Đông đảo bạn đọc, trong đó có các văn nghệ sĩ, trí thức đã bày tỏ sự đồng tình với vấn đề mà Báo Quân đội nhân dân nêu, đồng thời tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước cũng như toàn xã hội cần quan tâm hơn nữa đến thanh niên, không để thanh niên phải tiếp xúc với các luồng văn hóa xấu độc khi tham gia mạng xã hội. Chúng tôi trân trọng giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.
Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long: Tổ chức Đoàn cần "làm bạn trên mạng" với thanh niên
Là nghệ sĩ, tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội để nhận sự góp ý của người hâm mộ. Qua đó, tôi nhận thấy thanh niên Việt Nam tham gia mạng xã hội rất đông. Theo một số liệu thống kê của Trung ương Đoàn thì hiện có 92% thanh niên Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Đáng chú ý là khi bạn tham gia mạng xã hội, sẽ gặp phải những lời chào mời đầy hấp dẫn và cám dỗ. Nhẹ là những lời mời mọc xem-nghe-đọc văn hóa phẩm đồi trụy, xấu độc; nặng hơn thì mời tiếp xúc với các thế lực phản động, phá hoại đất nước, cùng rất nhiều lời chào mời tham gia hội này, nhóm kia, thậm chí có khi họ tự ý điền tên người dùng mạng xã hội vào các hội, nhóm bất kể chủ tài khoản có đồng ý hay không.
 Ảnh minh họa.


Thanh niên ở đâu thì tổ chức Đoàn phải có mặt ở đó. Vì lẽ đó, tôi cho rằng nhất định tổ chức Đoàn phải tổ chức, tập hợp thanh niên trên mạng xã hội, không thể để thanh niên “cô đơn” trên mạng. Trong vài năm trở lại đây, công tác Đoàn đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn rất ít sự tương tác với thanh niên thông qua hình thức ứng dụng công nghệ thông tin. Trong khi đó, sự phát triển của mạng xã hội trong thời đại kỹ thuật số đang đòi hỏi phương thức tập hợp, giáo dục thanh niên phải thay đổi cả về nội dung lẫn hình thức. Thanh niên sử dụng mạng xã hội tức là họ đang tham gia vào quá trình hội nhập toàn cầu. Giá trị mà các mạng xã hội đem đến cho thanh niên là không thể phủ nhận nhưng tác động từ mặt trái của mạng xã hội cũng ẩn họa khó lường. Họ có thể phải tiếp xúc với nhiều loại lừa đảo, phản động. Cho nên, tổ chức Đoàn, hội cần thường xuyên xuất hiện trên mạng để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ thanh niên, để cái tốt, cái thiện đồng hành với thanh niên trên mạng xã hội.
Anh Dương Trọng Phúc, Phó giám đốc Nhà Văn hóa Sinh viên TP Hồ Chí Minh: Hai nguyên tắc cho sinh viên khi dùng mạng xã hội
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đã mang đến cho con người hiện nay, như giúp ích cho công việc, tìm kiếm thông tin, thiết lập các mối quan hệ cá nhân hay giải trí... Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng xấu tới công việc, mối quan hệ cá nhân và cuộc sống, nhất là đối với sinh viên. Mạng xã hội đã khiến nhiều sinh viên sao nhãng việc học tập, mất đi quỹ thời gian tự học, tham gia vào sân chơi không lành mạnh. Mạng xã hội còn tiềm ẩn nguy cơ khi những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đưa lên để chia sẻ với người thân, bạn bè, nhưng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu, hoặc là người sử dụng mạng xã hội chưa có ý thức, vô trách nhiệm trong việc đưa thông tin không tốt lên mạng gây ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của sinh viên...
Không có giải pháp nào hiệu quả và tối ưu hơn để khắc phục những mặt trái nêu trên từ chính công tác quản lý của cơ quan chức năng và sự nhận thức, mục đích của người sử dụng mạng xã hội. Theo tôi, sinh viên khi sử dụng mạng xã hội nên tôn trọng hai nguyên tắc: Một là, “Gạn đục khơi trong” để biết chọn người kết bạn, chọn group để tham gia, chứ không thể tùy tiện kết bạn trên mạng xã hội, không vội vàng đăng status, chia sẻ, like, trước khi vấn đề chưa được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng. Đồng thời với đó là sinh viên phải đọc thêm, nghe thêm, hiểu thêm để xây dựng bản lĩnh cho chính mình. Hai là, phải biết lên tiếng cho cái tốt. Với những trang mạng xấu, những thông tin xấu, chúng ta không cần phải làm động tác chia sẻ lại rồi viết status để phản ứng, dù phản ứng của chúng ta là bài trừ nó. Nếu chúng ta chia sẻ thì có thể nhiều người sẽ đọc và biết về thông tin này nhiều hơn, vô tình ta tiếp tay cho kẻ xấu. Hãy hủy kết bạn với những người thường đăng thông tin xấu, hãy ngừng like những trang mạng cung cấp thông tin xấu và biết lên tiếng cho cái tốt. Chẳng hạn, sinh viên thấy một cảnh sát giao thông giúp người dân qua đường, một anh bộ đội giúp dân, một bạn sinh viên vượt khó học giỏi…, hãy chia sẻ trên trang mạng xã hội của mình, và báo chí (nếu cần thiết) để cái tốt không ngừng lan tỏa.
Có người đã nói rằng “Cái xấu hoành hành, một phần là do những người tốt không lên tiếng”. Tôi tin rằng, trong xã hội thông tin này, nếu sinh viên xây dựng bản lĩnh tốt, nắm vững công cụ hữu ích từ mạng xã hội sẽ đủ sức “đề kháng” với những thông tin xấu độc.
Tiến sĩ Lê Hải, Bí thư Đoàn Thanh niên Tạp chí Cộng sản: Bồi dưỡng cách ứng xử trên mạng cho thanh niên
Thực tế hiện nay cho thấy, cần phải phát huy vai trò của chính đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ trên mạng xã hội, vì đây là những người có trình độ, có bản lĩnh và có trách nhiệm với thanh niên. Các cơ quan, đơn vị cần chú trọng tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức về cách ứng xử, cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên môi trường mạng cho thanh niên thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý để giúp họ có nhận thức đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng cùng văn hóa ứng xử phù hợp trên môi trường Social Media (truyền thông xã hội, mạng xã hội). Hiện nay, rất ít cơ quan, đơn vị, tổ chức coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng về sử dụng Social Media, tạo khoảng trống rất lớn khiến cho những tác động tiêu cực của Social Media có điều kiện tán phát, gây những hậu quả khó lường.
Tôi nghĩ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng, theo đó chú trọng quản lý thị trường cung cấp các ứng dụng và dịch vụ trên Social Media, có chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ đối với các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cung ứng trên các loại hình Social Media mang thương hiệu Việt Nam có tính bảo mật quốc gia; sử dụng biện pháp kỹ thuật can thiệp loại bỏ các trang, diễn đàn mang tính phản động… Chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực thi trong thực tiễn một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, như: Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử; Thông tư số 24/2014/TT-BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc kiểm soát thị trường game, xử phạt nghiêm các nhà cung cấp game nhập ngoại bạo lực và đồi trụy, hỗ trợ việc sản xuất game Việt có chất lượng, hàm lượng trí tuệ và tính giáo dục. Cần xây dựng chế tài phù hợp với thông lệ quốc tế đối với ứng dụng, phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam; kiên quyết xử lý tội phạm và các hình thức phạm tội trên không gian ảo xuyên biên giới.
Đoàn viên Nguyễn Thị Ngọc Châm, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Chú trọng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam
Khó khăn nhất hiện nay là tội phạm không gian ảo hoạt động xuyên biên giới, nó nằm ở những trang mạng không thuộc quyền cấp phép và quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, các mạng xã hội xấu độc thường xuyên tung tin bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc về chế độ, gây mất đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân. Người sử dụng mạng xã hội chân chính không bao giờ muốn tiếp xúc, tương tác với những trang web, blog, mạng xã hội xấu độc đó, nhưng chúng ta chưa có đủ biện pháp hoặc phương tiện kỹ thuật đủ mạnh để ngăn chặn và kiểm soát.
Vì vậy, theo tôi, việc thiết kế và xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam là điều phải tính đến, có như vậy mới giúp thanh niên tiếp cận mạng xã hội một cách hoàn toàn lành mạnh. Đây là một chính sách mà các nước lớn như Nga, Trung Quốc… đang tiến hành. Theo đó, Chính phủ Nga, Trung Quốc dùng một số biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế sử dụng mạng xã hội, nhưng lại khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân sử dụng các mạng xã hội do nước này cung cấp, như Wkontakte ở Nga hoặc Webchat, Sina Weibo của Trung Quốc. Chính sách này mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ dễ dàng kiểm soát các luồng tin mà còn tạo điều kiện cho ngành dịch vụ và công nghệ thông tin trong nước phát triển. Để thực hiện được điều này, trước hết Chính phủ cần yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng đánh thuế hoặc áp dụng chính sách thu tiền với người dùng vào các trang web như Facebook, Twitter... Sau đó, giao kế hoạch cho các tập đoàn công nghệ thông tin lớn trong nước nghiên cứu và thiết kế các mạng xã hội thay thế nhằm khuyến khích người dân tham gia. Sử dụng mạng xã hội trong nước không chỉ là nhu cầu của thanh niên mà sẽ là niềm tự hào của cả dân tộc.
Anh Phan Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Trường Đại học Đà Lạt: Hướng dẫn người trẻ sử dụng hiệu quả mạng xã hội
Thực tế tại Trường Đại học Đà Lạt cho thấy, hầu hết trong số hơn 8.000 sinh viên của nhà trường đều tham gia mạng xã hội và có tài khoản cá nhân trên các trang mạng như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram… Bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, việc tham gia và sử dụng mạng xã hội của người trẻ cũng đã bộc lộ những hạn chế như: Một số dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội mà lơ là, sao nhãng việc học hành; bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, mạo danh để thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc chống phá Đảng, Nhà nước; bị cuốn vào những trào lưu có dấu hiệu lệch chuẩn về văn hóa và lối sống từ mạng xã hội.
Thời gian qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu và tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp của Trường Đại học Đà Lạt rất quan tâm việc sử dụng mạng xã hội của sinh viên. Thông qua các hoạt động như: Gặp mặt sinh viên đầu năm, đầu khóa, “Tuần sinh hoạt công dân” và các buổi tọa đàm, ngoại khóa... nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho sinh viên hiểu về những lợi ích cũng như mặt trái của mạng xã hội, cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, không để bản thân bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; xây dựng lối ứng xử văn minh trên mạng; không chạy theo và cổ xúy cho những xu hướng lệch chuẩn, đi ngược lại truyền thống đạo lý và thuần phong mỹ tục của dân tộc... Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả công tác tuyên truyền vẫn còn khá khiêm tốn bởi thiếu tài liệu và văn bản hướng dẫn cụ thể. Kinh nghiệm cũng như trình độ hiểu biết của đội ngũ cán bộ, giảng viên về lĩnh vực này còn nhiều hạn chế...
Nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, cần có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng hàng đầu là tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người trẻ, nhất là các bạn sinh viên, học sinh. Trong vấn đề này thì vai trò của ngành giáo dục và các cơ quan chức năng rất quan trọng. Trước hết, cần xác định công tác hướng dẫn, tuyên truyền sử dụng mạng xã hội cho học sinh, sinh viên là nhiệm vụ thường xuyên bắt buộc; sớm ban hành các văn bản, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, tuyên truyền viên về mạng xã hội… Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần làm tốt hơn công tác kiểm soát nguồn thông tin trên mạng xã hội; xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ việc đưa và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; có chế tài cụ thể để xử lý những đối tượng lợi dụng mạng xã hội nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, chống phá và đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức, pháp luật.
 Theo Báo Quân đội Nhân dân điện tử