Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, January 18, 2016 , 0 bình luận

Hiện nay, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đang ra sức chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Càng gần đến ngày tổ chức Đại hội XII của Đảng, sự chống phá đó của họ càng quyết liệt hơn. Trong đó, đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam” là luận điệu tuyên truyền cực kỳ thâm độc, nguy hiểm. Vì thế, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ trên là việc làm cần thiết, quan trọng.

Mục tiêu xuyên suốt, không bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nếu như trước kia, họ thường sử dụng các tổ chức đối lập, đấu tranh nghị viện,… để từng bước làm tan rã thể chế chính trị ở các quốc gia đối lập; thì nay, trong bối cảnh quốc tế mới, hình thức, phương pháp, thủ đoạn chống phá còn đa dạng, tinh vi và thâm độc hơn. Đặc biệt, trước thềm Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự kiện nước ta tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP),… các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, trong đó ra sức tuyên truyền kích động đòi “cải cách thể chế chính trị” ở Việt Nam, theo hướng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Họ ngụy biện rằng, chỉ có thực hiện “đa đảng đối lập” mới có dân chủ thật sự, còn nếu một đảng thì tất yếu sẽ dẫn đến chuyên quyền, độc đoán trong quá trình lãnh đạo đất nước, dân tộc. Thật là hết sức kệch cỡm, lố bịch! Đó là chưa nói tới việc họ cố tình quên hoặc lờ đi lịch sử cách mạng Việt Nam đã từng tồn tại nhiều đảng, nhưng rồi đều tự rút sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân, dân tộc thừa nhận, giao phó quyền lãnh đạo đất nước. Không phụ lại sự ủy thác và tin cậy đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thực tiễn lịch sử đó là không thể phủ nhận. Vậy mà các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị vẫn ra rả luận điệu kích động đòi phải “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” - thật trơ trẽn, nực cười!
Ảnh minh họa



Thực chất của cái gọi là “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam” không gì khác hơn là mưu toan nhằm từng bước hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng ta, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Âm mưu, thủ đoạn đó của họ gần đây có phần tiến hóa hơn, hình thức cũng đa dạng hơn và tính chất cũng thâm độc hơn. Họ thường lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của ta trong quá trình đổi mới đất nước để khoét sâu, thổi phồng, theo kiểu biến cái nhỏ thành cái lớn, cá biệt thành phổ biến, hiện tượng thành bản chất, từ đó quy kết thô thiển rằng: Đảng ta yếu kém, không đủ sức lãnh đạo đất nước. Cũng từ đó làm chệch hướng, lái sự nghiệp cách mạng nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đáng chú ý là, họ “luồn lách” vào từng vấn đề, từng khuyết điểm nhỏ nhất của sự nghiệp đổi mới để chống phá, nhất là những vấn đề nhạy cảm, như: quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; thậm chí cố tình lý giải sai lệch bản chất của những vấn đề trên để thực hiện mưu đồ đen tối. Họ cho rằng: “quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay đã xây dựng một xã hội mà vỏ ngoài là chủ nghĩa xã hội, nhưng bên trong là chủ nghĩa tư bản” (!).
Thực tiễn quá trình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế giới từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đến thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX đã bộc lộ sự trì trệ, kém phát triển cả về kinh tế, chính trị, xã hội,… đòi hỏi tất yếu phải đổi mới, cải tổ, cải cách phù hợp, nhằm xây dựng xã hội phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự nghiệp cải tổ, cải cách, đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô không thành công, làm cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước đó bị sụp đổ. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch coi đây là “thắng lợi lớn”, là “biện pháp giành chiến thắng không cần chiến tranh”, và Việt Nam được chúng xác định là một trong những mục tiêu tiếp theo, là “một trọng điểm” để chống phá.
Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã quyết định đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đến nay Đảng ta tiếp tục khẳng định mục tiêu của đổi mới là xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được xây dựng có hiệu quả hơn, thiết thực hơn trên thực tế; trong đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, xây dựng Đảng là khâu then chốt, v.v.
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận cao của toàn xã hội, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta từ tình trạng kém phát triển đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Kinh tế tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa - xã hội có bước phát triển. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố. Thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa được giữ vững, phát huy tính ưu việt, Nhà nước được xây dựng thực sự là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, v.v. Mọi người dân sinh sống trên đất nước Việt Nam và cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài yêu Tổ quốc, những người có lương tâm, lương tri đều thấy rõ những thành tựu đó và thống nhất rằng: không có thể chế chính trị nào có thể thay thế chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ đã được Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta lựa chọn; đã phải đổ biết bao xương máu, mới giành, giữ và phát triển như ngày nay. Trên thực tế, những thành tựu của 30 năm đổi mới đã thực sự nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đó thực sự là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để; đồng thời, là tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Chỉ có những kẻ thù địch, những phần tử cơ hội, những kẻ bán nước cầu vinh mới “đổi trắng thay đen”, rằng: “Công cuộc đổi mới 30 năm qua vẫn giữ nguyên chế độ độc đảng toàn trị, kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc” (!). Vì vậy, cần chuyển đổi thể chế chính trị “toàn trị” sang dân chủ, v.v. Thực tiễn đã chứng minh dân chủ và sự phát triển, ổn định của một quốc gia không phụ thuộc vào đa đảng hay độc đảng mà phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền khi đảng đó đại diện và phục vụ cho ai là chủ yếu. Một số nước, mặc dù thực hiện chế độ đa đảng nhưng ở đó làm gì có dân chủ. Thực tiễn cũng chứng minh, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, mặc dù có nhiều tổ chức, nhân sĩ có thừa lòng yêu nước, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân là đánh đuổi thực dân xâm lược, giành độc lập dân tộc, nhưng rốt cuộc đều thất bại; chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối  đúng và phương pháp đấu tranh phù hợp mới giành được thắng lợi. Đảng Cộng sản Việt Nam còn tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Về mặt pháp lý, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được hiến định trong các bản Hiến pháp - đạo luật gốc, cơ bản của Nhà nước và nhân dân. Với Hiến pháp năm 2013, điều đó được hiến định tại Điều 4. Qua quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được khẳng định và tạo niềm tin vững chắc trong lòng nhân dân, dân tộc Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Điều đó cũng cho thấy, luận điệu đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam” là khiên cưỡng, lố bịch, không ai có thể chấp nhận.
Để góp phần nâng cao cảnh giác và đấu tranh làm thất bại luận điệu tuyên truyền đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần thường xuyên cảnh giác, chủ động nhận diện, đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là về chính trị. Đặc biệt, chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định, vững vàng, tích cực nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình đổi mới ở nước ta, giải quyết tốt những vấn đề mới, như: nội hàm Đảng cầm quyền, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện Đảng cầm quyền, v.v. Bởi đây là những vấn đề kẻ thù đang cố tình lợi dụng hòng làm thay đổi chế độ chính trị, chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đồng thời, thấy rõ tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của sự nghiệp đổi mới, nhưng nhất định sẽ thành công.
Trước yêu cầu, điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi chúng ta phải nắm vững quy luật vận động khách quan của xã hội để có quyết sách phù hợp, giải quyết đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, cần đặt đúng vị trí đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế; tiếp tục tận dụng thời cơ do hội nhập mang lại để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời, có biện pháp, cách làm, bước đi đồng bộ, phù hợp để tháo gỡ những bất cập về tổ chức bộ máy, thể chế, cơ chế, chính sách. Như vậy sẽ không vô tình tạo ra kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng quá trình đổi mới đất nước để tuyên truyền kích động đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam”.
Mặt khác, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến thành công của sự nghiệp đổi mới. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm mọi quyền lực xã hội và nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là cơ sở, nền tảng vững chắc của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời là vấn đề cấp thiết, yếu tố trực tiếp làm thất bại luận điệu đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam” của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị.
Theo Đại tá, TS. NGUYỄN SỸ HỌA, Học viện Lục quân/tạp chí Quốc phòng toàn dân

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X