Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, March 07, 2016 , 0 bình luận

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân luôn “Tốt đời, đẹp đạo”. Vì vậy, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam ngày càng phát triển. Đó là sự thực khách quan không thể phủ nhận. 

>>Cảnh giác với những chiêu trò phá hoại bầu cử: Bài 1: Một kiến nghị trái Hiến pháp

>>Một số biện pháp đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng internet trong giai đoạn hiện nay

>>“Chủ thuyết khô cằn” - một luận điệu chống phá lạc lõng

>>Tỉnh táo trước những thủ đoạn chống phá núp bóng lịch sử

>>Nhận diện và đấu tranh làm thất bại âm mưu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang

>>Chủ động nhận diện, đấu tranh ngăn chặn “tự diễn biến”

>>Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV

>>Tư tưởng Hồ Chí Minh về ” chính trị trọng hơn quân sự” trong Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”

>>Thắng lợi của niềm tin



Ở Việt Nam, quyền tự do tôn giáo được khẳng định bằng luật pháp. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc”; từ đó, kiên trì chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân và đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phát triển tích cực, ổn định; đồng bào có đạo ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các bản Hiến pháp của Nhà nước ta đều quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “(1) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. (2) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. (3) Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước ta, như: Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ luật Dân sự, hoặc trong các văn bản dưới luật để hướng dẫn mọi tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) thông qua ngày 18-6-2004, Ðiều I quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau”.

Ảnh minh họa



Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của nền văn hóa Việt và nằm trong khuôn khổ pháp luật. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp văn hóa dân tộc, trong phạm vi pháp luật. Ðiều 8, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, một mặt khẳng định: “Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân”; mặt khác, quy định phạm vi, giới hạn của quyền ấy: “Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Ðiều 9 của Pháp lệnh cũng quy định: “Trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đồ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước thừa nhận, tôn trọng và bảo hộ. Việc cho rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là thiếu khách quan, cố tình xuyên tạc thực tế, có mục đích xấu, cần phải lên án, bác bỏ. 

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Hiện nay, nước ta có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với khoảng 30 triệu tín đồ, trên 100 nghìn chức sắc, chức việc, nhà tu hành, hàng chục cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hàng chục nghìn cơ sở thờ tự, v.v. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì, mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, I-ta-lia, Ấn Ðộ, v.v. Đại diện chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn, như: Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),… và có quan hệ với Vatican kể từ năm 1989. Trên cơ sở mối quan hệ này, Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay, đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện trên 20 chuyến thăm tới 60/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, do Phó Chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ…”. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb cũng đánh giá: “Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam,…”. Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.

Trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Lễ hội các tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng dân gian trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi cuốn hàng vạn người tham gia; coi đó không chỉ là nhu cầu tâm linh của các tín đồ, mà còn là nhu cầu sinh hoạt văn hóa của toàn dân. Nhu cầu chính đáng ấy được chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, làm cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo yên tâm, phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước. Những cơ sở thờ tự của các tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm, cho phép tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới. Nhiều cơ sở thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo trở thành danh thắng nổi tiếng, đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Phật giáo, trước năm 1975 chỉ có một trường cao đẳng, nay có bốn Viện đại học Phật giáo. Số người đi tu nghiệp ở nước ngoài tăng. Công giáo mở thêm các đại chủng viện để đào tạo linh mục. Số linh mục, giám mục tấn phong ngày một tăng. Sinh hoạt của Công giáo sống động từ giáo họ, giáo xứ đến giáo phận,... làm cho bà con giáo dân phấn khởi. Các tôn giáo khác, tùy theo hình thức đào tạo truyền thống của mình, cũng được Nhà nước chấp thuận mở các lớp đào tạo chức sắc. Ngoài ra, Nhà nước còn cho phép nhiều người đi tu nghiệp, học tập và thăm viếng ở nước ngoài, trong đó có nhiều người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Sau khi Nhà xuất bản Tôn giáo được thành lập, đã có hàng trăm đầu sách của tôn giáo được xuất bản. Quan hệ đối ngoại giữa các cá nhân và các tổ chức tôn giáo cũng được mở rộng.

Ở Việt Nam, tín đồ và chức sắc các tôn giáo đã và đang yên tâm hành đạo và tin tưởng ở chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng, Nhà nước ta. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo đường hướng: “Ðạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, thực hiện “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng “kính Chúa yêu nước”, vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo. Hàng chục triệu tín đồ các tôn giáo khác nhau đã, đang và tiếp tục cùng nhau và cùng toàn dân tìm thấy sự tương đồng, mẫu số chung ở mục tiêu phấn đấu cho: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những chủ trương, chính sách và thành công trong việc thực hiện chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua là lớn lao, không thể phủ nhận. Thực tiễn đã trả lời cho câu hỏi, nếu Việt Nam hạn chế tôn giáo, vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì các tổ chức tôn giáo có thể xác lập được vị trí, phát triển ổn định và các tôn giáo ở Việt Nam có thể hội nhập toàn cầu như hiện nay hay không? 

Đoàn kết tôn giáo đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðoàn kết tôn giáo, tự do tín ngưỡng là quan điểm cơ bản và cũng là nội dung chủ yếu của chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước ta. Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Ðộc lập ở Quảng trường Ba Ðình (ngày 02-9-1945), trong buổi chủ tọa phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố “tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Từ đó đến nay, quan điểm ấy của Người đã trở thành định hướng chung cho việc hoạch định và thực thi chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước Việt Nam và trở thành truyền thống tốt đẹp, di sản quý báu của dân tộc mà mọi người có trách nhiệm giữ gìn và phát huy. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi công tác tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo,... về tôn giáo và công tác tôn giáo. Trong đó, xác định phương hướng và mục đích cơ bản của hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo là nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Kế thừa tư tưởng của Bác Hồ, đoàn kết tôn giáo luôn được Ðảng ta quan tâm đúng mức, theo tinh thần “đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo”, với mục tiêu là củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðã là người dân đất Việt với niềm tự hào “con rồng cháu tiên”, dù có đạo hay không có đạo; dù ở trong nước hay ở ngoài nước, ai cũng đều mong đất nước Việt Nam cường thịnh. Ðó là mẫu số chung, là sự tương đồng để đoàn kết mọi người mang dòng máu Lạc - Việt. 

Không thể đánh lận giữa tự do tôn giáo và hành vi phạm tội. Đi đôi với tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, pháp luật của Việt Nam cũng nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản các tín đồ thực hiện nghĩa vụ công dân; đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: “Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, v.v.”. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ tôn giáo nào được phép đứng ngoài luật pháp, đứng ngoài dân tộc, đứng trên lợi ích quốc gia. Một yêu cầu khách quan đặt ra trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam là dù nội sinh hay ngoại sinh, các tôn giáo muốn phát triển đều phải hòa đồng với dòng chảy văn hóa của dân tộc và phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Khi xem xét, giải quyết các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, một trong những yêu cầu cơ bản mà Nhà nước Việt Nam đặt ra là trong sáng, vô tư, không có sự phân biệt hay đối xử thiên vị giữa các tôn giáo. Thực tế ở Việt Nam không có hiện tượng chống tín ngưỡng, tôn giáo, mà chỉ chống những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm an ninh quốc gia. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền vô giới hạn, vì vượt qua phạm vi nào đó sẽ lại vi phạm vào quyền chính đáng của những người khác. Tự do theo nghĩa chân chính là tự do của người này, cộng đồng này không vi phạm đến tự do của người khác và cộng đồng khác. Chẳng có quốc gia nào mà cá nhân và tổ chức tôn giáo được hoạt động ngoài vòng pháp luật của quốc gia đó.

Tuy nhiên, một số nước phương Tây đã thông qua nhiều cái gọi là nghị quyết, dự luật về tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền không phản ánh thực tế đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Hằng năm, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đều công bố Báo cáo tình hình tự do tôn giáo, với nhiều nội dung thiếu khách quan, thậm chí vu cáo, xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Họ cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; đòi trả tự do cho những đối tượng là chức sắc tôn giáo vi phạm pháp luật; đòi trả lại đất đai cho các tôn giáo mà chính quyền đã quốc hữu hóa, v.v. Họ thường cho rằng, Việt Nam kiểm soát hoạt động tôn giáo bằng luật và giám sát hành chính, hạn chế nghiêm ngặt hoạt động tôn giáo độc lập và đàn áp các cá nhân và nhóm tôn giáo. Không chỉ thế, họ còn hỗ trợ cho các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài, như: tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Đảng Vì dân”, “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam”, các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn, chống đối, linh mục cực đoan quá khích,… nhằm chống Đảng, Nhà nước ta. Chúng ra sức kích động chức sắc, tín đồ tôn giáo trong nước chống đối, gửi “thỉnh nguyện thư” lên các tổ chức “dân chủ”, “nhân quyền” quốc tế đề nghị can thiệp, đòi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho số đối tượng vi phạm pháp luật bị chính quyền xử lý mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”. Cá biệt, một số đối tượng là chức sắc cực đoan trong các tôn giáo gắn vấn đề tôn giáo với dân chủ, nhân quyền, tăng cường câu kết với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị,… để tuyên truyền, cổ súy tư tưởng đa nguyên, đa đảng, thực hiện cái gọi là “xã hội dân sự”, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và đòi tư hữu hóa đất đai; kích động giáo dân tụ tập, khiếu kiện đông người, chống đối chính quyền, gây phức tạp an ninh, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Đó là những hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn đối với một quốc gia có chủ quyền.

Trong khi đó, ai cũng biết, ngay tại nước Mỹ, luật pháp các bang cũng quy định rất rõ hành vi chống chính quyền và chế tài xử phạt tương ứng. Đặc biệt, các tòa án ở Mỹ cũng rất nghiêm khắc đối với các hành vi chống chính quyền. Bất kể cá nhân nào có hành vi danh xưng tôn giáo để tập hợp lực lượng, chống nước Mỹ đều bị cơ quan bảo vệ pháp luật ở các bang bắt, xử lý. Vậy thì hà cớ gì, những hành vi lợi dụng tự do tôn giáo để vi phạm pháp luật, chống chính quyền của một số đối tượng ở Việt Nam, khi bị cơ quan tiến hành tố tụng bắt, xử lý, lại bị đánh lận thành "đàn áp tôn giáo"? Trong nhiều lần làm việc với cá nhân, tổ chức có trách nhiệm nước ngoài, trong đó có Bộ Ngoại giao Mỹ, Việt Nam đã đề nghị cần có cách nhìn đầy đủ, khách quan, tôn trọng sự thật tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Nếu như ngay tại nước Mỹ, việc họ tiếp cận thông tin có những sai lệch, thì Việt Nam đã rất thiện chí, tạo điều kiện để việc tìm hiểu thực tế tôn giáo đảm bảo khách quan. Việc đánh giá, theo đó, cần tuân thủ nguyên tắc và thiện chí này.

Những điều trên cho thấy, không thể phủ nhận tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, nhận diện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống đối chế độ là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam.
 
Theo QUANG LÊ (tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X