Chẳng hạn như sự cởi mở, dân chủ và thẳng thắn trong thảo luận Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội: về các dự án “nghìn tỷ đắp chiếu” gây lãng phí thất thoát, ai chịu trách nhiệm? Về bảo đảm chủ quyền quốc gia hiện nay ra sao?

Ảnh minh họa



Về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho bãi nhiệm và bầu các chức danh chủ chốt của các cơ quan Nhà nước. Trong đó có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. 

Thế nhưng vì động cơ chính trị - nhằm chuyển hóa chế độ xã hội ta sang con đường “ dân chủ, nhân quyền” ngoại nhập, trên nhiều trang mạng phản động đã có không ít commet, “chia sẻ” những thông tin bôi nhọ, xuyên tạc công tác nhân sự của Đảng và nhà nước ta trong Hội nghị TW 2 (Đại hội XII)  và việc  bầu chọn các chức danh chủ chốt của Nhà nước tại kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIII. 

Họ nói rằng: Việc bầu chọn nhân sự của Nhà nước là  kết cục của các “cuộc đấu đá”, là “Nội chiến” thậm chí là “Vi Hiến” là “Đảo chính” cung đình, là “Tiếm quyền”... Đối với các vị lãnh đạo nhà nước mới được Quốc hội bầu chọn thì họ “bới lông tìm vết” trong qua khứ, đời tư, … có kẻ “bình luận” rằng: “Người mới đi đường cũ thì về đâu?”… 

Có người  lý giải nguyên nhân khiến Đảng Cộng sản Việt Nam lại “vội vã thay đổi nhân sự” là do hoạt động đối ngoại của Việt Nam sắp đến. Đó là sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam vào tháng 5 (!)... 

Không phủ nhận rằng đất nước và xã hội ta đang đứng trước nhiều thách thức như: Về nợ công, về tình trạng tham nhũng, lãng phí… trong khi lại thiếu cảm nhận về cuộc sống khó khăn của người dân. Điều này cũng đã được đề cập tại kỳ họp 11. 

Tuy nhiên bức tranh tổng thể về đất nước, xã hội, thể chế… đặc biệt là việc bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị ở địa phương và TW do Đại hội XII chuẩn bị đang phát huy tích cực trên nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Hơn nữa việc miễn nhiệm và bầu chọn các vị trí chủ chốt của Nhà nước đều diễn ra đúng các quy định của Hiến pháp. Làm gì có chuyện “đấu đá”, “vi Hiến”,… khi Quốc hội miễn nhiệm và bầu chọn nhân sự vào cuối khóa. 

Mọi người đều biết, công tác nhân sự của kỳ họp 11 vẫn trong thẩm quyền của Quốc hội và nhân sự thuộc Quốc hội khóa XIII. Hơn nữa đây là sự chuyển giao giữa hai thế hệ lãnh đạo có kế thừa và phát triển. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo mới đều là cấp phó, do các đồng chí cấp trưởng giới thiệu để Quốc hội biểu quyết thông qua. 

Điều làm cho cử tri cả nước vui mừng còn là, lần đầu tiên các đồng chí được bầu giữ chức vụ chủ chốt của Nhà nước thực hiện nghi thức Tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp” (theo Điều 70 Hiến pháp 2013). 

Có thể nói nhiều đồng chí được Đảng và Nhà nước giao phó trọng trách mới đã bắt tay ngay vào công việc với tư duy và phong cách làm việc “khác biệt”. Chẳng hạn, nhiều đồng chí đã sớm đề ra “mục tiêu”, “ý tưởng” mới ngay khi mới nhận nhiệm vụ. 

Đặc biệt, nhiều đồng chí đã đưa ra những mục tiêu cao và biện pháp quyết liệt, “nói đi đôi với làm”, quyền gắn liền với trách nhiệm. Chẳng hạn đồng chí Thủ tướng mới đã phát biểu với báo chí các lĩnh vực ưu tiên. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chăm lo đời sống người dân, trước hết là cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai, hạn hán, nhiễm mặn… 

Về hoạt động đối ngoại, Văn kiện Đại hội XII tái khẳng định: “Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết”; “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”… 

Còn nhớ ngay sau Đại hội XII, báo chí nước ngoài đã đánh giá cao kết quả của Đại hội. Chẳng hạn Hãng BBC đã đăng tải cuộc phỏng vấn của hãng này với ngài Đại sứ Hoa Kỳ Ted OSiu (vào đầu tháng 2-2016). Trả lời câu hỏi: Ông có “bất ngờ”, có “ngạc nhiên” trước “kết quả bầu chọn lãnh đạo cấp cao trong kỳ Đại hội Đảng” lần này và về “dàn lãnh đạo mới của Việt Nam không?” Ngài Đại sứ cho rằng: Ông đã “theo dõi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua rất cẩn trọng với sự quan tâm rất lớn” và thẳng thắn trả lời: 

“Xét về mặt nhân sự, tôi nghĩ rằng mối quan hệ song phương thì lớn hơn bất kỳ các (quan hệ) cá nhân nào”; “Thực tế là đã có những thay đổi về thế hệ mới vừa khởi sắc… Và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan điểm “rất rõ ràng khi ủng hộ TPP và tiếp tục hội nhập quốc tế” và đây “chỉ có thể là điều tích cực cho mối quan hệ với Hoa Kỳ”. 

Báo Nga thì cho rằng Đại hội XII là “Chiến thắng của các lực lượng lành mạnh”, đó là đánh giá của chuyên gia phân tích chính trị quốc tế Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga). Ông còn nhấn mạnh: “Đại hội đã thể hiện thái độ rõ ràng - không đồng tình với quan điểm “khơi lên chiến dịch bài Trung - thân Mỹ” - Xem “Dư luận Nga đánh giá cao Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (TTXVN/VIETNAM+) lúc: 29/1/2016 08:59. 

Như vậy là sự kỳ thị đối với chế độ xã hội, với Đảng và Nhà nước ta cũng như sự xuyên tạc, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cũ, mới do Đại hội XII và Quốc hội khóa XIII miễn nhiệm, bầu chọn không thể phủ nhận được những quyết sách đúng đắn về đường lối đối nội, đối ngoại và về nhân sự do Đại hội XII và của Quốc Hội khóa XIII quyết định đang tạo ra xung lực mới, mạnh mẽ hơn cho công cuộc đổi mới của dân tộc ta.
Theo Vọng Đức (Báo Công an Nhân dân điện tử)