Theo KQSĐP - Thời gian gần
đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình hình tội phạm lừa đảo
thông qua mạng xã hội ( Zalo, facebook….) có xu hướng gia tăng, với nhiều thủ
đoạn mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin
- Bộ Thông tin và truyền thông trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực
tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6
tháng cuối năm 2022. Để thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến các đối
tượng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo lòng tin với người dân. Có
thể phân làm 3 nhóm chính: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài sản online và
các hình thức khác. Lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi
số như hiện nay, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để khai thác
trái phép thông tin cá nhân của người dân hoặc giả mạo các tổ chức tài chính
ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những đối
tượng nằm trong “tầm ngắm” của các nhóm lừa đảo trên mạng đó là: công nhân, người
lao động, người cao tuổi...Theo Bộ Công an, các cuộc tấn công mạng có xu hướng
tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị. Các nhóm lừa đảo nhắm
vào người sử dụng thiết bị công nghệ cũng như các môi trường mạng với nhận thức
hạn chế. Đây cũng là những người ít có tiếp xúc và cập nhật các thông tin thời
sự xã hội.
“Thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo
chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội vẫn diễn
biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi,
gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh
Vĩnh Long vừa đưa ra cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua
mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để người dân cảnh giác.
1. Theo đó, các đối tượng giả danh các nhà mạng gọi điện thông
báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để
nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài
khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận
thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc lại và chiếm đoạt số tiền đó.
2. Thủ đoạn giả danh là cán bộ
Ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tải
khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền
Internet Banking của khách hàng bị lỗi, ... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã
số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp
để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
3. Một thủ đoạn nữa là giả danh
Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử
phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các
đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do
lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng
chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều
vụ với số tiền bị chiếm đoạt rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng.
4. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và
nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên
xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt
tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang
thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee, … và chạy quảng cáo,
khi bị hại nhắn tin hỏi cách thức làm cộng tác viên, các đối tượng sẽ gửi các
thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng, ... và yêu cầu gửi thông
tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn. Ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản
phẩm có giá trị nhỏ khoảng vài trăm ngàn đồng để bị hại chọn và xác thực đơn,
chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook chuyển tiền vào các tài
khoản do đối tượng cung cấp và được đối tượng chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ
ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3-20%. Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách
trả gốc và hoa hồng như cam kết ban đầu, tiếp theo đối tượng viện lý do là
"bạn đã được công ty nâng hạng" và gửi các đường dẫn sản phẩm trên
sàn Lazada, Shopee, ... có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại
hình ảnh sản phẩm đồng thời chuyển tiền. Khi đã nhận được, đối tượng không
chuyển tiền mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện
nhiệm vụ khác thì mới được chuyển lại tiền và hoa hồng (thực chất là tiếp tục
chuyển tiền vào tài khoản đối tượng). Sau đó các đối tượng chiếm đoạt tiền của
bị hại.”
Hiện nay,
để giúp người dân nắm bắt thông tin
phòng chống lừa đảo thì các cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều giải pháp như:
phát triển công nghệ thông tin xử lý các tin nhắn sms rác, lừa đảo; phát triển
trang cảnh báo an toàn thông tin để người dân có thể phản ánh các vấn đề gặp phải
về an toàn thông tin; cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức
kỹ năng phòng chống lừa đảo; công bố các danh sách đen vi phạm, tài khoản ngân
hàng lừa đảo thông qua cổng thông tin, kiểm tra dán nhán tín hiệu cho các website
chính thống; triển khai chiến dịch phòng chống mã độc làm sạch không gian mạng
định kỳ hàng năm trên toàn quốc để mỗi người dân có thể chuyển đổi dần từ cách tiếp cận phản ứng sang
chủ động bảo vệ trước các hình thức lừa đảo trong kỷ nguyên số. Nhiều hình thức
tuyên truyền đúng, trúng đối tượng đang đươc nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị
thực hiện.
Có thể nói trong bối cảnh bùng nổ thông tin công nghệ như
hiện nay, nhiều phương thức lừa đảo xuất hiện kế tiếp nhau với những thủ đoạn
ngày càng tinh vi, vì thế việc tuyên truyền đúng, trúng hiệu quả bằng nhiều
phương thức khác nhau là vấn đề đặt ra và cần thực hiện một cách triệt để.
Công nghệ ngày càng
phát triển việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội tài khoản ngân hàng hay là ví
điện tử đã trở nên phổ biến, bên cạnh đó thì việc dễ dàng cung cấp thông tin cá
nhân là một điểm yếu rất dễ bị tội phạm lợi dụng, do đó bên cạnh các công cụ hỗ
trợ của cơ quan chức năng thì mỗi chúng ta đều phải tự trang bị kiến thức cho
mình, học cách bảo mật thông tin cá nhân, chủ động phòng chống các thủ đoạn lừa
đảo, có như vậy mới giảm tối đa những thiệt hại do tội phạm lừa đảo trên không
gian mạng gây ra.
KHẮC DŨNG
