Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Monday, May 16, 2016 , 0 bình luận

Càng gần ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, thì sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị càng quyết liệt. Họ dùng mọi thủ đoạn tinh vi, thâm độc; trong đó chiêu bài dân chủ tiếp tục được sử dụng - rằng: không có dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam.

>>Nhiệt huyết cần đi đôi với tỉnh táo

>>Kỳ 2: “Hiện tượng lạ” cần cảnh báo, ngăn chặn (tiếp theo và hết)

>>Hãy chung tay sát cánh cùng bà con ven biển

>>Một sự thật lịch sử không thể phủ nhận

>>Đỗ Phủ và J.Nguyễn - họ là ai?

>>Ngăn chặn âm mưu tiếp tục biểu tình gây rối

>>Thủ tướng yêu cầu: Xử lý hành vi lợi dụng việc cá chết để kích động gây rối

>>Sự thật Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

>>Jean Lacouture: Việt Nam - một đất nước đáng khâm phục (Tiếp theo và hết)

>>Jean Lacouture: Việt Nam - một đất nước đáng khâm phục (bài 1)!

>>Nguyễn Xuân Diện, Cấn Thị Thêu, ... được mùa "cá" biển miền Trung

>>Bản chất phản động của Việt Tân bị lật tẩy sau vụ cá chết ở miền Trung

>>Đừng mượm cớ để gây rối

Cần khẳng định, đó là sự xuyên tạc, vu khống trắng trợn, hết sức lố bịch. Luận điệu tuyên truyền đó chỉ có thể lừa bịp được những người nhẹ dạ chưa hiểu về Việt Nam, chưa có điều kiện nghiên cứu lịch sử bầu cử ở Việt Nam qua 70 năm nói chung và tiến trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 nói riêng. Còn đối với số đông đã biết, đã hiểu thực tế bầu cử ở Việt Nam sẽ dễ dàng thống nhất với khẳng định đã nêu.



Một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Đây là kết quả của quá trình thực hiện đường lối đổi mới, tiến hành tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng về xây dựng nhà nước; phù hợp với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Để thực hiện mục tiêu đó, vấn đề cơ bản và quan trọng hàng đầu là thực hiện bầu cử dân chủ. Có như vậy, mới bảo đảm cho nhân dân lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, thay mặt mình quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Tức là, bầu cử dân chủ là tiền đề để nhân dân thực hiện ý chí của mình - điều cốt lõi trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mà ý chí đó là quyền lực cơ bản của mọi quyền lực nhà nước trong một chế độ dân chủ, như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 khẳng định: “Ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự” (Điểm 3, Điều 21).

Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng và để người dân thực hiện ý chí của mình, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới vào tháng 01 - 1946. Tại phiên họp của Chính phủ lâm thời (03-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “... tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân để cử ra một Chính phủ thật sự của toàn dân và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới. Người kêu gọi nhân dân hãy phát huy tinh thần tự chủ, giới thiệu những người có đức, có tài, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, có tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, hoặc tự ứng cử để gánh vác công việc của quốc dân giao phó. Thời điểm đó, mặc dù đất nước đang đứng trước muôn vàn khó khăn bởi thù trong, giặc ngoài với những âm mưu đen tối của các thế lực phản động định tiêu diệt cách mạng Việt Nam, cũng như “giặc đói”, “giặc dốt”,... là di chứng của chế độ thực dân, đế quốc để lại, nhưng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã thu hút tuyệt đại đa số cử tri cả nước tham gia và thành công tốt đẹp. Đó là một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của thể chế dân chủ ở Việt Nam. Với trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân, Quốc hội khóa I đã hết lòng vì dân, vì nước, hoàn thành trọng trách nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang trước lịch sử. Từ Quốc hội khóa II đến nay, pháp luật về bầu cử của nước ta ngày càng đổi mới, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm dân chủ, quyền ứng cử, bầu cử, tham gia quản lý xã hội của người dân ngày một tốt hơn. Qua 13 khóa Quốc hội, chất lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội ngày một tăng lên; tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đông hơn, trách nhiệm đối với lá phiếu cao hơn. Theo đó, chất lượng đại biểu và hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng cao. Đại biểu Quốc hội là những người có đức, tài, tín nhiệm cao, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong mọi hoạt động, nhất là trong quyết định các chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước. Những thành quả của cách mạng Việt Nam 70 năm qua đã khẳng định vai trò to lớn của Quốc hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và có được điều đó cũng là kết quả của bầu cử dân chủ - dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ thực chất, tuyệt nhiên không phải là hình thức, giả hiệu.

Thế nhưng, các “nhà dân chủ” vẫn tìm mọi cách để phủ nhận các giá trị đó và mưu toan phá hoại Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV của ta bằng những thủ đoạn thấp hèn, lố bịch. Họ tâng bốc bầu cử ở phương Tây để dèm pha bầu cử trong nước; coi các quy định của pháp luật bầu cử ở Việt Nam, nhất là vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong hiệp thương để lập danh sách bầu cử là “dân chủ giả hiệu”, là “cái bẫy” đối với người tự ứng cử. Rằng: bầu cử ở Việt Nam là “Đảng cử, dân bầu”; ở đó “người dân được cung cấp một mâm cơm đã soạn sẵn, ăn gì, ăn bao nhiêu, mắm muối thế nào đã được hệ thống quyền lực áp đặt trước”(!) Đây là những luận điệu vu khống, xuyên tạc trắng trợn, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân dân ta trong thực hiện quyền bầu cử dân chủ của mình.

Xin hỏi các “nhà dân chủ”: có phải trên thế giới, các nước đều tổ chức bầu cử giống nhau, hay mỗi quốc gia đều có cách thức bầu cử riêng? Trong tiến trình bầu cử, để có những ứng cử viên chất lượng bầu vào quốc hội, các nước trên thế giới đã làm gì, nếu không phải là đề ra những quy định chặt chẽ nhằm tìm được những người xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử? Có quốc gia nào trên thế giới, mà các đảng chính trị không giới thiệu đảng viên của mình ra tranh cử quốc hội?

Thực tiễn cho thấy, mỗi quốc gia có pháp luật bầu cử và cách thức tiến hành bầu cử khác nhau, tùy theo chế độ chính trị, truyền thống, văn hóa, kinh tế của mình. Các nước đều đề ra các quy phạm pháp luật, từ khẳng định nguyên tắc bầu cử, quy định số lượng đại biểu,… đến công bố kết quả bầu cử để điều chỉnh việc tổ chức và trình tự các bước tiến hành bầu cử. Riêng giới thiệu ứng cử viên, hầu hết đều do các đảng phái chính trị thực hiện. Thí dụ, ở Cộng hòa Liên bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên vào Nghị viện là độc quyền của các đảng chính trị. Ở Mỹ - quốc gia tự cho là “dân chủ nhất” - việc lựa chọn ứng cử viên để bầu cử tổng thống, thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ chủ yếu chỉ có đảng Cộng hòa, hoặc đảng Dân chủ luôn cạnh tranh nhau. Việc làm này được thực hiện sau khi tiến hành bầu cử sơ bộ, mà thực chất là cuộc tổng duyệt của các đảng trước khi bầu cử chính thức. Các ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ mới chỉ là điều kiện cần để đảng đó xem xét có tiếp tục đại diện cho mình trong cuộc tổng tuyển cử hay không. Còn đối với ứng cử viên của các đảng phái khác, thì khả năng trúng cử của ứng cử viên tự do rất thấp, bởi họ khó có thể cạnh tranh nổi với hai đảng này. Mặt khác, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát bộ máy chính quyền, nên không có gì ngạc nhiên khi hai đảng này lại đặt ra thêm những quy tắc bầu cử có lợi cho mình. Ví như, việc cho phép một đảng mới được tham gia tranh cử ở một bang nào đó là một quy trình rất tốn kém và mệt mỏi, đòi hỏi phải có những bản kiến nghị với hàng chục ngàn chữ ký và khả năng thu hút được một tỷ lệ phiếu đạt “ngưỡng” trong các cuộc bầu cử sau đó thì mới có thể tiếp tục được có tên trong phiếu bầu và còn nhiều rào cản khác nữa nhằm hạn chế sự tham gia của các đảng thứ ba, v.v. Nhưng dù là ứng cử viên của các đảng phái hay ứng cử viên tự do, muốn lọt được vào danh sách bầu cử, đều phải do các cơ quan phụ trách bầu cử xem xét, nếu đủ điều kiện mới được đưa vào lập danh sách bầu cử. Điều đó cho thấy, mỗi quốc gia, dù trình độ dân chủ thế nào, cũng đều có cách thức tổ chức bầu cử khác nhau, có quy định ngặt nghèo để lựa chọn, bầu được người tài lãnh đạo đất nước. Các ứng cử viên hầu hết đều là người thuộc một đảng phái nhất định. Vì vậy, điều hiển nhiên là không thể áp đặt một mô hình bầu cử chung cho mọi quốc gia, và cũng không thể khẳng định rằng mô hình bầu cử của quốc gia này ưu việt, dân chủ hơn quốc gia khác.

Ở Việt Nam hiện nay, việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật Bầu cử). Theo đó, Luật Bầu cử xác định nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 1). Quyền bầu cử và quyền ứng cử của công dân được quy định: mọi công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 2). Về điểm này - quyền ứng cử - ở Việt Nam còn tiến bộ, thông thoáng hơn cả Mỹ1. Đồng thời, Luật Bầu cử cũng quy định rõ các nội dung và trình tự tiến hành bầu cử, như: cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội; xác định ngày bầu cử; phương thức tổ chức đơn vị bầu cử; khu vực bỏ phiếu; tổ chức phụ trách bầu cử; lập danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương giới thiệu người ứng cử; tổ chức vận động bầu cử; trình tự bỏ phiếu; kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử. Trình tự và nội dung đó được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và nhân dân, chứ không phải là “hình thức”, hoặc mang tính “trình diễn”. Chẳng hạn, việc giới thiệu ứng cử và tự ứng cử được quy định cụ thể: các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang có quyền giới thiệu người của mình ra ứng cử và các cá nhân có quyền tự ứng cử. Bởi vậy, trong thực tế, không chỉ Đảng Cộng sản Việt Nam, mà mọi tổ chức, cá nhân đều thực hiện quyền giới thiệu người ứng cử hoặc tự ứng cử; mọi hành vi cản trở việc đó đều vi phạm pháp luật và bị xử lý theo luật định. Thực tế hiện nay cho thấy, số người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, tính đến ngày 30-3-2016 là 162 người (riêng Hà Nội có 47 người). Đó không phải là một bằng chứng của bầu cử dân chủ hay sao? Tuy nhiên, muốn có tên trong danh sách bầu cử, mọi ứng cử viên, không phân biệt, đều phải trải qua các vòng hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc chủ trì để cử tri nơi công tác và nơi cư trú góp ý, lựa chọn bằng hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.

Các “nhà dân chủ” hẳn nhiên sẽ đặt câu hỏi: tại sao phải hiệp thương lựa chọn ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử và tại sao chủ trì hiệp thương lại là Mặt trận Tổ quốc chứ không phải ai khác? Câu trả lời đơn giản: số lượng ứng cử viên bao giờ cũng nhiều hơn so với số lượng đại biểu được bầu. Bởi vậy, bất cứ quốc gia nào cũng phải tìm cách sàng lọc để lựa chọn được các ứng cử viên bảo đảm chất lượng ứng cử bầu làm đại biểu quốc hội. Ở nhiều nước trên thế giới, việc làm đó là quyền hạn của cơ quan phụ trách bầu cử. Ở Việt Nam, quyền này thuộc về nhân dân. Để cử tri thực hiện tốt quyền hạn đó, Luật Bầu cử quy định Mặt trận Tổ quốc là cơ quan chủ trì hiệp thương. Bởi lẽ, Mặt trận Tổ quốc là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; nơi tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội,... nên chủ trì hiệp thương là hợp tình, hợp lý nhất. Còn thắc mắc: tại sao lại cần lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú? Xin thưa: vì họ là những người sâu sát, có đủ thông tin về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cũng như năng lực công tác của ứng cử viên, v.v. Thực hiện quy định đó, tại hội nghị cử tri, đối chiếu với tiêu chuẩn người ứng cử đại biểu Quốc hội, người dân sẽ quyết định ai xứng đáng đưa vào danh sách bầu cử để bầu làm đại biểu Quốc hội. Ở đó, mọi người đều bình đẳng; không có chuyện “phân biệt đối xử”, hay “đấu tố” như ai đó rêu rao. Dù là đảng viên hay người ngoài Đảng, nếu đạo đức, phẩm chất, tư cách kém, không “một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân” thì không được cử tri lựa chọn. Đó là tất nhiên, chắc các nhà “dân chủ” cũng hiểu!

Tiến trình bầu cử Quốc hội ở nước ta tuân thủ một quy trình chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, khách quan, với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Mỗi bước trong tiến trình đó, các tổ chức và cá nhân có liên quan phải hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Người dân trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình, giám sát chặt chẽ mọi quy trình bầu cử. Đồng thời, tại nơi bỏ phiếu, bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu vào Quốc hội. Như vậy, những lập luận cho rằng, bầu cử ở Việt Nam là áp đặt, mất dân chủ, người dân phải “ăn một mâm cơm đã dọn sẵn”,… đều là xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu, hòng phủ nhận bản chất của chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó chuyển hướng nước ta theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Bằng tinh thần cảnh giác và kiên quyết, chúng ta cần đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, bảo đảm cho Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công tốt đẹp, là một bước tiến để đi tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo VINH HIỂN (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
___________________         
1 - Hiến pháp Mỹ quy định người ứng cử vào Hạ viện ít nhất phải đủ 25 tuổi, là công dân Mỹ được ít nhất 7 năm và là người cư trú hợp pháp tại bang mà họ muốn đại diện. Ứng cử viên vào Thượng viện ít nhất phải 30 tuổi, là công dân Mỹ được ít nhất 9 năm và là người cư trú hợp pháp tại bang mà họ muốn đại diện. Các ứng cử viên vào các chức vụ ở bang và địa phương phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của các bang và địa phương đó.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

Học tiếng anh
Floating Image X