Theo QSĐP- Dựa trên những kiến thức rất cơ bản của triết học Mác - Lê
nin về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, kinh tế và
chính trị, trong đó suy đến cùng, cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng
tầng, kinh tế quyết định chính trị, các thế lực thù địch đã và đang tuyên
truyền luận điệu rằng: Việt Nam phát triển kinh tế nhiều thành phần thì tất yếu
phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Nhìn trên bình diện hình
thức thì có vẻ như luận điệu trên hợp với logic của mệnh đề “kinh tế quyết định
chính trị”, song trên thực tế, thì đây lại là một suy luận không đúng, mang đầy
âm mưu chính trị thâm độc.
Tại sao lại có thể khẳng định
luận điểm “nền kinh tế nhiều thành phần, tất yếu dẫn đến đa nguyên, đa đảng” là
sai lầm?
Khẳng định trên bốn điểm như sau:
Điểm thứ nhất, Đúng là triết học Mác - Lê nin khẳng định mối quan hệ biện chứng
giữa tồn tại xã hội với ý thức xã hội, giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng
tầng, giữa kinh tế với chính trị, trong đó suy đến cùng, tồn tại xã hội quyết
định ý thức xã hội, kinh tế suy cho cùng quyết định chính trị. Tuy nhiên, các
thế lực thù địch đã cố tình lờ đi hai điểm hết sức quan trọng:
Một là: Sự quyết định
đó là “suy đến cùng quyết định”, tức là xét về mặt nhận thức luận thì đó là
nguyên tắc không thể bị xóa bỏ, giúp xác lập một quan điểm đúng đắn trong nhận
thức mối quan hệ giữa hai thành tố trên. Điều này cũng giống như khẳng định
“vật chất quyết định ý thức” tức là “suy đến cùng quyết định” để giúp hình
thành một thế giới quan duy vật trong xem xét, nhận thức mọi sự vật hiện tượng
chứ tuyệt nhiên không được phép hiểu “vật chất quyết định ý thức” một cách xơ
cứng, máy móc, thô thiển. Nếu hiểu “vật chất quyết định ý thức” theo kiểu xơ
cứng, máy móc, thô thiển thì sẽ đi đến một kết luận hết sức sai lầm rằng: Cứ có
tiền là sẽ thay đổi được ý thức của con người. Cũng tương tự như vậy, nếu hiểu
“kinh tế quyết định chính trị” một cách xơ cứng, máy móc, thô thiển, thì sẽ đi
đến kết luận: Cứ kinh tế đa thành phần thì chính trị sẽ đa nguyên; cứ phát
triển kinh tế thì chính trị sẽ phát triển theo. Đây là một sự ấu trĩ về nhận
thức.
Hai là: Là vế còn lại
của mệnh đề mối quan hệ kinh tế với chính trị, đó là ngoài việc bị kinh tế
quyết định thì bản thân chính trị có những quy luật vận động riêng của nó và có
vai trò to lớn tác động trở lại đến kinh tế. Nói cách khác, trong mối quan hệ
giữa kinh tế với chính trị không được tuyệt đối hóa vai trò quyết định của kinh
tế, mà phải thấy chính trị có tính độc lập tương đối của nó. Khẳng định rằng:
Kinh tế đa thành phần thì chính trị đa nguyên đã rơi vào sai lầm này, tức là cố
tình bỏ không nhận thấy vai trò to lớn tác động trở lại kinh tế của chính trị.
Điểm thứ hai, Hiện nay ở các nước
tư bản chủ nghĩa vẫn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế,
nhưng QHSX TBCN vẫn là QHSX thống trị, do đó tư tưởng chính trị thống trị trong
xã hội tư bản chính là hệ tư tưởng chính trị của giai cấp tư sản. Ở Mỹ hiện nay
có nhiều đảng chính trị (Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, Đảng Độc lập, Đảng Tự do,
Đảng Xanh Hoa Kỳ, Đảng Hiến pháp, Đảng Cộng sản Hoa Kỳ...), nhưng thực tế chỉ
có hai đảng (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa) thay nhau cầm quyền và về bản chất,
hai đảng này cũng đều là đảng của giai cấp tư sản. Vì vậy, nói là đa nguyên, đa
đảng, nhưng thực chất vẫn là nhất nguyên mà thôi.
Điểm thứ ba, nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta hiện nay
là sản phẩm hoạt động tự giác, là kết quả của quá trình đổi mới tư duy, trước
hết là tư duy kinh tế; là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực
tiễn Việt Nam. Chúng ta phải thực hiện xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần là
bởi vì chúng ta quá độ lên CNXH từ một xuất phát điểm rất thấp, một xã hội vốn
là thuộc địa, nửa phong kiến, về mọi phương diện kinh tế, văn hóa, đạo đức...
còn mang những dấu vết của xã hội cũ. Nói cách khác, chúng ta xác định xây dựng
kinh tế nhiều thành phần chỉ như là một phương cách, một biện pháp trong tổng
số nhiều biện pháp để đi tới đích chủ nghĩa xã hội. Và cũng chính vì vậy, mặc
dù kinh tế nhiều thành phần nhưng chúng ta luôn xác định kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo. Kinh tế nhà nước là công cụ, là lực lượng vật chất quan trọng
để Nhà nước giữ ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy
phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng XHCN; khắc phục các khuyết tật của
cơ chế thị trường; các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt,
địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; hoạt động theo cơ chế thị trường, quản
trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá
chủ yếu, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
khác. Do đó, nếu hiểu kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam theo kiểu “nhiều
thành phần vô chính phủ”, “nhiều thành phần không có định hướng, không có mục
tiêu” là hoàn toàn sai lầm. Kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam là kinh tế
nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế thì, thực hiện một đảng
lãnh đạo theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn phù hợp quy luật khách
quan, tại sao lại có thể khẳng định ngược lại: “phải đa nguyên, đa đảng”, hỡi
các thế lực thù địch.
Điểm
thứ tư, thực tế sinh động đã chứng minh rằng: Kinh tế nhiều thành phần, do
một đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chúng ta vẫn đạt được những bước phát
triển đáng kinh ngạc đối với thế giới: Từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo
nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, GDP 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới,
trong gần 40 năm qua, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 430 tỷ USD năm 2023, GDP
bình quân đầu người đạt mức 4.300 USD, tăng 58 lần so với những năm đầu đổi
mới; tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,9%. Bên cạnh đó, từ một nền kinh
tế đóng cửa khép kín, Việt Nam thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn
cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu, tổng kim ngạch xuất
nhập khẩu năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, thu hút lượng đầu tư lớn từ nước ngoài
đạt 23 tỷ USD.
Như
vậy, cả lý luận và thực tiễn đều bác bỏ một cách hùng hồn luận điệu, rằng: Dựa
trên cơ sở lý luận kinh tế quyết định chính trị, cơ sở hạ tầng quyết định kiến
trúc thượng tầng thì kinh tế nhiều thành phần tất yếu phải đa nguyên, đa đảng.
Chúng ta cần rất tỉnh táo trước luận điệu này.
QUYẾT THẮNG
