Đăng bởi BÁO ĐẤU TRƯỜNG DÂN CHỦ lúc Sunday, September 05, 2021 , 0 bình luận

Sau 20 năm tiến hành “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan, Mỹ và NATO sẽ rút toàn bộ quân đội khỏi quốc gia này trước ngày 11/9/2021. Tuy nhiên, quyết định rút quân này có mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan hay không vẫn là một ẩn số chỉ có thời gian mới có câu trả lời thỏa đáng.

Nhìn lại cuộc chiến tranh “chống khủng bố” ở Afghanistan

Sau khi Liên Xô - quốc gia đóng vai trò là một cực trong trật tự thế giới lưỡng cực của Chiến tranh lạnh, sụp đổ vào năm 1991, Mỹ nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu là xây dựng trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ triển khai chiến lược toàn cầu trên nhiều hướng, trong đó có hai hướng đáng chú ý. Thứ nhất, trái với cam kết sẽ không mở rộng NATO sau khi đạt được thỏa thuận với Liên Xô về việc dỡ bỏ bức tường Berlin và thống nhất nước Đức vào năm 1989, Mỹ tiếp tục mở rộng liên minh này và sử dụng nó làm lực lượng xung kích để thực hiện chiến lược toàn cầu sau Chiến tranh lạnh. Để biện minh cho chủ trương tiếp tục mở rộng NATO trong bối cảnh không còn đối thủ là Liên Xô và Khối quân sự Warsaw của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Mỹ cần phải tạo ra đối thủ “xứng tầm” được Washington gọi là “chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Thứ hai, Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội mà không một quốc gia nào có thể ngăn cản để thiết lập “các thể chế dân chủ” hướng theo quỹ đạo của Washington ở các nước thuộc “thế giới thứ ba”. Đóng vai trò quan trọng trong “thế giới thứ ba” là các quốc gia nằm trong vành đai địa chính trị được Washington gọi là Đại Trung Đông kéo dài từ Afghanistan qua các khu vực Trung Á, Nam Á, bán đảo Balkan và Bắc Phi - Trung Đông. Sự kiện 11/9/2001 mở đầu quá trình hiện thực hóa hai hướng triển khai chiến lược này của Mỹ sau Chiến tranh lạnh.

Chỉ một ngày sau cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ và kinh hoàng nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ G.W. Bush tuyên bố trước toàn thế giới rằng, Osama bin Laden - chỉ huy mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang được chính quyền Taliban che chở ở Afghanistan là “kẻ chủ mưu”. Thay vì chỉ cần sử dụng lực lượng đặc nhiệm và tình báo để truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden, Tổng thống G.W. Bush tuyên bố phát động “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan. Kể từ thời điểm đó, Washington tuyên bố chủ nghĩa khủng bố trở thành nguy cơ có tính toàn cầu không chỉ đối với an ninh quốc gia của Mỹ và đồng minh, mà còn đối với cả thế giới. Cũng kể từ thời điểm này, NATO có cơ sở để tồn tại lâu dài như là lực lượng trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế. Mỹ rất cần tạo dựng kẻ thù có tính toàn cầu không chỉ để biện minh cho sự tồn tại của NATO, mà còn lôi kéo các quốc gia khác tập hợp dưới “ô an ninh” của Washington. Theo đó, khi phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Tổng thống G.W. Bush kêu gọi các quốc gia trên thế giới đi theo Mỹ để cùng “chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Ngoài ra, bằng quyết định phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan với khẩu hiệu mang lại “nền tự do bền vững” cho quốc gia này, Mỹ còn mở đầu quá trình sử dụng sức mạnh quân sự để thiết lập “các thể chế dân chủ” ở các quốc gia trong vành đai địa chính trị Đại Trung Đông1.

Sau 20 năm nhìn lại, mục tiêu do Mỹ đề ra trong “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” ở Afghanistan đã thất bại. Taliban không những không bị tiêu diệt mà còn giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở vùng nông thôn của Afghanistan, uy hiếp sự tồn vong của chính thể do Mỹ dựng lên ở Kabul. Từ chỗ bị Washington coi là kẻ thù cần phải tiêu diệt, Taliban được Mỹ chấp nhận như một đối tác đàm phán để ký Thỏa thuận hòa bình vào ngày 29/02/2020. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố quốc tế không những không bị Mỹ tiêu diệt, mà còn lan tỏa tới nhiều khu vực trên thế giới, như: Trung Đông - Bắc Phi, Đông Nam Á, thậm chí cả ở châu Âu. Do đó, quyết định của Mỹ và NATO rút quân khỏi Afghanistan đồng nghĩa với việc gián tiếp công nhận thất bại trong cuộc chiến kéo dài 20 năm ở quốc gia này. Ngày 08/7/2021, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden tuyên bố quân đội Mỹ “đã đạt được các mục tiêu” tại Afghanistan sau gần 20 năm phát động cuộc chiến tại quốc gia này, như: tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, làm suy yếu tổ chức khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn nhiều cuộc tấn công vào Mỹ. Tổng thống Joe Biden còn tuyên bố: “Chúng tôi không đến Afghanistan để xây dựng đất nước này. Đó là quyền và trách nhiệm của riêng người dân Afghanistan. Họ tự quyết định tương lai của họ và cách họ muốn điều hành quốc gia của mình”. Tuyên bố này của Tổng thống Joe Biden chứng tỏ sách lược sử dụng sức mạnh quân sự để “xúc tiến dân chủ” của Mỹ cũng bị phá sản.


Mỹ và Nato rút quân khỏi Afghanistan

Triển vọng hòa bình và ổn định mong manh ở Afghanistan

Ngày 29/02/2020, sau quá trình đàm phán lâu dài, Mỹ và Taliban đã ký Thỏa thuận hòa bình lịch sử tại Thủ đô Doha (Qatar), mở ra hy vọng kết thúc cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan kéo dài gần 20 năm. Bản thỏa thuận này gồm các cam kết từ cả hai phía. Về phía Taliban, họ cam kết chấm dứt quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố quốc tế khác; hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố; ngừng các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ và lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan; cùng với chính quyền Afghanistan và các lực lượng khác tiến hành đối thoại, thảo luận về phương thức cũng như thời gian ngừng bắn lâu dài và về tiến trình chính trị để hóa giải cuộc xung đột; phóng thích 1.000 tù nhân của chính quyền Kabul để đổi lấy việc chính quyền Afghanistan thả 5.000 tù nhân của Taliban.

Về phía Mỹ, sẽ giảm số lượng binh sĩ hiện diện ở Afghanistan từ 12.000 - 13.000 xuống còn 8.600 người trong vòng 135 ngày; đóng cửa 05 căn cứ quân sự ở Afghanistan; đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các thành viên Taliban trước tháng 5/2020; duy trì một lực lượng nhất định ở Afghanistan để tiến hành hoạt động tình báo; tiếp tục viện trợ và huấn luyện lực lượng an ninh của Afghanistan. Như vậy trong 20 năm, cùng với NATO sử dụng bộ máy quân sự mạnh nhất thế giới, Mỹ đã thất bại trong nỗ lực loại bỏ Taliban và buộc phải chấp nhận đàm phán với họ để ký Thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh. Mỹ cũng thất bại trong nỗ lực giành quyền kiểm soát Afghanistan để thực thi chiến lược Đại Trung Đông.

Sau khi Mỹ và NATO hoàn thành rút quân trước ngày 11/9/2021, triển vọng hòa bình và ổn định ra sao cho Afghanistan vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố bên ngoài, đó là liệu Mỹ và các đồng minh NATO có tiếp tục hỗ trợ kinh tế và an ninh để duy trì sự tồn tại của chính quyền Kabul hay không; sự hỗ trợ cho Afghanistan và vai trò hòa giải từ phía Nga, Trung Quốc, Iran, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước vùng Vịnh; sự lan tỏa của các tổ chức khủng bố tới Afghanistan. Trong số các yếu tố bên ngoài, đáng chú ý là số vũ khí mà Mỹ và các nước NATO để lại không mang theo khi rút quân, tổ chức khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và một số tổ chức khủng bố khác đang xây dựng căn cứ hoạt động mới ở Afghanistan để từ đó xâm nhập các nước láng giềng, chuẩn bị tiến hành các cuộc tiến công mới. Theo đề xuất của ông Z. Kabulov - đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Afghanistan và là cố vấn của Liên hợp quốc về vấn đề Afghanistan, Nga có thể đưa quân vào Afghanistan để chống khủng bố một khi nhận được đề nghị chính thức của chính quyền Kabul, tương tự như cách Nga đã hỗ trợ Syria chống khủng bố theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2015. Hơn ai hết, Nga nỗ lực thúc đẩy, hỗ trợ Afghanistan xây dựng một chính quyền mới hòa hợp dân tộc, phát triển ổn định trong hòa bình. Trung Quốc cũng muốn đưa Afghanistan vào thế phát triển ổn định để hiện thực hóa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ở Trung Á và Nam Á.

Yếu tố bên trong, có nhiều tác động tới triển vọng ổn định và hòa bình cho Afghanistan. Một là, sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 9/2019, nội bộ chính giới ở Afghanistan xảy ra bất đồng sâu sắc. Trong đó, ứng cử viên A. Ghani (hiện là đương kim Tổng thống) đại diện cho cộng đồng sắc tộc Pashtun và ứng cử viên đối lập A. Abdullah đại diện cho Liên minh phương Bắc và các sắc tộc thiểu số đều tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc bầu cử. Do đó, ông A. Abdullah tuyên bố tự thành lập một chính phủ khác và sẽ gia tăng ảnh hưởng ở Afghanistan, đồng thời phủ định tính hợp pháp của chính quyền Kabul hiện nay. Đây là yếu tố cản trở các cuộc đàm phán sắp tới giữa Taliban với chính quyền Kabul. Hai là, các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong thành phần Taliban không chấp nhận lệnh ngừng bắn theo thỏa thuận với Mỹ ngày 29/02/2020. Ba là, Taliban tuyên bố không chấp nhận hệ thống chính trị hiện nay ở Kabul và chủ trương xây dựng Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Bốn là, trong khi Mỹ muốn giữ lại một lực lượng nhất định làm nhiệm vụ chống khủng bố lâu dài tại Afghanistan thì Taliban kiên quyết phản đối và muốn Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng ra khỏi quốc gia này. Năm là, kể từ khi Mỹ và NATO hiện diện ở Afghanistan, quốc gia này trở thành nơi sản xuất và xuất khẩu ma túy lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Do đó, buôn lậu ma túy là nỗi ám ảnh khủng khiếp ở Afghanistan và các nước trong khu vực. Một động thái tích cực là ngày 08/7/2021, trong cuộc đàm phán được tổ chức tại Thủ đô Tehran (Iran), các phái đoàn của chính phủ Afghanistan và Taliban đã thống nhất quan điểm rằng, cần phải nỗ lực hành động để đạt được một giải pháp chính trị và hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Theo hướng đó, hai bên nhất trí tiếp tục đàm phán về một cơ chế cụ thể, nhằm đạt được hòa bình lâu dài và xây dựng nhà nước Hồi giáo. Tuy nhiên, Tổng thống Afghanistan A. Ghani khẳng định, quá trình chuyển tiếp chính trị tại quốc gia này hiện đang ở một trong những giai đoạn phức tạp nhất.

Những gì sẽ xảy ra với liên minh chính trị của A. Ghani trong thời gian tới là yếu tố quan trọng nhất quyết định tương lai của Afghanistan. Mức độ mà giới tinh hoa chính trị hiện đang liên kết hoặc ngầm ủng hộ chính phủ đương nhiệm hoặc liên kết lại với các khối chính trị khác (gồm cả Taliban) có thể là chỉ số quan trọng nhất cho thấy liệu chính phủ của Tổng thống A. Ghani tồn tại hay sụp đổ sau khi Mỹ và NATO rút quân.

Đại tá, TS. LƯU BÁCH ĐỊNH (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)
____________________

1 - Năm 2003 và 2011, Mỹ lần lượt phát động cuộc chiến tranh với khẩu hiệu “mang lại tự do” cho Iraq và lật đổ chính thể “đàn áp người dân” của nhà lãnh đạo M. Gaddafi ở Libya. Tuy nhiên, các cuộc chiến tranh đó chỉ đưa Iraq và Libya lâm vào tình trạng khủng hoảng đến nay chưa có lối thoát.

Tags:

Lưu ý: Khi để lại Nhận xét bạn nên click vào ô "Thông báo cho tôi" ở dưới để nhận phản hồi từ Admin

HRW VÀ VOA LU LOA, VU VẠ LÀM GIẢM UY TÍN LÃNH ĐẠO VIỆT NAM

  KTN - Lu loa, vu vạ, bôi nhọ lãnh đạo quốc gia là một trong nhiều trò của các thế lực thù địch, những kẻ mà đòi hỏi vô lối của cá nhân không được đáp ứng. Mới đây, nhân việc đồng chí Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, HRW và ...

“ĐÀI Á CHÂU TỰ DO VỚI NỖI LO BỊ KHÓA MIỆNG”

  Theo KTS – Trên trang của ĐÀI Á CHÂU TỰ DO đã đăng tải nhận xét về Nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng của Chính phủ. Chúng cho rằng người dân sắp mất cả tiền lẫn tự do về Nghị định này. Đây là nhận...

SỰ THẬT ĐẰNG SAU NHỮNG LỜI VU KHỐNG: VIỆT NAM TÁI ĐẮC CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

  KCTD – Vừa qua, Đài Châu Á Tự do (rfa) đã đăng tải bài viết: “Hồ sơ nhân quyền tồi tệ Việt Nam vẫn 2 lần đắc cử Hội đồng nhân quyền LHQ - Vì sao?”. Nội dung bài viết dùng luận điệu xuyên tạc về thực trạng nhân quyền của Việt Nam, nhận định Việt N...

THÔNG BÁO!

 CẢM ƠN QUÝ ĐỘC GIẢ ĐÃ LUÔN THEO SÁT VÀ ỦNG HỘ TRANG BLOG CỦA CHÚNG TÔI. HIỆN TẠI CHÚNG TÔI CÓ SỬ THÊM TRANG FANGAGE CÓ TIÊU ĐỀ: "SỨC MẠNH DÂN CHỦ". https://www.facebook.com/profile.php?id=61552735101306. RẤT MONG QUÝ BẠN ĐỌC CÓ THỂ QUAN T...

Sáng ngời phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ mới

  KCTD - Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam - một hành trình đầy hào hùng và kiên cường, bất khuất. Từ buổi bình minh dựng nước, giữ nước qua các triều đại cho đến thời đại Hồ Chí Minh, người lính luôn là trung tâm, h...

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI CỦA VIỆT TÂN VỀ CUỐN SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM

  KTS - Trên trang mạng Việt Tân ngày 04 tháng 02 năm 2025 đăng tải dòng típ để bôi nhọ, nói sai sự thật sau khi Bộ Công an giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chiều 3/2, tại trụ sở Bộ Công an, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ban T...

CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI CỦA VIỆT TÂN VỀ CUỐN SÁCH CỦA TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM

  KTS - Trên trang mạng Việt Tân ngày 04 tháng 02 năm 2025 đăng tải dòng típ để bôi nhọ, nói sai sự thật sau khi Bộ Công an giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chiều 3/2, tại trụ sở Bộ Công an, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ban T...
Floating Image X