Sau 30 năm Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng trưởng thành, tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ và tài năng tổ chức hiện thực hóa các mục tiêu trên lộ trình đổi mới. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những ý kiến thiếu khách quan cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “vẫn điều hành xã hội bằng những nghị quyết đầy ảo tưởng khiến đất nước ngày càng lạc điệu so với nhịp phát triển của thế giới”. Thực tế đã chứng tỏ, chính những người thiếu thiện chí hay thù địch với Việt Nam mới đang “ảo tưởng” và “lạc điệu”.

Những tiếng nói khách quan

Ngay trong những ngày Đại hội lần thứ XII của Đảng diễn ra, từ nhiều nơi trên thế giới đã phát đi những ý kiến, nhận định, đánh giá về công cuộc đổi mới của Việt Nam. Chưa kể đến hàng trăm thư chúc mừng Đảng ta với những lời nhận xét tốt đẹp của lãnh đạo các quốc gia, các đảng cầm quyền và tham chính ở nhiều nước trên thế giới, chúng tôi xin chia sẻ một số nhận định của các nhà khoa học, những tiếng nói khách quan khắp thế giới.

Giáo sư V.Cô-lô-tốp, Đại học Tổng hợp quốc gia Xanh Pê-téc-bua (Liên bang Nga) nhận xét, trong 30 năm kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã giành được nhiều thành tích ấn tượng trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam đã duy trì chính sách cân bằng nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và đó cũng là chính sách đúng đắn đối với nhiều nước khác. Còn nhà kinh tế E.Vích-to-ri-nô, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2016. Dự đoán trong năm 2016 và 2017, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới… Bà Hê-len Clác, Tổng giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), mới đây đã khẳng định những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3% từ năm 1990 đến năm 2010, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người vào cuối hai thập niên này gấp gần năm lần so với đầu thập niên. Tỷ lệ số người cực nghèo đã giảm từ 63,7% vào năm 1993 xuống 4,3% vào năm 2010. Bà tin tưởng rằng với những lựa chọn đường lối, chính sách sáng suốt, Việt Nam có một tương lai tươi sáng.

Đảng có đường lối đúng, phù hợp thực tiễn

Để có những đánh giá khách quan của bạn bè quốc tế kể trên, không thể phủ nhận năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bàn về vấn đề này, GS, TS Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương) đã khẳng định: Thành công của 30 năm đổi mới không chỉ là những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại mà điều quan trọng hơn cả là qua thực tế đổi mới đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm cầm quyền, quản lý xã hội và tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết.


Đường vành đai 3 Hà Nội, tuyến cao tốc đô thị trên cao đầu tiên của cả nước. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)


Trước hết, về năng lực tư duy, năng lực xây dựng đường lối đổi mới: 30 năm đổi mới là 30 năm Đảng ta không ngừng phát triển tư duy lý luận, giúp chúng ta nhận thức con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ngày càng rõ hơn. Từ thực tiễn đổi mới, Cương lĩnh năm 2011 đã giúp chúng ta thống nhất mô hình, con đường, phương hướng đi lên CNXH ở nước ta. Nhận thức của Đảng về CNXH đã có những đổi mới căn bản so với quan niệm truyền thống về CNXH theo mô hình Xô-viết trước đây, phù hợp với thực tiễn lịch sử đã biến đổi. Những vấn đề lý luận hóc búa, trước đây do tư duy chưa đổi mới nên chúng ta chưa thể giải quyết được, như phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và đổi mới chính trị; quản lý phát triển xã hội… thì sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã từng bước giải quyết thấu đáo về lý luận. Đặc biệt là nhận thức về việc đổi mới mô hình, chính sách và cơ chế quản lý kinh tế của Đảng đã tạo sự ổn định và phát triển, giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội, không để xảy ra khủng hoảng chính trị, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, làm cho kinh tế phục hồi và tăng trưởng, từng bước thực hiện công bằng xã hội, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo được sự đồng thuận giữa Đảng-Nhà nước và nhân dân trong đổi mới và thực hiện mục tiêu của đổi mới, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước trên thế giới. Thông qua đổi mới, Đảng ta nhận rõ đổi mới không phải là xa rời Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà là nhận thức đúng, vận dụng và không ngừng phát triển sáng tạo học thuyết, tư tưởng đó, lấy đó làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, làm cơ sở phương pháp luận quan trọng để hoạch định và hoàn thiện đường lối đổi mới.
 Vấn đề cốt yếu để bảo đảm cho năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng chính là Đảng ta mang bản chất của giai cấp công nhân; mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc và CNXH; là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu của Đảng không chỉ phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của cả dân tộc mà cũng phù hợp với mục tiêu của các giai tầng mới, có vai trò ngày càng quan trọng trong động lực phát triển đất nước như tầng lớp trí thức, đội ngũ doanh nhân… Quan trọng hơn, mục tiêu ấy phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử loài người, phù hợp với xu thế thời đại. Vì thế, Đảng mới quy tụ và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm nên những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới.

“Lấy dân làm gốc” - bí quyết để thành công

Một nhân tố khác giúp Đảng ta luôn là “người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” là bởi Đảng ta có hệ thống tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên bản lĩnh, trí tuệ, trung thành, năng động và luôn luôn sáng tạo. Đây là một nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chiến đấu, năng lực tổ chức lãnh đạo của Đảng. Đảng được tổ chức chặt chẽ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm cho sự thống nhất của Đảng từ trên xuống dưới, từ cơ sở đến Trung ương. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng (hơn 4,5 triệu người) bao gồm những người được tôi luyện trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cùng đội ngũ những đảng viên trẻ có trình độ cao, ngày càng trưởng thành. Cán bộ, đảng viên ngày càng giàu trí tuệ và bản lĩnh; tuyệt đại đa số tận tụy, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đây chính là nhân tố đặc biệt quan trọng để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Theo GS, TSKH Vũ Minh Giang, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Đảng ta đã nhìn rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta, công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chiến lược được tiến hành bài bản, công phu; chưa có bao giờ đội ngũ cán bộ kế cận cấp chiến lược của Đảng lại dồi dào như lần này. Đây chính là điều mà các đại biểu dự Đại hội XII của Đảng công nhận, đánh giá cao và đó cũng là điều kiện để Đại hội XII lựa chọn, bầu ra 200 đại biểu ưu tú nhất vào Ban Chấp hành Trung ương, với cơ cấu hợp lý giữa kế thừa và phát triển, đủ sức làm nòng cốt tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Một thành tựu và cũng là bài học thành công của Đảng trong 30 năm đổi mới, đó là Đảng ta luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”. Quan điểm và bài học kinh nghiệm này được hiện thực hóa thông qua tài năng tổ chức, tập hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Tại Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Thực tiễn lịch sử 86 năm kể từ khi ra đời đến nay, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và đều giành được thắng lợi vẻ vang. Từ kết quả 30 năm qua có thể thấy: Đảng Cộng sản Việt Nam có đường lối đổi mới khoa học và phù hợp thực tiễn; có kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị dày dạn; có tổ chức vững mạnh từ Trung ương đến địa phương với đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành và sáng tạo; Đảng luôn “lấy dân làm gốc” và được tuyệt đại bộ phận nhân dân tin tưởng, giao phó trọng trách lãnh đạo; Đảng vừa tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vừa tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Đó là những tiêu chuẩn cơ bản, quan trọng nhất để hoàn thành sứ mệnh của một đảng cầm quyền. Nhìn lại và đánh giá đúng về năng lực lãnh đạo của Đảng giúp mỗi chúng ta có đủ “sức đề kháng” trước những thông tin xấu độc, thiếu thiện chí và thù địch với Đảng ta; giúp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng niềm tin, bừng lên sức sống mới, quyết tâm mới, phát huy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp để tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra.

Theo HỒNG HẢI (báo Quân đội Nhân dân điện tử)