Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Tuesday, September 18, 2018 , 0 bình luận

(Tindautruongdanchu)-Trên trang facebook Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đăng bài “Một đạo lý thảo luận” của Nguyễn Gia Kiểng – một cây viết sống ở Pháp và thường xuyên có các bài đăng cho các trang facebook phản Cách mạng Việt Nam. Khác với những tác giả phe “dân chủ USD” khác, trong bài viết của mình Nguyễn Gia Kiểng đưa các nội dung mang vỏ bọc nghiên cứu khoa học hoặc triết lý hơn, không dựa dẫm vào các sự kiện vụ vặt trong cuộc sống hàng ngày.

Linh mục phát ngôn 'thiếu chuẩn mực': 'Sự sa đọa ngụy trang dưới lớp vỏ của điều thiện'






Cụ thể, trong bài “Một đạo lý thảo luận”, Kiểng đòi hỏi phải có sự tự do trong việc thảo luận chính trị về con đường phát triển đất nước. Bắt đầu bằng việc đưa ra ý kiến rằng hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang cấm tự do ngôn luận, còn các tổ chức đấu tranh dân chủ thì bị chết yểu hoặc bị kìm kẹp. Kiểng đã khéo léo phê bình đội ngũ “hàng chục ngàn dư luận viên được trả lương chỉ để phá đám” để đưa bài viết của mình về phe trung lập bằng việc phê phán cả 2 phía, làm cơ sở để đưa ra các luận điệu “tự do thảo luận chính trí” rất công bằng và chính trực: Hoàn toàn cởi mở; tuyệt đối bình đẳng; tuyệt đối lương thiện; mục đích duy nhất của thảo luận là tìm đến cái đúng; ngôn ngữ và thái độ thảo luận phải tương kính; Phải hiểu triết lý của một cuộc thảo luận là để cải tiến, cải tiến sự hiểu biết hay cái nhìn của chúng ta trên một chủ đề nào đó.


Trang facebook của Hội anh em dân chủ lừa bịp bằng bài viết của Nguyễn Kiểng (Ảnh Thành Nam)

So với các cây viết khác, đó là việc bôi đen trực tiếp Đảng và Nhà nước ta bất kể đúng sai, thị phi thì Nguyễn Gia Kiểng thông minh hơn nhiều bằng vận dụng phép ẩn dụng, so sánh của tiếng Việt. Những câu từ trong sáng về nghĩa đen lại nhằm mục đích “tố cáo” Đảng Cộng sản Việt Nam không cho phép dân được nói lên sự thật, không cho nhân dân có được dân chủ về chính trị, không đảm bảo công bằng cho tất cả người dân, tồn tại lợi ích nhóm về chính trị và tất cả các cuộc họp, hội nghị chính trị chỉ nhằm mị dân và che mắt nhân dân. 

Đi sâu vào từng vấn đề mà Kiểng đưa ra, chúng ta có thể kiểm nghiệm những nội dung đó qua chính thực tiễn quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước của Đảng và nhân dân ta đã và đang tiến hành:

Thứ nhất, sự tự do được bày tỏ quan điểm của mình kể cả trong các vấn đề “nhạy cảm”. Trong những năm vừa qua chúng ta đã tiến hành rất nhiều các hoạt động đối thoại với nhân dân, các hội nghị của các đại biểu Quốc hội và trong những cuộc họp, hội nghị đó tiếng nói của các đại biểu, cử tri, nhân dân luôn luôn được lắng nghe và giải đáp thống nhất nhận thức hoặc nghiên cứu tìm cách giải quyết. Một cách đơn giản dễ thấy nhất, ngay trong những phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 6 vừa qua, chỉ riêng đoàn đại biểu TP Hà Nội đã có những ý kiến rất thẳng, không vòng vo như:  “Quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của ba đặc khu với vẹn toàn lãnh thổ của đất nước như thế nào?”( ĐB  Nguyễn Anh Trí chất vấn phó thủ tướng Vương Đình Huệ); “Dân bị lấy đất, đất đó lại bỏ hoang, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu?” (ĐB Dương Minh Ánh chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà); “ Pháp luật ở trên trời, còn cuộc đời ở dưới đất” (ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh trong phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019)… Như vậy thấy được rằng Đảng và Nhà nước không bao giờ ngăn cấm nhân dân, cử tri, đại biểu được được đưa ra chính kiến, quan điếm và trình bày những bức xúc của bản thân, của cộng đồng đối với những mặt trái tồn tại, những hạn chế chưa được khắc phục hay những bất cấp, phi lý trong quá trình xây dựng đất nước.

Thứ hai, có tồn tại hay không vấn đề như tác giả nhắc tới sự không công bằng giữa tiếng nói của người dân và tiếng nói của “tầng lớp xã hội có tiền, có quyền”? Phải khẳng định rằng, hiện nay ở một số địa phương tồn tại các hiện tượng tiêu cực, các vấn đề tham ô, tham nhũng, nhiều hoạt động trái pháp luật, vì lợi ích của 1 bộ phận nhóm hoặc cá nhân làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của tập thể số đông người dân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những bức xúc, yêu cầu của nhân dân không được lắng nghe và giải quyết. 

Chính phủ hiện nay đã công bố rất nhiều đường dây nóng để có thể trực tiếp nghe ý kiến từ người dân, đồng thời người dân có thể tiến hành tố cáo, khiếu kiện theo luật định để được giải quyết thấu đáo. Đơn cử như qua 1383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV đã tổng hợp được 2099 kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Hay như vụ việc xảy ra vào tháng 3/2018 vừa qua ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, nhân dân đã xuống đường tụ tập để phản đối doanh nghiệp xây dựng Khu du lịch sinh thái Nam Ô vì ngăn lối xuống biển của người dân sinh sống trong khu vực. Bí thư thành ủy, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã nhanh chóng tổ chức buổi làm việc, đối thoại để lắng nghe ý kiến của người dân Hòa Hiệp Nam. Và kết quả là người dân đã hoàn toàn đồng tình, doanh nghiệp chấp hành thực hiện đúng với phương án giải quyết với tinh thần ưu tiên quyền lợi của người dân và bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp đúng pháp luật. Từ đó thấy được, Nhà nước ta luôn là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, hoàn toàn trái với suy nghĩ chủ quan của tác giả bài viết.

Cuối cùng, các vấn đề khác tác giả nêu ra là “tuyệt đối lương thiện”, “mục đích duy nhất của thảo luận là tìm đến cái đúng”, “ngôn ngữ và thái độ thảo luận phải tương kính” chỉ là vỏ bọc hào nhoáng, chính trực nhằm che dấu âm mưu phá hoại về chính trị của mình. Điểm mấu chốt nhất mà tác giả muốn ám chỉ đó là quyền tự do ngôn luận trên cơ sở xây dựng đất nước. Vậy có 2 điểm cần được đưa ra để xác định tính chân thực trong bài viết: Quyền tự do ngôn luận có được đảm bảo ở Việt Nam? và thực tế rằng những đối tượng phản cách mạng, những nhà “dân chủ” có phát huy đúng tinh thần tuyệt đối lương thiện” và “ ngôn ngữ thái độ tương kính”. 

Thực tế đến nay, Việt Nam đã có có 859 cơ quan báo chí in; 135 cơ quan báo điện tử; 258 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 67 đài phát thanh, truyền hình. Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg... Có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài đã có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài viết của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times... 

Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Theo cơ quan thống kê của Facebook, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người, bằng 1/3 dân số (92 triệu người) sở hữu tài khoản Facebook. Trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Việt Nam đánh giá Việt Nam hiện là quốc gia có lượng người dùng Internet lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á. Như vậy khẳng định Việt Nam không hề hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân và không hạn chế người dân tiếp xúc với các nguồn thông tin đa chiều. 

Nhưng ngược lại, các hoạn động của các nhà “dân chủ” lại lợi dụng điểm này để chống phá Cách mạng. Bằng những giọng điệu mê sảng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài thiếu thiện chí và đám “dân chủ Việt” trong nước vẫn thường cho rằng: “Việt Nam không có tự do ngôn luận”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”. Chúng cổ xúy cho những phần tử bất mãn, những kẻ vi phạm pháp luật thông qua quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, chúng kích động mỗi người dân có quyền bày tỏ chứng kiến của mình không giới hạn và liên kết với những người khác hình thành các tổ chức đối lập thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Nhất là cứ sau mỗi lần các cơ quan chức năng bắt giữ, truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật là gần như ngay lập tức chúng tuyên bố “Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền”. Chúng thông tin một chiều về các vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí,… lấy hiện tượng quy thành bản chất, rồi thổi phồng thành những “sai lầm cố hữu” nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng, tâm lý người dân. Không những thế, chúng còn tuyên truyền, lôi kéo, kích động các phần tử bất mãn dưới danh nghĩa các “nhà dân chủ” để tập hợp lực lượng, hòng dựng “ngọn cờ”, lập các tổ chức chống đối thông qua các trang mạng, blog cá nhân; lợi dụng phản biện xã hội để chống Đảng, chế độ, phủ nhận thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước. Để thực hiện mưu đồ trên, các tổ chức, cá nhân tự xưng “nhà dân chủ” viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về quyền con người, nhất là quyền tự do ngôn luận, nhưng họ lại viện dẫn không đầy đủ, mang tính cắt xén, làm sai lệch bản chất của vấn đề, họ cố tình tảng lờ đi những điều khoản, quy định khác về nghĩa vụ kèm theo khi thực hiện các quyền đó. Ví dụ như các vụ đã đưa ra xét xử, chẳng hạn như vụ Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phú (Hà Nội, 31-1-2018), trước đó là vụ Trần Thị Nga (Hà Nam, 25-7-2017); vụ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Đà Nẵng, 30-11-2017). Đây là xét xử về tội lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do internet theo Điều 88, BLHS (Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Điều 258 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân), BLHS 1999.

Như vậy có thể thấy được tác giả Nguyễn Gia Kiểng khi viết bài “Một đạo lý thảo luận” về mặt bản chất cũng chính là lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nói xấu Đảng, Nhà nước và cổ xúy cho các phong trào “đấu tranh dân chủ” nhằm phá hoại thành quả Cách mạng và thực hiện âm mưu chống lại công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thực hiện. Để nâng cao tinh thần cảnh giác cũng như sáng suốt nhận rõ, làm thất bại âm mưu của các đối tượng chống phá này, người đọc phải luôn nắm bắt thông tin đa chiều, luôn cảnh giác trước những bài viết kích động người đọc chống đối chính quyền cũng như không cố tình hoặc vô ý tán phát, chia sẻ các bài viết phản động trên mạng internet. Để có thể thực hiện thắng lợi sự nghiệp Cách mạng mà chúng ta đã lựa chọn không còn cách nào ngoài sự vững tin, đoàn kết, quyết tâm của toàn thể người dân Việt Nam. Với niềm tin kiên định vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chắc chắn rằng dân tộc ta sẽ xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội và sánh ngang cùng các cường quốc năm châu./.

Văn Tuấn

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X