KCTD
- Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã xem xét nguyện vọng và cho
thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu đối với một số cán bộ cấp cao. Lợi
dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu đã ra sức tuyên
truyền xuyên tạc về bản chất vấn đề nhằm gây hoang mang trong quần chúng nhân
dân, chia rẽ đoàn kết nội bộ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam.
Theo Quy định số 41-QĐ/TW
ngày 03 tháng 11 năm 2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối
với cán bộ quy định: Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm
của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền
quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, trách nhiệm, quyền hạn
của người đứng đầu được hiểu không phải là quyền lực riêng của cá nhân đó mà là
quyền lực công được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho họ để thực hành
công vụ. Vì vậy, bất cứ lúc nào, họ không còn xứng đáng với chức vụ, quyền hạn
được giao đó; họ phải trả lại quyền lực đó cho Đảng, cho nhân dân.
Thứ hai, khi nào và thời điểm nào cán bộ nên từ chức và có
thể từ chức? Đó là khi cán bộ vi phạm khuyết điểm hoặc xét thấy bản thân không đủ
năng lực để nắm giữ chức vụ, hoặc bị suy giảm nghiêm trọng về uy tín thì họ có
một con đường rút lui trong danh dự. Điều này là rất nhân văn, nhân ái. Tuy
nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc để cho cán bộ, đảng viên vi phạm có
thể “hạ cánh an toàn”. Bởi việc xem xét cho cán bộ có thể từ chức hay không là
do cấp có thẩm quyền quyết định, dưới sự giám sát của các cơ quan bảo vệ pháp
luật và của nhân dân. Điều 3, Quy định số 41-QĐ/TW đã chỉ ra: “Không thực hiện
việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm.” Như vậy,
không một cán bộ, đảng viên nào có thể mượn cớ từ chức để thoát tội, trốn tránh
trách nhiệm.
Thứ ba, từ chức là vấn đề không mới trong lịch sử. Khi người
đứng đầu tự thấy mình không đủ điều kiện tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, bất lực
trước tình thế khó khăn nên họ đã từ chức, như trường hợp Thủ tướng Yoshihide
Suga thất bại trong ngăn ngừa sự bùng nổ đại dịch Covid-19 tại Nhật Bản. Hoặc có
những bê bối cá nhân (bị phát hiện tham nhũng, ngoại tình,...) và do đó bị mất
uy tín nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng xấu tới tổ chức hoặc chính thể thì họ đã
từ chức. Đây là một nét đẹp văn hóa trong nhiều quốc gia phát triển, thể hiện
tinh thần trách nhiệm, liêm chính và lòng tự trọng của người lãnh đạo. Ví dụ
như sau sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Đảng (1955 - 1956),
đồng chí Lê Văn Lương tự nhận thấy có phần trách nhiệm trong công tác chỉnh đốn
tổ chức Đảng nên đã tự xin rút khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Trưởng
Ban Tổ chức Trung ương Đảng…
Văn hóa từ chức là một hành động văn minh và cần thiết trong
quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Mỗi cán bộ, công chức và mỗi người
dân cần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm để góp phần xây dựng văn hóa từ
chức trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa từ chức
là một vấn đề phức tạp, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng tình hình bất ổn để
phá hoại sự đoàn kết và ổn định của đất nước ta. Cần nhận thức rõ âm mưu này và
luôn đề cao tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ tổ chức trước những
âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Đồng thời, cần sự nỗ lực của cả hệ thống
chính trị và xã hội để văn hóa từ chức sẽ dần hình thành và phát triển, góp phần
xây dựng một xã hội văn minh, liêm chính và phát triển./.
NGỌC TRÌU
