KCTD -
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin
(Vladimir Putin) đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 19 - 20/6/2024.
Trên cơ sở kết quả chuyến thăm, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
và Liên bang Nga đã tuyên bố như sau:
1. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng
củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên tinh thần hữu nghị và ủng hộ
lẫn nhau trong bối cảnh quốc tế phức tạp. Năm 2025, hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm
thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu chặng đường dài cùng nhau vượt qua thử
thách và khó khăn, trong đó có những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh vì
độc lập, tự do.
Quan hệ song phương đã đứng vững trước các biến động, góp phần
củng cố hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và
trên thế giới. Với nỗ lực chung của hai Bên, quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam
- Nga tiếp tục phát triển tích cực phù hợp với lợi ích hai quốc gia, là tài sản
vô giá của nhân dân hai nước và là hình mẫu của quan hệ hữu nghị truyền thống
và hợp tác cùng có lợi.
Sau 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan
hệ hữu nghị và sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện năm 2012,
hai Bên đã đạt được những thành tựu quan trọng sau:
- Đối thoại chính trị giữa Việt Nam và Nga có độ tin cậy và hiểu
biết cao. Trao đổi, tiếp xúc các cấp được duy trì thường xuyên, tạo nền tảng
vững chắc cho việc củng cố và mở rộng hơn nữa quan hệ song phương. Hai Bên duy
trì quan điểm gần gũi hoặc tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối
hợp hiệu quả trong khuôn khổ các tổ chức đa phương.
- Việt Nam và Nga không ngừng thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế -
thương mại, bao gồm trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu ký ngày
29 tháng 5 năm 2015.
- Hai Bên tiếp tục củng cố hợp tác trên các lĩnh vực dầu khí, năng
lượng, công nghiệp, công nghệ số, giao thông - vận tải và nông nghiệp, phát huy
tiềm năng to lớn về hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, công nghệ, giáo
dục và nhân văn. Hai Bên ngày càng chú trọng tăng cường hợp tác địa phương,
tiếp xúc theo kênh đảng và tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác
hiện có, thành lập các cơ chế và khuôn khổ hợp tác mới khi cần thiết.
2. Nhằm phát huy thành tựu đạt được sau 30 năm thực hiện Hiệp ước
về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, gìn giữ truyền thống hữu nghị
tốt đẹp, cũng như tranh thủ tiềm năng hợp tác, hai Bên khẳng định mong muốn làm
sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở các nguyên tắc và
định hướng sau:
- Việc củng cố và nâng cao hiệu quả quan hệ Đối tác chiến lược
toàn diện là một trong những ưu tiên đối ngoại của Việt Nam và Nga, đáp ứng lợi
ích lâu dài, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước, cũng như nâng cao vai trò
của hai quốc gia tại mỗi khu vực và trên thế giới.
- Việt Nam và Nga xây dựng quan hệ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau,
các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, quyền
bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của
nhau, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh
chấp, cũng như trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp
quốc tế, quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực trong cả
khuôn khổ song phương và đa phương.
- Việt Nam và Nga không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba
nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ,
cũng như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam – Nga không
nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác.
3. Việt Nam và Nga nhất trí tiếp tục triển khai các nội dung hợp
tác sau:
- Tiếp tục tăng cường đối thoại chính trị thường xuyên và thực
chất ở cấp cao và cấp cao nhất, nỗ lực thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đạt
được giữa lãnh đạo hai nước. Nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có
và thành lập các cơ chế hợp tác mới, kịp thời phối hợp tháo gỡ các vấn đề trong
hợp tác song phương.
- Đẩy mạnh tiếp xúc theo kênh đảng và giữa lãnh đạo các cơ quan
lập pháp, Ủy ban hợp tác liên nghị viện giữa Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và Đu-ma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga, giữa các ủy ban và
nhóm nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội hai nước; tiếp tục phối hợp hành động tại
các diễn đàn liên nghị viện quốc tế và khu vực.
- Nhấn mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh giữ vai trò đặc
biệt trong tổng thể quan hệ Việt Nam - Nga, không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ
ba, có độ tin cậy cao và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc và quy định của
luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực
Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới nói chung.
- Nhất trí củng cố hợp tác toàn diện trong lĩnh vực an ninh thông
tin quốc tế phù hợp với luật pháp quốc tế và các hiệp định, thỏa thuận song
phương nhằm ngăn chặn việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào mục
đích xâm hại chủ quyền, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các hành vi khác
trên không gian mạng toàn cầu có mục đích cản trở hòa bình, an ninh và ổn định
quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý song phương đối với hợp tác hỗ trợ
tư pháp liên quan đến tội phạm hình sự sử dụng công nghệ thông tin và truyền
thông.
- Tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó với tình huống khẩn cấp nhằm
ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại, hỗ trợ người bị nạn, tiến hành diễn tập và
huấn luyện chung giữa các cơ quan cứu hộ hai nước.
- Chú trọng phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế. Tạo thuận
lợi cho mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính - tín dụng phù hợp với
luật pháp quốc tế và quy định pháp luật hai nước nhằm thúc đẩy trao đổi hàng
hóa cân bằng, khai thác hiệu quả lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do giữa
Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu.
- Khẳng định vai trò điều phối quan trọng của cơ chế Ủy ban liên
Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ
thuật, cùng các tiểu ban và tổ công tác trong việc xây dựng và triển khai các
dự án và chương trình hợp tác chung. Ủng hộ sớm thống nhất và triển khai Kế
hoạch tổng thể phát triển hợp tác Việt Nam - Nga đến năm 2030, bao gồm thông
qua các lộ trình hợp tác trên các lĩnh vực.
- Khẳng định cần tăng cường đầu tư của Việt Nam vào Nga và đầu tư
của Nga vào Việt Nam, bao gồm trên các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng
sản, công nghiệp, nông nghiệp, chế tạo máy và năng lượng. Trên cơ sở đó, nhất
trí thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác cấp cao Việt – Nga về các dự án đầu tư
ưu tiên.
- Khẳng định tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ các dự án dầu khí
hiện có và mới phù hợp với pháp luật mỗi nước, bao gồm việc cung cấp, chế biến
dầu thô và khí hóa lỏng cho Việt Nam, đáp ứng lợi ích chiến lược của hai Bên.
Đánh giá hợp tác xây mới và hiện đại hóa các cơ sở điện năng hiện có là hướng
hợp tác triển vọng.
- Ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của
doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại
thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam và Nga, cũng như luật
pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
- Tính đến tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử,
quyết tâm đẩy nhanh triển khai dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học
công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
- Cho rằng cần tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như công
nghiệp khai khoáng, giao thông - vận tải, đóng tàu và chế tạo máy, hiện đại hóa
đường sắt.
- Khẳng định tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác trong lĩnh
vực nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, bao gồm tăng cường xuất nhập khẩu
các sản phẩm nông nghiệp, cũng như khuyến khích doanh nghiệp tham gia thành lập
các cơ sở sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam và Nga.
- Ủng hộ tính chất chiến lược trong hợp tác giáo dục - đào tạo,
khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên tinh thần đó, hoan nghênh việc
ký kết Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học trong khuôn khổ
chuyến thăm lần này.
- Ủng hộ đẩy mạnh nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt tại Nga và
tiếng Nga tại Việt Nam, bao gồm sử dụng tối đa tiềm năng của các cơ sở giáo dục
hai nước, trong đó có Phân viện tiếng Nga mang tên Pu-sơ-kin tại Hà Nội và
Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
- Giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sáng kiến của Nga về lập
trường phổ thông giảng dạy bằng tiếng Nga tại Hà Nội.
- Hỗ trợ mở rộng hoạt động của Mạng lưới các trường đại học kỹ
thuật Việt – Nga để đào tạo bậc đại học, tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tại
Việt Nam nhằm tăng cường quảng bá cho Mạng lưới trên.
- Hỗ trợ hoạt động, phát huy hiệu quả tiềm lực của Trung tâm
nghiên cứu khoa học công nghệ nhiệt đới Việt – Nga nhằm đưa Trung tâm thành
hình mẫu, biểu tượng cho hợp tác song phương. Bảo đảm hoạt động nghiên cứu của
các chuyên gia Việt Nam và Nga tại Trung tâm ngang tầm khu vực và quốc tế. Nga
sẽ chuyển giao tàu nghiên cứu khoa học “Giáo sư Ga-ga-rin-xki” cho Việt Nam.
Tiếp tục xem xét chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm.
- Hoan nghênh thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, bao gồm mở
rộng giao lưu giữa các bộ, ngành, địa phương, tiến hành thường xuyên các Ngày
văn hóa hai nước trên cơ sở có đi có lại, duy trì tiếp xúc giữa các cơ quan
thông tin đại chúng, lưu trữ, hội hữu nghị và các tổ chức xã hội khác.
- Hỗ trợ mở rộng hợp tác nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự tích
cực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trên không gian
mạng toàn cầu, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong lĩnh vực báo
chí, tăng cường phối hợp ngăn chặn thông tin sai lệch và chiến dịch thông tin
không thân thiện của các bên thứ ba.
- Tiếp tục thúc đẩy hợp tác nhiều mặt trong lĩnh vực y tế, bao gồm
chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao.
- Khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa giao lưu trong lĩnh vực
thể dục và thể thao. Việt Nam đánh giá cao việc Nga lần đầu tiên tổ chức Giải
thể thao quốc tế “Thế vận hội tương lai” tại Ka-zan và ủng hộ việc Liên bang
Nga tổ chức Đại hội thể thao của các nước BRICS trên tinh thần không phân biệt
đối xử, phù hợp với nguyên tắc chung của phong trào Ô-lim-píc.
- Hài lòng ghi nhận tăng trưởng ổn định lượng khách du lịch Nga
đến Việt Nam và ủng hộ mở rộng hơn nữa hợp tác du lịch, bao gồm tăng số lượng
các chuyến bay thẳng thường lệ và chuyến bay thuê chuyến giữa hai nước, cũng
như đơn giản hóa thủ tục đi lại cho công dân hai nước.
- Tiếp tục trao đổi về vấn đề di trú, tạo thuận lợi cho việc sinh
sống, làm việc và học tập của công dân Việt Nam tại Nga và công dân Nga tại
Việt Nam.
- Khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức kỷ niệm trang
trọng các sự kiện trọng đại trong lịch sử hai nước và quan hệ Việt Nam – Nga
trong năm 2025, bao gồm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nga (30
tháng 1 năm 1950), 50 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước (30 tháng 4
năm 1975), 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (9 tháng 5 năm
1945), 80 năm Quốc khánh Việt Nam (2 tháng 9 năm 1945).
4. Thúc đẩy tiến trình khách quan hình thành trật tự thế giới đa
cực công bằng và bền vững, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên
hợp quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ,
quyền dân tộc tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia,
không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh
chấp.
- Ghi nhận thay đổi nhanh chóng trong bức tranh chính trị - kinh
tế toàn cầu, củng cố vị thế và tiềm lực của các nước phương Nam. Hoan nghênh vai
trò ngày càng tăng của các nước này trong quản trị quốc tế.
- Cho rằng mọi quốc gia có quyền tự quyết định mô hình phát triển,
thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phù hợp với điều kiện đất nước và nguyện
vọng của nhân dân. Hai Bên không ủng hộ can thiệp vào công việc nội bộ của các
quốc gia, việc áp đặt các biện pháp cấm vận đơn phương, áp dụng trị ngoại pháp
quyền, chia rẽ về ý thức hệ mà không có cơ sở pháp lý quốc tế và không thông
qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
- Khẳng định nhất quán kết quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai,
được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như phản đối mọi mưu toan bác
bỏ, làm sai lệch và xuyên tạc lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ hai. Hai Bên
khẳng định tầm quan trọng của việc giáo dục đúng đắn lịch sử, gìn giữ ký ức về
cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, kiên quyết lên án các hành động tôn
vinh, nỗ lực hồi sinh chủ nghĩa phát xít và quân phiệt.
- Tiếp tục củng cố hợp tác trong khuôn khổ Liên hợp quốc, bao gồm
tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, không ủng hộ việc chính trị hóa hoạt động của
các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. Ủng hộ
vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc trong việc bảo đảm hòa bình, an
ninh và phát triển bền vững, ủng hộ nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như dân
chủ hóa và cải tổ Liên hợp quốc. Hai Bên có quan điểm gần gũi hoặc tương đồng
về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại Liên hợp
quốc và các tổ chức quốc tế đa phương khác, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ
chức quốc tế và các cơ quan chấp hành liên quan.
- Cam kết thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm,
minh bạch và không phân biệt đối xử, dựa trên các quy tắc của Tổ chức thương
mại thế giới (WTO). Bày tỏ quan ngại về việc chính trị hóa quan hệ kinh tế quốc
tế và phân mảnh thương mại toàn cầu, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và
cạnh tranh không lành mạnh.
- Khẳng định sẵn sàng thúc đẩy nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế
nhằm ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong
đó có khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, xung đột vũ trang, sản xuất và buôn
bán trái phép chất ma túy, tranh chấp lãnh thổ, can thiệp lật đổ, biến đổi khí
hậu, thiên tai, dịch bệnh. Nỗ lực nhằm bảo đảm an ninh thông tin, an ninh lương
thực, cũng như triển khai hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền
vững.
- Tiếp tục phát triển hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống chủ
nghĩa khủng bố quốc tế và tài trợ khủng bố quốc tế tính đến vai trò điều phối
trung tâm của Liên hợp quốc trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định và nguyên
tắc của luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy tăng cường vai trò chủ đạo của các
quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
- Ủng hộ các nỗ lực quốc tế về kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị
và không phổ biến vũ khí, bao gồm thúc đẩy tiến trình kiểm điểm Hiệp ước về
không phổ biến vũ khí hạt nhân ngày 1 tháng 7 năm 1968, cũng như trong khuôn
khổ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện. Ủng hộ tham vấn giữa năm cường quốc
hạt nhân với các nước thành viên Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt
nhân nhằm giải quyết những vướng mắc và tiến tới ký kết Nghị định thư kèm theo
Hiệp ước.
- Ủng hộ việc tuân thủ và củng cố Công ước về cấm phát triển, sản
xuất và tàng trữ vũ khí vi khuẩn (sinh học) và độc tố cũng như về việc tiêu hủy
chúng ngày 16 tháng 12 năm 1971, bao gồm thể chế hóa thực thi Công ước và không
để trùng lặp chức năng giữa các cơ quan quốc tế liên quan.
- Khẳng định cần khởi động đàm phán đa phương về Công ước quốc tế
về đấu tranh chống tấn công khủng bố sinh học và hóa học tại Hội nghị về giải
trừ quân bị nhằm ứng phó với nguy cơ khủng bố sinh học và hóa học.
- Kiên trì mục tiêu xây dựng thế giới không có vũ khí hóa học,
quan ngại về việc chính trị hóa hoạt động của Tổ chức cấm vũ khí hóa học. Khẳng
định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ Công ước về cấm phát triển, sản
xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học ngày 13 tháng 1 năm 1993, là
công cụ quan trọng trong lĩnh vực giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí.
- Bày tỏ quan ngại về nguy cơ chạy đua vũ trang trong không gian
vũ trụ, nhấn mạnh cần tuân thủ sử dụng khoảng không vũ trụ chỉ cho mục đích hòa
bình, ủng hộ đẩy nhanh đàm phán Hiệp ước về ngăn ngừa triển khai vũ khí trong
khoảng không vũ trụ, dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong vũ trụ, cũng
như ủng hộ thúc đẩy các sáng kiến và cam kết về không triển khai trước vũ khí
trong vũ trụ.
- Thúc đẩy hợp tác bảo đảm an ninh công nghệ thông tin và truyền
thông, sẵn sàng hợp tác ứng phó các nguy cơ trên không gian mạng, bao gồm liên
quan đến trí tuệ nhân tạo trong công nghệ thông tin và truyền thông, ủng hộ
thành lập khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu mang tính đa phương, dân
chủ và minh bạch trên cơ sở bảo đảm an ninh thông tin và an toàn cho các mạng
Internet quốc gia.
- Thừa nhận vai trò chủ chốt của Liên hợp quốc trong thảo luận các
vấn đề an ninh thông tin quốc tế. Cho rằng cần thiết xây dựng quy chế pháp lý
quốc tế về quản lý không gian mạng. Các Bên ủng hộ Liên hợp quốc sớm xây dựng
Công ước toàn diện về ngăn chặn sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào
mục đích tội phạm và củng cố hơn nữa hợp tác trên lĩnh vực này.
- Tiếp tục triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định cam
kết với các mục tiêu, nguyên tắc và nội dung chính của Công ước khung Liên hợp
quốc về biến đổi khí hậu ngày 9 tháng 5 năm 1992 và Thỏa thuận Pa-ri ngày 12
tháng 12 năm 2015. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường chuyển giao
công nghệ và hỗ trợ tài chính nhằm triển khai các nỗ lực trên.
- Tin tưởng rằng, theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về
bình đẳng giữa các quốc gia, cần tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến
quyền miễn trừ quốc gia và miễn trừ tài sản quốc gia.
- Tiếp tục hợp tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên
cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc,
các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp quốc gia của Việt Nam và Nga.
Phối hợp chặt chẽ nhằm đấu tranh với xu hướng chính trị hóa quyền con người, sử
dụng các vấn đề quyền con người để can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi quốc
gia.
- Cho rằng cần củng cố hơn nữa tiềm năng của UNESCO như diễn đàn
nhân văn liên chính phủ toàn cầu, thúc đẩy duy trì đối thoại chuyên môn tại
diễn đàn này nhằm đạt được đồng thuận của các quốc gia thành viên và thúc đẩy
chương trình nghị sự thống nhất.
- Nga đánh giá cao lập trường cân bằng, khách quan của Việt Nam về
vấn đề Ukraine, theo đó cần giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp
hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên
hợp quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn
định và phát triển tại khu vực và trên thế giới; hoan nghênh Việt Nam sẵn sàng
tham gia các nỗ lực quốc tế có sự tham gia của các bên liên quan nhằm tìm kiếm
giải pháp hòa bình, bền vững cho vấn đề U-crai-na.
- Phía Nga hoan nghênh Việt Nam tham gia vào Phiên họp Bộ trưởng
Ngoại giao các nước BRICS và các nước phương Nam và phương Đông từ ngày 10 đến
ngày 11 tháng 6 năm 2024 tại Ni-giơ-nhi Nốp-gô-rốt. Tiếp tục tăng cường hợp tác
giữa các nước BRICS và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
- Cho rằng cần tăng cường các nỗ lực chung của khu vực nhằm xây
dựng tại Châu Á – Thái Bình Dương cấu trúc an ninh và hợp tác bình đẳng, không
chia tách, mang tính toàn diện, mở và minh bạch, bao trùm dựa trên cơ sở luật
pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực,
giải quyết hòa bình xung đột, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Hai Bên phản đối việc chia rẽ cấu trúc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với vai
trò trung tâm của ASEAN, tác động tiêu cực đến việc mở rộng và tăng cường đối
thoại chung của khu vực.
- Khẳng định tính phổ quát và toàn vẹn của Công ước liên hợp quốc
về Luật Biển năm 1982, là nền tảng pháp lý cho tất cả hoạt động trên biển và
đại dương và có vai trò chủ đạo trong phát triển hợp tác ở cấp quốc gia, khu
vực và quốc tế, nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước.
- Phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng
không và các hoạt động thương mại không bị cản trở, ủng hộ kiềm chế, không sử
dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp giữa các bên
liên quan bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của Hiến
chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước liên hợp quốc
về Luật Biển năm 1982, cũng như theo các tiêu chuẩn và thực tiễn được khuyến
nghị của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Hàng hải Quốc tế.
- Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của
các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002 và hoan nghênh tiến trình đàm phán nhằm
sớm đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
- Ủng hộ việc củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á (ASEAN) trong cấu trúc khu vực tại Châu Á - Thái Bình Dương thông
qua đề cao giá trị và nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam
Á, tham gia các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị cấp cao Đông Á,
Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
- Thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Tham vấn các Đại diện cao cấp
phụ trách vấn đề an ninh ASEAN
- Nga, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin trong
quan hệ ASEAN - Nga, cũng như trong khuôn khổ Đối thoại ASEAN – Nga liên quan
đến an ninh công nghệ thông tin và truyền thông.
- Tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược
ASEAN – Nga, đẩy mạnh triển khai hợp tác hiệu quả trên cơ sở Kế hoạch hành động
toàn diện ASEAN - Nga giai đoạn 2021 – 2025 và quyết tâm soạn thảo văn kiện
tương tự cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.
- Tăng cường liên kết kinh tế khu vực và triển khai các sáng kiến
kết nối liên khu vực, bao gồm dự án Đối tác Đại Á-Âu, cũng như tìm hiểu tiềm
năng hợp tác kinh tế giữa ASEAN, Liên minh Kinh tế Á – Âu. Tiếp tục thúc đẩy
hợp tác giữa ASEAN với Liên minh Kinh tế Á – Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
- Tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á
– Thái Bình Dương, các cơ chế liên nghị viện khu vực (Diễn đàn liên nghị viện
ASEAN, Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương, Đại hội đồng nghị viện Châu
Á) nhằm mục đích nâng cao vai trò của các cơ chế này vì hòa bình, ổn định, phát
triển và thịnh vượng tại ở Châu Á. Tăng cường hợp tác với các nước tiểu vùng Mê
Kông trên các lĩnh vực.
- Nga ủng hộ và cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam hướng tới
tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2027.
- Chia sẻ mong muốn củng cố hòa bình và ổn định tại Trung Đông,
phản đối can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khu vực, bày tỏ cam kết
đối với một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine trên
cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế liên quan, với thành tố chính là giải pháp
hai nhà nước, theo đó thành lập Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông
Jerusalem dựa trên đường biên giới trước năm 1967, cùng tồn tại hòa bình bên
cạnh Nhà nước Israel.
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga tin tưởng
rằng, việc triển khai hiệu quả các phương hướng hợp tác trên và phối hợp hành
động tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế và khu vực sẽ góp phần củng cố và tăng
cường thực chất quan hệ song phương, thắt chặt quan hệ hữu nghị truyền thống và
Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân
dân hai nước, vì hòa bình, an ninh và phát triển bền vững tại khu vực Châu Á –
Thái Bình Dương nói riêng và trên thế giới nói chung.
Tổng thống Vladimir Putin cảm ơn Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã
đón tiếp chu đáo và trọng thị, thể hiện tin cậy cao, hữu nghị truyền thống và
tình cảm đặc biệt giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Tổng thống Vladimir Putin
mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nga vào
thời điểm thích hợp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Lãnh đạo cấp
cao Việt Nam đã vui vẻ nhận lời”.
VŨ THÂN
