Một trong những thủ đoạn thâm hiểm của chúng là ra sức xuyên tạc, làm cho nhiều người hiểu sai lệch về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung, trong bầu cử nói riêng.
Một số kẻ đã hồ đồ cho rằng, việc Đảng lãnh đạo bầu cử là vi phạm Hiến pháp “có hệ thống”, rằng cả 5 bản Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 của Việt Nam đều bị vi phạm suốt 70 năm nay (!). Chúng cố “chứng minh”: Các bản Hiến pháp hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là đã đặt Đảng cao hơn Quốc hội, “là một hành động vi hiến cực kỳ nghiêm trọng” (!). Có kẻ còn xuyên tạc: “Tổng Bí thư khẳng định Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng là Hiến pháp bị đặt dưới Cương lĩnh của Đảng”(!).
Những đối tượng chống phá đó đã không biết phân biệt hay cố tình không phân biệt sự khác nhau giữa đảng lãnh đạo và đảng cầm quyền?
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, đảng lãnh đạo là đảng đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện. Còn cầm quyền là nắm giữ chính quyền nhằm lãnh đạo và quản lý toàn xã hội. Đảng cầm quyền là đảng đại diện cho một giai cấp nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm trước hết, phục vụ lợi ích của giai cấp mình. Khi đảng đã giành được chính quyền thì đảng lãnh đạo bằng chính quyền, thông qua chính quyền. Trở thành đảng cầm quyền thì đường lối, chủ trương của đảng sẽ được thể chế hóa thành Hiến pháp, pháp luật và chính sách mang tính pháp lý để toàn xã hội thực hiện.
Quân dân thị trấn Trường Sa xem danh sách cử tri  và ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Phú Sơn


Xác định một đảng cầm quyền phải căn cứ vào các yếu tố: Được Hiến pháp và pháp luật thừa nhận về cầm quyền; có vai trò quyết định trong lập hiến và lập pháp (nghĩa là phải nắm được cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đó là quốc hội hoặc tổng thống); trực tiếp đưa đảng viên của đảng nắm các chức vụ quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước, giữ vai trò quyết định mọi hoạt động đối với bộ máy đó.
Thực tế, tại các nước phương Tây, trong các liên minh cầm quyền, có đảng chỉ tham gia lãnh đạo chính quyền, nhưng không giữ vai trò quyết định. Đó là đảng lãnh đạo, không phải đảng cầm quyền. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản vừa là đảng lãnh đạo, vừa là đảng cầm quyền. Bởi lẽ, đối chiếu với các yếu tố xác định là đảng cầm quyền ở trên thì Đảng Cộng sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó. Quá trình hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, Đảng giữ vai trò lãnh đạo các tầng lớp nhân dân; khi có chính quyền, Đảng trở thành đảng cầm quyền, nhưng vẫn lãnh đạo nhân dân. Đảng Cộng sản không chỉ lãnh đạo xã hội, mà quan trọng hơn là lãnh đạo Nhà nước. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền cũng là Đảng lãnh đạo chính quyền. Nói cách khác, Đảng không lãnh đạo thì không thể cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo đồng thời là đảng cầm quyền, nên các bản Hiến pháp của nước ta đã thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng Cộng sản như Tổng Bí thư phát biểu là hoàn toàn đúng về lý luận cũng như thực tiễn thế giới.
Nhằm phá hoại cuộc bầu cử hiện nay, các thế lực xấu tung ra luận điệu “người dân được đi bầu nhưng toàn bộ quá trình, quy trình, thủ tục bầu cử vẫn bị chi phối, chịu tác động bởi Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đây tiếp tục là sự xuyên tạc trắng trợn vai trò lãnh đạo của Đảng. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nữa, Đảng lãnh đạo bằng đường lối chứ không làm thay hay áp đặt. Việc cử tri lựa chọn ứng viên nào là quyền của mỗi người, Đảng hoàn toàn không áp đặt cử tri phải bỏ phiếu cho người này hay người khác, đặc biệt không có chuyện áp đặt cử tri phải bỏ phiếu cho người của Đảng. Đồng thời, việc lãnh đạo của Đảng không có mục đích nào khác ngoài mục đích để cuộc bầu cử thành công thắng lợi, thực sự để cử tri lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài phụng sự đất nước, dân tộc; bảo đảm an ninh, an toàn, phát huy dân chủ, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân. Tại Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã yêu cầu “bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật”; “bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”; “bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật”. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng chỉ để người dân thực hiện quyền công dân của mình tốt hơn là hết sức đúng đắn, thực chất và cần thiết.
Hiến pháp nước ta hiến định: Ở Việt Nam, thực hiện bỏ phiếu tự do, trực tiếp và kín. Điều đó, không đồng nghĩa với những ai ứng cử thì cứ thế “mang ra bầu”! Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố năm 2015 quy định về Hội nghị Hiệp thương, là hội nghị giữa các tổ chức chính trị-xã hội và tổ chức xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội nghị này cùng với vai trò của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là cơ chế dân chủ quan trọng trong bầu cử Quốc hội, nhằm bảo đảm đúng tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu và tạo sự đồng thuận xã hội. Nếu không có Hội nghị Hiệp thương thì không thể có một danh sách đề cử mang đầy đủ tính đại diện (các giai cấp, tầng lớp, thành phần dân tộc, giới tính, tôn giáo,…) tham gia cơ quan quyền lực Nhà nước; không sàng lọc, lựa chọn được những ứng cử viên thực sự đáp ứng tốt những tiêu chí của một đại biểu dân cử; do đó, không thể bảo đảm quyền của người dân tham gia vào công việc quản lý Nhà nước. Trên thực tế, cử tri thường dựa vào kết quả hiệp thương để lựa chọn ứng viên khi bỏ phiếu. Vậy thì, Hội nghị Hiệp thương là rất cần thiết.
Các thế lực thù địch, các nhà “dân chủ” đã cố tình lờ đi một thực tế, ngay ở các quốc gia theo chế độ đa đảng, các ứng viên của mỗi đảng cũng phải trải qua việc tranh cử bằng cách bầu ở cơ sở, địa phương. Cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng mà họ lựa chọn. Do đó, số đại biểu của các đảng chính trị trong nghị viện (quốc hội) thường chiếm đa số. Số đại biểu tự do trúng cử không nhiều. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nên đại biểu Quốc hội là đảng viên của đảng chiếm đa số cũng là lẽ đương nhiên, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng.
Thượng tá, TS NGUYỄN TIẾN HẢI (Báo Quân đội Nhân dân điện tử)