Khoa CTĐ - Cách đây 45 năm,
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân Việt Nam không chỉ
chung sức đồng lòng đánh bại tập đoàn Pon Pol xâm lược biên giới nước ta (1975
- 1978) mà Quân đội Nhân dân Việt Nam còn tình nguyện sang giúp bạn lật đổ chế
độ diệt chủng, hồi sinh đất nước (1979 - 1989). Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa
của Quân tình nguyện Việt Nam đã trở thành biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách
mạng, tinh thần quốc tế trong sáng, thiêng liêng và được nhân dân Campuchia trìu
mến gọi là "Đội quân nhà Phật".
Nói đến Phật giáo là nói đến "Từ bi, hỷ xả", cứu khổ,
cứu nạn. Ở một đất nước tôn sùng Phật giáo, coi đạo Phật là quốc đạo, phải đối
mặt với hành động vô nhân tính của tập đoàn Pol Pot, nhân dân Campuchia chỉ còn
biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu khổ, cứu nạn. Bởi, tháng 4 - 1975, một chế độ diệt chủng Khmer Đỏ được dựng lên,
cả nước Campuchia biến thành "con số không": "Không tự do đi lại, không tự do hội họp, không tự do ngôn luận,
không tự do tín ngưỡng, không tự do học hành, không tự do hôn nhân, không tiêu
tiền, không buôn bán, không chùa chiền... và không có cả nước mắt để khóc trước cảnh đau thương của dân tộc.
Chỉ còn căm thù và uất hận"...
Chưa đầy 4 năm cầm quyền, chính quyền Khmer Đỏ do tập đoàn Pol Pot-Ieng
Sary đứng đầu, không chỉ giết hại hơn 3 triệu người Campuchia, tương đương
25% dân số lúc đó, biến đất nước Campuchia trở thành một nhà tù, một địa ngục
khổng lồ mà còn tàn sát người dân Việt Nam vô tội ở các tỉnh chung biên giới với
Campuchia. Trước tình hình đó, những người
lính Việt Nam vừa trở về từ cuộc kháng chiến vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc bảo
vệ Tổ quốc lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam và nghĩa
vụ quốc tế thiêng liêng theo tinh thần vừa tự vệ, vừa giúp bạn: "Giúp
bạn là tự giúp chính mình". "Bộ đội Cụ Hồ" đã chiến đấu vì chính
nghĩa và sẵn sàng hy sinh cho nước bạn hồi sinh!
Trước hành động man rợ của quân
Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước
Campuchia, ngày 23 - 12 - 1978, Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ
trang Campuchia đã mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên
giới. Ngày 26 - 12- 1978, toàn bộ hệ
thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt bị phá vỡ. Đến ngày 31 - 12 - 1978,
quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ
chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Ngày 2 - 1 - 1979, ba cụm
quân chủ lực của Pôn Pốt, mỗi cụm 5 sư đoàn, án ngữ các trục đường tiến về
Phnôm Pênh (đường 1, đường 7 và đường 2) cơ bản bị tiêu diệt và làm tan rã. Trên
tất cả các hướng về thủ đô, quân Pôn Pốt không cản được Quân tình nguyện Việt
Nam truy kích và tiến sát về Phnôm Pênh. Ngày 7 - 1 - 1979, sau 2 ngày tổng
công kích, thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng. Ngày 8 - 1 - 1979, Hội
đồng nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập ra tuyên bố: Xóa bỏ hoàn toàn
chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân
Campuchia. Việt Nam cùng nhiều nước đã công nhận Nhà nước Campuchia.
Ngày 7 - 1 - 1979
trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Campuchia:
"Chúng
tôi không thể nào quên được ngày 7 - 1 - 1979. Nếu như không có quân đội nhân
dân Việt Nam, mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia, quân đội nhân dân
Campuchia thì sẽ không thể nào thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot. Từ đó đến
nay, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững và
phát triển”. Nhân
dân Campuchia đã giành tình cảm đặc biệt cho "Bộ đội Cụ Hồ" - "Bộ
đội nhà Phật" - những người cùng chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ, kề
vai sát cánh với họ để khép lại một trang sử đen tối, đau thương nhất trong lịch
sử Campuchia, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, hòa
bình, tự do cho đất nước Chùa Tháp. Vì vậy, mỗi lần trở lại Campuchia để
thăm chiến trường xưa, những người lính tình nguyện Việt Nam đã không khỏi vui
mừng khi được chứng kiến cuộc sống hòa bình và những thay đổi to lớn trên đất
nước Angkor. Họ luôn tự hào đã đóng góp một phần nhỏ công sức vào sự hồi sinh
đó. “Chúng tôi cảm nhận rất rõ tình
cảm của nhân dân Campuchia dành cho các cựu Quân tình nguyện Việt Nam. Tôi cũng
nghẹn lòng khi nghĩ về những đồng đội thân yêu đã ngã xuống tại Campuchia. Máu
của người Việt Nam chúng ta đã giúp nở hoa trên đất nước chùa Tháp, vun đắp
tình hữu nghị giữa hai nước thêm bền chặt”.
Sau chiến thắng ngày 7 - 1 - 1979,
theo như kế hoạch ban đầu, bộ đội Việt Nam sẽ rút quân khỏi Campuchia ngay
trong năm 1979. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Campuchia chưa đủ sức chống lại
Pol Pot và cần thời gian để củng cố lực lượng cũng như khôi phục nền kinh tế
của mình. Nếu Việt Nam rút quân và Pol Pot quay trở lại được, thì sẽ càng nhiều
người Campuchia bị giết. “Chính phủ
Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi đã yêu cầu họ như thế. Sau đó
chúng tôi đồng ý, họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính
phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên”.
Đến tháng 6 - 1989,
theo thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước, Việt Nam rút hết quân tình nguyện
về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, thiêng liêng. Người dân
Campuchia đứng hai bên đường vẫy chào, chia tay quân tình nguyện Việt Nam về
nước - "Đội quân nhà Phật" đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi
thảm họa diệt chủng. Trên báo Pracheachon (Nhân
dân) của Campuchia đăng bài xã luận, số ra ngày 29 - 6 - 1989: "Trong những năm cực kỳ bi thảm dưới
chế độ diệt chủng Pol Pot trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh, kẻ
giàu, nhưng duy nhất chỉ có người bạn láng giềng nghèo Việt Nam đến cứu sống dân
tộc ta mà thôi".
Nhìn
lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta vui mừng nhận thấy, biết bao thăng trầm,
quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững
lâu dài” luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp
đang tiếp tục không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích
thiết thực cho nhân dân hai nước. Bộ đội Việt Nam cũng giúp Campuchia phục hồi
chùa chiền, khôi phục hoạt động của giới sư sãi. Vì vậy, bên cạnh bày tỏ lòng
biết ơn ân nhân cứu mạng, người dân Campuchia còn coi Bộ đội Việt Nam là “Đội
quân nhà Phật”. Năm 1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang thăm Campuchia, Quốc
vương Shihanouk ra tận chân cầu thang máy bay đón và thốt lên rằng: "Tôi xin chào ngài với tư cách một
người dẫn đầu đội quân nhà Phật sang cứu giúp đất nước Campuchia thoát khỏi nạn
diệt chủng, chỉ có Việt Nam mới làm được việc đó". Sau đó, vua sãi
Tep Vong đã đưa "Đội quân nhà Phật" vào kinh Phật của Campuchia.
Trong những lần gặp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Campuchia, vua sãi
Tep Vong đều nhắc lại câu "Đội quân nhà Phật" để tỏ lòng biết ơn Việt
Nam đã giúp đất nước chùa Tháp hồi sinh, nhân dân thoát khỏi hoạ diệt chủng chủng
ghê rợn nhất trong lịch sử loài người.
"Đội
quân nhà Phật" trở thành tài sản thiêng liêng tiếp tục được kế thừa và phát
huy lên tầm cao mới, gắn bó, thuỷ chung để hai Đảng, Nhà nước và hai dân tộc Việt
Nam - Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển, mang lại những lợi
ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định,
hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đúng như Thủ tướng Campuchia
Hun Sen đã phát biểu: "Nhân dân
Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu giúp được những phận người
khi gặp khó khăn khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn
biết chắp tay khẩn cầu tiên, Phật tới cứu thì Bộ đội tình nguyện Việt Nam xuất
hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật".
Lời phát biểu của Thủ tướng Campuchia cũng chính là "vũ khí" sắc bén
chống lại các quan điểm sai trái, thù địch đã và đang chống phá, chia rẽ tình đoàn
kết thuỷ chung, tinh thần kề vai sát cánh Việt Nam - Campuchia trong sự nghiệp
chống kẻ thù chung, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện
nay. Không bao giờ có chuyện Việt Nam đưa quân sang xâm lược Campu chia - Đó là
luận điệu sai trái! Mỗi người Việt Nam phải tỉnh táo, đề cao cảnh giác với những
âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, bản thân phải hiểu biết sâu
sắc về lịch sử, bảo vệ lẽ phải, chính nghĩa; bảo vệ tình đoàn kết keo sơn thuỷ
chung của hai nước, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, chung sức đồng lòng cùng
phát triển đất và, khu vực ngày càng phát triển, thịnh vượng.
PHẠM NHUNG – HOA KHANG
