QSDP - Ý thức xã hội mới ở Việt Nam “là toàn bộ
những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp...
của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng,
bảo vệ xã hội mới”[1].
Ý thức xã hội mới ở Việt Nam có khởi nguồn từ ý thức cách mạng của giai cấp vô
sản, đã được khái quát trong lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; là sự kế thừa
tư tưởng xã hội nhân văn, tốt đẹp, vì sự phát triển của đông đảo quần chúng
nhân dân lao động, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều
kiện thực tiễn Việt Nam, kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng
một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh"
để đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã
hội chủ nghĩa.
Vậy mà, không tâm phục khẩu phục những thành
tựu Việt Nam đạt được sau gần 40 năm đổi mới toàn diện đất nước, dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đã và đang ra sức tuyên
truyền, phủ nhận thời kỳ qúa độ lên CNXH ở Việt Nam, trong đó, chúng tấn công
trực diện vào giá trị cốt lõi của ý thức xã hội mới, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - cơ sở lý
luận của hệ tư tưởng chính trị Việt Nam - hệ tư tưởng XHCN. Chúng cho rằng: chủ
nghĩa Mác chỉ là sản phẩm của nền công nghiệp cơ khí thế kỷ XIX, không còn giá
trị thời đại 4.0; rằng: chủ nghĩa Mác là sản phẩm của nền công nghiệp phương
Tây, không phù hợp với văn hóa phương Đông và Việt Nam; sự sụp đổ của mô hình
CNXH ở Liên Xô và Đông Âu là minh chứng rõ nhất cho sự sai lầm và tính chất ảo
tưởng của học thuyết Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh lấy chủ nghĩa Mác -
Lênin làm nền tảng cơ sở, do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không thể vận dụng
vào Việt Nam...
Đây chính là đòn bẫy để chúng đi sâu xuyên tạc đường lối, chủ
trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chúng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, “bảo thủ” duy
trì con đường đi lên CNXH là “trái với quy luật”, “không phù hợp với thời đại
mới”...
Chưa hết, chúng còn lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, những vấn
đề bất ổn còn tiềm ẩn trong đời sống xã hội; tính chất phức tạp của thời kỳ quá
độ có sự đan xen, cùng tồn tại giữa cái cũ và cái mới, cái tốt và cái xấu; lợi
dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện
tham ô, tham nhũng, quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên... làm
minh chứng để phủ nhận toàn bộ thành quả to lớn chúng ta đạt được trong gần 40
năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Đặc biệt, lợi dụng sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta thực hiện
công tác phòng, chống tham nhũng, các thế lực thù địch "rầm rập" xuyên
tạc thành các hoạt động “thanh trừng phe nhóm”, “đấu đá nội bộ”... Và, một
chiêu trò đáng phải cảnh giác cao độ, đó là nhiều quan điểm trong văn kiện của
Đảng Cộng sản Việt Nam cũng bị bóp méo, xuyên tạc, như nội dung “khơi dậy khát
vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là duy tâm chủ quan, trống rỗng,
phi thực tế, phản khoa học[2],...
Những luận điệu chống phá ấy không chỉ nhằm bóp méo tính đúng đắn,
khoa học, cách mạng trong lý luận của Đảng mà còn bôi nhọ, hạ thấp uy tín của
Đảng và Nhà nước; gây mất đoàn kết trong cộng đồng, các tầng lớp dân cư, bào
mòn niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng:
“Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn này ở chỗ chúng tạo dựng
nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi, hoang mang, dao động, gây “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa” trong nội bộ, làm lung lay niềm tin của cán bộ, đảng viên và
nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tâm lý bức
xúc, chống đối trong xã hội”[3]. Điều đó cũng ảnh hưởng
tiêu cực đến quá trình xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam trên nhiều cấp độ,
cả về ý thức lý luận cũng như ý thức xã hội thông thường.
Nhận diện, chỉ rõ âm mưu xuyên tạc của các thế lực thù, cần phải
có biện pháp đấu tranh hữu hiệu, trong đó, đòi hỏi "Đảng viên đi
trước", thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng ý thức xã
hội mới Việt Nam hiện nay cần gắn với xây dựng nền kinh tế mới, nền văn hóa mới
và con người mới, từng bước thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc. Đó là nền tảng quan trọng nhất phủ định những quan điểm sai trái,
xuyên tạc của các thế lực thù địch, củng cố niềm tin của nhân dân.
Thứ hai, tấn công trực diện
nhằm phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của
Đảng.
Cần có những bài viết trực tiếp, tấn công trực diện với những dẫn
chứng sinh động, các luận điểm đanh thép, cách tiếp cận thuyết phục để phản bác
các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, khẳng định tính
đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đại hội XIII khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công
tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao
tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ
nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước”[4].
Thứ ba, làm tốt công tác
tuyên truyền, giáo dục đại chúng, tăng cường cung cấp thông tin chính thức một
cách kịp thời, hiệu quả cả ở trong nước cũng như nước ngoài, qua đó hạn chế tác
động tiêu cực của những thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế
lực cơ hội, thù địch.
Thứ tư, áp dụng các biện
pháp pháp lý trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, xây dựng ý thức
xã hội mới.
Xây dựng ý thức xã hội mới Việt Nam là một quá trình lâu dài, vừa
“xây” vừa “chống”, trong đó, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là một
trong những giải pháp cơ bản, là nội dung không thể thiếu để xây dựng ý thức xã
hội mới Việt Nam. Đây là cuộc đấu tranh đặc biệt, cần phát huy tính tích cực,
chủ động của các chủ thể mà hạt nhân là Đảng, Nhà nước, cấp ủy các cấp, đồng
thời không thể thiếu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, như Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc
riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn
dân và toàn quân”[5].
_________________
HỒNG
NHUNG – QUYẾT THẮNG
[1] Giáo
trình Triết học Mác - Lênin Dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Nxb
Lý luận chính trị (2021), tr.307-308.
[2] Phê phán
các luận điệu sai trái, xuyên tạc vấn đề “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng,
lyluanchinhtrivatruyenthong.vn.
[3] GS, TS
Nguyễn Xuân Thắng: Tư tưởng, lý luận với đổi mới và phát triển đất nước, Nxb
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.469
[4] ĐCSVN:
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2021, tr. 181.
[5] Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại
Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019, Báo Quân đội nhân dân, ngày
30-12-2019, tr.1.
