực thù địch, phản động, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt
Nam thường xuyên lợi dụng các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước…
để xuyên tạc bịa đặt, vu khống Việt Nam vi phạm các quy định về dân chủ, nhân
quyền… đang đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nâng cao ý
thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, không để bị nhiễu loạn thông tin, từ đó có
những hành động sai lầm, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, vi phạm các quy định
của pháp luật./.
ĐINH SƠN - HUY DU
