(Tindautruongdanchu) - “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm” câu thành ngữ Việt Nam dùng để chỉ những kẻ giả dối, miệng thì nói từ bi, nhân nghĩa nhưng trong lòng thì nham hiểm, độc địa thật đúng với những gì “RFA - Đài Á Châu Tự Do” đã và đang thể hiện. Nhất là trong những ngày gần đây, khi mà cả nước tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ, kỷ niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh tại Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2022), chúng càng điên cuồng, lu loa, chống phá, hòng kích động, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị.
“RFA - Đài Á Châu Tự Do” cùng với một số trang mạng xã hội khác của các thế lực phản động, thù địch đã đăng nhiều tin, bài kèm theo cả video, bình luận rêu rao, mạo danh những “người yêu nước giả tạo” làm ra vẻ quan tâm đến việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam nhưng thực chất là dựng chuyện, đặt điều, bóp méo sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh kiên trung của Đảng.
Như chúng ta đã biết: Cách đây 34 năm, vào ngày 14/3/1988, 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 34 năm đã trôi qua, sự kiện các chiến sĩ Hải quân hy sinh anh dũng tại Gạc Ma đã đi vào lịch sử, góp thêm một minh chứng hùng hồn đầy đủ nhất, rõ nét nhất về phẩm chất những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con ưu tú của đất nước, trong số đó đa số tuổi đời còn rất trẻ, sẵn sàng xả thân, không lùi bước, quyết lấy máu mình, trái tim bỏng cháy của tuổi thanh xuân, để bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Qua lời kể của những đồng đội trực tiếp chứng kiến: Anh hùng liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy đã nói: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của người chiến sĩ Hải quân không chỉ thể hiện khí phách anh hùng mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các cán bộ chiến sĩ Hải quân đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tổ quốc cũng không bao giờ quên công ơn của các anh.
Năm 2017, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng tại phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây, nhất là vào những ngày tháng ba hằng năm, Khu tưởng niệm lại đón hàng nghìn người đến viếng thăm viếng, tri ân. Đến nay, Khu tưởng niệm đã đón hơn 2.350 đoàn với hơn 219.000 lượt người đến viếng, tri ân các anh. Nhiều đơn vị, đoàn thể, trường học đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử… tại khu tưởng niệm.
Chiều ngày 12/3/2022, Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã tới dâng hương, dâng hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ghi trong sổ lưu niệm tại khu tưởng niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính xúc động viết: Đây là những tấm gương đã anh dũng quên mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những tấm gương chói sáng ấy luôn là minh chứng của chủ nghĩa anh hùng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, nhiều năm qua, chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” đã vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình các liệt sỹ. Đến nay, tất cả thân nhân 64 liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma, những cựu chiến binh Gạc Ma đã được hỗ trợ thiết thực, từ việc giúp đỡ xây dựng nhà, xin việc làm cho con em liệt sĩ, đến việc thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn.
Tháng 5-2021, Phanbook và Nhà xuất bản Đà Nẵng đã xuất bản Cuốn sách “Trường Sa 1988 - Hồ sơ một sự kiện lịch sử” của nhà nghiên cứu Võ Hà. Cuốn sách dày hơn 500 trang, được chia thành 5 phần: Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép một bộ phận quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988; Căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1988; Dư luận thế giới về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa năm 1988; Vì Trường Sa thân yêu và Nơi tuyến đầu Trường Sa. Cuốn sách không những bổ sung thêm thông tin, tài liệu về sự kiện lịch sử này; làm rõ hơn các căn cứ lịch sử, cơ sở pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa tại thời điểm năm 1988, cuốn sách còn giúp độc giả trẻ ngày hôm nay tiếp cận lại những tư liệu, những quan điểm chính thống của Việt Nam cách đây hơn 30 năm về biển đảo. Đồng thời, sự kiện Gạc Ma năm 1988 cũng đã được ghi rất rõ trong các sách, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam và quốc tế.
Những luận điệu của “RFA - Đài Á Châu Tự Do” tiếp tục là sự phơi bày bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của các thế lực phản động, thù địch “miệng nam mô, bụng bồ dao găm” dựng chuyện, đặt điều, bóp méo sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam; bôi nhọ danh dự, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh kiên trung của Đảng.
Chúng ta càng đề cao cảnh giác với âm mưu thủ đoạn thâm
độc, xấu xa của các thế lực thù địch, lợi dụng các trang mạng xã hội, nhân các sự
kiện chính trị, xã hội để tuyên truyền chống phá. Đồng thời, tin tưởng tuyệt đối
vào sự lãnh đạo của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn
xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật
tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa;
phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy
cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống
phá của các thế lực thù địch phản động và cơ hội chính trị...” [1] như
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định.
Tây Phong
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn
kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nxb. CTQGST, 2021, tr.117
