Sự đổi thay tích cực, tiến bộ trên mọi miền đất nước

Xin được mở đầu bài viết này bằng tâm sự của anh Lê Đức Thắng, 48 tuổi, hiện là Việt kiều đang định cư tại thành phố Hăm-buốc (Đức) sau chuyến du lịch xuyên Việt mới đây cùng gia đình. Gần nửa tháng tham quan, thưởng ngoạn trên nhiều vùng quê đất nước, anh đã chứng kiến sự đổi thay “quá tuyệt vời” của đất nước mình. 29 năm trước, Lê Đức Thắng đi lao động hợp tác tại Đức, rồi định cư ở đó. “Do công việc làm ăn, tôi vẫn thường xuyên về Việt Nam, và vì thế, luôn có sự so sánh, kiểm chứng giữa những điều mình tận mắt chứng kiến và những lời đồn đoán, sàm bậy trên các trang mạng về tình hình Việt Nam”-anh Lê Đức Thắng chia sẻ.

Điều mà người Việt kiều quê gốc ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình này thấy rõ nhất là chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng nâng lên so với thời anh sang Đức định cư. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng rất thuận tiện và “lần nào về cũng có cái mới”; đó là các dịch vụ ăn, mặc, nghỉ ngơi, đi lại, mua sắm… đều rất phong phú, chất lượng và tiện lợi; đó là bộ mặt đô thị và các vùng nông thôn thay đổi từng ngày... Anh Thắng tỏ rõ sự phấn khởi và tự hào trước sự đổi thay của đất nước.
Ảnh minh họa theo internet. 


Tiếc rằng, sự thật ngời ngời ấy vẫn bị một số kẻ núp danh “tiến bộ, dân chủ, văn minh” hoặc một số phần tử bất mãn, biến chất xuyên tạc, bóp méo, để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. Một vài hình ảnh trẻ em vùng sâu, vùng xa ăn mặc nhếch nhác bị tung lên mạng internet hay những tấm hình cắt ghép vụng về, đặc tả sự vất vả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không thể “đại diện” cho một xã hội đang phát triển tích cực, tiến bộ cả bề rộng lẫn chiều sâu...
  Cần phải nói rằng, những thành tựu của nền kinh tế sau 30 năm Đổi mới có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Công cuộc Đổi mới đất nước thực sự là quá trình cải biến tích cực, thực chất, sâu sắc, toàn diện tại Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thành tựu về sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong 3 thập kỷ qua là điều đã được khẳng định và không thể phủ nhận. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã từng bước xây dựng được cơ sở vật chất-kỹ thuật từng bước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. So với thời kỳ trước Đổi mới, diện mạo đất nước có nhiều thay đổi căn bản, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên (đạt ngưỡng thu nhập trung bình), đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương, sau giai đoạn đầu đổi mới (từ năm 1986 đến năm 1990), mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Tiếp đó, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm, gấp đôi so với 5 năm trước đó. Giai đoạn 5 năm tiếp theo (1996-2000), mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), nhưng GDP của Việt  Nam vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm. Giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%. Giai đoạn 2006-2010, mặc dù bị tác động bởi cơn giảm phát toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Trong 5 năm trở lại đây, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 của Việt Nam tuy có chậm lại nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. 

Thành tựu về kinh tế còn được khẳng định ở một khía cạnh rất quan trọng, đó là quy mô nền kinh tế nước ta luôn tăng nhanh. Vào năm 2003, sau 16 năm Đổi mới, GDP bình quân đầu người ở nước ta mới chỉ đạt 471 USD/năm, thì đến năm 2015 vừa qua, quy mô nền kinh tế đã đạt khoảng 204 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 2.300 USD-một con số vô cùng ấn tượng. Đi cùng với thu nhập bình quân đầu người tăng cao thì công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng đạt được kết quả nổi bật. Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), với những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực của Đảng và Nhà nước, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo tính đến cuối năm 2015 của Việt Nam chỉ còn 9-10%, trong đó hộ nghèo còn dưới 5%. Thành tựu ấy đã được Liên hợp quốc đánh giá cao. Về điều này, chính đại diện của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã nhận xét, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều dự án của FAO, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm hoàn thành Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc với chính sách xóa đói giảm nghèo thực sự có hiệu quả.

Sau 30 năm Đổi mới, hầu hết các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển khá. Ngành công nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục, tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ được cải thiện. Sản phẩm công nghiệp phát triển ngày càng đa dạng và chất lượng, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển biến quan trọng. Trong đó, từ một quốc gia phải nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; xuất khẩu cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản cũng đứng thứ hạng cao trên thế giới. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, thông tin, viễn thông, thủy lợi… Một số ngành nghề, sản phẩm đang từng bước vươn ra chiếm lĩnh thị trường thế giới; hội nhập kinh tế của Việt Nam với nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, nhận định: Trong suốt mấy chục năm tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức độ phát triển như hiện nay đã chứng tỏ sức sống của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Khi những thỏa thuận về xóa bỏ hàng rào thuế quan trong Cộng đồng ASEAN có hiệu lực, chúng ta có niềm tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể đổ bộ sang ASEAN để chiếm lấy thị trường trên một số lĩnh vực như máy nông nghiệp, xi măng, nông sản… 

Tính đúng đắn, sáng tạo của kinh tế thị trường định hướng XHCN 

Một trong những nguyên nhân cơ bản, xuyên suốt, mang yếu tố quyết định đối với thành tựu phát triển kinh tế là Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, không ngừng bổ sung, hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN đã được thể chế hóa thành pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho nền kinh tế vận hành có hiệu quả. Đường lối lãnh đạo của Đảng đúng đắn; quá trình triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết Đảng nghiêm túc, thống nhất; kết quả và thành tựu trong phát triển kinh tế quan trọng, nổi bật… đã ngày càng khẳng định năng lực lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là cách nói “lấy được”, “thiếu tính khoa học”, “không thể có định hướng XHCN trong kinh tế thị trường”… như một số quan điểm thù địch, sai trái xuyên tạc lâu nay, mà đường lối đó được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Theo ông Hà Sỹ Đồng, thành viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Khóa XIII, kết quả quan trọng nhất, rõ ràng nhất trong cải cách thể chế kinh tế thời gian vừa qua chính là khâu rà soát, sửa đổi, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong không gian đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Có thể nói, một khối lượng đồ sộ các luật về kinh tế đã được Quốc hội thông qua nhằm luật hóa những tư duy, quan điểm mới về thể chế kinh tế thị trường hiện đại, trong đó phải kể đến Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Quản lý và sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... Trên nền tảng pháp lý mới ấy, tiến trình cải cách thể chế và tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang từng bước được triển khai. Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, nhờ công cuộc Đổi mới, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) có những phát triển đột phá, đóng góp quan trọng vào thành quả tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Khu vực kinh tế tư nhân đã có động lực phát triển mới, tiếp tục được Nhà nước tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để dần trở thành trụ cột thực sự của nền kinh tế.

Trong 30 năm Đổi mới, hàng trăm bộ luật và luật, hàng chục pháp lệnh đã tạo cơ sở pháp lý hình thành và thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Sự thật đó đã khẳng định nguyên tắc nền kinh tế có chế độ đa sở hữu, đa thành phần, nhiều hình thức phân phối; khẳng định nguyên tắc phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và vận hành thông suốt các loại thị trường; khẳng định nguyên tắc Nhà nước quản lý nền kinh tế theo các nguyên tắc của cơ chế thị trường; khẳng định nguyên tắc mở cửa, hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. 30 năm qua, Việt Nam đã dần hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường hàng hóa, dịch vụ đã có bước phát triển và hoàn thiện về quy mô, cơ cấu hàng hóa-thị trường trong và ngoài nước, kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, cơ chế quản lý, mức độ cạnh tranh. Thị trường tài chính, tiền tệ phát triển khá mạnh và sôi động. Thị trường bất động sản đã có bước phát triển nhanh chóng. Thị trường lao động đã được hình thành trên phạm vi cả nước. Thị trường khoa học-công nghệ đang hình thành và phát triển, số lượng và giá trị giao dịch công nghệ có bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Theo Ban Kinh tế Trung ương, đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Lẽ dĩ nhiên, trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế sau 30 năm Đổi mới, không thể không thừa nhận một thực tế là vẫn có những gam màu sáng tối, đậm nhạt. Trong đó, một số khu vực, vùng miền kinh tế còn chậm phát triển, đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam còn non trẻ, chưa thực sự phát triển đầy đủ, đồng bộ; khu vực doanh nghiệp nhà nước dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục;  khu vực kinh tế tư nhân còn yếu kém về quy mô và năng lực cạnh tranh… Tuy vậy, những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước vẫn là cơ bản, tích cực và tiến bộ. Đó là những giá trị không thể phủ nhận, xuyên tạc.

Theo LÊ THIẾT HÙNG (báo Quân đội Nhân dân điện tử)