KQSDP - Chủ tịch Hồ Chí Minh được loài người tiến bộ suy tôn
là một nhà văn hoá lớn còn bởi những thành tựu xuất sắc của Người trong lĩnh vực
hoạt động và sáng tạo văn hoá và giáo dục. Người đã để lại những lời giáo dục rất
sâu sắc và ý nghĩa cho các thế hệ người Việt Nam. Theo Bác:
““Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Chủ tịch
Hồ Chí Minh cho rằng sự dốt nát cũng là kẻ địch phải chống. Người chủ trương phải
phát triển nền giáo dục thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội, mới tiến kịp được
sự phát triển chung của nhân loại. Xác định rõ học tập để làm việc, làm người,
để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và nhân loại, Người thường xuyên nhấn mạnh
tới nhiệm vụ giáo dục lý tưởng, giáo dục đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí
công, vô tư” và chỉ rõ rằng: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân
tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”. Là
nhà giáo dục vĩ đại, với tinh thần “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì
lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng việc
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần
thiết”.
Với mục tiêu của chiến lược “trồng
người” là “dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động
tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”, theo Người, phải xây dựng
một nền giáo dục toàn diện để đào tạo những con người có đức, có tài. Nền giáo
dục đó phải kết hợp chặt chẽ giữa học và hành, lý luận gắn liền với thực tiễn,
gắn liền giáo dục của nhà trường với gia đình và xã hội, học suốt đời, kết hợp
tự học với học trong nhà trường, học trong sách vở và học trong cuộc sống”[1]
TUẤN ANH
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập
1, Nxb CTQGST, Hà Nội 2011, tr.612
