Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Thursday, December 20, 2018 , 0 bình luận


(Tindautruongdanchu)-Trận Vạn Tường (phía Mỹ gọi là Battle of Chu Lai) là trận đánh chính trong chiến dịch Starlite[1] do quân đội Mỹ tiến hành diễn ra vào ngày 18-8-1965 tại thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là trận đọ sức lớn đầu tiên trên bộ giữa quân đội Mỹ và một trung đoàn quân chủ lực Giải phóng Miền Nam Việt Nam.




Trận đánh đã được mô tả trong phim tài liệu của Discovery (phần về Operation Starlite). Phía Mỹ cho rằng đây là chiến thắng đầu tiên, trọng đại của Quân lực Hoa Kỳ (U.S forces’ first major victory over the Viet Cong). Thực tế, trong trận Vạn Tường, quân Mỹ đã không thực hiện mục tiêu để ra, bị động về chiến thuật và bị đánh thiệt hại nặng. Trận Vạn Tường là dấu hiệu thất bại của quân Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ”.

Lược đồ trận Vạn Tường


Ðầu năm 1965, trước nguy cơ sụp đổ của chế độ Sài Gòn, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đưa quân vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường Miền Nam Việt Nam. Ngày 8-3-1965, đơn vị đầu tiên, 3500 lính thủy đánh bộ của Lữ đoàn 9 (The 9 MEB - Marine Expeditionary Brigade) đổ bộ lên Đà Nẵng đánh dấu cho sự có mặt chính thức của quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường Miền Nam. Đến cuối năm 1965, lực lượng trên bộ của Mỹ đã lên đến 184.300 quân.

Với lực lượng đông, tinh nhuệ và hiện đại, Weeler - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân bảo đảm với Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara không có lý do gì chúng ta (Mỹ) lại không thể thắng nếu đó là quyết tâm của chúng ta[2]. Những nhân vật "diều hâu" trong giới cầm quyền Mỹ tin tưởng tự mãn rằng "cùng lắm trong vòng 18 tháng (cuối 1966), Mỹ sẽ chiến thắng, lúc đó Việt cộng và Hà Nội sẽ phải chịu thua, chấm dứt kháng chiến. Và, trên bình diện thế giới, chúng ta (Mỹ) sẽ chứng minh được cho các dân tộc thấy rằng chiến tranh cách mạng không đem lại kết quả gì, cuộc khởi nghĩa nào cũng có thể bị tiêu diệt[3].

Tháng 6-1965, Tổng thống Mỹ phê duyệt chiến lược “tìm diệt” (Search and Destroy - S & D) nhằm truy tìm và tiêu diệt quân chủ lực đối phương. “Tìm diệt” được cho là tiêu biểu cho sức mạnh cơ động, tập kích mãnh liệt chớp nhoáng với sự kết hợp giữa các cuộc hành quân không vận, và sự hỗ trợ của không quân và pháo binh.  “Tìm diệt” là biện pháp chiến lược của “Chiến tranh cục bộ”.

Ngày 15-8-1965, quân đội Mỹ được cung cấp thông tin trung đoàn 1 chủ lực của Quân Khu 5 (Trung đoàn Ba Gia) đang tập kết ở thôn Vạn Tường, xã Bình Hải (Đông Nam Chu Lai 17 km), chuẩn bị tấn công tấn công căn cứ Chu Lai. Mỹ coi đây là thời cơ lý tưởng cho cuộc xuất quân “tìm diệt” có quy mô lớn đầu tiên với sự phối hợp hải, lục, không quân và phát huy tối đa ưu thế binh hoả lực và phương tiện chiến tranh tối tân của quân đội Mỹ. Trong vòng 2 ngày sau đó, các bộ tham mưu quân đội Mỹ của Quân đoàn III Thủy quân Lục chiến[4] (TQLC), Sư đoàn 3 TQLC, Trung đoàn 7 TQLC cùng Liên đoàn 6 không quân TQLC đã họp và mở chiến dịch bao vây, tấn công tiêu diệt Trung đoàn 1 Quân Giải phóng (QGP) trong thời gian ngắn nhất. Theo kế hoạch lực lượng trên bộ gồm 4 tiểu đoàn TQLC ( 4 tiểu đoàn) đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Oscar F. Peatross, trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 TQLC vừa mới đến Việt Nam. Các lực lượng hỏa lực tham gia gồm một đại đội pháo 155 thuộc tiểu đoàn 2/12 TQLC, một đại đội cối 106,7mm thuộc tiểu đoàn 3/12 pháo binh TQLC. Một tiểu đoàn xe tăng và xe lội nước với 105 xe tăng và xe bọc thép, 100 máy bay trực thăng vũ trang của lục quân, trinh sát và không vận sẽ tham gia chiến dịch. Hải quân Mỹ có 6 tầu đổ bộ, sự tham gia hỏa lực của 3 chiến hạm USS Galveston, USS Orleck và USS Prichett với tổng cộng 12 pháo 127mm và 6 pháo 138mm. Ngoài ra còn có hỏa lực từ căn cứ Chu Lai.     

Theo yêu cầu của Tướng Walt  (Lewis William Walt - chỉ huy chiến dịch) lực lượng dự bị của chiến dịch là Tiểu đoàn 3/7 TQLC (lực lượng Đổ bộ Đặc biệt - Special Landing Force). Thời điểm này, Tiểu đoàn 3/7 đang đóng quân tại vịnh Subic, cách 720 dặm, cần phải chuyển đến các hạm tầu ngoài biển. Do vậy ngày N được ấn định là ngày 18-8. Chiến dịch mang tên Starlite.

Các lực lượng vũ trang QGP tham gia trận Vạn Tường gồm: Trung đoàn 1 bộ đội chủ lực của Quân Khu 5 (trung đoàn Ba Gia), Đại đội 21, Đại đội 31 bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã Bình Phú, Bình Trị, Bình Hòa, Bình Hải.
Từ 10h đến 17h ngày 17-8-1965, Tiểu đoàn 3/3 (Tiểu đoàn 3 - Trung đoàn 3) TQLC Mỹ từ Chu Lai di chuyển bằng xe lội nước và tầu đổ bộ xuống phía Nam, đóng chốt, cắt đường rút lui của QGP lên phía Bắc.

Đêm 17-8, các tàu chiến và tàu đổ bộ Mỹ đậu ngoài biển đối diện ấp An Cường, bắn dồn dập hàng ngàn quả đạn đại bác vào các thôn xóm. Vạn Tường phút chốc trở thành vùng lửa sáng rực một góc trời. Nhà cửa bị cháy, cây trái gãy nát, ruộng vườn bị cày xới. Biết quân Mỹ đang chuẩn bị hỏa lực dọn đường cho bộ binh tiến công, bộ đội, du kích và nhân dân thôn Vạn Tường khẩn trương sơ tán người già, trẻ em, sửa chữa hầm hào, chuẩn bị chiến đấu. Chỉ huy Trung đoàn 1 - Đại đội 21 bộ đội địa phương và xã đội, thôn đội Vạn Tường họp bàn phương án chiến đấu và phân hiệp đồng.

6h15 ngày 18-8-1965, mở màn trận Vạn Tường, không quân hải quân Mỹ xuất kích ném 18 tấn bom thường và bom napal, phối hợp pháo binh ở căn cứ Chu Lai và tầu hải quân bắn phá dọn các bãi đáp (LZ - landing zone) nằm ở cánh đồng Lộc An cho Tiểu đoàn 2/4 TQLC đổ bộ bằng trực thăng.
6h30 Đại đội I và K - Tiểu đoàn 3/3 TQLC được tăng cường 5 xe tăng M48, 3 xe tăng phun lửa M67 đổ bộ lên bãi biển An Cường (mật danh Green Beach), bao vây Vạn Tường từ phía Nam. Sau khi chiếm thôn An Cường 1 cánh quân này sẽ tiến về phía Tây để hội quân với Tiểu đoàn 2/4 TQLC. Lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 3/3 sẽ tiến đánh theo đường bộ vào phía nam Vạn Tường.

6h45, đại đội G - Tiểu đoàn 2/4 TQLC được trực thăng vận đổ bộ xuống bãi đáp Red. 7h30 đại đội E và H - Tiểu đoàn 2/4 lần lượt đổ bộ xuống bãi đáp White và Blue. Ba bãi đáp này thuộc cánh đồng Lộc An, mỗi bãi cách nhau khoảng 2 km tạo hình vòng cung bao vây Vạn Tường từ phía Tây. Đây chính là thực hiện “bủa lưới phóng lao”, chiến thuật quan trọng của “tìm diệt”.

Ngay lúc Tiểu đoàn 2/4  TQLC đang đổ quân xuống cánh đồng Lộc An, các khẩu đội súng cối 82mm và 60mm của Trung đoàn 1 đã bắn cấp tập vào bãi đổ quân, phá hỏng 8 máy bay lên thẳng, diệt hơn 100 lính Mỹ. Theo phía Mỹ: giao tranh căng thẳng nhất diễn ra ở phía Nam khu vực bãi đáp Blue. Đại đội H Tiểu đoàn 2/4 gần như đã đổ bộ xuống giữa Tiểu đoàn 60 QGP và vấp phải sức kháng cự mạnh. QGP chủ động đợi những trực thăng đầu tiên hạ cánh xong mới tập trung hỏa lực vào những chiếc tiếp theo. Đại đội H phải ngừng tấn công và gọi trực thăng vũ trang tới chi viện.

Cánh quân của Tiểu đoàn 3/3 TQLC từ Chu Lai theo đường bộ bị Đại đội 21, bộ đội địa phương Quảng Ngãi phục kích tại thôn Phổ Tịnh, đánh, diệt nhiều tên. Lực lượng Mỹ đổ bộ lên bãi biển An Cường bị hỏa lực của Trung đoàn 1 và dân quân du kích tiêu diệt tại chỗ 25 tên; số còn lại lùi ra biển gọi pháo và máy bay đánh phá để đổ bộ lần 2. Ở bãi đổ bộ phía tây An Cường diễn ra trận đánh ác liệt. Dưới sự yểm trợ mạnh của máy bay, quân Mỹ cố tiến lên chiếm đồi 43 và 30 ở phía bắc thôn An Cường. Nhưng trung đoàn 1 và Đại đội 21 bộ đội địa phương tỉnh vận động tiến công vào đội hình quân Mỹ. Bị đánh mạnh, quân Mỹ hỗn loạn, không còn kiểm soát được đội hình. Đến trưa, quân Mỹ cho 5 xe thiết giáp chở quân và ba xe tăng phun lửa đến tiếp viện. Trong khi đoàn xe địch đang bò trên những thửa ruộng lúa thì bị QGP phục kích diệt gần hết. Chỉ huy tiểu đoàn 3/3 TQLC vội vã tập hợp một đội cứu viện gồm một xe tăng M48, một xe tăng phun lửa, 3 xe chống tăng Ontos và một số xe thiết giáp tiến về đồi 30 phía bắc thôn An Cường. Chỉ trong bốn, năm phút, cánh quân cứu viện này thương vong gần hết. Quân Mỹ từ chỗ chủ động chuyển sang bị động, chống đỡ lúng túng. Ta từ chỗ bất ngờ giành được thế chủ động tiến công. Trận đánh kéo dài đến chiều tối ngày 18, bốn đại đội quân Mỹ bị đánh thiệt hại. TQLC Mỹ chẳng những không hợp điểm được tại thôn Vạn Tường theo kế hoạch tác chiến mà còn bị nguy cơ sa lầy và bị tiêu diệt lớn. Hải quân Mỹ pháo kích dữ dội hòng làm giảm áp lực của ta và dùng trực thăng chở lực lượng dự bị từ hạm tàu ngoài biển đổ xuống Vạn Tường. Ta tiếp tục tiến công cho đến đêm thì trận đánh kết thúc. Quân Mỹ bị loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 900 tên, 22 xe tăng, xe bọc thép, 13 máy bay bị bắn rơi. Đêm 18 rạng 19 lực lượng ta bí mật rút khỏi Vạn Tường an toàn.

Theo tài liệu của Mỹ: 11h00 ngày 18, Đại đội H Tiểu đoàn 2/4 với 5 xe tăng và 3 xe chống tăng Ontos rời đồi 43 tiến về phía đông bắc. Tưởng thôn Nam Yên 3 đã được Đại đội I Tiểu đoàn 3/3 kiểm soát, quân Mỹ bỏ qua nó và lập tức bị hỏa lực QGP ở thôn Nam Yên và đồi 30 bắn dữ dội. Mặc dù được không quân chi viện, các đợt tiến công vào Nam Yên 3 đều bị đẩy lùi. Đến 14h, Đại đội H phải rút về bãi đáp Blue. Dọc đường rút quân, Đại đội H lại tiếp tục bị QGP chặn đánh quyết liệt, một trung đội bị chia tách. Đến 16h30, hai trung đội còn lại của Đại đội H mới về đến bãi đáp Blue và tổ chức phòng ngự. Cùng thời gian đó, tiểu đoàn 3/3 TQLC tổ chức một đoàn xe gồm 5 xe lội nước và 3 xe tăng phun lửa đi tiếp viện cho Đại đội I. Trên đường giữa thôn Nam Yên 3 và An Cường 2, đoàn xe bị lạc và bị QGP bao vây tấn công. 13h00, Đại đội I Tiểu đoàn 3/3 quay trở lại để tìm đoàn tiếp viện nhưng bị QGP chặn đánh quyết liệt ở thôn An Cường 2. 17h30, quân Mỹ phải dùng trực thăng đưa tiếp Đại đội L tiểu đoàn 3/7 TQLC (Lực lượng Đổ bộ đặc biệt - dự bị) vào hỗ trợ cho Đại đội I. Tối 18-8, giao tranh tạm ngưng, Mỹ đưa tiếp lực lượng còn lại Tiểu đoàn 3/7 vào tăng cường cho các đơn vị triển khai phòng ngự trong đêm và hình thành thế bao vây Vạn Tường. Lợi dụng vòng vây bị đứt đoạn giữa cánh Bắc và cánh Nam của TQLC Mỹ, đêm 18 rạng ngày 19-8-1965, Trung đoàn Ba Gia đã rút được phần lớn ra khỏi vòng vây. Riêng đại đội trinh sát phòng ngự độc lập tại Cao điểm 45 núi Đầm Tái, thôn Vạn Tường bị tổn thất hầu hết quân số.

Trận Vạn Tường quân đội Mỹ hoàn toàn chủ động lựa chọn chiến trường tác chiến hợp với sở trường để xuất quân. Đánh vào Vạn Tường quân Mỹ có điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh của xe tăng, pháo binh, hải quân, không quân của chiến tranh hiện đại. Sư đoàn 3 TQLC trực tiếp đánh vào Vạn Tường là đơn vị cơ động nhanh, giỏi về đổ bộ, có khả năng mở rộng nhanh khu vực tác chiến tiến công trên địa hình ven biển. Nhưng với tất cả các lợi thế đó, quân Mỹ đã không làm chủ được tình hình, từ chủ động chuyển sang bị động và không đạt được mục tiêu đề ra: tiến công, bao vây, tiêu diệt Trung đoàn chủ lực của Quân khu 5. Chiến thuật “bủa lưới phóng lao” trong trận này bị phá sản. Quân Mỹ đã bị đánh thiệt hại nặng, giới quân sự Mỹ xôn xao kinh ngạc rằng trận này “giống như trận Okinawa”[5] trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và lính Mỹ “phải trả giá đắt” với 4 đại đội bị thiệt hại nặng. Battle of Chu Lai được phát ngôn lính thủy đánh bộ Mỹ thừa nhận là “thất bại nặng nề nhất từ trước đến nay” (AP, ngày 22-8-1965).

Trận vạn Tường là đòn phủ đầu rất oanh liệt vào lực lượng TQLC - binh chủng chủng được xem là ưu tú nhất của quân đội Mỹ lúc đó với bề dày 200 trận mạc. Chiến thắng Vạn Tường chứng minh rằng quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế về binh, hỏa lực và sức cơ động. Với ý nghĩa đó, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đánh giá: “Nếu trận Ấp Bắc đầu năm 1963 đã chỉ ra khả năng đánh bại việc Mỹ dùng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết vận xa”, yểm hộ cho những lực lượng lớn quân ngụy càn quét ở đồng bằng, nếu trận Bình Giã cuối năm 1964 đã đánh dấu bước trưởng thành của quân chủ lực ta trong việc tiêu diệt những đơn vị ứng chiến lớn quân chủ lực ngụy thì trận Vạn Tường đã chứng tỏ một cách hùng hồn khả năng của ta đánh bại được quân Mỹ trong điều kiện chúng có ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực”[6].

Trận Vạn Tường là dấu hiệu sự thất bại không tránh khỏi của quân viễn chinh Mỹ trong chiến lược “tìm diệt” của chiến tranh cục bộ và thực tế lịch sử đã chứng minh điều đó.

Nguyễn Thái




[1] Chiến dịch Starlite thường được gọi là “Cuộc hành quân Ánh sao” (do dịch nhầm từ từ tiếng Anh Star light đồng âm với tên đúng của chiến dịch là Starlite). Đại tá Don P. Wyckoff đặt tên cho chiến dịch là Satellite nhưng khi kế hoạch của sư đoàn được đánh máy thì máy phát điện bị hỏng, thư ký phải đánh máy dưới ánh nến nên đã đánh sai thành Starlite. Lỗi này được phát hiện vào sáng sớm ngày hôm sau nhưng không còn thời gian để sửa đổi nữa.   

[2] Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1971), tập 2, Việt Nam Thông tấn xã, Hà Nội, tr.153
[3] Marchel Giuglaris: Việt Nam, le jour de l’escalade (Việt Nam ngày đầu leo thang), NRF, 1961, tr.238
[4] III Marine Amphibious Corps – III MAF - được thành lập tháng 6-1965 từ các đơn vị TQLC tham chiến tại VN gồm Sư đoàn 3 TQLC, Không đoàn 1 TQLC cùng hai tiểu đoàn phòng không  do Thiếu tướng L.W.Walt  làm tư lệnh với trách nhiệm bảo vệ bốn căn cứ Phú Bài, Ðà Nẳng, Chu Lai và Qui Nhơn.

[5] Trận Okinawa (Battle of Okinawa) được xếp vào 1 trong 10 trận chiến ác liệt, đẫm máu nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Okinawa (đảo lớn nhất của quần đảo Ryukyu thuộc Nhật Bản) là một vị trí chiến lược quan trọng do 77.000 quân Nhật phòng thủ. Mỹ sử dụng 550.000 quân,1500 tàu chiến, gần 2500 máy bay tấn công Okinawa vào tháng 3 năm 1945. Quân Nhật chống trả quyết liệt với các cuộc tấn công điên cuồng bằng cách sử dụng phi công kamikaze lái máy bay đâm vào các tàu chiến Mỹ. quân và dân Nhật Bản cũng tổ chức các cuộc phản công mặt đất cho đến khi quân đội Mỹ đi sâu vào trong hòn đảo và ngoài tầm hỗ trợ hải quân. Mặc dù quân đội Mỹ cuối cùng cũng giành chiến thắng vào 21tháng 6, nhưng họ phải chịu tổn thất rất lớn. Khoảng 12.000 lính Mỹ chết ở Okinawa. Nếu tính cả số binh sĩ bị thương từ phía Mỹ thì con số thương vong là 36,000. 

[6] Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Sự Thật, Hà nội, 1985, tr.131.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X