Theo KQSC - Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người cần được tôn trọng và bảo đảm, tuy nhiên ở bất kỳ quốc gia nào, tự do ngôn luận cũng phải nằm trong khuôn khổ pháp luật nhằm tránh hiện tượng bị lợi dụng, gây phương hại đến quyền và lợi ích của cá nhân khác, đến đạo đức xã hội, trật tự công cộng và an ninh quốc gia. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội (MXH) đã trở thành công cụ thể hiện quyền tự do ngôn luận của đông đảo người dân. Tuy nhiên, đây cũng chính là phương tiện để các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng để đưa ra các luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng và Nhà nước ta, bôi nhọ, nói xấu chính quyền, gây kích động, hoang mang trong nhân dân, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Ngay từ khi Luật An ninh mạng năm
2018 được thông qua, nhiều trang mạng điện tử phản động như RFA, BBC Tiếng Việt
đã đưa tin bóp méo, xuyên tạc cho rằng "Luật này đặc biệt xâm phạm không
gian riêng tư, vi phạm tự do ngôn luận, Internet". Khi chúng ta triển khai
ngăn chặn các thông tin xấu độc, sai trái trên "bầu trời mạng" thì
chúng ngay lập tức "rêu rao" rằng "đây là một hình thức kiểm duyệt
thông tin", "vi phạm quyền được nói cơ bản của con người". Mới
đây, Facebook Việt Tân đã tổ chức một buổi livestream trên trang fanpage để rao
giảng về quyền tự do thông tin và đổ lỗi cho Việt Nam đang cố tình sử dụng Luật
An ninh mạng để "dập tắt những tiếng nói bất đồng, ôn hòa". Thậm chí
chúng còn lập một hastag kêu gọi người dân đứng lên chống lại sự kiểm duyệt
thông tin trên mạng xã hội. Chúng lôi kéo, kích động người dân đòi các quyền tự
do dân chủ, tự do ngôn luận. Một số người không đủ thông tin, thiếu hiểu biết
nên dễ dàng tin theo và có những phát ngôn chống đối, cản trở việc thi hành luật.
Đây chính là những hành động vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và chống đối
chính quyền nhân dân của chúng ta, thậm chí vi phạm những quy định của pháp luật
quốc tế.
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng
và bảo đảm các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân.
Tự do ngôn luận được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: "Công dân Việt Nam có quyền tự do
ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư
trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài" - (Điều thứ 10). Hiến pháp nước
CHXHCN Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: "Công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc
thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" - (Điều 25).
Theo thống kê của Wearesocial,
tính đến tháng 1/2024, Việt Nam là một trong số các quốc gia có số người sử dụng
mạng Internet cao nhất trên thế giới với hơn 77,93 triệu người dùng Internet,
tương đương 79,1% dân số; 94,2 triệu thuê bao smartphone. Các hoạt động trao đổi
thông tin trên MXH diễn ra hết sức sôi nổi mà không gặp phải bất kỳ một sự cản
trở nào từ các cơ quan chức năng.
Thực tế cho thấy, khi Internet và MXH
phát triển với tốc độ chóng mặt thì không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới
cũng phải đối mặt với những thách thức đến từ sự phức tạp, khó kiểm soát. Nhận
thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách phù hợp
nhằm bảo vệ an ninh mạng, phòng chống việc lợi dụng Internet, MXH để chống phá
chính quyền, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân như Chỉ thị số
28-CT/TW ngày 16/9/2013 về "Tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin
mạng"; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng CP "về tuân
thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp
độ", đặc biệt là Luật An ninh mạng ban hành năm 2018 đã tạo ra hành lang
pháp lý để cho người dân tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật bảo hộ, đồng
thời ngăn chặn xử lý tội phạm lợi dụng không gian mạng (KGM) để gây án.
Theo thông tin của Bộ Công an, từ
đầu năm 2022 đến nay Bộ Công an đã khởi tố và điều tra 572 vụ án trên KGM về
các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng. Đã khởi tố 63 vụ với 68 bị
can, xử phạt hành chính 455 đối tượng. Đó là minh chứng cho những nỗ lực của lực
lượng an ninh mạng trong việc bảo vệ người dân về những thông tin giả, thông
tin xấu độc, thông tin xuyên tạc mang tính kích động từ các đối tượng thù địch.
Nhận thức rõ những nguy cơ lợi dụng
tự do ngôn luận trên KGM, đe dọa đối với an ninh quốc gia, nhiều nước trên thế
giới cũng đã triển khai những biện pháp nhằm kiểm soát tốt hơn những thông tin
được đăng tải trên MXH, hạn chế tối đa sự lan tràn, phát tán những thông tin giả
mạo và độc hại. Tại Mỹ, giới hạn của tự do ngôn luận được thể hiện chủ yếu qua
án lệ của các tòa án, đặc biệt là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho phép chính quyền
ngăn chặn và trừng phạt những phát ngôn có tính chất khiêu dâm, phỉ báng, xúc
phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến. Ngoài ra, nhiều nước Châu Âu khác
cũng đưa ra các quy định với hình phạt cụ thể trong vấn đề này nhằm chống lại mọi
hình thức tuyên truyền, kích động, tiến hành xử lý hình sự đối với những phát
ngôn thù ghét và kích động. Bên cạnh đó, trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình
trạng lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn thù địch, tiêu cực trên Internet,
Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử trên Internet với sự cam kết
hành động của 4 doanh nghiệp mạng lớn nhất thế giới gồm: Facebook, Twister,
Youtube và Microsoft.
Rõ ràng, trong bất cứ chế độ chính
trị nào cũng không thể có tự do ngôn luận tuyệt đối. Các quốc gia đều có quy định
xử lý hành vi lợi dụng tự do ngôn luận để xâm phạm quyền, lợi ích của tổ chức,
cá nhân. Việc đề cao tự do ngôn luận phải vì lợi ích chung, không phải là tuyệt
đối hóa tự do cá nhân, không thể lợi dụng tự do ngôn luận để viết, nói xuyên tạc
với ý đồ xấu, bất chấp luân lý, đạo đức và luật pháp. Những tổ chức, cá nhân
nào lợi dụng MXH kích động, lôi kéo người dân tham gia các hoạt động chống phá
chính quyền nhân dân, thể hiện tự do ngôn luận không tuân theo các quy tắc, chuẩn
mực đạo đức xã hội... đều cần phải được nghiêm trị theo đúng pháp luật. Mỗi người
cần nhận thức đúng đắn quyền tự do ngôn luận, kiên quyết đấu tranh và loại bỏ
những biểu hiện và hành vi dựa vào quyền tự do ngôn luận để làm những việc sai
trái, vi phạm pháp luật trên không gian
mạng.
