KTN - Trước những thông tin về tình hình bão lũ
đang diễn biến hết sức phức tạp sau cơn bão lịch sử Yagi gây ra tại các tỉnh miền
Bắc, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đang nỗ lực, đồng lòng cùng nhau
ứng phó và giải quyết hậu quả nặng nề của bão lũ. Thế nhưng, đi trái lại với
truyền thống “lá lành đùm lá rách”, trước những đau thương của đồng bào, các thế
lực phản động lại lợi dụng tình hình thiên tai, ngập lụt đặc biệt sự cố sập cầu
Phong Châu của tỉnh Phú Thọ do nước sông lên cao, chảy xiết; để phát tán những
luận điệu nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những luận điệu này thường
mang tính chất kích động, bôi nhọ và gây hoang mang dư luận. Vì vậy, nhận diện
và đấu tranh những luận điệu đó là hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản đưa tin: Do ảnh hưởng của bão
số 3, nước lũ trên sông Thao (sông Hồng) lên rất cao, tại Ấm Thượng là +27,25m
(trên báo động 3 là 1,25 m). Do nước sông lên cao, chảy xiết, vào khoảng 10 giờ
2 phút ngày 9/9, cầu Phong Châu tại km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam
Nông, Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính
(nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông). Sơ bộ
ban đầu xác định, tại thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển
trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy
điện); 8 người mất tích; đã cứu, đưa 3 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y
tế (báo cáo nhanh ban đầu là có 5 người bị thương). Sau khi nhận được thông
tin, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Phó Chủ tịch Quốc
hội Trần Quang Phương đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu
nạn, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên người bị nạn; chỉ đạo thực
hiện các biện pháp trước mắt để khắc phục sự cố và các giải pháp lâu dài để đảm
bảo an toàn giao thông.
Trong lúc các ban ngành chức năng và người dân đang nỗ lực
tìm kiếm các nạn nhân mất tích thì các thế lực thù địch, phần tử chống đối
chính trị, phản động lại ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của
người lãnh đạo Đảng nhằm chống phá Nhà nước Việt Nam. Trên trang cá nhân
của Việt Tân ra sức đưa ra luận điệu có tính quy chụp, chúng suy diễn về nguyên
nhân gây ra sự cố sập cầu Phong Châu như
do có sự tiếp tay, làm ngơ, bảo kê cho tình trạng cát tặc lộng hành; hay do sự
tắc trách của chính quyền địa phương không tu sửa kịp thời, chúng so sánh cầu
Long biên được Pháp xây dựng từ thế kỉ 19 vẫn còn chất lượng tốt còn cầu Phong
Châu do Việt Nam xây dựng mới 29 năm đã đổ sập, ... Từ những luận điệu này
chúng chuyển sang cáo buộc đó là sự yếu kém trong quản lý và giám sát của các
cơ quan nhà nước, tham nhũng, rút ruột công trình, hoặc sự can thiệp của các
nhóm lợi ích trong quá trình đấu thầu và thi công, đặc biệt là trong lĩnh vực
xây dựng cơ sở hạ tầng, dẫn đến chất lượng công trình kém, dễ gây ra tai nạn.
Đó đều là sự xuyên tạc và quy chụp một cách thiếu căn cứ.
Xin thưa Việt Tân, với bất kỳ công trình xây dựng nào, kể cả những công trình ở
các nước phát triển, đều có nguy cơ gặp sự cố do nhiều yếu tố khác nhau như yếu
tố thời tiết, kỹ thuật, hoặc lỗi thiết kế. Ở Việt Nam luôn chú trọng trong việc
kiểm tra và giám sát các dự án hạ tầng, và khi xảy ra sự cố, các biện pháp điều
tra, khắc phục đều được triển khai kịp thời và nghiêm túc. Trên thực tế trong
các năm 2013, 2019, 2023 cầu Phong Châu đã đều được sửa chữa và sau khi sửa
chữa cầu không phải gắn biển hạn chế tải trọng xe qua cầu. Tuy nhiên, theo điều
tra ban đầu, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ đã có Báo cáo sơ bộ về nguyên
nhân dẫn tới vụ việc do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng
cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông
khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu. Ngay sau
khi nhận được thông tin, đoàn công tác của trung ương đã đến kiểm tra, trực
tiếp chỉ đạo, cùng phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo huy động
các lực lượng chức năng (công an, quân đội, y tế, nhân dân địa phương…) triển
khai ngay các biện pháp khẩn cấp để cứu người, ứng phó, khắc phục sự cố.
Trên thế giới cũng cũng đã xảy ra nhiều sự cố sập cầu và gây
ra hậu quả nghiêm trọng như: Cầu Nanfang’ao ở Đài Loan mới xây dựng được 20 năm
đã sập vào ngày 1 tháng 10 năm 2019 khiến ít nhất 20 người bị thương, 6 ngư dân
mắc kẹt. Một xe tải đang ở trên cầu vào thời điểm tai nạn. Cây cầu sụp xuống
trúng 3 tàu đánh cá đang ở bên dưới mặt nước.
Hay ở Italy một đất nước rất phát triển về khoa học kĩ
thuật, trong vòng 5 năm (2013-2018) xảy ra liên tiếp 11 vụ sập cầu, có một cây
cầu cạn nối Palerme với Catane ở Sicile được khánh thành nhưng đã không thể sử
dụng. Tháng 11-2013, hai cây cầu đã bị cơn bão mạnh phá hủy ở Sardaigne.
Cầu Tacoma Narrows được xây dựng năm 1939, nằm ở Washington,
Mỹ, đã đổ sập vào ngày 7 tháng 11 năm 1939 do hiện tượng cộng hưởng gió. Cây
cầu này đã bị nghiêng và đổ xuống chỉ sau vài tháng hoạt động và sự kiện này đã
trở thành một bài học quan trọng trong thiết kế cầu.
Như vậy, từ những bằng chứng trên cho thấy việc một cây cầu
bị đổ sập nó do nhiều yếu tố gây ra và là sự việc không ai mong muốn xảy ra, nguyên
nhân do đâu thì hãy để các nhà chuyên môn và các cơ quan có thẩm quyền điều
tra. Việt Tân đừng ở đó hòng xuyên tạc, đưa những thông tin sai lệch làm mất
niềm tin của người dân vào chính quyền, Đảng, Nhà nước và gây mất an ninh chính
trị, bất ổn trong xã hội. Vì vậy,
hơn lúc nào hết, với mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải có lập trường, tư tưởng
vững vàng, đề cao tinh thần cảnh giác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của
Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là không những
không tin, không nghe, mà còn chủ động phản bác lại những luận điệu xuyên tạc,
vu khống về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Đảng và Nhà
nước ta.
ĐINH THẢO
