Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, September 18, 2016 , 0 bình luận

Theo luật sư Kiều Anh Vũ, luật quy định chưa cấm xuất cảnh với người không thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm” và Trịnh Xuân Thanh đã "lách" việc này để ra nước ngoài.
>>Liệu có bàn tay phản động giúp Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ?

>>Việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh ở Đức sẽ như thế nào!
>> Truy nã quốc tế bị can Trịnh Xuân Thanh

Việc phát Lệnh truy nã quốc tế của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) với Trịnh Xuân Thanh ngay khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là đúng quy định của pháp luật và cũng khá kịp thời. Tuy nhiên, nếu xét toàn bộ quá trình xử lý sai phạm của ông Thanh và ông Thanh đã ra nước ngoài từ trước khi có các quyết định khởi tố thì việc xử lý đã có phần “chậm chân” hơn.


Luật sư Kiều Anh Vũ

Trả lời câu hỏi vì sao cơ quan có thẩm quyền không sớm thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh với ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta tìm hiểu Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015). Điều 21 quy định công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc trường hợp sau: đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…
Theo điểm a khoản 1 Điều 22, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh trong trường hợp "đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan công tác điều tra tội phạm".
Các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải gửi văn bản thông báo cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nêu rõ các yếu tố nhân thân của người chưa được xuất cảnh và thời hạn chưa cho người đó xuất cảnh, để thực hiện.
Với Trịnh Xuân Thanh, trước ngày 16/9 ông ta chưa bị khởi tố, chưa bị điều tra nên có thể xem không thuộc trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Vì thế, ông ta không bị áp dụng biện pháp chưa được xuất cảnh.
Quy định về “liên quan đến công tác điều tra tội phạm” là quy định chưa được giải thích rõ ràng và hướng dẫn cụ thể nên đây có thể là kẽ hở để Trịnh Xuân Thanh lợi dụng. Nếu xét theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự, điều tra là một giai đoạn của tố tụng hình sự và giai đoạn này được tiến hành sau giai đoạn khởi tố (các giai đoạn của tố tụng hình sự gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử). Nghĩa là nếu chưa bị khởi tố bị can, chưa bị điều tra, ông Thanh không thuộc trường hợp bị không cho xuất cảnh.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc xác minh, kiểm tra, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cũng có thể xem là “hoạt động điều tra”, “công tác điều tra” hoặc “liên quan đến công tác điều tra tội phạm”. Như thế, người bị tình nghi có liên quan cũng có thể bị áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh theo các quy định nêu trên.
Ngày 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Thanh có nhiều khuyết điểm và phải chịu trách nhiệm về khoản lỗ gần 3.000 tỷ tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian lãnh đạo đơn vị này. Trong tháng 8, Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương chỉ đạo làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ tại PVC. Nếu cơ quan điều tra đã tiếp nhận chỉ đạo về việc xử lý vụ án từ tháng 8 và xác định được Trịnh Xuân Thanh có liên quan trước khi ông ta xuất cảnh thì vẫn có thể áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh đối với ông Trịnh Xuân Thanh theo quy định.
Tuy nhiên, có thể vì quá trình xác minh, giải quyết vụ án mất nhiều thời gian, có thể vì lý do khách quan khác nên cơ quan có thẩm quyền chưa kịp áp dụng biện pháp chưa cho xuất cảnh trước khi có các quyết định tố tụng với nghi can này.
Căn cứ nào dẫn độ Trịnh Xuân Thanh từ nước ngoài về Việt Nam
Theo khoản 1 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.
Theo khoản 1 Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm a khoản 2 Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp, căn cứ các điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực.
Hiện nay, Việt Nam ký kết một số Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với một số quốc gia như: Hàn Quốc, Algeria; Tiệp Khắc (hiện nay, Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlôvakia đang kế thừa Hiệp định này), Cuba, Hungari, Bungari, Ba Lan, Lào, Liên bang Nga, Ukraina, Mông Cổ, Triều Tiên…
Nếu Trịnh Xuân Thanh bị bắt ở những nước có Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam, việc dẫn độ sẽ thuận lợi so với những nước chưa ký. Dù vậy, nếu ông ta có trốn sang Đức, Canada hoặc quốc gia khác mà Việt Nam chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ thì vẫn có thể áp dụng các Điều ước quốc tế liên quan mà cả hai quốc gia là thành viên hoặc thỏa thuận ngoại giao trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế để dẫn độ.... Trên cơ sở yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài được yêu cầu dẫn độ sẽ căn cứ quy định của pháp luật của quốc gia sở tại và các Điều ước quốc tế, thỏa thuận liên quan giữa hai quốc gia để xem xét chấp nhận hoặc từ chối dẫn độ.
Luật sư Kiều Anh Vũ (Báo vnexpress điện tử)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X