Theo KCTĐ - Với ba lần đánh thắng quân Mông – Nguyên xâm lược, Quân và dân nhà Trần đã làm nên những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Thắng lợi đó là minh chứng hùng hồn, khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của vương triều Trần cùng tinh thần tự lực, tự cường, ý chí cố kết cộng đồng và quyết tâm bảo vệ non sông, bờ cõi của quân, dân Đại Việt. Đó là cuộc đấu tranh gay gắt về tài trí giữa hai nền nghệ thuật quân sự của Đại Việt và của đế quốc Nguyên – Mông mà nổi bật hơn cả là nghệ thuật quân sự sáng suốt, tài tình của Bộ Thống soái Đại Việt, đứng đầu là các vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Trong lần kháng
chiến thứ nhất (1258), với quyết tâm bảo vệ vững chắc non sông, bờ cõi, nên khi
được tin quân Mông - Nguyên chuẩn bị xâm lược Đại Việt, vua Trần đã xuống chiếu
cho cả nước khẩn trương sắm sửa vũ khí, làm công tác chuẩn bị chống giặc sau
một số trận đánh chặn kỵ binh Mông Cổ ở biên giới Tây Bắc và nhất là trận Bình
Lệ Nguyên, vua Trần cũng như Lê Tần đều biết rằng không thể tiếp tục quyết
chiến khi thế và lực quân địch còn rất mạnh, cho nên đã chỉ đạo quân và dân các
lộ từng bước chặn giặc, làm giảm nhịp độ tiến công của chúng, đồng thời tổ chức
cho quân chủ lực triều đình rút lui, bảo toàn lực lượng và có thời gian bàn
phương lược phản công. Cùng với đó, chia quân ra trấn giữ những nơi hiểm yếu,
thực hiện các cuộc tấn công nhỏ, lẻ, làm suy yếu quân giặc, khi thời cơ đến tổ
chức các cuộc phản công quy mô lớn đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi.
Trong lần kháng
chiến thứ hai (1285), Trần Quốc Tuấn đã đóng đại bản doanh và chuẩn bị thế trận
ở Nội Bàng để chặn đánh địch. Nhưng trước sức tấn công như vũ bão của hàng chục
vạn quân Nguyên, nhận thấy nếu tiếp tục quyết chiến với địch ở đấy thì chắc
chắn ta không cản nổi địch mà còn bị tổn thất, nên Trần Quốc Tuấn đã kịp thời
thay đổi ý định chiến lược, cho quân rút lui, trước mắt là bảo toàn được lực
lượng và phá kế hoạch hợp vây của chúng. Quá trình lui quân ra Quảng Yên, rồi
vào Thanh Hóa, nhà Trần từng bước củng cố, bổ sung lực lượng, nên thế và lực
quân ta lại mạnh thêm. Cùng với đó, chỉ đạo quân các lộ, quân vương hầu từng
bước nhử giặc vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, làm cho quân giặc muốn đánh nhanh,
giao chiến với quân triều đình cũng không được. Trong khi quân chủ lực nhà Trần
vẫn chưa phải giao chiến lớn, sức mạnh vẫn bảo toàn thì quân giặc ngày càng mệt
mỏi, hoang mang do phải dàn mỏng lực lượng từ Lạng Sơn đến Thăng Long để đối
phó với các cuộc tiến công nhỏ, lẻ của ta. Khi thời cơ chín muồi, Bộ Thống soái
nhà Trần chỉ đạo quân và dân ta thực hiện những trận phản công chiến lược tại
Tây Kết, Hàm Tử Quan, Chương Dương Độ, Thăng Long, Vạn Kiếp tiêu diệt lớn quân
giặc, đánh bại cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn nhất của địch, kết thúc thắng
lợi cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba, do rút được
kinh nghiệm hai lần trước, ta không chủ trương quyết chiến khi quân Nguyên đang
ào ạt tiến công, mà vừa đánh chặn để tiêu hao địch, vừa rút lui để bảo toàn lực
lượng, đồng thời dẫn dắt Thoát Hoan và Ô Mã Nhi vào thế trận ta đã chuẩn bị
sẵn. Để làm cho địch hao mòn suy yếu theo kế "dĩ dật đãi lao" - tức
là lấy nhàn chờ mệt, lấy mạnh chờ yếu, lấy sung sức chờ hao mòn - tạo ra thế và
thời cơ có lợi để phản công, bí quyết của thời Trần là phát huy sức mạnh của
"cả nước đánh giặc", vận dụng linh hoạt các cách đánh: đánh nhỏ, đánh
phân tán và đánh lớn, đánh tập trung, kết hợp chặt chẽ các hoạt động tác chiến
của các lực lượng: quân triều đình, quân các lộ, các vương hầu và dân binh.
Chính nhờ tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, cả nước đánh giặc, kết
hợp được các cách đánh và các lực lượng cùng đánh nên quân và dân nhà Trần đã
có được khả năng to lớn và tiến công địch ở khắp mọi nơi, mọi lúc, cả trước mặt
và sau lưng; khiến quân thù đông mà tản, nhiều hóa ít, mạnh hóa yếu, từng bước
bị tiêu hao, suy yếu, mệt mỏi và cuối cùng bị phản công - tiến công tiêu diệt.
Kỵ binh Mông Cổ cũng như kỵ binh, bộ binh nhà Nguyên đều nổi tiếng là thiện
chiến nhất đương thời; đặc biệt kỵ binh Nguyên - Mông đã từng chiến thắng ở
khắp nơi, nhưng khi đến Đại Việt lại không thể "thi thố được tài
năng" như ở những nơi khác. Vì chúng đã gặp phải một phương thức chống đối
hoàn toàn khác lạ: đó là cuộc chiến tranh toàn dân dưới sự chỉ huy tài tình của
một bộ tham mưu thống nhất. Đó là cách đánh "dĩ đoản chế trường",
biết hạn chế sở trường của giặc, phát huy mặt mạnh của ta, từng bước chuyển hóa
lực lượng; ta càng đánh càng mạnh, càng thắng, địch càng đánh càng yếu, càng
thua.
Như vậy, trong
cả ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, nhờ nắm chắc tình hình, đánh
giá đúng điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản của giặc, Bộ Thống soái nhà
Trần đã có những chỉ đạo chiến lược: thực hiện các cuộc rút lui nhằm bảo toàn
lực lượng; kéo dài thời gian kháng chiến để chuẩn bị phản công. Sự chỉ đạo
chiến lược đó khẳng định tầm nhìn, tư duy sáng tạo, khả năng tổ chức của Bộ
Thống soái Đại Việt, đứng đầu là các vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn,
đồng thời là bài học quý cần vận dụng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
VIẾT XUÂN
